GS.TS Nguyễn Anh Trí: “Xã hội và nhà khoa học tin tưởng là thành công lớn nhất của chúng tôi"
GS.TS. Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Trần Hiệp
TGDS: Sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học là lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam và cả thế giới, Giáo sư có thể chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Thế giới Di sản về ý tưởng này?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Ý tưởng muốn tri ân các bậc tiền bối, thầy cô giáo của tôi bắt đầu từ những trang bản thảo luận án phó tiến sĩ; nhìn những nét bút xanh, đỏ thầy cô hướng dẫn gạch ngang dọc, tôi thật sự trân trọng, cảm động và coi đó là những lời răn dạy để mình đừng vấp lại trong suốt cuộc đời. Tôi mong ước lưu giữ lại những điều chỉ dạy đó làm kỷ niệm; giải pháp lưu giữ duy nhất là ép platic nhưng biện pháp này vẫn có thể làm nhòe chữ, hơn nữa, không thể ép quá nhiều tài liệu.
Bảo vệ Luận án 4-6-1993, chỉ 2 ngày sau tôi đã có mặt ở Tokyo, Nhật để học tiếp. Thời gian học tập ở nước bạn, tôi vẫn cháy bỏng mơ ước nếu có tiền sẽ thành lập trung tâm lưu giữ di sản của các nhà khoa học. Tôi không thể quên một chiều đông Hà Nội, khi đó đã về nước làm việc, tôi chia sẻ ý tưởng với bạn, với gia đình, với MEDLATEC; các chuyên gia tôi mời cộng tác, đồng hành... Tất cả đều ủng hộ. Và rồi, năm 2008 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ra đời.
TGDS: Đây là việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn nhưng không phải ai cũng biết Trung tâm đã phải vượt qua những khó khăn, thách thức như thế nào để có được thành quả như hôm nay, Giáo sư có thể chia sẻ những khó khăn mà Trung tâm phải vượt qua để chiếm lĩnh được lòng tin của các nhà khoa học và gia đình họ khi gửi gắm gia tài cả đời mình vào đây?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Những ngày đầu thành lập, thậm chí 2,3 năm sau, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhân sự, kinh nghiệm và tư tưởng của các nhà khoa học và xã hội. Nhiều nhà khoa học và dư luận xã hội tỏ ra nghi ngại về mục đích cũng như tính bền vững của Trung tâm; họ băn khoăn liệu có tồn tại được không, lấy kinh phí đâu để làm, sưu tầm tài liệu thế nào, làm sao phát huy giá trị di sản? Có nhà khoa học còn khẳng định sẽ không bao giờ tham gia, lại có nhà khoa học mà nghiên cứu viên Trung tâm đến gặp không dưới 10 lần, thậm chí mấy chục lần mới thuyết phục được. Tôi buồn nhưng không nản, tôi hiểu sự phản ứng của xã hội là đương nhiên bởi đây là một tổ chức mới mẻ và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, lại đặt trong bối cảnh chuyện bằng cấp, danh hiệu đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Với phương châm kiên trì, trung thực và vừa làm vừa điều chỉnh phù hợp, chúng tôi tạo dựng cách thức tổ chức Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam với ba nội dung rõ ràng: hướng tới chuẩn bị cho một bảo tàng về các nhà khoa học, một thư viện, một cơ sở lưu trữ hồ sơ, tài liệu hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam.
Tính đến tháng 6-2018, Trung tâm đã thiết lập được hơn 1.400 phông lưu trữ nhà khoa học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, từ khoa học xã hội và nhân văn, đến khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, công nghệ. Rất nhiều trường hợp, nghiên cứu viên của Trung tâm đã kịp thời tiếp cận trước khi nhà khoa học sang thế giới bên kia, như GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (Y học), GS.TS Lê Quang Long (Sinh học), GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (Toán học), GS Văn Tạo (Sử học), GS Phạm Đức Dương (Ngôn ngữ học)... Bên cạnh đó, nhiều di sản có nguy cơ hư hại cao như tài liệu của GS Phong Lê (Văn học), GS Tôn Thất Tùng (Y học), GS Đặng Văn Chung (Y học), GS.TS Ngô Đức Thịnh (Văn hóa dân gian)… cũng được Trung tâm khẩn trương đưa về lưu giữ trong điều kiện bảo quản tốt.
GS.TS Nguyễn Anh Trí trao đổi với NB Trần Đăng Khoa, Phó TBT Tạp chí Thế giới Di sản. Ảnh: Trần Hiệp
TGDS: Rõ ràng là, từ một ý tưởng rất “lạ” đối với Việt Nam và từng bị nghi ngờ rất nhiều về tính hiện thực, đến nay Trung tâm đã có một khối tài sản khổng lồ về di sản của các nhà khoa học như ông vừa nói. Cảm tưởng của ông lúc này thế nào, thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tôi đã vô cùng xúc động khi đại biểu đến dự, ngồi chật kín hội trường Trung tâm Hội nghị quốc tế dịp kỷ niệm 10 năm thành lập vừa qua. Họ không chỉ là các đại biểu từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, các bộ, ban ngành, Hội, trường đại học, các viện nghiên cứu… mà còn là rất nhiều các nhà khoa học nổi tiếng trong mọi lĩnh vực. Nhìn những dòng người đến dự Lễ, bên cạnh các nhà khoa học còn khá trẻ, còn sung sức, có cả những nhà khoa học tóc đã bạc, lưng đã còng, chân đi đã run được con cháu, vợ hoặc chồng dìu đưa đến… Tôi nhận ra rằng, các nhà khoa học đã đến đây bằng cả sự tin tưởng và mến mộ. Tôi trân trọng tình cảm đó. Từ việc bị nhà khoa học từ chối, từ việc phải mất không dưới chục lần để thuyết phục, đến nay, lịch làm việc của các nghiên cứu viên kín tuần do các nhà khoa học chủ động mời. Xã hội chấp nhận, thừa nhận và tôn vinh đó là sự đóng góp cho xã hội; các nhà khoa học tin tưởng - Đây chính là thành công lớn nhất Trung tâm đã làm được trong 10 năm qua.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Di sản (9-9-2018)
Có những nhà khoa học hoặc gia đình họ tin tưởng giao cho Trung tâm cả “gia tài” khổng lồ của mình. Tôi lấy ví dụ: Năm 2014, PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã thay mặt người chồng quá cố - PGS Lê Văn Sáu, tặng Trung tâm toàn bộ tài liệu hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của hai ông bà. Trong số đó, có hơn 1.000 tài liệu hiện vật đã gắn bó với 50 năm hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy Lịch sử của PGS Lê Văn Sáu.
Hay đại gia đình GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn đã giao cho Trung tâm khối tài liệu khổng lồ gồm hơn 4.000 tài liệu, hiện vật của GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn và ba người em ruột của ông là GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu, TS Nguyễn Cảnh Hồ và GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm. Đây là bộ sưu tập tài liệu tương đối đặc biệt, của một gia đình có truyền thống học tập có nhiều giá trị, thể hiện quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của 4 anh em nhà khoa học, qua đó góp phần nghiên cứu lịch sử giáo dục, toán học, y học và khoa học thủy lợi ở nước ta…
GS.TS Nguyễn Anh Trí khảo sát thực tế tại CVDS các nhà khoa học (ảnh trên) và tại tổng kết hoạt động năm 2017 của TTDS
TGDS: Trong số tư liệu, hiện vật của 1.400 nhà khoa học, có bộ sưu tập nào ấn tượng nhất đối với Trung tâm không, thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Có rất nhiều tư liệu hiện vật giá trị, nhưng có lẽ chúng tôi ấn tượng nhất là 3.000 tài liệu của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, GS Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với hàng trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí, trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Từ năm 1996, ông đưa ra luận thuyết “Công minh lịch sử và Công bằng xã hội”, góp phần nhìn nhận lại một số vấn đề lịch sử như nhận thức lại về họ Khúc, về nhà Mạc và nhà Trịnh, hay nhận thức lại về các nhân vật như Thái hậu Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh…, nhận thức lại về một số sự kiện lịch sử như nạn đói năm 1945 …
Đặc biệt, trong hơn 3.000 tài liệu đó có 118 cuốn băng ghi âm mang giá trị vô cùng to lớn, không chỉ về cuộc đời của một con người, mà còn chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử mà tác giả chứng kiến hay có các tài liệu liên quan do GS Văn Tạo tự kể chuyện, tự ghi lại bằng chính giọng của mình dưới góc nhìn của một nhà sử học trong suốt 5 năm, từ năm 2009 đến 2013. Với khoảng 8.000 phút ghi âm, bộ sưu tập băng ghi âm này có tên là “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” tái hiện những câu chuyện về quê hương, về quá trình xây dựng Ban Văn - Sử - Địa và Viện Sử học, về các nhân vật lịch sử như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…, về những buổi làm việc với các vị lãnh đạo nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Đồng thời cũng ghi lại những suy tư, trăn trở của ông về quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, về các vấn đề lớn của đất nước đặt trong bối cảnh rộng lớn về lịch sử, dựa trên các nguồn tài liệu mà ông thu thập, sưu tầm và lưu giữ.
Cũng chính từ bộ tư liệu tự kể chuyện bằng ghi âm này đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với Trung tâm, đó là cách giữ gìn ký ức bằng hình thức tự ghi âm cho đời sau, một hình thức thích hợp với những nhà khoa học cao tuổi mà việc viết lách đã trở nên khó khăn.
Nghiên cứu viên Trung tâm làm việc với GS Văn Tạo
Bộ sưu tập băng ghi âm của GS Văn Tạo
TGDS: Tại cuộc họp của Hội đồng Cố vấn được Trung tâm tổ chức ngày 29-3-2018, Hội đồng cố vấn đã đưa ra những định hướng phát triển cho Trung tâm, một trong những định hướng đó là “Hài hòa giữa số lượng và chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”. Giáo sư có thể chia sẻ “lời giải” của bài toán “số lượng - chất lượng” như thế nào?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Hài hòa số lượng và chất lượng là chiến lược sâu sắc mà Hội đồng cố vấn đặt ra nhưng để thực hiện chiến lược này rất vất vả, tốn công tốn của. Không thu thập được tư liệu nghĩa là không có số lượng; Lấy tư liệu về rồi mà không giữ gìn được tốt, không hiểu được nội dung, không phát huy được - đây chính là “chất lượng”, thì chỉ đạt được một phần mục đích.
Nhiệm vụ của ngành bảo tồn, bảo tàng là sưu tầm; lưu trữ, bảo quản; phát huy giá trị tư liệu, hiện vật mà để làm được điều đó phải xã hội hóa cao độ. Đây cũng là một trong những bài học thành công của Trung tâm. Xã hội hóa không phải chỉ là huy động kinh phí mà còn là tri thức, kiến thức, công lao, chiến lược và đặc biệt là phải mời được các nhà khoa học vào cuộc, để các nhà khoa học tự nói lên những tri thức, cuộc đời hoạt động của mình bởi không ai có thể hiểu biết ngành khoa học bằng chính nhà khoa học đó.
Tôi quan niệm, người làm di sản giống như vị nhạc trưởng, định hướng chủ đề, nội dung rồi phải lan tỏa ra xã hội. Mục đích của chúng tôi, tư liệu lưu trữ không phải chỉ để trưng bày cho đẹp mà phải phát huy hiệu quả bằng cách để những nghiên cứu sinh, những nhà khoa học trẻ đến tìm thông tin tư liệu; nhà báo, nhà văn đến nghiên cứu.
TGDS: Giáo sư vừa nói chiến lược này rất tốn kém, vậy việc nhìn nhận đầu tư vào công việc này của Trung tâm thời gian tới liệu có sự thay đổi không, thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Quả thật là đầu tư cho công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học cực kỳ tốn công, tốn của.
Có những nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà thời gian nghiên cứu viên của chúng tôi đến làm việc hàng năm, có khi vài năm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ.
10 năm qua chúng tôi chưa thu được lợi ích gì. Chúng tôi lấy nguồn đầu tư từ Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học MEDLATEC, chưa dùng đồng tiền nào của Nhà nước. MEDLATEC lấy tiền đâu đầu tư? Tiền của tôi? Không phải! Tiền của các thành viên Hội đồng Quản trị? Không phải. Tiền của cổ đông? Cũng không phải!
Ngược dòng thời gian, sau khi từ Nhật về nước, rất nhiều nơi mời tôi làm việc bởi tôi học giỏi, lại thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật. Tôi chọn làm ở một phòng khám thuộc Bệnh viên Đa khoa Tràng An vì các bạn tôi - những bác sĩ giỏi nhưng lại rất nghèo. Chúng tôi đã đưa doanh thu phòng khám từ 8tr/tháng lên 365tr/tháng; chiếm hơn một nửa doanh thu của BV Đa khoa Tràng An. Lúc đó, thu được 10 đồng thì chúng tôi chia nhau 8 đồng, 2 đồng để lại làm quỹ. Từ thuê nhà ban đầu, dần dần chúng tôi mở rộng, phát triển dần lên. Hiện nay, MEDLATEC đang trên đà phát triển cũng rất cần tiền. Mặc dù vậy, MEDLATEC vẫn ra Nghị quyết mỗi năm sẽ đầu tư đủ và hợp lý cho các hoạt động cho Công viên và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong vòng 10 năm tới (2017-2027), việc đầu tư cho năm sau so với năm trước chỉ được bằng hoặc tăng chứ không được giảm và cũng không họp bàn lại vấn đề này.
Tôi tin rằng, 10 năm, 20 năm, 50 năm phải đầu tư nhưng 100 năm nữa chắc chắn sẽ sinh lợi, không những thế những tư liệu hiện vật Trung tâm sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và phát huy sẽ là báu vật của quốc gia.
Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của bốn nhà khoa học là anh em trong gia tộc Nguyễn Cảnh
TGDS: Hiện nay, những nhà khoa học mà Trung tâm hướng tới cũng như những người tìm đến với Trung tâm chủ yếu là những nhà khoa học đã cao tuổi. Trung tâm có tính đến khả năng hướng tới các nhà khoa học còn trẻ với những công trình nổi bật của họ không?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Chặng đường vừa qua, chúng tôi sưu tầm di sản ký ức và tài liệu - hiện vật của các nhà khoa học, trọng tâm là các nhà khoa học đã cao tuổi bởi khi tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ ngày một suy giảm, nếu không kịp thời khai thác những ký ức và thu thập thông tin về lịch sử cuộc đời họ để lưu trữ thì di sản đó sẽ mất đi nhanh chóng. Năm 2009, GS.TS Phạm Tử Dương, nguyên Phó Viện trưởng Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nói với nghiên cứu viên rằng ông luôn ủng hộ TTDS, nhưng ông còn khỏe, nên hãy ưu tiên làm việc trước với những nhà khoa học già yếu hơn. Nhưng sau đó, ông ra đi đột ngột nên những tài liệu, hiện vật của ông mà chúng tôi đã sưu tầm được càng thực sự trở thành vô giá. Mặt khác, hầu như mọi người thường quan niệm di sản của nhà khoa học chỉ là những cuốn giáo trình, sách giáo khoa, những công trình đã xuất bản, do đó không lưu giữ các bản thảo, sổ ghi chép, văn bản hành chính... Thêm nữa, thực tế cho thấy, nhiều nhà khoa học Việt Nam còn chưa coi trọng việc lưu trữ tài liệu cá nhân, hoặc do điều kiện nhà ở chật chội hay nhiều lần di chuyển chỗ ở nên đã phải đem bán hoặc vứt bỏ vô số tài liệu của mình dù biết đó là tài liệu có giá trị.
Trung tâm mở hướng tiếp cận với những nhà khoa học trẻ
Mặc dù vậy, trong kho lưu trữ của Trung tâm cũng có tư liệu hiện vật của những nhà khoa học trẻ tuổi. Hiện nay, song song với việc sưu tầm tư liệu hiện vật của các nhà khoa học lớn tuổi, chúng tôi đã tiến hành thu thập thông tin, tư liệu, quay video buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của những người trẻ tuổi, tôi cho đây thực sự là tư liệu đắt giá, không thể diễn lại được.
TGDS: Chặng đường 10 năm đầu đã khép lại với những thành quả nhất định, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy thành quả đó thế nào trong giai đoạn tiếp theo, thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Song song với việc tiếp tục sưu tầm hiện vật, tìm cách thức và biện pháp phát huy hiệu quả nhất giá trị tài liệu hiện vật của hơn 1.400 nhà khoa học đã trao gửi là nhiệm vụ trọng tâm chặng đường 5-10 năm tới; trước hết là nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam. Tiếp đó là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đưa kho lưu trữ di sản các nhà khoa học vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học và nhu cầu của xã hội.
Cũng từ thực tế đó, từ những năm trước, chúng tôi chọn xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để xây dựng CVDS. Nổi bật trong công viên hiện nay là tòa nhà lưu trữ di sản các nhà khoa học. Phần lớn số tài liệu - hiện vật TTDS sưu tầm trong thời gian qua đã được chuyển lên đây để bảo quản lâu dài trong những điều kiện tốt nhất. Và chúng tôi luôn ghi nhớ rằng, tư liệu hiện vật được chuyển vào đây thì không còn là tài sản của nhà khoa học, của tôi, của Trung tâm mà là tài sản quốc gia.
GDS: Khi còn đương chức Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ông nói rất nhiều đến “văn hóa trong ứng xử trong giao tiếp với bệnh nhân”. Có đôi lần làm việc trực tiếp với Trung tâm cũng như qua quan sát, theo dõi và nghe nhận xét của nhiều nhà khoa học và cũng như gia đình họ, tôi nhận thấy Trung tâm có một đội ngũ nhân viên tuy còn trẻ nhưng rất nhiệt huyết, có tâm và có trách nhiệm với công việc này.
Xin hỏi Giáo sư và Ban Lãnh đạo Trung tâm có bí quyết gì để những người trẻ say mê với công việc này?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Rất nhiều nhà khoa học nói với tôi bằng một câu hỏi cảm thán: “Không hiểu sao mà Trung tâm lại có được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, yêu nghề và ngoan đến như vậy!”. Để có được đội ngũ này, ngoài chế độ lương, các khoản phúc lợi... khá hơn so với mặt bằng chung một chút, các em được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp; được tiếp xúc với những kho sách sống, nghe những câu chuyện và bài học về cuộc đời và quá trình nghiên cứu, làm việc của các nhà khoa học; được làm việc dưới sự dẫn dắt của những người đáng kính. Nhân đây, tôi xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người mà tôi vẫn gọi là “thầy” dù chưa từng dạy tôi chữ nào. Tôi may mắn có duyên được gặp và làm việc với ông, một người có năng lực, trình độ ở lĩnh vực này. Thầy Huy có đóng góp rất lớn đối với Trung tâm, thầy đảm nhiệm toàn bộ hoạt động chuyên môn cũng như thu thập, giáo dục đạo đức, niềm tin, lòng yêu nghề; đào tạo chuyên môn và truyền cảm hứng cho nhân viên. Tôi không có chuyên môn về lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, về di sản văn hóa nhưng các ý tưởng của tôi đều được thầy ủng hộ và góp ý.
Nhìn vào đội ngũ này, tôi có niềm tin vào một tương lai phát triển của Trung tâm!
TGDS: Nếu để đúc kết về bài học thành công, Giáo sư sẽ đánh giá thế nào?
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Ý tưởng lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự thành công! Sự quyết tâm là cơ sở của thành công! Tài chính ổn định và kịp thời là nền tảng của sự thành công! Và trên tất cả: Còn cần phải có một cái TÂM hết sức trong sáng thì thành công đó mới thực sự bền vững!
TGDS: Cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện. Chúc Trung tâm ngày càng khẳng định “thương hiệu” trong xã hội để ký ức về các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho đất nước sẽ tiếp tục được “nối dài” bằng nhiều tư liệu, hiện vật được trao lại cho Trung tâm.
Thành công của một đơn vị không phải chỉ tính đơn vị đấy đã nhiều tuổi hay chưa? Có đông người hay không? Mà thành công của một đơn vị chính là sự đóng góp, sự lan tỏa trong xã hội! Mười năm qua, HERITIST đã cho nhân dân Việt Nam thấy được và tự hào về những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam với đất nước này, với Tổ quốc này! Và chính nhờ đó mà uy tín, hình ảnh của HERITIST mới lan tỏa mạnh mẽ và nhanh chóng đến như vậy. HERITIST đã cho tôi thấy rõ điều đó! (TSKH Phan Xuân Dũng - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ của Quốc hội) |
HERITIST đang làm một việc hết sức mới mẻ, chưa từng có ở Việt Nam, thậm chí là trên thế giới! (GS.VS Nguyễn Văn Hiệu) |
Những kết quả mà Trung tâm đạt được góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học nói riêng, di sản văn hóa nói chung, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cách làm sáng tạo từ mô hình của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để có định hướng mới trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. (TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Ngọc Đăng - Hoàng Quỳnh (thực hiện)