Ngôi Đình cổ giữa đảo Quan Lạn

Đảo Quan Lạn thuộc vùng vịnh Bái Tử Long. Đây là tuyến đảo ngoài cùng của Vịnh Bắc Bộ. Toàn đảo có diện tích 11km2 bao gồm 8 thôn làng. Đảo Quan Lạn trải dài theo hướng Đông – Tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót với những ngọn núi cao phía Đông tạo nên bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ cho cư dân bên trong vùng vịnh. Trong lịch sử, Quan Lạn còn nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng giữa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philipin.... Ngay từ thế kỷ XI, nó đã là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập 1. Hiện trên đảo còn rất nhiều di tích liên quan đến thương cảng này, trong đó phải kể tới ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi giữa biển khơi mênh mông.

1. Vị trí và lịch sử xây dựng đình Quan Lạn

Đình Quan Lạn tọa lạc trên bến Đình – bến thuyền trung tâm xã đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách Cẩm Phả 35km. Đây là ngôi đình cổ trên một hòn đảo xa đất liền, song nó lại là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lê Anh Tông - người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn. Ngoài ra Đình còn thờ Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển. Các vị bô lão trong làng cho hay, hiện tại đình còn giữ 18 đạo sắc phong của các thời vua Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Bảo Đại ghi rõ công đức của các bậc tiên liệt.

Ngôi đình xây dựng lần đầu tiên vào Thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên bến Cái Làng, vốn là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Sau đó đình được di chuyển về thôn Nam. Tuy nhiên, theo dân làng vị trí tọa lạc như vậy chưa hợp phong thủy nên việc làm ăn của cả cộng đồng không tốt, các gia đình thường hay cãi cọ và xô xát, lục đục. Dưới Thời Nguyễn vào năm Thành Thái thứ 12 ngôi đình một lần nữa được di chuyển về xây dựng lại tại thôn Đoài như hiện nay và được đặt tên là đình Quan Lạn2. Vị trí tọa lạc của ngôi đình lúc này được xem là đắc địa: đình có hướng Tây, xoay mặt ra biển. Phía trước Đình có ba ngọn núi Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn làm bức bình phong tự nhiên và phía sau lưng là năm quả núi khác làm chỗ dựa vững chắc. Đây là thế đất đẹp “Tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” không mấy khi gặp trong xây dựng các công trình tín ngưỡng từ trước tới nay. Kể từ lần di chuyển cuối cùng này, dân làng làm ăn thuận buồm xuôi gió, bình an, mạnh khỏe, cuộc sống thuận hòa. Điều này cho thấy lịch sử xây dựng đình Quan Lạn – nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cộng đồng gắn bó rất mật thiết với  lịch sử  lâu đời của đảo Quan Lạn và sự biến đổi đời sống của cư dân trên xã đảo.

2. Đặc điểm kiến trúc, điêu khắc đình Quan Lạn

Nhìn vào tổng thể kiến trúc đình Quan Lạn, có thể nhận ra một “quá trình tiến triển và kết đọng giá trị” theo thời gian của kiến trúc đình làng nói chung. Giống như một số đình làng nổi tiếng thuộc thế kỷ XVI - XVII như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Tây cũ), đình Cổ Mễ (Bắc Ninh)... cho đến nay đình Quan Lạn vẫn giữ nguyên mặt bằng của thời khai dựng hình chữ nhật theo dạng tự chữ “Nhất”3, tức là giữa một không gian thoáng đãng chỉ có duy nhất một tòa đại đình bề thế, hoành tráng với bờ mái cong đầu đao “hiên ngang cùng tuế nguyệt”. Thêm vào đó dấu ấn của lần di chuyển thứ ba dưới Thời Nguyễn (thế kỷ XIX) là phần hậu cung xây nối thêm phía sau dạng ống muống, tạo nên kiến trúc kiểu chữ “Đinh”. Ba gian hậu cung này không có hệ thống cột kèo gỗ như kết cấu truyền thống nên dễ dàng tạo ra cảm giác chắp nối nhưng khi tháo bỏ đi vẫn không ảnh hưởng gì đến đại đình.

Mặt tiền đình, hệ thống trấn song thông thoáng được lắp mộng kết nối với phần ngưỡng và hàng cột hiên. Lối cấu trúc này không chỉ tạo ra không gian ánh sáng chan hòa ngay cả lúc hệ thống cửa được đóng lại mà còn là lối thông gió hiệu quả. Đối với ngôi đình tọa lạc trước biển như đình Quan Lạn thì đây là giải pháp kỹ thuật giúp cho Đình trụ vững trước phong ba bão táp. Bên trong đại đình còn dấu vết của hệ thống sàn gỗ chống ẩm thấp được cho là làm bổ sung vào khoảng thế kỷ XVIII. Nhưng do quá trình di chuyển và tác động của ngoại cảnh nay sàn gỗ không còn nữa. Dưới chân các hàng cột vẫn còn hệ thống mộng rất rõ.

Phần mái đình lợp bằng ngói liệt đã rêu phong cổ kính. Nhìn xa bộ mái đồ sộ, xòe rộng bốn phía làm giảm chiều cao của công trình nhưng không nặng nề mà rất duyên dáng, mềm mại. Những lớp ngói đều đặn chạy theo đường cong tuyệt mỹ của bốn đầu đao đình. Các đường bờ nóc và bờ dải được đắp cao thành đường gân vừa có tác dụng giữ cho ngói khỏi bị xô lệch và bị tốc khi gió bão vừa là chi tiết trang trí hóa giải những góc cạnh của mái đình. Quả thực, giữa biển trời xa xôi, mái đình Quan Lạn như một con thuyền bồng bềnh, nhẹ nhàng êm trôi trên sóng nước!

Để chống đỡ cho phần mái, hệ thống cột gỗ được dựng lên trên nền đất trống kê bằng đá tảng, đầu cột được giằng với nhau bằng những quá giang, những kẻ và xà ngang, xà dọc vững vàng, chắc chắn. Đây là lối kết cấu tài tình bởi từ những khối gỗ riêng lẻ, chỉ cần mộng mẹo như mộng chéo, mộng đuôi cá, mộng kép đã hãm chúng lại thành một khối thống nhất vừa khít, không sai một ly. Độ chắc chắn của công trình này đã được thử thách qua mấy trăm năm giông bão của biển cả. Điều thú vị hơn là, nếu muốn di chuyển công trình đến một vị trí khác chỉ cần tháo rời các chi tiết rồi đến nơi mới lại lắp đặt vào như cũ mà kiểu dáng không hề bị thay đổi. Vì vậy trong lịch sử, đình Quan Lạn đã ba lần di chuyển song kiểu dáng và những chi tiết kiến trúc vẫn được xem là bản sao hoàn hảo của ngày khởi dựng.

Một điều đặc biệt của kiến trúc đình Quan Lạn không thể không nói đến chính là chất liệu gỗ làm nên ngôi đình. Để chịu lực, công trình có tới 32 cột cái và 26 cột quân. Mỗi cột là một thân gỗ Mần Lái thẳng tắp, cột to nhất có chu vi lên đến 3,2 m. Hơn thế nữa, Mần Lái là một loại gỗ được mệnh danh là “siêu tứ thiết” ngàn năm cũng không bị rỗng “tiêu tâm” như gỗ lim. Có lẽ đây là ngôi đình duy nhất của Việt Nam sử dụng loại gỗ quý hiếm chỉ mọc trên các núi đá, áng đá treo leo, hiểm trở ngoài biển khơi. Với những cột gỗ này, đình Quan Lạn không chỉ xứng đáng được xếp vào nhóm các công trình gỗ truyền thống quy mô và đồ sộ của Việt Nam mà còn là công trình độc nhất vô nhị, một “báu vật quốc gia”.

Về điêu khắc thì đình Quan Lạn được xem là một công trình nghệ thuật công phu và sinh động. Với những khối gỗ lớn, nhỏ chồng xếp lên nhau một cách trật tự, người nghệ sĩ tạo hình tài ba thể hiện sự sáng tạo và sức công phá của những nhát đục. Bất cứ một chi tiết gỗ nào dù ngắn hay dài, thô ráp hay vô chi vô giác thì qua những đường chạm ngọt như vẽ, khi thì chạm lộng, khi thì chạm nổi tài tình4 cũng biến thành những con rồng kiêu hãnh uyển chuyển, những bông hoa, những áng mây đang lay động, di chuyển trước gió hay những gợn sóng đang dạt dào vỗ yên bờ bãi quê hương... Có những tác phẩm điêu khắc đem đến cho người xem cảm giác sửng sốt về mức độ trau chuốt, tỉ mỉ đó là họa tiết chín con rồng cuốn nhau trên các đòn bẩy hay các bức rồng chớp lửa, rồng cuộn trong mây, rồng trong cuốn thư trên xà ngang, gác mái, trên cửa võng hay kèo...

Tuy đề tài trang trí điêu khắc ở đình Quan Lạn không phong phú như các ngôi đình khác trên đất liền, song nó lại thể hiện được sự chuyển tiếp hoặc pha trộn phong cách giữa các giai đoạn lịch sử. Mặc dù ngôi đình xây dựng dưới Thời Hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng thể hiện cả dáng dấp con rồng thời Lý - Trần Nguyễn. Ví dụ như ngoài hình rồng Thời Lê mắt xếch còn có họa tiết rồng Thời Trần uốn nhiều khúc trong mây mềm mại hay rồng Thời Nguyễn có râu, bờm dài, nhe răng và móng sắc nhọn5. Chính vì vậy mỗi con rồng trong điêu khắc đình Quan Lạn mang một dáng vẻ khác nhau, không trùng lặp.

Bên cạnh các hình chạm rồng có mặt ở khắp mọi nơi, trong đình còn có hai họa tiết khác không có ở bất cứ ngôi đình nào đó là hình con ngài tằm và con bề bề vốn là một giống tôm phổ biến được khai thác, đánh bắt nhiều ở vùng biển này. Những hình ảnh hiếm hoi đó phản ánh rõ nguồn sống chủ yếu của cư dân nơi đây từng dựa vào nghề trồng dâu nuôi tằm và đánh bắt hải sản. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong số ít các ngôi đình ở miền Bắc thể hiện được nghề nghiệp của cộng đồng cư dân địa phương qua trang trí điêu khắc. Với những giá trị kiến trúc, điêu khắc đó đình Quan Lạn và một số di tích khác đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ ngày 14-7-1990.

3. Lễ hội đình Quan Lạn  

Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi diễn ra hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc với lễ hội đua thuyền từ ngày 10 đến 20 tháng 6 Âm lịch hàng năm. Lễ hội vừa là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của quân dân Nhà Trần và chiến thắng của vị tướng Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương Nhà Nguyên, vừa là ngày hội cầu mùa trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy của ngư dân vùng biển đảo.

Phần lễ nghinh thần diễn ra ngày 16-6. Dân làng kết kiệu, trống rong cờ mở rước bài vị của Tướng Trần Khánh Dư từ nghè về an vị tại đình làng để cúng tế.

Phần hội có tục đua thuyền. Dân làng chia làm hai đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, lập doanh trại riêng từ ngày 13-6 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua là loại thuyền đi biển của ngư dân có trọng tải 5 – 6 tấn, được hạ buồm và trang trí thêm đầu rồng. Trong lúc trên sân đình đang diễn ra các nghi thức tế lễ trang nghiêm, tôn kính thì dưới bến thuyền việc luyện tập của cả hai đội tưng bừng và náo nhiệt.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 18-6, khi nước triều lên sát bến Đình, hai đội thuyền bắt đầu làm lễ xuất phát. Lính thuyền bên Văn vận áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh. Lính thuyền bên Võ vận quần áo xám, chân quấn xà cạp đen. Với khí thế hừng hực xuất quân ra trận, chiêng trống nổi lên hùng hồn, cờ bay phần phật, hai vị tướng chỉ huy của hai đội thuyền vừa múa những đường đao điêu luyện đẹp mắt vừa chỉ huy cho thuyền vượt sóng. Hai đoàn thuyền phải gặp nhau ba lần trên bến Đình tượng trưng cho ba lần chiến thắng quân Nguyên. Tới lần thứ ba, hai đoàn thuyền mới tập kết trước bến, hai vị tướng chỉ huy bước lên bờ vào tế trình diện, khi quay ra mới phát lệnh cuộc đua chính thức bắt đầu trước sự chứng kiến của các bậc thánh thần và toàn bộ dân làng.

Hội đình Quan Lạn là sự tổng hòa của ngày hội kỷ niệm chiến thắng giặc ngoại xâm và ngày hội cầu mùa của cư dân ngư nghiệp vùng biển đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh. Đó thực sự là ngày hội làng biển hoành tráng thể hiện tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của người dân vùng biển đảo. Với những giá trị tinh thần đó, chính quyền và nhân dân huyện Vân Đồn đã lấy lễ hội này là lễ hội truyền thống cho toàn huyện.

Ngót năm thế kỷ trôi qua, với nhiều lần di chuyển song đình Quan Lạn vẫn giữ được những giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo và hiên ngang trụ vững trước sóng gió biển khơi. Điều đó cho thấy sức sáng tạo tuyệt vời và sự kỳ công bảo vệ di sản cha ông của cộng đồng dân cư vùng biển đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh. Cùng với các giá trị vật thể, đình Quan Lạn còn là nơi nuôi dưỡng các giá trị tinh thần cho mọi thế hệ như tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm bảo vệ biển đảo thân yêu, tinh thần lao động cần cù đánh bắt thủy sản làm giàu cho quê hương đất nước... Đình Quan Lạn không chỉ là trung tâm văn hóa làng xã mà còn là cột mốc văn hóa trường tồn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Top