Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long - “Nơi thời gian ở lại"

Thanh Hóa một vùng đất thiêng, đang lưu giữ trong lòng một khối lượng khổng lồ những di sản văn hóa mà tiền nhân đã “tin cậy” trao cho hậu thế. Những danh lam, thắng cảnh không phải nơi nào cũng có, với hơn 1.500 di tích lịch sử, trong đó bao gồm Di sản Thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử quốc gia và Di tích lịch sử cấp tỉnh. Những làn điệu dân ca, dân vũ, những trò diễn xướng dân gian… trải qua hàng ngàn năm vẫn còn lay động lòng người xứ sở.

Theo đó: trong lòng xứ Thanh cũng hàm chứa một mật độ khá dày đặc về cổ vật hiện đang được lưu giữ trong khắp các vùng miền. Tuy nhiên, mỗi hiện vật nằm trong một bối cảnh, một điều kiện khác nhau nên công tác bảo tồn, giới thiệu cũng như sâu chuỗi sự liên kết về một thời kỳ lịch sử, về một nền văn hóa bản địa cũng như về các tiêu chí địa văn hóa gặp nhiều khó khăn.

 Nhận thức được điều đó có một người đã quyết tâm sưu tầm, bảo tồn, giới thiệu các hiện vật lịch sử (thường gọi là cổ vật) vào trong tư gia của mình và lập nên Bảo tàng tư nhân đầu tiên trên đất nước Việt Nam, đó là Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, ông là Hoàng Văn Thông - Giám đốc Bảo tàng.

Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long ở Thanh Hóa.

“Năm tháng đi qua, nhưng lịch sử còn ở lại”. Có thể gọi Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long là “Nơi thời gian ở lại”, bởi ở đó với hơn 16 nghìn hiện vật cổ đã có mặt trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi hiện vật nói lên một nét đặc thù riêng biệt của một giai đoạn lịch sử, một đặc tính riêng biệt trong sinh hoạt của cư dân. Mỗi nét hoa văn họa tiết của từng hiện vật dẫn ta về một  ngày tháng tự ngàn xưa.

Để có được một khối lượng hiện vật khổng lồ như vậy, chưa kể đến nguồn kinh phí bỏ ra, mới chỉ tính công phát hiện, sưu tầm, lưu giữ đã khó mà hình dung được. Nếu không có cái tâm hướng về nguồn cội chắc hẳn không thể kham nổi việc này. Cũng cần bàn thêm về “cái duyên” đến với “Nghiệp Bảo tàng” của ông Hoàng Văn Thông. Từ hàng chục năm nay, bất kỳ nghe ở đâu, gần hay xa có những cổ vật, ông  đều tức tốc lên đường, bạn bè anh em thấu hiểu lòng đam mê của ông, nên khi có thông tin về cổ vật, đều nhanh chóng “A lô”! Do vậy, ông có rất nhiều thông tin để truy tìm cổ vật.

Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 2326/QĐ-UBND cho phép thành lập Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long. Bảo tàng được xây dựng tại 2 cơ sở. Cơ sở 1 đặt tại 40 Phố Đội Cung- phường Đông Thọ, cơ sở 2 đặt trên một khu đất đẹp mặt tiền đường Nguyễn Duy Hiệu- phường Đông Hương - thành phố Thanh Hóa. Với tư duy nghệ thuật, với bàn tay khéo léo của ông Hoàng Văn Thông, khung cảnh mà Bảo tàng Hoàng Long tọa lạc thật nên thơ và hữu tình như một bức tranh thủy mặc, với núi non, sông, hồ, nhịp cầu cong nối đôi bờ gắn bó…

Với 3 tầng nhà khang trang hoành tráng, Bảo tàng đủ sức để trưng bày khối lượng hiện vật khổng lồ. Hơn 16 nghìn hiện vật được chia làm nhiều nhóm trưng bầy với nhiều bộ sưu tập. Có thể nghiên cứu Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long theo nhiều chủ đề khác nhau: Chủ đề thời gian, chủ đề bộ sưu tập, chủ đề chất liệu cổ vật. Song dù nghiên cứu theo chủ đề nào thì sau khi đến với Hoàng Long, chúng ta đều thỏa mãn với việc “Phủi bụi thời gian gọi quá khứ trở về”, qua đó mà thêm yêu cội nguồn dân tộc, yêu truyền thống ông cha qua từng nét sinh hoạt trong cuộc sống, trong đấu tranh chiến thắng kẻ thù bảo vệ xã tắc, giang sơn; từ đó quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Bộ sưu tập trống đồng ở Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long.

Hơn 16.000 hiện vật được chia làm 17 bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng, Trống đồng, gương đồng, binh khí đồng…, bộ sưu tập đồ gốm, sứ nổi bật là đồ sứ men ngọc, men cê ra đông, bộ sưu tập đồ Ngà, bộ sưu tập đất nung, bộ sưu tầm tem thư, bộ sưu tập huân, huy chương, bộ sưu tập sách cổ, bộ sưu tập đồ gỗ, bộ sưu tập Sắc phong, kể cả bộ sưu tập những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt của nông dân Việt cổ… Tất cả hợp lại tạo nên “Cái hồn cốt của Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nhân dân và du khách tìm hiểu sâu thêm về nguồn cội cha ông trong suốt chiều dài quốc sử.

Song song với việc sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu hiện vật cổ, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long còn chủ trương lập một số kỷ lục về  đúc mới các hiện vật bằng đồng theo phương pháp thủ công truyền thống: Năm 2009 xác lập kỷ lục đúc Trống đồng  và kỷ lục đúc Thạp đồng đúc mới theo phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam.

Hàng năm, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long đã đón hơn 200.000 lượt khách đến tham quan nghiên cứu trong đó có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các “sử gia”  , có khá nhiều du khách nước ngoài và rất đông các cháu học sinh, sinh viên đến tham quan học tập. Cuốn sổ vàng của Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long ghi lưu bút của nhiều khách tham quan với cảm tưởng dâng trào khi được trở về với nguồn cội cha ông.

Vào lúc này, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long - ông Hoàng Văn Thông vẫn đang say xưa với cái “ duyên cổ vật”, hàng ngày, ông vẫn dõi theo các thông tin về việc cổ vật xuất hiện trên khắp mọi miền đất nước; có thông tin là ông lập tức lên đường. Nhờ vậy, cùng với nhịp thời gian, cổ vật vẫn hàng ngày theo Ông về hội tụ tại Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, để các bộ sưu tập ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần khẳng định, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long xứng đáng là Bảo tàng ngoài công lập đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

Ngày xuân bàn về di sản văn hóa, âu cũng là một cách để bảo tồn và phát huy truyền thống ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng bảo tàng là một trong những phương pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa một các hiệu quả nhất, bởi vì đến với bảo tàng, chúng ta vừa cảm nhận bằng trực quan vừa được nghe giới thiệu về lý thuyết, trên cơ sở  đó việc tiếp thu cội nguồn truyền thống ông cha được diễn ra hết sức khoa học.

Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long luôn mở rộng cửa đón mọi người tìm về nguồn cội, ở đó “Thời gian không bao giờ trôi đi, mặc dù năm tháng vẫn tuần hoàn trong vòng quay vũ trụ”.

Top