Xin đừng bỏ quên Di sản tư liệu trong việc khai thác phục vụ du lịch ở nước ta

Giá trị di sản tư liệu là vốn tài sản quý giá phục vụ cho việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang để lãng phí nguồn tài nguyên to lớn này trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch có thể hiểu là sự khám phá những cái mới, điều mới mà ở những nơi du khách đó sinh sống, học tập, làm việc không có nhằm thỏa mãn một phần hay toàn bộ trí tò mò, sự ham hiểu biết của mỗi người. Những chuyến du lịch đem lại cho du khách những kỷ niệm tuyệt vời, những phút giây sảng khoái, những hiểu biết có giá trị, không chỉ về mặt tư tưởng, văn hóa, tinh thần; mà còn cả về tình cảm, thẩm mỹ, cảm xúc về địa phương, vùng miền du khách đặt chân đến. Để rồi những thu nhận trực quan ấy sau chuyến du lịch ấy, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức mỗi người về những khát vọng sống cao đẹp hơn, toàn vẹn hơn vì chân -thiện - mỹ.

Để đạt được điều đó, du khách phải tham khảo thêm các di sản tư liệu, sách báo của mỗi địa phương, vùng miền họ đi qua. Di sản tư liệu là nguồn bổ sung kiến thức rất lớn cho con người nói chung, khách du lịch nói riêng khi họ đến du lịch ở những địa phương, những vùng miền khác nhau. Việc khai thác giá trị các di sản tư liệu phục vụ khách du lịch ở nước ta vẫn đang ẩn chứa dưới dạng tiềm năng, nếu muốn khai mở vấn đề này, đòi hỏi phải khơi dậy được văn hóa đọc trong du khách.

Văn hóa đọc từ lâu đã trở nên thân thuộc như một nhu cầu thiết yếu đối với những người biết chữ ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới cũng vậy. Có thể xem văn hóa đọc là một phạm trù văn hóa tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết tri thức, nắm bắt quy luật sống, quy luận vận động của tự nhiên, con người và xã hội. Và khi đi du lịch đó đây, du khách sẽ tìm hiểu, ngắm nhìn hay cảm thụ bằng trực quan, giác quan những cảnh đẹp, những điều thú vị mà họ được mắt thấy, tai nghe, tay sờ… Nếu du khách được hiểu kỹ hơn, biết tường tận hơn những sự vật, hiện tượng, vùng đất nào đó mà được trải nghiệm trong khi đi du lịch bằng việc được đọc, hiểu, nghe giới thiệu đầy đủ, kỹ càng hơn - nhất là thông qua sách, báo, văn hóa đọc và các tư liệu, thì điều đó thiết nghĩ càng thú vị và tuyệt vời hơn.

Giá trị di sản tư liệu là vốn tài sản quý giá phục vụ cho việc phát triển du lịch. (Ảnh: minh họa)

Có một thực tế ở Việt Nam, nhiều điểm du lịch, khu di tích tổ chức cho khách tham quan lại thiếu vắng sách báo, tài liệu liên quan đến điểm đến mà du khách đang thưởng ngoạn, khám phá. Đây không phải chỉ là lỗi của ngành Du lịch, mà là sự thiếu quan tâm, sâu sát của nhiều ban, ngành chức năng liên quan, nhiều địa phương trong cả nước. Các địa phương, điểm đến lâu nay hầu hết chỉ quan tâm đến việc quảng bá, chào bán sản phẩm. Hay nói một cách thẳng thắng hơn, họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trực tiếp là chính; lợi ích quảng bá văn hóa, nhất là phục vụ hiểu biết đầy đủ hơn cho du khách về điểm đến, về văn hóa đọc thì còn hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ ở việc thiếu gắn kết giữa hệ thống thư viện từ Trung ương đến cơ sở trong việc kết hợp phục vụ cả khách du lịch tại các điểm đến thay vì chỉ cho cộng đồng dân cư sở tại. Hệ quả kéo theo là nghịch lý về sự thiếu hụt các sách báo, di sản tư liệu có giá trị liên quan đến điểm đến để phục vụ nhu cầu tìm hiểu cũng như giải trí của du khách tại điểm đến; trong khi đó, thư viện vẫn có, nhưng không kết hợp và mở rộng cùng phục vụ du khách.

Đã hơn 30 năm công tác trong ngành thư viện, tôi đã có dịp đi công tác và kết hợp tham quan nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Điều làm tôi khá thất vọng là ở những điểm du lịch, khu du lịch ấy, ngoài việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch ra, có rất ít sách, tranh ảnh, ấn phẩm được bày bán, giới thiệu; tuyệt nhiên chưa có một thư viện, phòng đọc sách nào cho du khách. Tôi nghĩ, có lẽ chính quyền địa phương, ở những điểm đến chỉ quan tâm nhiều đến việc kiếm được tiền trước mắt từ du khách, còn làm thế nào để giữ chân du khách lâu hơn, để du khách ấn tượng hơn, quay lại nhiều lần hơn là việc của ai kia, của tương lai xa vời nào đấy?

Điều đầu tiên, theo tôi, không phải chỉ riêng ngành Du lịch, mà tất cả chúng ta. Các ban ngành liên quan ở Trung ương và chính quyền các địa phương, các điểm đến cần có sự đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận vấn đề. Ở đây cần xem xét mối quan hệ biện chứng, khách quan giữa hệ thống bảo tàng, thư viện với các khu du lịch. Cần thiết phải có thiết chế thư viện, hoạt động văn hóa đọc tại các điểm đến, khu du lịch góp phần bổ sung tri thức, củng cố hiểu biết của du khách về những gì họ quan tâm trong hoạt động tổng thể du lịch.

Nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam nằm ở vùng sâu, vùng xa như: Điện Biên Phủ, Pác Bó, hồ Ba Bể, Buôn Đôn, Chùa Dơi, Di tích Trung ương Cục miền Nam… Ở những nơi ấy, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, họ ít tiền, ít chữ, ít cả thời gian, nên văn hóa đọc càng khó khăn hơn. Vì vậy, việc phát triển thư viện, văn hóa đọc ở đây là rất quan trọng, không chỉ cho du khách, mà cả cho cộng đồng dân cư địa phương. Trong công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch, điểm đến, cũng cần quan tâm quảng bá cho văn hóa đọc, thư viện tại các điểm đến; quảng bá một cách khoa học, đi vào chiều sâu và thiết thực.

Các địa phương, cơ sở, điểm đến, khu du lịch cũng cần nghiên cứu, chỉ đạo sát sao, cụ thể việc xây dựng văn hóa đọc và thư viện sao cho hợp lý và hiệu quả. Việc đầu tư phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nơi. Quan trọng nhất là việc duy trì các hoạt động văn hóa đọc phục vụ du lịch cộng đồng phải lâu dài, thiết thực, tránh hình thức, chung chung, đại khái; đầu tư cho nhân lực, tăng cường luân chuyển sách báo và tuyên truyền du khách đọc sách, báo cũng phải được chú ý thường xuyên hơn.

Chúng tôi sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quan tâm, duy trì, phát triển mạng lưới thư viện đặc thù này, sao cho việc phối kết hợp giữa các hoạt động Văn hóa - Du lịch - Di sản - Thư viện được thường xuyên, đồng bộ và trách nhiệm hơn; góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta không chỉ là mô hình kết hợp về mặt lý thuyết, trên giấy tờ, mà thực sự đi vào thực tiễn đời sống phong phú trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08-12-2014 của Chính Phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

                                                                     ThS Nguyễn Hữu Giới

Có thể bạn quan tâm

Top