Xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa ở Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước, nơi hội tụ những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Hà Nội là vùng tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá nhất của nước ta.

Di tích lịch sử văn hoá là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc. Định nghĩa về di tích lịch sử văn hoá đã được ghi tại Điều 4 Chương I của Luật Di sản văn hoá số 08/2001/QH năm 2001: Di tích lịch sử văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Mỗi di tích chứa đựng một nội dung lịch sử, một giá trị văn hoá, một lượng thông tin riêng biệt khác nhau. Bởi vậy, di tích cần phải được phân loại để xác định tên gọi đúng với nội dung, đặc điểm thì mới có thể tiến hành hoạt động bảo vệ, sử dụng, phát huy giá trị của di tích một cách hiệu quả. Cơ sở để phân loại di tích là nội dung lịch sử chứa đựng trong mỗi di tích. Từ nội dung lịch sử đó mà di tích được phân chia ra từng thời kỳ và xếp theo từng loại hình như: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học, di tích cách mạng kháng chiến.

Luật Di sản văn hoá quy định rõ tiêu chí xếp hạng và thẩm quyền quyết định xếp hạng cụ thể: di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng; di tích cấp Quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng; di tích Quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích và quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục Di sản thế giới.

Chùa Một Cột(Ảnh: TL)

Từ nhiều năm nay, quy trình xếp hạng di tích lịch sử văn hoá của Thủ đô Hà Nội đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trình tự cụ thể: từ việc phát hiện khảo sát tiến tới lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý cho các di tích phải tuân thủ theo một trình tự và nằm trong kế hoạch xếp hạng chung của thành phố. Sau đó, tổ chức hội nghị thông qua hồ sơ xếp hạng cấp xã (phường) – quận (huyện) - thành phố, để các đại biểu, phòng, ban chức năng từ thành phố đến cơ sở thảo luận về nội dung khoa học và địa giới đất đai có liên quan đến các khu vực bảo vệ của di tích. Khi mọi vấn đề đặt ra đã được hội nghị nhất trí thông qua, hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích được đưa vào tờ trình gửi lên cấp trên xét duyệt theo hướng dẫn của Cục Di sản văn hoá. Sau khi di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Uỷ ban nhân dân thành phố ra quyết định xếp hạng và cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá, Ban Quản lý Di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông báo cho các Phòng Văn hoá - Thông tin quận, huyện chỉ đạo các địa phương có di tích tổ chức lễ đón nhận quyết định và bằng, đồng thời công bố trước toàn thể nhân dân danh sách Ban bảo vệ di tích do Uỷ ban nhân dân quận (huyện) ra quyết định thành lập.

Công tác xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ở nước ta kể từ khi Nhà nước công nông được thành lập từ năm 1945 đến nay có thể chia thành hai giai đoạn, lấy mốc là trước và sau khi thống nhất đất nước năm 1975. Ở giai đoạn đầu đợt I vào tháng 4 năm 1962, Bộ Văn hóa ra Quyết định liệt hạng 62 di tích trong cả nước, trong đó Hà Nội có 8 di tích: chùa Một Cột, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Láng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa; đợt II vào tháng 1 năm 1964, có 34 di tích được xếp hạng thì Hà Nội có 6 di tích: nhà lưu niệm 5D Hàm Long, nhà số 90 Thợ Nhuộm, số 105 Phùng Hưng, chùa Bộc; đợt III vào tháng 3 năm 1974, có 10 di tích được xếp hạng. Sau năm 1975, việc xếp hạng di tích ở các tỉnh phía Nam bắt đầu được thực hiện. Từ đây, công tác xếp hạng di tích được tiến hành thường xuyên trong cả nước, góp phần phản ánh khá toàn diện chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Đền Quán Thánh(Ảnh: TL)

Từ năm 1962 đến những năm 1984, số lượng di tích được xếp hạng chỉ tính trên đầu ngón tay, sau năm 1984, khi Hội đồng Nhà nước ban hành “Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh”, thì công tác xếp hạng di tích được chú trọng và đạt kết quả đáng ghi nhận. Với bề dày hàng ngàn năm lịch sử, Hà Nội là nơi tập trung nhiều di tích nhất trong cả nước. Ý thức được sự cần thiết phải bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt là các di tích có giá trị, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã xác định xếp hạng di tích là một trong những công tác trọng tâm của công tác quản lý bảo vệ di tích, có xếp hạng di tích thì mới có cơ sở pháp lý để bảo vệ, cho nên xếp hạng di tích có ý nghĩa quyết định vận mệnh sống còn của di tích. Xuất phát từ nhận thức trên, trong nhiều năm qua, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu thực địa và thư tịch, đo đạc, vẽ ghi, chụp ảnh xác định nội dung giá trị mức độ xuống cấp cho gần 3.000 di tích trên địa bàn 29 quận, huyện, từ đó xây dựng kế hoạch xếp hạng từng năm triển khai lập hồ sơ theo quy trình hướng dẫn của cấp trên và trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Năm 2001, Luật Di sản văn hoá ra đời đã tạo bước ngoặt lịch sử đối với công tác quản lý phát huy giá trị di tích. Đặc biệt là công tác xếp hạng di tích đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2001 đến 2009, Thủ đô Hà Nội đã tích cực, chú trọng triển khai công tác xếp hạng di tích theo đúng quy trình hướng dẫn của Luật Di sản văn hoá, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Thủ đô trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Các di tích sau khi được xếp hạng đều được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, đất đai của di tích tích được quy hoạch chi tiết, không còn hiện tượng xâm lấn như trước đây. Tính đến tháng 8 năm 2010, Hà Nội có 2060/5164 di tích được xếp hạng, trong đó di tích cấp Quốc gia là 1151, di tích xếp hạng cấp tỉnh là 909. Hiện nay, công tác xếp hạng di tích lịch sử văn hoá của Thủ đô Hà Nội được thực hiện theo một quy trình khoa học, chia làm hai bước:

Bước 1: công dân, tổ chức nộp hồ sơ và nhận giấy biên nhận có hẹn ngày giải quyết tại Ban Quản lý Di tích Danh thắng; Ban Quản lý Di tích Danh thắng tiếp nhận, thụ lý giải quyết và trả kết quả theo hẹn. Trình tự thực hiện: thẩm định đơn đề nghị xếp hạng: tổ chức khảo sát sơ bộ về: hiện trạng di tích, nguồn tư liệu liên quan, giá trị di tích… theo các tiêu chí cấp xếp hạng quy định trong Luật Di sản văn hoá, lập hồ sơ trích ngang, trình UBND thành phố cho ý kiến thỏa thuận hồ sơ trích ngang di tích đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh và trình Cục Di sản văn hoá thẩm định hồ sơ trích ngang đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân về ý kiến thoả thuận của Uỷ ban nhân dân thành phố và Cục Di sản văn hoá (có đủ tiêu chí xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia hay không).

Đền Voi Phục (Ảnh: TL)

 Bước 2: lập hồ sơ xếp hạng di tích (chỉ thực hiện khi có kinh phí). Ban Quản lý Di tích Danh thắng thông báo với địa phương và tổ chức, cá nhân về việc triển khai lập hồ sơ xếp hạng di tích, trong đó ghi thời gian dự kiến cho toàn bộ khối lượng công việc do Ban Quản lý Di tích Danh thắng tổ chức thực hiện; Ban Quản lý Di tích Danh thắng trả kết quả cho tổ chức, cá nhân sau khi có quyết định xếp hạng di tích.

Tổ chức thực hiện các nội dung công việc: tổ chức khảo sát, thu thập tài liệu; nghiên cứu, sưu tầm tài liệu tại cơ quan Trung ương và địa phương; tìm hiểu quá trình xây dựng, các lần tu sửa di tích; tìm hiểu về lịch sử vị thần thờ trong di tích, các sự kiện liên quan; mô tả kiến trúc, nghệ thuật; thống kê, miêu tả, phân loại, đánh giá các hiện vật có trong di tích; điều tra, phỏng vấn, thu thập tư liệu trong dân gian; điều tra, tìm hiểu về nguồn gốc đất đai và hiện trạng sử dụng; nghiên cứu các tài liệu liên quan;… sưu tầm bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đi đến di tích; khảo sát hiện trạng kiến trúc: đo hiện trạng mặt bằng tổng thể; mặt bằng các hạng mục công trình; đo vẽ hiện trạng kiến trúc, mặt cắt ngang, cắt dọc kiến trúc, những kết cấu và chi tiết kiến trúc;... tổ chức xây dựng và hoàn thiện các thành phần hồ sơ: lý lịch di tích; bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích; bản vẽ mặt bằng tổng thể, các mặt cắt ngang, cắt dọc, bản vẽ những kết cấu và chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu của di tích tỷ lệ 1/500; tập ảnh mầu khảo tả di tích, di vật thuộc di tích; bản thống kê di vật thuộc di tích; bản dập, dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác minh họa cho nội dung giá trị di tích; biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích do cơ quan chức năng thành phố lập và cắm mốc giới khu vực bảo vệ, có dấu xác nhận của UBND các cấp; cơ quan chuyên ngành các cấp (Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tài nguyên Môi trường, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội). Lập hồ sơ tài liệu minh họa (nếu có); tổ chức họp Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ; tổ chức họp Hội nghị các cấp thống nhất hồ sơ xếp hạng và khu vực bảo vệ di tích; hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định; trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Uỷ ban nhân dân thành phố ký duyệt hồ sơ và ra quyết định, cấp bằng xếp hạng di tích; thông báo với tổ chức, cá nhân ngay sau khi nhận quyết định xếp hạng của Uỷ ban nhân dân thành phố và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (không quá 5 ngày làm việc).

Chùa Trấn Quốc (Ảnh: TL)

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội vẫn còn hơn 3.000 di tích chưa xếp hạng và nhu cầu của nhân dân các địa phương mỗi năm đề xuất với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch ưu tiên nghiên cứu xếp hạng gần 100 di tích. Để hoàn thành được nhiệm vụ xếp hạng và bảo tồn một khối lượng di tích lớn như vậy, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang từng bước kiểm kê, đánh giá, phân loại và xây dựng kế hoạch năm về việc xếp hạng di tích để vừa không bỏ sót những di tích có giá trị cần bảo tồn, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các địa phương. Có thể khẳng định, Hà Nội là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Điều đó được thể hiện qua kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong hai năm 2009 - 2010, Thủ đô Hà Nội mới đã và đang tích cực có nhiều hoạt động thiết thực đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguyễn Thị Thủy

Top