Ý nghĩa giáo dục của Bảo tàng Cội Nguồn - Phú Quốc

Với vai trò của một Bảo tàng, đại diện không chỉ cho người dân trên đảo mà còn cho cả Việt Nam, Bảo tàng Cội nguồn lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những hiện vật mang đậm giá trị về lịch sử tự nhiên và xã hội của đảo Phú Quốc.

Bảo tàng thiết kế, trưng bày logic, khoa học theo tiến trình phát triển. Tầng một trưng bày, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, sự phong phú, đa dạng của biển đảo Phú Quốc; tầng hai trưng bày, giới thiệu lịch sử hình thành, khai phá và phát triển đảo từ khi có dấu tích của con người đến nay. Đây là tầng có nội dung trưng bày quan trọng, mang tính sự kiện, dấu mốc chủ quyền hải đảo Phú Quốc của Việt Nam; có ý nghĩa to lớn cho việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay những hiểu biết về lịch sử, cội nguồn, giúp thế hệ trẻ tự hào, yêu hơn mảnh đất sinh ra mình, tạo ý chí phát huy truyền thống cha ông và lòng tự tôn về quê hương, dân tộc trong công cuộc dựng xây Phú Quốc ngày càng giàu đẹp; mang đến cho khách tham quan những hiểu biết cụ thể, những cứ liệu xác thực.  

Phòng đầu tiên trưng bày, giới thiệu thời tiền sử của Phú Quốc đã có trên 2.500 năm, với trên 60 hiện vật công cụ đá theo những kích cỡ, loại hình khác nhau như: cuốc, rìu, phác vật, trang sức bằng đá... tìm thấy tại xã Cửa Cạn phía Tây Bắc đảo, đã khẳng định từ thời tiền sử trên đảo đã có dấu tích con người. Điều này được minh chứng rõ hơn qua những hũ chứa cốt – hình thức mộ táng đặc trưng của nền Văn hóa Óc Eo được phát hiện ngay trên đảo.      

Bảo tàng Cội Nguồn ở Phú Quốc (Ảnh: TL)      

Chứng tỏ, Phú Quốc đã có sự giao lưu với nền văn hóa lớn mang tính bản địa của vùng đất Tây Nam của Tổ quốc.

Do điều kiện địa lý nên lịch sử phát triển của đảo từ tiền sử đến lịch sử bị gián đoạn về ghi chép của sử xưa, nhưng luôn liền mạch theo dòng bởi những hiện vật và các di tích còn tồn tại cho tới ngày nay. Nhờ công sức, tâm huyết và có “cơ duyên” với nguồn cội của mình nên Bảo tàng Cội Nguồn đang vinh dự được lưu giữ một phần.          

Phòng trưng bày về vai trò của dòng họ Mạc với Phú Quốc. Phú Quốc trở thành chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhờ công lớn của dòng họ Mạc. Vào cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu đến vùng đất Mang Khảm chiêu mộ dân phiêu lưu thành lập 7 xã thôn trong đó có Phú Quốc. Năm 1708, Mạc Cửu xin sáp nhập vùng đất Mang Khảm vào Đàng Trong của chúa Nguyễn và khẳng nhiên Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ dâng đất xin dưới quyền Chúa Nguyễn, họ Mạc còn là một lực lượng trung thành, phò giúp Nguyễn Ánh về mọi mặt trên bước đường tạo lập cơ đồ đầy gian khổ. Đặc biệt, Hà Tiên xưa ghi nhận công đức của họ Mạc với mảnh đất này, họ Mạc cùng dân quanh vùng khai khẩn đất hoang lập ấp trở thành một vùng kinh tế phát triển một thời, cứu giúp người khốn khổ, cùng người dân chiến đấu bảo vệ thành quả mở đất lập dân, phò tá trung thành Vua Gia Long trong chặng đường bôn tẩu, hòa hợp văn hóa ba dân tộc: Việt – Hoa – Khơme thành một mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc, dạy chữ cho dân, bảo lưu và phát triển nền văn học của dân tộc Việt… những đóng góp to lớn của họ Mạc, được sách sử ghi nhận và người dân lập miếu thờ.

Bộ sưu tập công cụ đá  2500năm cnn (Cửa Cạn – Phú Quốc)

Trước khi lịch sử Phú Quốc được sách sử Triều Nguyễn ghi chép thì dấu tích khai phá và phát triển của đảo đã được thể hiện. Phòng giới thiệu về những người tiên phong trong công cuộc khai phá trên đảo đã nói lên điều đó. Thân thế, lai lịch của bà Kim Giao còn phải làm rõ, nhưng công lao và sự hiện diện của bà được khẳng định qua những mẩu chuyện của người dân.     

Đặc biệt, tại dinh Bà ở xã Cửa Cạn, trong đợt khảo sát của Bảo tàng đã phát hiện và khai quật được những hiện vật gốm: bình vôi, chén, bát hương... Theo nhận định ban đầu, những hiện vật gốm đó sớm nhất vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII do người dân mang lễ vật tới cúng tế để lại. Nhớ ơn và ghi nhận công lao của bà, người dân lập dinh thờ và hàng năm tổ chức lễ cúng.

Phú Quốc không chỉ ghi nhận dấu chân những người Việt tới khai phá, dựng xây cuộc sống trên đảo trước khi Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Việt Nam, mà trong cuộc chiến với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đặt chân lên đảo. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, nhớ sự che chở của người dân và nhận thấy vị thế địa lý của một đảo tiền tiêu phía Tây nên đã giành nhiều chính sách bảo vệ, phát triển đảo. Bảo tàng đã phục dựng mô hình        

dấu chân, Ngai Vua, giếng Ngự (hiện dấu tích còn ở mũi Ông Đội, phía Nam đảo), nơi ghi nhận dấu tích vị vua đầu tiên nhà Nguyễn trên đảo.

Phòng giới thiệu về cụ Nguyễn Trung Trực, ghi dấu dừng chân của vị anh hùng dân tộc trong cuộc chiến chống quân Pháp xâm lược trên đảo. Tấm gương cụ Nguyễn Trung Trực là hiện thân của tấm lòng trung nghĩa, tinh thần yêu nước, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ thành quả được gây dựng bao đời. Phẩm chất tuyệt vời ấy đã trở thành truyền thống góp phần giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần cho thế hệ trẻ.

Một góc trong bảo tàng Cội nguồn (Ảnh: TL)

Truyền thống nối tiếp truyền thống và được bồi tụ thêm ngay trong buổi đầu thời kỳ cách mạng. Dưới ánh sáng của Đảng, Chi bộ Đảng Phú Quốc ra đời, hoạt động, lãnh đạo và cùng nhân dân tham gia hưởng ứng tất cả các phong trào, họ đã kiên trì, bám trụ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hòa cùng không khí vui chung của cả nước, kể từ sau Đại hội VI của Đảng với nền kinh tế thị trường, hàng hóa được tự do lưu thông, nhân dân Phú Quốc đã bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển đảo về mọi mặt. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mà trên hết là chính quyền lãnh đạo, cùng những người con đất đảo đang chung sức dựng xây Phú Quốc thành Trung tâm phát triển kinh tế du lịch quan trọng của Việt Nam.

Những mô hình, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng là một minh chứng hùng hồn cho việc khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; như một sợi chuỗi gắn kết thời gian nói lên công lao to lớn của người đi mở cõi và sự hi sinh anh dũng của bao thế hệ. Qua đó, nêu cao tấm gương giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Phú Quốc trong tương lai.

Nguyễn Anh Sơn

Top