Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Nhịp cầu nối những trái tim

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tự hào được nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, trong khu vực Thành cổ Thăng Long, nơi định đô của các vương triều Lý, Trần, Lê.

Cách đây 60 năm, ngày 17 tháng 7 năm 1956, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn khu vực Cột Cờ để xây dựng Bảo tàng Quân đội. Người nói: Ðây là nơi đắc địa hội đủ cả 3 yếu tố:

Thứ nhất, là gắn liền với Di tích lịch sử Cột Cờ, khẳng định truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là anh hùng, bất khuất, từ xưa tới nay; Thứ hai, là ở vị trí trung tâm của Thủ đô, gần các cơ quan Trung ương, cơ quan Bộ Quốc phòng; Thứ ba, là thuận tiện về giao thông cho khách đến tham quan.

Dưới chân Cột Cờ, khách có thể chiêm ngưỡng các sưu tập hiện vật khối lớn của các triều đại phong kiến đến các hiện vật khối lớn của thời đại Hồ Chí Minh. Những viên đạn đá và hàng loạt súng thần công các cỡ, chiếc Mic 21 với 14 ngôi sao đỏ chói ghi chiến công bắn rơi 14 máy bay địch. Những khẩu pháo cao xạ các cỡ từng lập công bảo vệ bầu trời Tổ quốc thân yêu. Những bệ phóng tên lửa từng hạ pháo đài bay B52. Bên cạnh đó là hàng trăm mảnh xác máy bay đủ kiểu loại của Mỹ, Pháp được xếp khéo léo thành hình chiếc máy bay địch cắm đầu lao xuống đất. Tấm ảnh cô dân quân kéo mảnh xác máy bay vừa chân thực vừa nghệ thuật. Khách tham quan rất thích khi được chụp tấm ảnh kỷ niệm bên những hiện vật lịch sử, biểu tượng của Việt Nam chiến thắng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tự hào được nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: internet

Ðã có gần 28 triệu lượt khách, trong đó có gần 3 triệu khách nước ngoài đến đây để thưởng ngoạn, học tập và nghiên cứu. Các gian phòng trưng bày tuy còn nhỏ bé, những thiết bị trưng bày còn kém hiện đại, nhưng cái cuốn hút họ chính là những hiện vật gốc được bày trang trọng theo từng chủ đề lịch sử. Những đoàn người bước đi khẽ khàng, gương mặt nghiêm trang. Họ chăm chú ngắm nhìn từng hiện vật, lắng nghe từng lời thuyết minh nhẹ nhàng mà sâu lắng của các hướng dẫn viên. Những hiện vật thật thân thuộc, giản dị như khẩu súng ngựa trời tự tạo, chiếc gậy tầm vông vạt nhọn, chiếc khăn rằn làm ám hiệu đấu tranh, bản quyết tâm thư viết bằng máu, lá thư vợ viết cho chồng nơi tiền tuyến … bỗng chốc sống động diệu kỳ, được kết nối thành hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam để giành và giữ độc lập tự do. Tổng thể hệ thống trưng bày có sức tái hiện mạnh mẽ “một thời chiến tranh, một thời hào hùng”.

Các bà mẹ Việt Nam anh hùng tuổi đã xế chiều, tóc bạc, lưng còng đến thăm Bảo tàng đã không cầm được nước mắt trước những kỷ vật thiêng liêng gắn bó máu thịt với đời mình. Có mẹ cứ ôm chặt bức tượng đồng “Người mẹ tiễn con tập kết ra Bắc”, mà kêu lên thảng thốt: “Con ơi hãy về với mẹ con ơi”. Các cháu học sinh đang tham quan túm vào an ủi mẹ: “Bà ơi bà đừng khóc nữa, chúng cháu thương bà lắm”. Mẹ nhìn các cháu học sinh khăn quàng đỏ, áo đồng phục đẹp đẽ, gạt nước mắt mỉm cười: “Các con của bà đã hy sinh hết rồi. Nhưng bà hiểu vì nhờ sự hy sinh đó mà đất nước ta đã hoà bình, thống nhất, để bà được ra thăm miền Bắc, được đến Bảo tàng.” Không ít nước mắt của khách lại rơi khi nghe bà tâm sự như vậy.

Ðã có gần 28 triệu lượt khách, trong đó có gần 3 triệu khách nước ngoài đến đây để thưởng ngoạn, học tập và nghiên cứu tại Bảo tàng. Ảnh: internet

Học sinh bao giờ cũng rất hiếu động, nhưng khi đến Bảo tàng các em bỗng chốc nghiêm trang, thành kính, chăm chỉ ghi chép những dòng chú thích để về làm bài văn tường thuật, bài thu hoạch về lịch sử. Nhưng khi được xem sa bàn diễn biến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, thì các em vỡ oà trong niềm hạnh phúc, hứng khởi reo hò khi quân ta toàn thắng. Em học sinh Kim Oanh, số nhà 101 đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), Hà Nội, xem bảo tàng xong đã ghi cảm tưởng “Sau buổi xem Viện Bảo tàng Quân đội, em càng hiểu thêm được truyền thống chiến đấu, chịu đựng gian khổ, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc của các anh bộ đội. Ðể đáp lại công ơn của các anh, của nhân dân, em quyết tâm học giỏi, lao động chăm để xứng đáng với công ơn to lớn của Bác Hồ, của quân đội. Lớn lên em nguyện nối tiếp con đường mà các anh đã đi”.

Ngay từ buổi đầu thành lập cho đến nay, Bảo tàng đã trở thành ngôi trường thứ hai cho sinh viên các học viện, nhà trường đến nghiên cứu, học tập. Lê Ðình Tạo (Sư đoàn 308) viết: “Thật phong phú, hoành tráng, oanh liệt biết bao. Trong học tập tôi còn trừu tượng, mơ hồ, khó hiểu, nhưng giờ đây đến tham quan Bảo tàng Quân đội đã chứng minh hùng hồn những bài tôi được nghe giảng”. Hoàng Văn Võ, Lớp CH-6B, học viên Học viện Quốc phòng ghi cảm tưởng: “Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã tận tình, chu đáo trong việc giúp đỡ, hướng dẫn chúng tôi tham quan Bảo tàng Quân đội. Các đồng chí đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý giá, làm sống lại trong chúng tôi khí thế hào hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại. Hệ thống số liệu, hình ảnh, mô hình, hiện vật rất phong phú, cô đọng, dễ gây ấn tượng đã giúp người xem rất nhiều”.

Nguyễn Bá Nhân (Sư đoàn 470 Binh đoàn 12) viết: “Là một quân nhân, tôi rất tự hào với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân đội của Ðảng, của Bác Hồ kính yêu, đã lập nhiều kỳ tích từ trước tới nay. Ðược xem những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, tôi rất xúc động và thấy rằng các hiện vật được bổ sung ngày một phong phú hơn, đẹp hơn”.

Ảnh: internet

Ðỗ Viết Thắng, thay mặt lớp B2 C8 K41,T38, Trường Trung học Cảnh sát nhân dân 1 viết cảm tưởng: “Tập thể gồm 63 đồng chí đi tham quan Bảo tàng cùng có một cảm tưởng được trở về quá khứ hào hùng của dân tộc ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, thấy hiện ra trước mặt lớp lớp cha anh sục sôi khí huyết yêu nước, căm thù giặc, đứng lên làm cuộc cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giải phóng dân tộc. Ðứng trước hào khí của điểm mốc lịch sử này, 63 đồng chí như một thấy phải học tập, rèn luyện phấn đấu hơn nữa , kế thừa sự nghiệp cha anh, học tập nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, ra sức xây dựng đất nước, giữ gìn bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. 63 đồng chí xin thề, xin thề, xin thề”.

Khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng đủ các quốc tịch. Có lần một cựu chiến binh Mỹ tới đây bằng xe lăn. Lối lên cầu thang không có đường dành cho xe đẩy. Hướng dẫn viên người bế khách trên tay, người bê xe đẩy lên tầng hai. Vị khách xúc động cứ ôm mặt khóc. Sau khi được cán bộ Bảo tàng động viên, an ủi, ông nói : “Tôi là cựu chiến binh Mỹ, đã từng tham chiến ở Việt Nam. Tôi rất sợ khi đến Bảo tàng chiến tranh này sẽ bị trả thù, vì những tội ác tôi đã gây ra. Thế mà tôi chẳng gặp sự kỳ thị nào, ngược lại được cán bộ Bảo tàng đối xử chân tình, giúp đỡ tôi thế này khiến tôi rất cảm động”. Có đoàn khách nước ngoài xem Bảo tàng xong đã cùng cất lên lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm yêu mến Việt Nam. Có vị khách chợt nhận ra mình trong đoàn biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam đã đứng bên cạnh tấm hình chụp ảnh kỷ niệm. Ê-vơ-rít A-vơ-ret (Everett Alvarez, Jr.) – một phi công Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc ngày 5-8-1964 đã trở lại Việt Nam ngày 20-3-1993 để làm bộ phim góp phần vào việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. Ông được Giám đốc Bảo tàng đón tiếp thân mật. Ông không quên xem lại chân dung cùng trang bị của mình đang được trưng bày ở Bảo tàng Quân đội. Chúng tôi đứng lặng nhìn ông. Ông lặng lẽ xem với bao suy tư thầm kín.

Khách nước ngoài cũng để lại vô vàn những dòng lưu bút. Họ coi “Bảo tàng Quân đội là trường đại học quân sự lớn nhất của thế giới”; “Bảo tàng này rất bổ ích cho thế hệ trẻ. Nó sẽ thúc đẩy thanh niên làm việc chăm chỉ để chiến đấu với sự nghèo đói và đạt được nhiều tiến bộ, sự thịnh vượng cho thế hệ trẻ cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam” (Ðoàn đại biểu Quốc hội In-đô-nê-xi-a, 6-5-1992).

Ảnh: internet

Giáo sư Chăn-dra-Tay-lo, Trường Ðại học Dược Utah thuộc bang Utah (Mỹ) viết: “Tôi là một giáo sư giảng dạy cho sinh viên về chiến tranh. Một điều rất quan trọng đối với sinh viên chúng tôi là học về lịch sử Việt Nam. Những hình ảnh từ bảo tàng rất tuyệt vời này của các bạn sẽ giúp họ hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam rõ hơn và trở thành bè bạn với Việt Nam.”

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 60 năm qua đã trở thành cây cầu nối các nền văn hoá lại với nhau để nhân dân thế giới hiểu nhau hơn cùng hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Ðến thăm Bảo tàng sẽ lý giải được tại sao dân tộc Việt Nam lại yêu hoà bình đến thế, lại có lòng nhân hậu, vị tha đến thế. Khó có thể kể hết những kỷ niệm của chúng tôi khi may mắn được là người giữ ngọn lửa truyền thống cháy mãi đến muôn đời và được truyền ngọn lửa ấm áp ấy đến tâm hồn, tình cảm của những ai yêu chuộng hoà bình, chống lại cuồng vọng của những kẻ đang toan tính mưu đồ xấu đối với dân tộc việt Nam anh hùng.

Thượng Tá - TS Đoàn Thị Lợi

Có thể bạn quan tâm

Top