Vài nét về dân tộc Kháng
Người Kháng còn có tên gọi khác, đó là Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Tuy nhiên, tên gọi chính thức của nhà nước ta đối với cộng đồng này là dân tộc Kháng – một trong 54 dân tộc của Việt Nam.
Người Kháng nói tiếng Kháng, là ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Khơ Mú, của ngữ tộc Môn-Khmer. Ngôn ngữ của họ khá giống với tiếng Xinh Mun, hay còn gọi là tiếng Puộc.
Ở nước ta, người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Theo tổng điều tra dân số năm 1999, người Kháng có 10.272 người. Mười năm sau, 2009, lên tới 13.840 người. Tỷ lệ tăng như thế là vừa phải trong chủ trương kế hoạch hóa gia đình của nước ta. Nói Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là địa bàn cư trú gốc của người Kháng, còn ngày nay, họ đã phân bố ở 25 tỉnh và thành phố do nhu cầu đời sống riêng tư, công việc làm ăn và công tác được phân công. Người Kháng còn cư trú ở bên Lào, các tỉnh sát biên giới, gần cận với các địa bàn gốc của họ tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Tại đây, họ cũng được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Phong-Kniang, Pong 3, Khaniang, Keniang, Lao Phong, với dân số khảong 1.000 người.
Trang phục của thiếu nữ dân tộc Kháng.
Kinh tế chủ yếu của người Kháng là làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt. Đây là phương thức làm nông nghiệp nương rẫy cổ xưa nhất có từ thời văn hóa Đông Sơn mà những dấu ấn của tục thờ thần Mặt trời, quan niệm về vũ trụ thông qua các bước chuyển động của người nông dân khi chọc lỗ tra hạt từ các nương rẫy đã toát lộ quan niệm ấy – điều mà tôi đã giới thiệu về người Mãng Ư, có lối canh tác tương đồng, cũng trong tạp chí này cách đây không lâu. Ngoài lối canh tác ấy, người Kháng còn làm ruộng nước theo phương thức cày bừa, gieo cấy trên các thửa ruộng bậc thang hẹp, nhưng không phổ biến. Người Kháng cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm (gà, lợn, trâu) và họ cũng làm đồ đan lát (ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi), làm mộc (thuyền độc mộc kiểu đuôi én) được người Thái ưa dùng. Đó là những công việc nông nhàn, phục vụ cho đời sống tự túc, tự cấp trong các bản làng của họ. Nếu có chăng, không phải là tự túc, tự cấp thì thương mại của họ cũng là hàng đổi hàng. Họ trồng bông rồi đem bông đổi lấy vải và đồ dệt của người Thái – một dân tộc cư trú liền kề, có truyền thống về dệt thổ cẩm và làm chăn đệm bông (Phà Thái). Họ cũng đổi thuyền đuôi én cho người Thái để lấy những nông thổ sản của dân tộc này phục vụ cho đời sống thường nhật.
Ma chay của người Kháng cũng giống như nhiều dân tộc khác ở miền núi phía Tây Bắc nước ta, được biểu hiện rất rõ qua phong tục chôn cất. Người chết được chôn cất chu đáo, có nấm mộ và giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa… Phía đầu mộ chôn cột cao 4 -5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ, có treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết.
Người Kháng có quan niệm mỗi con người có 5 hồn, hồn chính trên đầu và 4 hồn kia ở tứ chi. Khi chết, mỗi người biến thành “ma ngắt”, ngụ ở 5 nơi. Hồn chủ thành ma ở nhà, chỗ thờ tổ tiên là “ma ngắt nhá”, hồn tay phải trên thiên đàng là “ma ngắt kỷ”, hồn tay trái ở gốc cây làm quan tài là “ma ngắt hóm”, hồn chân phải ở nhà mồ là “ma ngắt môn”, hồn chân trái lên trời thành ma trời là “ma ngắt xừ rè”.
Nhà ở của người Kháng ở Sơn La.
Quan niệm này của người Kháng xuất phát từ một tín ngưỡng rất xa xưa của nhiều dân tộc cư trú ở miền núi Đông Dương. Việc làm nhà mồ, chăm sóc người chết, giữ và bỏ mả, trồng cột gỗ (hoặc đá) tưởng niệm, hồn và vía ở đầu và tứ chi… là một chuỗi quan niệm của cư dân cổ xưa vùng núi bán đảo Đông Dương và xa hơn nữa. Quan niệm này có liên quan tới tín ngưỡng cự thạch (đá lớn) và tàn dư của tín ngưỡng ấy còn thấy ở nhiều dân tộc, trong đó, người Mường là đậm đặc hơn cả. Trên các hòn mồ bằng đá được trồng quanh các huyệt mộ ở các khu mộ ở nghĩa địa dòng họ quan lang Mường Hòa Bình, người ta còn thấy nhiều minh văn, bằng chữ Hán, trên đó nói rõ thân phận chủ nhân mộ, ngày tháng sinh và mất…, có niên đại cuối thế kỷ 17.
Hiện tượng ấy giống như bia mộ của người Kinh, nhưng từ trong sâu thẳm của tư duy tín ngưỡng Mường, những cột đá ấy là nơi trú ngụ của linh hồn. Và đá là nơi cư trú của linh hồn là một trong những tiêu chí tạo nên phức hợp của tín ngưỡng cự thạch. Thế nhưng tín ngưỡng thờ đá là khá phổ biến, trong đó có ở người Việt, song, việc dựng cột đá để tưởng niệm lại được nhiều người cho là của dân tộc Thái – những nhóm cư dân sống liền kề với người Mường, Kháng. Tiếp biến văn hóa từ người Thái (dựng cự thạch) và với người Kinh (làm bia mộ), cùng với sự tiếp nối truyền thống thờ đá của người Việt cổ, đã tạo nên bản sắc tang ma Mường. Bản sắc ấy na ná với người Kháng qua những miêu tả trực quan và điều tra hồi cố nêu trên.
Độc đáo Lễ mừng cơm mới của dân tộc Kháng.
Xin trở lại với văn hóa vật thể của người Kháng qua ngôi nhà sàn của họ. Nhà người Kháng có 3 gian, 2 chái. Mái nhà sàn của người Kháng cũng tương tự như của người Mường, Thái Đen, có hình mu rùa, với 2 cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở 2 vách bên. Mỗi nhà có hai bếp lửa – một để nấu ăn hàng ngày và một để nấu đồ cúng tế khi bố mẹ, ông bà mất.
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, ngày nay, trong đời sống vật chất và tinh thần của người Kháng, kể từ hôn nhân, cưới xin, ma chay, ăn mặc và nhà ở của người Kháng, đã có nhiều đổi thay với những đan xen và tiếp biến văn hóa với nhiều dân tộc khác. Đặc biệt với thời đại của truyền thông, giao thông đi lại thuận tiện hơn, sự đan xen, tiếp biến ấy còn đi xa hơn giới hạn vùng, tới cả đất nước và trên thế giới, do vậy, những nét văn hóa truyền thống văn hóa của người Kháng nói riêng và của nhiều dân tộc khác nói chung cũng đã bị phôi pha rất nhiều. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và cũng vô cùng khó khăn để giữ gìn. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, hòa nhập mà không hòa tan, tiếp thu mà vẫn giữ gìn bản sắc, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở. Quan điểm văn hóa ấy đã được chứng nghiệm trong thời kỳ đất nước mở cửa như hiện nay.
TS Phạm Quốc Quân