5 năm hoạt động Kho bảo quản Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngày 26 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1674/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Từ đó Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng vận động, phát triển, từng bước hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời tạo được dấu ấn trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Cùng với các hoạt động của Bảo tàng, công tác quản lý hiện vật được xem là cơ sở phục vụ cho các hoạt động khoa học và chuyên môn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời gian qua.

1. Công tác kiểm kê

Ngay sau khi sáp nhập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hoàn thành hai cuộc tổng kiểm kê toàn bộ hiện vật tại hai khu vực số 1 Tràng Tiền và 25 Tông Đản. Kết quả tính đến 2012, tổng số hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia lên tới trên 150.000 đơn vị hiện vật, trong đó 137.961 hiện vật đã được đăng ký tài sản quốc gia. Các khu vực kho được kiện toàn và được chia thành 19 kho riêng biệt, mỗi kho có một cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm quản lý.

1. Đá Nguyên thủy

2. Đồng Cổ đại

3. Cổ vật châu Á

4. Gỗ, giấy, vải

5. Đồng - đá phong kiến

6. Gốm Việt Nam

7. Gốm Cù Lao Chàm

8. Bảo vật - Đặc biệt

9. Tiền cổ

10. Gỗ phong kiến

11. Gốm Tham khảo

12. Mộ táng cổ

13. Phim

14. Đồ dệt

15. Văn bản

16. Thể khối Tổng hợp

17. Tặng phẩm

18. Kim loại

19. Tạm / Kiểm kê

Công tác nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thông tin khoa học cho tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật gốc ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ quy trình nhập hiện vật về kho cơ sở lưu giữ. Hồ sơ nhập hiện vật được cán bộ chuyên môn của Phòng Nghiên cứu Sưu tầm và Quản lý hiện vật phối hợp, rà soát, bổ sung thông tin hiện vật nhập kho đầy đủ, chính xác. Ngoài ra, với nhóm hiện vật đưa về bảo tàng thông qua khai quật khảo cổ, các báo cáo khai quật cũng được  bàn giao cùng với hiện vật nhập kho, giúp cho người quản lý sưu tập hiểu và nắm chắc thông tin hiện vật và cả những câu chuyện xoay quanh nó.

Điểm khác biệt so với trước là công tác kiểm kê, số hóa bước đầu hiện vật được Phòng Quản lý hiện vật triển khai theo phương thức cuốn chiếu, cập nhật, gọn cho từng sưu tập hiện vật, cho mỗi đợt hiện vật nhập về kho cơ sở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cụ thể, đó là việc tổ chức và thực hiện quy trình kiểm kê hết sức chặt chẽ và khoa học, từ khâu tiếp nhận bàn giao, viết phiếu, chụp ảnh, đánh số, vào sổ, đến việc bàn giao hiện vật về các kho bảo quản theo chất liệu phù hợp. Tất cả quy trình này được Tổ Kiểm kê lên kế hoạch và tổ chức phân công thực hiện cho từng đợt nhập hiện vật về kho cơ sở của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Cùng đó, hệ thống sổ quản lý hiện vật được triển khai theo ba hệ số đăng ký BTQGa, BTQGb, BTQGc. Ba hệ sổ này vừa phù hợp với tiêu chí phân loại hiện vật của ba hệ số đăng ký tài sản quốc gia, vừa đảm bảo nguyên tắc kế thừa, giữ nguyên dải số đăng ký của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (cũ). Đây cũng là một yêu cầu hàng đầu được chúng tôi tính đến khi xây dựng hệ thống số và sổ quản lý hiện vật mới, thống nhất của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tránh trường hợp cùng một hiện vật có nhiều hệ số đăng ký khác nhau. Kết quả là công việc được triển khai với chi phí thấp nhất, thời gian thực hiện ít nhất, và đặc biệt đã tránh được mọi sai sót, rủi ro có thể xảy ra trong quản lý và triển khai công việc. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là xây dựng hệ thống sổ quản lý hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia theo hướng vừa chặt chẽ về quy trình, vừa gọn nhẹ, đảm bảo tính chính xác, chuẩn mực và khoa học trong quản lý.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: internet

2. Công tác bảo quản, phục dựng

Cùng với công tác kiểm kê, phòng kho bảo quản đã tích cực góp phần vào việc theo dõi, ổn định môi trường kho, ngăn chặn những tác động xấu của vi sinh vật gây hư hỏng cho hiện vật, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý những hiện vật cần được bảo quản cấp thiết, đảm bảo an toàn kho và hiện vật bảo tàng.

Những hoạt động bảo quản cho hiện vật trước khi đưa đi trưng bày, kể cả trong và ngoài nước dồn dập 5 năm qua, cũng có thể xem là một kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo quản các di sản văn hóa hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Gần đây, công tác phục dựng một số loại hình hiện vật độc đáo bằng đất nung giai đoạn tiền – sơ sử, hay nhóm gốm hoa nâu… đã được bảo tàng quan tâm triển khai, kết quả đã phục dựng được hàng trăm hiện vật quý, thể khối lớn, có thể bổ sung ngay cho hệ thống trưng bày của bảo tàng.

Đặc biệt, phòng kho đã kết hợp với Phòng Bảo quản thực hiện thành công dự án phục hồi và bảo quản tượng Phật A-di-đà trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, trao đổi giữa Bảo tàng Quốc gia Kyushu (Nhật Bản) và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, được ký kết năm 2012. Dự án do Quỹ Sumitomo (Nhật Bản) tài trợ liên tiếp 2 tài khóa, 2014-2015.

Với sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội, Trường Bảo tồn Đức - Campuchia (GCCS - German - Cambodia Conservation School) tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về bảo quản hiện vật chất liệu kim loại tại Campuchia. Khóa tập huấn tập trung nâng cao hơn nữa năng lực bảo quản hiện vật bằng chất liệu kim loại cho một quản thủ kho tiền cổ, đặc biệt là các kỹ năng bảo quản hiện vật kim loại trong bối cảnh môi trường, khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam.

Mới đây, dự án bảo quản một số hiện vật thuộc Mộ thuyền Việt Khê - một Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được triển khai tại các xưởng bảo quản của Cơ quan Khảo cổ học quốc gia bang Sachsen tại Dresden và các xưởng bảo quản của Bảo tàng Trung tâm La Mã - Giéc Manh tại Mainz (Cộng hòa Liên bang Đức). Một cán bộ Phòng Quản lý hiện vật được tham gia trực tiếp vào dự án này. 

Hầu hết các hiện vật sau khi được bảo quản sẽ được trưng bày tại Triển lãm đặc biệt “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Cộng hòa Liên bang Đức từ 2016-2018.

Trong các năm 2011-1012, một số khu vực kho quan trọng đã được nâng cấp, cải tạo cấp thiết. Đặc biệt, năm 2015 được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo cơ quan, dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống kho hiện vật đã được thực hiện. Toàn bộ hệ thống kho cơ sở (tầng hầm) đã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện lưu giữ, bảo quản hiện vật lâu dài, an toàn kho được nâng cao. Đặc biệt, trong quá trình phục vụ dự án, 120.580 đơn vị hiện vật đã được di chuyển và sau đó lại trả về vị trí cũ, đảm bảo tuyệt đối an  toàn

3. Công tác nghiên cứu khoa học, tư liệu hóa

Gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với những đề tài nghiên cứu cấp Viện, một công ba việc, vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, vừa để xây dựng các sưu tập và hoàn thiện, bổ sung hồ sơ cho hiện vật, đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, số lượng hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho đến nay là lớn nhất trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam và nó lại được thu thập từ nhiều nguồn, ở nhiều thế hệ, trong gần một thế kỷ, do vậy, tính phức tạp là vô cùng lớn, đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng các giải pháp xử lý có tính hệ thống, phù hợp và chia giai đoạn thực hiện theo hướng ưu tiên xử lý trước những vấn đề cấp thiết.

Trong 5 năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng hồ sơ bảo vật trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 16 Bảo vật quốc gia.

Cùng với việc lựa chọn hiện vật, làm chú thích, bổ sung thông tin hiện vật, chụp ảnh các sưu tập hiện vật phục vụ xuất bản catalogue, ấn phẩm hàng năm của Bảo tàng,  Phòng Quản lý hiện vật còn tham gia 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ cũng như tổ chức biên dịch sưu tập kim sách, sưu tập sắc phong lưu giữ tại Bảo tàng.

4. Công tác số hóa

Công tác số hóa hiện vật bước đầu được Phòng Quản lý hiện vật thực hiện cùng lúc với quy trình kiểm kê, từ khâu tiếp nhận bàn giao cho từng đợt nhập hiện vật về kho cơ sở của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Toàn bộ dữ liệu ảnh được lưu giữ trong máy chủ do phòng quản lý.

Đồng thời, Phòng Quản lý hiện vật đã bước đầu phối hợp thực hiện số hóa 3D và xây dựng phần mềm hiển thị tương tác cho 14/16 Bảo vật quốc gia; xây dựng bộ sách điện tử tương tác cho 09 tập đầu bộ Nhật ký của Madeleine Colani.

Cùng với nhiều chương trình số hóa khác đã được triển khai ở các phòng ban chuyên môn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã bước đầu xây dựng ngân hàng dữ liệu hiện vật, phục vụ tốt hơn công tác trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng.

Hiện tại, Phòng Quản lý hiện vật đang phối hợp với đối tác đề xuất thực hiện một dự án tư liệu hóa, số hóa mang tính hệ thống, là cơ sở để có thể xây dựng một trung tâm thông tin, một ngân hàng dữ liệu về hiện vật có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu quản lý, khai thác và phát huy giá trị tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật, phục vụ nghiên cứu và trưng bày bảo tàng.

5. Công tác trưng bày

5 năm là khoảng thời gian không nhiều, song công tác phục vụ cho 21 cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng, 17 trưng bày chuyên đề tại các địa phương và 7 trưng bày chuyên đề tại nước ngoài của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra mạnh mẽ và liên tục.

Phòng Quản lý hiện vật đã lập danh mục và thực hiện các thủ tục xuất và nhập kho 3.779 hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày trên.

Cũng từ đó, những sưu tập hiện vật quý hiếm, có giá trị lớn của Bảo tàng lần lượt được giới thiệu với công chúng trong nước và quốc tế như các trưng bày đặc biệt: Bảo vật hoàng cung, Cổ ngọc Việt Nam, Trang sức cổ Việt Nam, Văn hóa Đông Sơn, Việt Nam – Câu chuyện vĩ đại, Rồng bay – Nghệ thuật Cung đình Việt Nam,... Những sự kiện quan trọng, phối hợp trưng bày quốc tế như: trưng bày Văn hóa Nhật Bản - phối hợp với Bảo tàng Kyushu (Nhật Bản) đưa hiện vật, trong đó có những bảo vật quốc gia của Nhật Bản sang trưng bày tại Việt Nam, trưng bày Châu Á - Những sắc màu văn hóa chào mừng Hội nghị các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA)… đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các chuyên gia Nhật Bản là những người rất kỹ lưỡng và nguyên tắc về yêu cầu đối với trang thiết bị trưng bày bảo tàng sau khi kiểm tra các thông số kỹ thuật bằng các máy móc chuyên dùng đã công nhận các trang thiết bị trưng bày mới được đầu tư của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, tiêu chuẩn quốc tế đối với việc đảm bảo an ninh, an toàn cũng như môi trường đối với hiện vật trưng bày

6. Hướng tới tương lai

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, công tác quản lý hiện vật cần tiếp tục kiện toàn các kho cơ sở và từng bước nâng cao công tác quản lý hiện vật.

Trước mắt, cần tập trung xây dựng phần mềm thống nhất quản lý hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đẩy mạnh triển khai chương trình tư liệu hóa, số hóa các sưu tập hiện vật gốc, làm tiền đề cho việc tổ chức, thực hiện tốt đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trưng bày.

Qua 2 đợt tổng kiểm kê, hiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ trên 150.000 tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hoá dân tộc. Ngoài hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày chuyên đề giới thiệu các sưu tập hiện vật là một biện pháp hiệu quả để Bảo tàng tự làm mới mình và thu hút được sự quan tâm của công chúng đến với Bảo tàng. Vì vậy, công tác quản lý hiện vật cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, tư liệu hoá hiện vật để hình thành các bộ sưu tập, các sưu tập theo chủ đề phản ánh được văn hoá, lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Đồng thời, bên cạnh xây dựng các sưu tập, công tác quản lý hiện vật cũng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu hồ sơ khoa học nhằm thẩm định và bổ sung thông tin cho hiện vật để mỗi hiện vật, sưu tập hiện vật là một câu chuyện lịch sử chân xác, đầy đủ và khách quan. Vì vậy, việc tăng cường công tác nghiên cứu, tư liệu hoá xây dựng các sưu tập, thẩm định, xác minh và bổ sung thông tin cho hiện vật là yêu cầu cần thiết đối với sưu tập hiện vật tạo nên sức sống của sưu tập.

Chương trình tư liệu hoá, số hoá tài liệu, hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia bao gồm những hạng mục công việc liên quan đến thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm phục vụ trưng bày và các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng một cách có hiệu quả với chất lượng dịch vụ tương thích,  mục đích nhằm:

- Tư liệu hoá toàn bộ tài liệu hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Lưu trữ, số hoá, bảo tồn thông tin của các sưu tập hiện vật.    

- Thống nhất việc quản lý các sưu tập hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Chuẩn hóa hệ thống từ vựng trong quá trình nhập liệu.

- Quản lý việc di chuyển của tất cả các hiện vật Bảo tàng từ khi nhập vào kho cơ sở (đang ở kho nào/trưng bày cố định/ trưng bày chuyên đề/bảo quản/cho mượn…).

- Phục vụ các công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Bảo tàng.

- Phối hợp tổ chức gắn kết các thông tin về hiện vật để xây dựng các chương trình hỗ trợ tham quan, xây dựng Bảo tàng ảo với hình ảnh 3D… phục vụ công chúng đến tham quan tại bảo tàng và trên website, cổng thông tin điện tử của Bảo tàng.

Thực tế, số lượng tài liệu, hiện vật của Bảo tàng rất lớn nên trước mắt tập trung tư liệu hoá, số hoá các tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, sau đó, tư liệu hoá toàn bộ tài liệu, hiện vật của Bảo tàng. Từng bước hình thành trung tâm dữ liệu nhằm quản lý những thông tin về hiện vật đã được tư liệu hoá, số hoá một cách an toàn, hiệu quả. Kịp thời tổ chức cung cấp thông tin về tài liệu, hiện vật đã được số hoá phục vụ trưng bày và các công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng.

Mục tiêu đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao về trình độ cán bộ công nghệ thông tin của công tác quản lý hiện vật; xây dựng quy trình chặt chẽ và thống nhất trong việc thực hiện số hóa và lưu trữ, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu hiện vật Bảo tàng, cùng đó là việc tiếp tục đầu tư xây dựng phòng ảnh chuyên dụng theo hướng phục vụ chương trình tư liệu hóa, số hóa hiện vật bảo tàng và xây dựng các ấn phẩm chuyên khảo đạt chất lượng cao.

Mục tiêu chung là xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ đơn thuần là cơ quan nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn các giá trị lịch sử văn hoá của quần chúng nhân dân mà còn là một trung tâm thông tin, một ngân hàng dữ liệu về lịch sử, về di sản văn hoá và bảo tàng học có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội.

ThS Đinh Ngọc Triển

Top