10 năm Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - Sự kiện và con số (2004 - 2014)

Năm 2004, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã được thành lập, trở thành một dấu mốc có vai trò và ý nghĩa xã hội quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

1. Ý tưởng và nguyện vọng thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa có từ những năm 90 của thế kỷ XX và ngày càng trở nên cấp thiết sau khi có Luật Di sản Văn hóa năm 2001. Tại Hội thảo khoa học “Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong các ngày 7 và 8-1-2004, Ban Tổ chức đã có văn bản khuyến nghị đề ngày 8-1-2004 gửi Bộ Văn hóa-Thông tin, Ban Tư tưởng  - Văn hóa Trung ương, Bộ Nội vụ về sự cần thiết thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

2. Ngày 15- 2- 2004, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội, một số nhà khoa học, nhà quản lý về di sản văn hóa đã họp phiên đầu tiên bàn về việc hình thành Ban Vận động thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

3. Ngày 20-2-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 456/QĐ-BVHTT công nhận Ban Vận động thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, gồm 18 thành viên, do PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa - Thông tin làm Trưởng Ban và 3 Phó Trưởng Ban: PGS.TS Phạm Mai Hùng, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; TS Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

4. Ngày 16-3-2004, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương có Văn bản số 4354/CV-TTVH “Nhất trí tiến hành vận động và thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam”; khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý báu. Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa là rất quan trọng. Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, cần huy động rộng rãi lực lượng xã hội cho công tác này”.

5. Ngày 26-3-2004, Ban Vận động thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam gửi Đơn lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cho phép thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

6. Ngày 31-3-2004, Bộ Văn hóa- Thông tin có Văn bản số 1000/VHTT - TCCB gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

7. Ngày 23-4-2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, quy định: “Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa -  Thông tin; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội được Bộ Nội vụ phê duyệt. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có tư cách pháp nhân, tự lo liệu về kinh phí và phương tiện hoạt động”.

8. Ngày 26-6-2004, Đại hội đại biểu lần thứ I Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (Đại hội thành lập) được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, với sự có mặt của gần 200 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin đã đến dự.

Đại hội tôn vinh nguyênđồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ giữ chức Chủ tịch Danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Khóa I và bầu Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Khóa I (2004-2009), gồm 70 ủy viên (giữa nhiệm kỳ bổ sung 2 ủy viên, nâng tổng số ủy viên lên 72).

Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2009-2014. Ảnh: QH

9. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ I, Khóa I tổ chức cùng ngày đã bầu GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa- Thông tin giữ chức Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch: PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa - Thông tin (Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký); TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; PGS.TS Phạm Mai Hùng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị ra Nghị quyết thành lập Văn phòng Hội và 7 ban chuyên môn của Hội: Ban Kinh tế, Ban Đối ngoại, Ban Công tác Hội, Ban Tuyên truyền, Ban Bảo tàng, Ban Di tích, Ban Di sản văn hóa phi vật thể.

10. Tại thời điểm Đại hội thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có 519 hội viên.

11. Ngày 1-1-2005, Chủ tịch Hội ban hành Quyết định số 47/HDSVHVN về việc thành lập Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Ngày 6-6-2006, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ban hành Quyết định số 01/QĐ-HDSVHVN về việc thành lập Văn phòng Đại diện Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khu vực phía Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

12. Ngày 17-8-2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 55/2004/QĐ-BNV công nhận Điều lệ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, gồm 7 Chương, 27 Điều.

13. Thực hiện Nghị Quyết Đại hội I Hội Di sản văn hóa Việt Nam, sau Đại hội thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin và các cơ quan hữu quan chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ về việc hàng năm lấy ngày 23-11-1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2009-2014. Ảnh: QH

14. Từ năm 2005 đến năm 2014, hàng năm, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đều tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, do Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hiện nay) chủ trì. Các tổ chức Hội trong cả nước đều phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 hàng năm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực.

15. Từ một phòng trong tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh sau khi thành lập Hội; được sự giúp đỡ của Bảo tàng Hồ Chí Minh (về địa điểm); Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (về xây dựng), Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Công ty Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch - NEWTATCO (về trang thiết bị) và một số cơ quan, tổ chức khác; Trụ sở Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 23-11-2006 và khánh thành vào ngày 2-2-2007. Hiện nay, địa chỉ này là Văn phòng Trung ương Hội, Tạp chí Thế giới Di sản và Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

16. Trong nhiệm kỳ I (2004-2009), Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức 4 kỳ hội nghị: lần thứ I vào 26-6-2004 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội); lần thứ II vào 21-1-2006 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội); lần thứ III vào 22-7-2006 tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Thực nghiệm công tác văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An); lần thứ tư IV vào 10-10-2009 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

17. Ngày 29-12-2009, Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2009-2014 diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, với sự có mặt của hơn 200 đại biểu. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến dự và phát biểu.

Đại hội tiếp tục tôn vinh đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức Chủ tịch Danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Khóa II; bầu Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Khóa II (2009-2014), gồm 53 ủy viên (giữa nhiệm kỳ bổ sung 2 ủy viên, nâng tổng số ủy viên Ban Chấp hành lên 55) và bầu Ban Kiểm tra Hội Di sản Văn hóa Việt Nam gồm 11 ủy viên.

18. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ I, Khóa II tổ chức cùng ngày đã bầu Ban Thường vụ Hội gồm 9 ủy viên: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch; PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch và các ủy viên: Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, TS Lưu Minh Trị, đồng chí Vũ Kim Anh, KTS Phùng Phu, đồng chí Nguyễn Ngọc Minh. Bên cạnh Ban Kiểm tra do Đại hội bầu và Văn phòng đã được thành lập; Hội nghị ra Nghị quyết thành lập 5 ban chuyên môn của Hội: Ban Đối ngoại, Ban Kinh tế, Ban Đào tạo-Bồi dưỡng, Ban Di sản văn hóa vật thể, Ban Di sản văn hóa phi vật thể.

19. Tại thời điểm Đại hội II (12-2009), Hội có 2.834 hội viên, sinh hoạt tại 90 tổ chức hội, gồm 4 hội cấp tỉnh, 2 liên chi hội, 82 chi hội và 2 hội viên tập thể.

20. Ngày 28-1-2010, Thường trực Hội ban hành Quy chế số 02/QCBCH-HDSHVN về “Hoạt động của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và các ban chuyên môn của hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhiệm kỳ 2009-2014”.

21. Ngày 6-5-2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 466/QĐ-BNV Phê duyệt Điều lệ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), gồm 7 chương, 27 điều.

22. Trong 5 năm nhiệm kỳ II, Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt nam đã tổ chức 6 kỳ hội nghị, với sự giúp đỡ về nhiều mặt của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan: lần thứ I vào 19-12-2009 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội); lần thứ II vào 21- 8-2010 tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), lần thứ III 20- 8- 2011 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội); lần thứ IV vào 11-8- 2012 tại Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); lần thứ V vào 18- 8- 2013 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc); lần thứ VI vào 20-12-2014 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

23. Hiện nay, Hội có 4.567 hội viên, sinh hoạt trong 144 tổ chức Hội, gồm: 7 hội cấp tỉnh, 2 liên chi, 3 câu lạc bộ, 130 chi hội và 2 hội viên tập thể, 2 tạp chí, Trang Thông tin Điện tử, 5 trung tâm và 8 công ty.

- 7 Hội cấp tỉnh:

+ Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Tiền thân là Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, được thành lập ngày 1-3-2001, theo Quyết định số 1179/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 7-7-2006, trở thành Hội thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, theo Quyết định số 64/QĐ-CT của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, với tên gọi mới: “Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.

+ Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Bình được thành lập ngày 30-3-2007, theo Quyết định số 619/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Ngày 7-6-2007, trở thành Hội thành viên của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, theo Quyết định số 12/QĐ-CT của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

+ Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, là Hội thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

+ Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Nam được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 2006, theo Quyết định số 3386/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, là Hội thành viên của Hội di sản Văn hóa Việt Nam.

+ Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 1-11-2010, theo Quyết định số 4886/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 8-7-2011, trở thành Hội thành viên của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, theo Quyết định số 14/QĐ-HDSVHVN của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

+ Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ được thành lập ngày 30-3-2011, theo Quyết định số 1049/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Ngày 12-5-2011, trở thành Hội thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, theo Quyết định số 06/QĐ-HDSVHVN của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

+ Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre được thành lập ngày 21-5-2012, theo Quyết định số 904/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Ngày 29-10-2012, trở thành Hội thành viên của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, theo Quyết định số 25/QĐ-HDSVHVN của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

- Tạp chí Thế giới Di sản, Tạp chí Vietnam Heritage (phiên bản tiếng Anh) và Trang Thông tin Điện tử:

+ Tạp chí Thế giới Di sản (tiếng Việt), Trụ sở tại Hà Nội, thành lập theo Quyết định số 196/GP-BVHTT ngày 29-12-2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin. Số đầu tiên ra mắt vào tháng 1-2007. Đến tháng 12-2014, xuất bản liên tục được 99 số.

+ Tạp chí Vietnam Heritage (tiếng Anh), Trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, thành lập theo Quyết định số 1648/GP-BTTTT ngày 2-11-2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Số đầu tiên ra mắt vào 1-2011. Đến tháng 12-2014, đã xuất bản được 48 số (trong đó có 3 số tiếng Nga); xuất bản 3 cuốn tuyển tập ảnh về di sản văn hóa.

+ Trang Thông tin Điện tử tại địa chỉ www.hoidisan.vn thành lập theo Giấy phép ICP số 355/GP-BC, ngày 29-11-2006 của Cục báo chí Bộ Văn hóa-Thông tin, ban đầu do GS Hà Tôn Vinh giúp đỡ, nâng cấp lần 1 vào tháng 6-2010 (với sự giúp đỡ của Công ty Hội tụ số Toàn cầu và Trung tâm nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa), nâng cấp lần thứ 2 vào 10-2014 (với sự bảo trợ về kỹ thuật và tài chính của Công ty Công nghệ Tin học và Truyền thông Việt Nam - VNIT trong 3 năm).

- 5 trung tâm:

+ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) - Trung tâm đầu tiên của Hội (Quyết định số 14/QĐ-HDSVHVN ngày 14-10-2007).

+ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa Việt Nam (Quyết định số 12/QĐ-HDSVHVN ngày 24-3-2010);

+ Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo Việt Nam (Quyết định số 19/QĐ-HDSVHVN ngày 04-10-2011);

+ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam (Quyết định số 21/QĐ-HDSVHVN ngày 15-8-2012);

+ Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam (Quyết định số 24/QĐ-HDSVHVN ngày 08-8-2014).

- 8 công ty:

+ Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa - Công ty đầu tiên của Hội (Quyết định số 08/QĐ-HDSVHVN ngày 19-5-2007);

+ Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Quyết định số 06/QĐ-HDSVHVN ngày 19-5-2009);

+ Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Kiến trúc Việt (Quyết định số 07/QĐ-HDSVHVN ngày 28-5-2009);

+ Công ty TNHH Một thành viên Tôn tạo, phục chế công trình văn hóa Việt (Quyết định số 21/QĐ-HDSVHVN, ngày 19-5-2010);

+ Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt (Quyết định số 24/QĐ-HDSVHVN ngày 28-7-2010);

+ Công ty Cổ phần Hội tụ số Toàn cầu (Quyết định số 31/QĐ-HDSVHVN ngày 27-9-2010);

+ Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Kinh Đô (Quyết định số 02/QĐ-HDSVHVN ngày 02-3-2012);

+ Công ty Cổ phần Xây dựng và Tu tạo công trình văn hóa (Quyết định số 04/QĐ-HDSVHVN, ngày 22-01-2014).

24. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam được thành lập và công nhận Điều lệ tại Quyết định số 1260/QĐ-BNV ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ tại Quyết định số 519/QĐ-BNV ngày 22 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngày 29-5-2014, Quỹ  trở thành thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 19/QĐ-HDSVHVN của Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Ngày 15-11-2014, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam  tổ chức Lễ Công bố Chương trình hoạt động của Quỹ 2014-2015.

25. Được sự nhất trí của Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Văn bản số 35-CV/ĐUB, ngày 24-4-2008; ngày 19-5-2008, Đảng ủy Bảo tàng Hồ Chí Minh có Quyết định số 87/QĐ-BTV về việc thành lập Chi bộ Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trực thuộc Đảng bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện nay, Chi bộ có 14 đảng viên.

26. Phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học về di sản văn hóa:

- Ngày 21-11-2007, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Cục Di sản Văn hóa, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Giá trị đa dạng, tiêu biểu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”.

- Ngày 17-10-2008, tại thành phố Ninh Bình, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học: “Giá trị Di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu Du lịch sinh thái Tràng An”.

- Ngày 15-5-2009, tại thị trấn Tam Đảo, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học: “Tam Đảo - Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch”.

- Ngày 2-6-2010, tại thành phố Hải Dương, phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học: “Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp”.

- Ngày 17-5-2013, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, phối hợp với Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Làm thế nào để thu hút công chúng đến bảo tàng?”.  

27. Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm đóng góp ý kiến về một số vấn đề lớn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như:

- Dự thảo Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định chi tiết các quy định về lễ hội tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng”, ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2009;

- Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; Dự thảo “Quy hoạch Tượng đài danh nhân anh hùng dân tộc”; các nội dung liên quan đến văn hóa và di sản văn hóa trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992;

- Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Tọa đàm xung quanh vấn đề ‘Lễ hội đâm trâu” ở Tây Nguyên;

- Tham gia ý kiến với các cơ quan chức năng về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích Đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên Huế), chùa Trăm Gian, Làng cổ Đường Lâm, Đàn xã tắc (Hà Nội), Di tích cầu Long Biên, Di tích trong khu vực Ba Son (thành phố Hồ Chí Minh); đặc biệt, ngày 18-7-2014, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Khảo cổ Việt Nam đã có kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trước việc Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội bị xâm phạm nghiêm trọng…

28. Phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh (Thanh Hóa), Công ty Hữu nghị Á châu tổ chức đúc 100 trống Đồng trao tặng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.

29. Được sự ủng hộ của Hội, Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa đã tham gia xây dựng nhiều hạng mục quan trọng trong quần thể công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Pleiku (Gia Lai), khánh thành vào năm 2012, được đánh giá cao về nhiều mặt, được công nhận nhiều kỷ lục của các bộ, ban, ngành. Công ty và Giám đốc Công ty vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

30. Nhiều cơ sở Hội, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu về biển đảo, chủ quyền biển đảo Việt Nam, như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh.

31. Năm 2012 và 2013, Tạp chí Vietnam Heritage phối hợp với Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan, với sự tài trợ của Công ty Canon Việt Nam, tổ chức 2 cuộc thi ảnh Di sản Văn hóa Việt Nam trong cả nước, lựa chọn được hàng nghìn ảnh triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trong các năm 2012, 2013, 2014.

32. Năm 2010, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Kinh đô trao tặng Khu Di tích Pác Bó (Cao Bằng) 200 triệu đồng, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ chống xuống cấp Di tích, nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

33. Phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Kinh đô tổ chức cuộc thi ảnh “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, chọn được 1041 bức ảnh của 105 tác giả, trưng bày 75 bức ảnh được chọn lọc từ cuộc thi trong khuôn khổ Gala Dinner “Di sản Việt, Doanh nhân Việt”, nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2012; tổ chức Chương trình “Trường Sơn - Thành cổ ngày trở về”, vận động tài trợ cho thanh niên xung phong và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia.

34. Nhiều tổ chức Hội có các hoạt động tốt, đặc biệt là gắn kết với cộng đồng, gắn di sản văn hóa với đời sống, như: Hội Di sản Văn hóa Thăng Long- Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo tàng Việt Nam…

35. Bước đầu xác lập được mối quan hệ hợp tác quốc tế, trở thành Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn cho Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, theo Quyết định số 5.COM 12 của Ủy ban; có mối quan hệ với Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc; đón tiếp đoàn Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc và một số chuyên gia nước ngoài.

36. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Nội vụ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, xác lập được mối quan hệ tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan; xác lập được mối quan hệ ngày càng mở rộng đối với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo tàng, di tích trong cả nước, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ cao đối với hoạt động của Hội. Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hàng năm được luân phiên tổ chức tại các tỉnh, thành phố với sự giúp đỡ nhiệt tình về tinh thần, vật chất của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

37. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiều năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Ngày 9-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2205/QĐ-TTg tặng Bằng khen cho Hội Di sản Văn hóa Việt Nam “Đã có thành tích trong công tác từ năm 2008 đến năm 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

38. Ngày 20-12-2014, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (23-4-2004 / 23-4-2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng Hội “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, theo Quyết định số 2495/QĐ-CTN ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

39. Ngày 21-12-2014, Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2004-2019 diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, để tổng kết hoạt động Hội trong nhiệm kỳ II (2009-2014); thông qua phương hướng nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ III; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (2014-2019), bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ III.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

 

Top