Bảo tàng Chứng tích chiến tranh góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã và đang góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Bảo tàng luôn tìm kiếm và đổi mới các hình thức cũng đã và đang giới thiệu đến khách quốc tế, đến thế hệ trẻ giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam.
I/ Hoạt động của Chi hội Di sản văn hóa Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Hội Di sản văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tập hợp các tổ chức, cá nhân tại TP.HCM hoạt động nghề nghiệp hoặc có tâm huyết với di sản văn hóa. Mục đích của Hội là góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở TP.HCM, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 01-11-2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã có Quyết định số 4886/QĐ-UBND thành lập Hội Di sản Văn hóa TP.HCM. Hội Di sản Văn hóa Thành phố Đại hội lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 18 tháng 12 năm 2010, đã thông qua Điều lệ Hội, đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên (2010 - 2015), bầu Ban Chấp hành Hội.
Đại hội Hội lần thứ II của Hội được tổ chức vào ngày 22-11-2015 nhằm thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2010 - 2015) và Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II (2015 - 2020). Các đại biểu đã đóng góp và thảo luận dự thảo Điều lệ Hội trong không khí sôi nổi và nhiệt huyết.
Từ năm 2014 đến nay, Trụ sở Hội Di sản Văn hóa TP.HCM được đặt tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Chi hội Bảo tàng chứng tích chiến tranh trực thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, được thành lập ngày 01-09-2011. Hiện tại, Chi hội có 20 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, Chi hội đã phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa TP.HCM và các chi hội bạn tổ chức nhiều hoạt động góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa: Triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”; giao lưu “Tình yêu trong chiến tranh qua bài bản đờn ca tài tử”; biểu diễn nghệ thuật nhạc gõ dân tộc với chủ đề “Xuân thanh bình”…
Ngoài ra, Chi hội còn tham gia nhiều hoạt động do Hội Di sản Văn hóa TP.HCM tổ chức: kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa 23-11 hằng năm, Cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Xuân Di sản Văn hóa 2016…
Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tháng 11-2013.
II/ Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị
1. Một điểm đến hấp dẫn
Di sản vǎn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Bảng thống kê khách tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh 2010 – 2015:
Năm |
Khách Việt Nam |
Khách quốc tế |
Khách tham quan triển lãm lưu động |
Tổng số
|
2010 |
156.665 |
411.738 |
40.000 |
608.403 |
2011 |
207.039 |
453.477 |
149.000 |
809.516 |
2012 |
216.008 |
491.477 |
239.465 |
946.577 |
2013 |
176.106 |
537.436 |
223.405 |
936.947 |
2014 |
190.095 |
532.491 |
270.000 |
992.586 |
2015 |
219.275 |
718.320 |
342.009 |
1.278.792 |
Với số lượng khách tham quan đông đảo như vậy, Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu với du khách quốc tế và nhân dân Việt Nam về giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam
2. Bảo tồn và phát huy di sản áo dài
2.1. Sưu tầm, triển lãm:
Nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), 83 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2013) và 55 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1958 - 20/11/2013), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp với Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, Công ty Sĩ Hoàng thực hiện Triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”. Triển lãm giúp khách tham quan có dịp hiểu biết về lịch sử chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam; góp phần tôn vinh những phẩm hạnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã gắn liền với hình ảnh đẹp đẽ ấy; gửi đến đến công chúng thông điệp “Hãy cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam”.
Để ra mắt triển lãm này, công tác sưu tầm những chứng tích chiến tranh phi vật thể được chú trọng, song song với việc sưu tầm những chứng tích chiến tranh vật thể gắn liền với chiếc áo dài. Tư liệu sưu tầm gồm những câu chuyện kể của các nhân chứng, các nữ tù đã sử dụng chiếc áo dài trong thời gian chiến tranh; phim tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan. Đối tượng sưu tầm là những người phụ nữ đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) trên các mặt trận: đấu tranh chính trị, mặt trận ngoại giao, các nữ biệt động Sài Gòn, những người phụ nữ âm thầm ủng hộ chồng con tham gia cách mạng... Đối tượng sưu tầm còn là những nữ sinh ở các trường trung học, đại học (thời kỳ 1954 - 1975) đã tham gia phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh chống Mỹ cứu nước với những hoạt động công khai như biểu tình, tuyệt thực, biểu diễn văn nghệ, làm công tác xã hội…và cả những hoạt động bí mật như vận chuyển vũ khí, tiếp xúc với những nhà trí thức có cảm tình với cách mạng, rải truyền đơn…
Với hơn 120 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, triển lãm đã giúp người xem hiểu biết thêm về lịch sử chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, áo dài cũng đã gắn liền với người phụ nữ trong các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt cùng với phụ nữ Việt Nam đi qua cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc… Triển lãm đã thu hút được hơn 60.000 lượt khách tham quan chỉ trong không đầy 1 tháng (từ 22-11 đến 17-12-2013).
2.2. Giao lưu
Nhằm phát huy hiệu quả Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, Bảo tàng đã tổ chức những buổi giao lưu giữa các nhân chứng chiến tranh đã từng mặc áo dài tham gia vào công cuộc kháng chiến trên nhiều mặt trận khác nhau với các đối tượng trẻ là sinh viên, học sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trong TP. Hồ Chí Minh.
Trong suốt thời gian mở cửa, Bảo tàng đã tổ chức 3 buổi giao lưu kể chuyện, ca hát với các chủ đề:
- “Áo dài trong phong trào đấu tranh vũ trang” (ngày 30-11-2013).
- “Áo dài trong phong trào đấu tranh chính trị ờ Sài Gòn - Gia Định” (ngày 07-12-2013).
- “Áo dài Việt Nam - xưa và nay” (ngày 14-12-2013).
Các buổi giao lưu đã nhận được sự tham gia tích cực của các nhân chứng trong phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, tình báo, của Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và 300 sinh viên các trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM.
Giao lưu “Tình yêu trong chiến tranh qua bài bản đờn ca tài tử” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đêm 14-02-2014.
2.3. Triển lãm lưu động
Ngoài triển lãm tại Bảo tàng, đơn vị đã đưa Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” đến phục vụ Ngày hội Áo dài tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, người dân ở vùng sâu, vùng xa như huyện Củ Chi (TP.HCM), huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhân dịp kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910 - 08/03/2014), Lễ hội Áo dài thành Phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2014, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức Triển lãm chuyên đề “Áo dài Phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” từ ngày 08/03 - 09/03/2014 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, thu hút 20.000 lượt khách tham quan. Với hơn 100 hình ảnh tư liệu, triển lãm giúp khách tham quan có dịp hiểu biết về lịch sử chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục công chúng nhất là thế hệ trẻ về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam yêu nước, kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Tại khuôn viên triển lãm, ngày 08-03-2014 đã diễn ra chương trình giao lưu giữa những nữ nhân chứng chiến tranh liên quan đến chiếc áo dài với công chúng. Khách tham quan đã được nghe những nhân chứng là cựu sinh viên Văn khoa, Gia Long hay những cựu tù chính trị Côn Đảo nói về những ngày tháng khoác trên mình chiếc áo dài, đấu tranh gian khổ, trực diện trong cuộc kháng chiến chống xâm lược…
Ngoài ra, Bảo tàng đã đem Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” đến phục vụ nhân dân tại huyện Củ Chi - TP.HCM (từ ngày 22/04 - 10/06/2014, thu hút 2000 lượt khách tham quan); huyện Côn Đảo - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (từ ngày 08/01 - 11/08/2015).
2.4. Tổ chức chương trình giao lưu “Áo dài và Saree - Thắm tình hữu nghị”
Ngày 16-10-2015, Bảo tàng đã phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu “Áo dài và Saree - Thắm tình hữu nghị” nhằm phát huy giá trị Triển lãm chuyên đề “Việt Nam - Ấn Độ - Vì hoà bình và phát triển”. Trong chương trình, bà Smita Pant - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM - giới thiệu về Saree - trang phục truyền thống Ấn Độ; bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá TP.HCM và bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc điều hành Bảo tàng Áo dài - giới thiệu về Áo dài - trang phục truyền thống Việt Nam. Sau đó là phần biểu diễn trang phục Áo dài và Saree và phần giao lưu văn nghệ sôi nổi của các ca sĩ, nghệ sĩ…
Chương trình đã đón tiếp Phu nhân Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Ủy ban hòa bình tại TP.HCM, Câu lạc bộ Cán bộ nữ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương và nhóm người mẫu đến từ Bảo tàng Áo Dài, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM và hàng trăm khách tham quan tại Bảo tàng.
Những tiết mục văn nghệ và biểu diễn thời trang Áo dài Việt Nam - Saree Ấn Độ đặc sắc đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa hai dân tộc và qua đó cùng trao đổi, chia sẻ để hiểu hơn về nguồn gốc, lịch sử, vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam và trang phục Saree truyền thống Ấn Độ. Từ đó chuyển tải thông điệp đến cho thế hệ trẻ ngày nay sẽ cùng nhau chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của hai nước.
3. Bảo tồn và phát huy di sản Đờn ca Tài tử
Nhân kỷ niệm 83 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2013) và kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), ngày 17-10-2013 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp với Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu với Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Chủ đề cuộc giao lưu nói về “Tình yêu trong chiến tranh” qua các bài hát Đờn ca Tài tử. Trong buổi giao lưu, các nghệ nhân đã trình bày những bài hát ca ngợi tình yêu đất nước, con người và tình yêu đôi lứa… Bảo tàng đã ghi lại những hình ảnh, tác phẩm, câu chuyện kể của các nghệ nhân là những người đã từng tham gia sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
Đêm 14-02-2014, Bảo tàng đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa TP.HCM tổ chức buổi giao lưu “Tình yêu trong chiến tranh qua bài bản đờn ca tài tử” đúng vào dịp Lễ Tình nhân và Rằm Nguyên tiêu năm Giáp Ngọ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Buổi giao lưu là cuộc hội ngộ giữa Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - đại diện cho địa phương là cái nôi của Đờn ca Tài tử với Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc thuộc Hội Di sản Văn hóa - đại diện cho lực lượng đờn ca tài tử đô thị của thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình thu hút đông đảo người dân yêu thích nghệ thuật Đờn ca Tài tử, nhất là nhiều bạn trẻ tham dự. Các ca khúc của các nghệ sĩ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM đã đem đến cho khán giả nhiều tiết mục vọng cổ đặc sắc như: “Chợ mới” (tác giả Trọng Nguyễn), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (tác giả Nguyễn Việt Cường), “Thương yêu nhiều qua lá thư xuân” (tác giả Ngô Hồng Khanh), “Tiếng hát và tình yêu” (tác giả Ngọc Mai)… Các tiết mục thể hiện tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, yêu đồng đội, dù phải đi qua khói lửa chiến tranh mà vẫn cao đẹp, trong sáng, mãnh liệt. Đặc biệt, sau mỗi tiết mục, khán giả được nghe những câu chuyện kể cảm động về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm gắn với nghệ thuật đờn ca tài tử.
Trong chương trình còn có sự tham gia của sinh viên các trường đại học, các cô chú cựu tù chính trị Côn Đảo. Buổi giao lưu này đã vun đắp thêm cho giới trẻ lòng tự hào dân tộc, ý thức xây dựng tình yêu lứa đôi chân chính gắn liền với tình yêu cao đẹp đối với quê hương, góp phần gìn giữ những di sản văn hóa, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca Tài tử Nam Bộ vừa mới được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại (tháng 12-2013).
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích (23/11/1945 - 23/11/2015), chào mừng thành công Đại hội Hội Di sản Văn hóa TP.HCM lần thứ III, Chi hội Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp với Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử “Di sản Phương Nam” tổ chức buổi giao lưu Đờn ca Tài tử chủ đề “Non sông thanh bình”. Qua một số bản Đờn ca Tài tử, Bảo tàng mong muốn giới thiệu với khách tham quan về những loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, giúp người xem bổ sung kiến thức về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Chương trình diễn ra ngày 23-11-2015 với sự tham gia của các chi hội thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM và sinh viên của hai trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Buổi giao lưu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Biểu diễn võ cổ truyền “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ngày 24-02-2015.
4. Phát huy giá trị các di sản văn hóa khác
4.1 “Ẩm thực thời kháng chiến”
Buổi giao lưu “Ẩm thực thời kháng chiến” đã được tổ chức ngày 07-06-2011 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nhằm giới thiệu với lớp trẻ Việt Nam và khách quốc tế về những câu chuyện gắn liền với các món ăn trong chiến tranh của nhân dân Nam Bộ như: cơm nắm, bánh tét, cá lóc nướng trui, món ăn trong lao tù…
Thông qua chương trình, khách tham quan có thể hiểu cách chế biến, có thể nếm thử những món ăn dân dã của quân dân Việt Nam trong chiến tranh gian khổ, lắng nghe những câu chuyện kể rất xúc động do chính những nhân chứng chiến tranh - du kích, cựu tù vừa nấu nướng vừa kể chuyện.
4.2. Nhạc gõ “Xuân thanh bình”
Ngày 24-02-2015 (mùng 6 Tết Ất Mùi), Bảo tàng đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cao nguyên (Highland Coffee), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Văn hóa phẩm (Artbook) tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhạc gõ dân tộc với chủ đề “Xuân thanh bình” do các nghệ sĩ thuộc Đoàn Nhạc gõ dân tộc Phù Đổng trình diễn.
Buổi biểu diễn đã giúp khách tham quan quốc tế hiểu rõ hơn về âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam trong mùa xuân 2015. Đến dự có ông S.Nakajima - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và Phu nhân cùng đông đảo khách quốc tế.
4.3. Biểu diễn võ cổ truyền
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2015), Bảo tàng phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM biểu diễn võ cổ truyền trong Lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề “Ký ức những con đường trong chiến tranh” và “50 năm Việt Nam - Chiến tranh và Hòa bình” của hai cựu phóng viên chiến trường: Hoàng Văn Sắc (Việt Nam) và Ishikawa Bunyo (Nhật Bản).
Tiếp theo đó, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2015), ngày Quốc tế Bảo tàng 18-05-2015, Bảo tàng phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM, Trường Tiểu học Lê Chí Trực và Trường THCS Bàn Cờ tổ chức tham quan và biểu diễn võ thuật cổ truyền Việt Nam với chủ đề “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”. Chương trình này nằm trong khuôn khổ hoạt động “Em sẽ không quên…” nhằm giáo dục học sinh về truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, nhắc nhở các em không quên những tội ác hậu quả chiến tranh xâm lược gây ra đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là qua phần giao lưu biểu diễn võ thuật cổ truyền Việt Nam, từ đó học sinh sẽ nhận thức về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích (23/11/1945 - 23/11/2015), chào mừng thành công Đại hội Hội Di sản Văn hóa TP.HCM lần thứ II, Chi hội Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp với Chi hội Nam Huỳnh Đạo tổ chức buổi họp mặt biểu diễn võ thuật chủ đề “Non sông thanh bình”. Qua các tiết mục võ cổ truyền, Bảo tàng mong muốn giới thiệu với khách tham quan về những loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, giúp người xem bổ sung kiến thức về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Chương trình diễn ra đúng vào ngày 23-11-2015 với sự tham gia của các chi hội thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM và sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.
Ngày 15-02-2016 (mùng 8 Tết Bính Thân), chương trình biểu diễn võ cổ truyền với chủ đề “Bản hùng ca mùa xuân” diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tạo một không khí vui tươi, sôi nổi, hào hứng cho khách tham quan và cán bộ viên chức Bảo tàng khi bước vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 do Bảo tàng phối hợp với Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, Chi hội Nam Huỳnh Đạo nhằm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về võ cổ truyền của dân tộc, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Biểu diễn vở hát bội “Con thỏ ngọc” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ngày 06-08-2015.
4.4. Giới thiệu về Nghệ thuật hát Bội
Ngày 06-08-2015, hưởng ứng ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, Bảo tàng phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật hát Bội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi biểu diễn vở “Con thỏ ngọc” phục vụ 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến từ 06 mái ấm trong TP. Hồ Chí Minh. Đồng hành với chương trình này, Bảo tàng đã nhận được sự đóng góp, hỗ trợ về nhiều mặt của nhiều nhà tài trợ cùng với 110 tình nguyện viên đến từ các đơn vị khác nhau như: các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM, Cảnh sát Cơ động TP.HCM, sinh viên các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Ngân Hàng, Đại học Tôn Đức Thắng. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm của các nghệ sĩ hát Bội TP.HCM chia sẻ, chăm lo thiết thực về mặt tinh thần và vật chất cho nạn nhân chất độc da cam để họ vươn lên khắc phục khó khăn, hòa nhập cuộc sống.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã từng bước kết hợp giữa hoạt động chuyên môn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Bằng nhiều hình thức trình diễn, biểu diễn, giao lưu v.v… Bảo tàng đã đưa đến cho du khách quốc tế và công chúng trẻ những hiểu biết sơ bộ nhất, khơi gợi những tình cảm chân thành hướng về di sản văn hóa Việt Nam.
Huỳnh Ngọc Vân – Mai Thị Khánh Hà
Ảnh: Bảo tàng chứng tích chiến tranh.