Nghề đan ở Thọ Đơn
Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu xem từ bờ sông Bến Hải, Quảng Trị trở ra Bắc là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam thì Quảng Bình được chọn là điểm khởi đầu để cả nước vào Nam. Đôi bờ sông Gianh, Quảng Bình trở thành tuyến lửa đánh phá của máy bay địch. Sau mấy năm gồng mình trong lửa đạn, làng nghề Thọ Đơn gần như bị san phẳng. Hòa bình, người làng Thọ Đơn trở về làng cũ. Từ đống tro tàn, gạt nước mắt chiến tranh chung niềm vui hòa bình, người dân Thọ Đơn chung lưng đấu cật xóa đói giảm nghèo và từng bước thực hiện giấc mơ làm giàu.
“Lửa nghề” vẫn cháy
Theo những cụ cao niên trong làng, đan lát xuất hiện ở Thọ Đơn gần 400 năm nay. Người dân biết đến cái nghề đan lát này là do ông bà, cha mẹ đi trước truyền lại; thuở xưa, nhà nào cũng đan lát để bán kiếm tiền mua mắm, mua muối hoặc để làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Nghề đan lát ra đời còn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của một nghề khác: nghề đánh cá biển ở các làng Cảnh Dương, Lý Hòa...
Về Thọ Đơn mới thấy hết không khí rộn ràng của làng nghề. Đi từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tượng người người quây quần bên hiên nhà đan lát. Từ những nan tre, thanh nứa rất đỗi gần gũi qua đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm cày, quanh năm quen việc đồng áng của người dân nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống không chỉ của người dân địa phương mà còn nhiều vùng lân cận trong tỉnh và cả các tỉnh, thành khác.
Theo những cụ cao niên trong làng, đan lát xuất hiện ở Thọ Đơn gần 400 năm nay. Ảnh: internet
Và nếu có dịp tận mắt chứng kiến những người thợ nơi đây vót tre, đan lát mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Để tạo ra một sản phẩm bền, đẹp đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và tính nhẫn nại của người thợ đan. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu, người làm phải tìm chọn những cây tre, nứa thân to, thẳng, ít mắt đốn về cưa ra thành những khúc dài bằng nhau. Tre vốn có rất nhiều ở các huyện lân cận như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch. Người ta chọn mua tre già vào các mùa tháng rét để tránh mọt, mối. Những bậc cao niên trong nghề tự hào nói rằng, ít nhất, so với những vùng đan lát khác, nguồn tre ở đây rất đảm bảo chất lượng để tạo ra độ bền sản phẩm, cộng với sự khéo léo của người thợ để tạo ra sản phẩm hoa văn đẹp đẽ, độc đáo riêng ở làng, nên sản phẩm đồ đan Thọ Đơn vẫn tồn tại cho đến ngày nay và đem lại thu nhập đáng kể cho người dân, bên cạnh thu nhập từ nghề nông. Tiếp đó là chẻ thành những sợi nan và vành nhỏ có độ dày mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô lấy vào vót phẳng và đan chúng lại thành mành rồi tiến hành nứt, lận. Tuy nhiên, đó chỉ là các bước để hoàn thành sản phẩm, còn để sản phẩm có độ thẩm mỹ cao và sử dụng lâu dài thì còn phải dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ, có kỹ thuật chẻ nan với độ dày vừa phải, biết lựa chọn từng chiếc nan dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng thì lúc đan mới đều và đẹp.
Ở Thọ Đơn, nghề đan được làm theo vụ khớp với mùa cá, tức là khoảng tháng 3 - 4 Âm lịch. Do đó, nó vẫn được xem là nghề làm phụ lúc mùa màng rảnh rỗi, tận dụng được nhiều lao động từ trẻ đến già. Vào đúng vụ, cả làng rộn rã tiếng vót nan, đan lát, có nhóm tập trung con trai con gái từ 8 - 10 người làm chung, vừa làm vừa trò chuyện, hát hò vui vẻ, đó cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần cộng đồng lành mạnh được gìn giữ từ bao đời vậy.
Trải qua hàng chục năm với nhiều thay đổi, nhất là của cơ chế kinh tế thị trường, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và phát triển. Để làm được điều đó, làng nghề Thọ Đơn đã không ngừng tạo ra những sản phẩm mới bắt kịp nhu cầu thị trường. Trước đây, sản phẩm chính của làng Thọ Đơn chủ yếu là nong nia, thúng, mủng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, làng Thọ Đơn đã tạo sự chuyển biến mới bằng cách tạo ra được nhiều sản phẩm dùng trong sản xuất ngư nghiệp.
Để nghề phát triển bền vững
Thực tế cho thấy, là vùng quê nông nghiệp nhưng nghề đan lát đã thực sự trở thành một nghề chính đem lại thu nhập khá cao cho người dân ở đây. Với những đặc điểm khá thuận lợi như: nguyên liệu là tre sẵn có ở các vùng nông thôn nên rất dễ mua, kỹ thuật tạo ra sản phẩm tương đối đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi điều kiện thời tiết, nghề đan lát Thọ Đơn đã thu hút được trên 90% hộ dân trong thôn tham gia. Đây chính là thế mạnh, là tiền đề cơ bản nhất để làng nghề Thọ Đơn hướng đến sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre xuất khẩu, có thể phát triển làng nghề một cách hiệu quả và bền vững.
Nghề đan lát Thọ Đơn đã thu hút được trên 90% hộ dân trong thôn tham gia. Ảnh: internet
Hiện hàng trăm ngàn sản phẩm của làng Thọ Đơn được tiêu thụ khắp nơi, nhất là vào vụ mùa cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên, ôtô đỗ chật kín đường làng để mua sản phẩm chở về cao nguyên tiêu thụ. Một số sản phẩm của làng được tư thương đưa vào Huế, Đà Nẵng, Hội An, Buôn Ma Thuột… bán đã làm khách du lịch nước ngoài ngạc nhiên, thích thú và thán phục. Một số ngư dân đánh bắt xa bờ của Thọ Đơn đã bắt tay làm bạn được với một số ngư dân Thái Lan. Những chiếc thuyền thúng đầu tiên của làng Thọ Đơn đã được mang ra biển cả bán cho ngư dân nước bạn. Sản phẩm của Thọ Đơn đã chinh phục được ngư dân Thái từ chiếc thuyền thúng đầu tiên.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nghề đan lát Thọ Đơn vẫn rất cần vạch định kế sách, hướng đi phù hợp, lâu dài, bởi hiện tại, nghề của làng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên đó chính là vấn đề nguyên liệu. Nếu như trước đây nguyên liệu khá dồi dào vì trong làng hầu như nhà nào cũng trồng tre thì hiện nay việc tìm nguyên liệu không phải là chuyện dễ, nhiều người phải đi mua ở các làng, các huyện khác, do đó giá nguyên liệu ngày một tăng. Một khó khăn nữa chính là vấn đề quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Kéo theo đó, sức cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác yếu, giá thành sản phẩm bị hạ thấp hơn. Hơn thế nữa, trong những năm trở lại đây, các mặt hàng rổ, rá nhựa bắt mắt, đa chủng loại xuất hiện tràn lan trên thị trường nên các mặt hàng thủ công không còn được ưa chuộng như trước. Điều này lý giải vì sao nghề đan lát ở Thọ Đơn có nhiều lúc bị cầm chừng.
Nghề đan thuyền thúng đang góp phần mở ra hướng đi rất phù hợp với người dân Thọ Đơn vốn yêu nghề, giỏi nghề đan lát. Tuy vậy, để phát triển được nghề, phong phú hoá sản phẩm, người dân rất cần được tạo điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hơn. Lưu giữ và phát triển làng nghề, tạo ra các sản phẩm truyền thống có giá trị hàng hoá cao là một chủ trương lớn nhằm thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và mở rộng ngành nghề nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. Vì vậy, để nghề đan lát Thọ Đơn nói riêng và nhiều ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh phát triển quy mô, tạo được thương hiệu trong thị trường, thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư từ nhiều phía.
Thuý Hằng