Bảo tàng Hermitage
Hermitage thực sự là một bảo tàng độc đáo. Nơi đây phản ánh lịch sử và thành tựu nghệ thuật của gần như hầu hết các khu vực trên toàn thế giới. Bảo tàng đang tích cực phát triển mở mang, thành lập các chi nhánh tại Nga và ở nhiều nước khác. Bên cạnh đó, ở ngoại ô Saint Petersburg có tổ hợp phục chế - bảo tồn mang tên “Làng cổ” gắn với địa danh nơi đây. Sắp tới,. Bảo tàng sẽ bắt đầu xây dựng công trình có hình khối kính lập phương với chiều cao 60m, bên trong có rất nhiều không gian triển lãm và thư viện với hơn một triệu đầu sách. Kiến trúc sư nổi tiếng người Hà Lan Rem Koolhaas đã đề xuất việc tạo lập cơ sở hiện đại, kết nối các tòa nhà của quần thể tổ hợp Hermitage với khu mới bằng đường hành lang là các phòng tranh, với những bức tường bằng kính trong suốt. Dân Petersburg thường có thái độ thận trọng với những kiến trúc tân kỳ, nhất là khi gắn với những kiệt tác của các nghệ nhân bậc thầy vĩ đại thế kỷ XVIII-XIX.
Hermitage - bảo tàng khổng lồ nhất nước Nga và là một trong những bảo tàng lớn nhất của thế giới. (Ảnh: TL)
Tất cả kho tàng vô giá này được khởi đầu bằng bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của Nữ hoàng Ekaterina II, trị vì nước Nga vào thế kỷ XVIII, bà đã cho ngăn riêng một tòa cung điện để tạo không gian lưu giữ bộ sưu tập của bậc vương giả, được đặt tên là Hermitage, tiếng Pháp có nghĩa là “biệt điện hiu quạnh”. Từ đó mà thành tên của Bảo tàng ngày nay. Năm 1852, từ phần lớn bộ sưu tập khá lẻ tẻ, người ta đã tập hợp lại và mở cửa cho công chúng được vào thưởng thức Cung hoàng gia Hermitage.
Hiện nay, Bảo tàng sở hữu bộ sưu tập giàu có, gồm khoảng ba triệu tác phẩm nghệ thuật và di sản của văn hóa thế giới. Tranh vẽ, đồ họa, tượng điêu khắc, các sản phẩm nghệ thuật mỹ nghệ thực dụng, hiện vật phát kiến khảo cổ học và vật liệu sưu tập tiền. Trong số đó có không ít những kiệt tác thực sự mang tầm cỡ thế giới.
Du ngoạn theo các gian của “Hermitage”, du khách tưởng như lạc vào xứ sở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại, hoặc La Mã cổ đại. Tập hợp hội họa Tây Âu gồm sáng tác của các họa sĩ thế kỷ XVII-XX. Hermitage trưng bày tác phẩm của những bậc thầy nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Rafael, Giorgio, Tiziano... Bộ sưu tập tranh Tây Ban Nha của Hermitage có số lượng lớn nhất ở bên ngoài Tây Ban Nha. Một gian riêng trong Bảo tàng Hermitage được dành cho bậc thầy nổi tiếng vẽ chân dung là danh họa người Hà Lan Rembrandt. Trong số những tác phẩm của họa sĩ Hà Lan vĩ đại có bức tranh “Danae”, một trong những hiện vật giá trị nhất của Hermitage. Những viên ngọc châu của bộ sưu tập trong Bảo tàng Hermitage còn là họa phẩm của những bậc thầy chủ nghĩa ấn tượng Pháp như Monet, Renoir, Degas và nhiều tên tuổi lừng lẫy khác.
"Toàn bộ vẻ đẹp của thế giới tập trung trong một viện bảo tàng. Nơi đây cho phép tâm trí bạn du ngoạn đến mọi địa điểm và mọi thời đại mà bạn hằng ước mơ”. (Ảnh: TL)
Một phần quan trọng của Hermitage là bộ sưu tập tranh các anh hùng năm 1812. Tại đây giới thiệu 322 tấm chân dung của các tướng lĩnh người Nga đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc chống lại quân đội Napoléon. Những tấm chân dung này là thành quả lao động nghệ thuật của họa sĩ Anh nổi tiếng George Dawe và trợ lý của ông.
Trong Hermitage còn có những hiện vật, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang giá trị khoa học và kỹ thuật đặc biệt. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ “Chim công”. Đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo mà còn là điều kỳ diệu về kỹ thuật, thậm chí nếu xét theo tiêu chí hiện đại của thời nay. Khi đồng hồ được vặn dây cót, những chiếc chuông gắn bên trong bắt đầu gióng lên điểm thời gian, và đến thời khắc nào đó, con chim công trở nên sống động, ngẩng đầu nhìn quanh bằng đôi mắt ngọc long lanh và xòe rộng chiếc đuôi dài diễm lệ. Chiếc đồng hồ sản phẩm Anh quốc này do Nữ hoàng Ekaterina II tặng cho một trong những sủng thần của bà là Quận vương Potemkin-Tavrichesky. Tuy nhiên, bộ máy đồng hồ vi diệu đã không chịu nổi dằn xóc trong quá trình vận chuyển và bị hư hại. Quận vương đã giao phó cho người thợ Nga bậc thầy nghệ nhân Kulibin sửa chữa chiếc đồng hồ vô song. Trong quá trình sửa chữa Kulibin không những phục hồi mà còn hoàn thiện cơ cấu bên trong. 300 năm đã trôi qua, chiếc đồng hồ tuyệt vời vô song này chạy liên tục báo giờ chính xác. Đồng hồ được lên giây mỗi tuần một lần, vào ngày thứ Tư ngay sau chính Ngọ.
Hermitage trưng bày tác phẩm của những bậc thầy nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Rafael, Giorgio, Tiziano. (Ảnh: TL)
Ngày nay, khi tham quan Hermitage, du khách thường xếp thành hàng dài chờ đợi để được chiêm ngưỡng “Chim Công” tuyệt đẹp. Đôi khi, hàng người “xem công” kéo dài đến tận Cột Aleksandry - cây cột được dựng lên vào năm 1834 ở chính giữa Quảng trường Cung điện để vinh danh chiến thắng của quân đội Nga trước Napoléon. Đây là cây cột đá nguyên khối cao nhất thế giới. Chiều cao của cột Aleksandry là xấp xỉ 50m. Để dựng được cây cột theo chiều thẳng đứng trên địa bàn này, đã phải huy động sức lực của 2.000 binh sĩ và 400 công nhân. Điều đặc biệt là kỳ quan này vươn thẳng chót vót mà không hề có ốc vít neo giữ, cây cột đứng vững bởi trọng lực của chính nó là 600 tấn, và nhờ tính toán kỹ thuật tinh vi chuẩn xác.
Nhờ có bộ sưu tập phong phú những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc tuyệt diệu, Hermitage luôn giành thứ hạng cao nhất trong bảng xếp bậc uy tín du lịch. Năm nay, Viện Bảo tàng Hermitage nổi tiếng một lần nữa nhận danh hiệu Bảo tàng tốt nhất thế giới. Sự tôn vinh đó là theo phương án của nguồn tài nguyên du lịch trực tuyến uy tín TripAdvisor. Vị trí của các cơ sở trong bảng xếp hạng tùy thuộc vào sự đánh giá bầu chọn của hàng triệu người hâm mộ du lịch lữ hành từ khắp các nước trên thế giới. Bảo tàng Hermitage duy trì được qui chế sáng giá của mình, để lại đằng sau cả những viện bảo tàng lừng lẫy như Bảo tàng Louvre ở Paris, Bảo tàng Prado ở Madrid và Bảo tàng Metropolitan New York. Trong bảng xếp hạng uy tín “Lựa chọn của các lữ hành gia”, vị trí thứ nhất được dành cho Hermitage kèm theo lời ca ngợi: “Toàn bộ vẻ đẹp của thế giới tập trung trong một viện bảo tàng. Nơi đây cho phép tâm trí bạn du ngoạn đến mọi địa điểm và mọi thời đại mà bạn hằng ước mơ”. Cụm từ này phản ánh chính xác sự phong phú, giàu có của bảo tàng khổng lồ nhất nước Nga.
Bảo tàng có nhiều bộ sưu tập phong phú những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc tuyệt diệu. (Ảnh: TL)
Hiện tại, Hermitage - Saint Peterburg là một trong 5 bảo tàng khổng lồ của thế giới, nhưng không bằng lòng như hiện nay, bảo tàng này sẽ còn mở rộng hơn nữa để chuẩn bị tiến tới lễ hội Kỷ niệm 250 năm thành lập, và thực thi đề án phát triển dưới tiêu đề “Bolshoi Hermitage” (Đại Hermitage). Đề án được sự phê chuẩn của Chính phủ Nga và dự trù cho đến năm 2022. Đến năm 2014, Bảo tàng Hermitage sẽ trở thành địa điểm tiếp nhận Hội chợ-Triển lãm nghệ thuật châu Âu mang tên “Tuyên ngôn” và cũng sẽ khánh thành Viện Bảo tàng Nghệ thuật và Nhiếp ảnh đương đại.
Thu Hà