Vị thế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong hệ thống bảo tàng Việt Nam

Trong Luật Di sản văn hóa của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bảo tàng được định nghĩa: “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”. Theo quan niệm của Tổ chức Bảo tàng quốc tế (ICOM) (được thông qua tại Stavanger (1995) thì “Bảo tàng một thiết chế phi vụ lợi hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức”.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26-09-2011 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Là một bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử- xã hội ở Việt Nam; là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có chức năng nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu, phổ biến, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật về tiến trình lịch sử Việt Nam; tổ chức đào tạo, tư vấn, giám định, thẩm định, quản lý, khai thác dịch vụ thuộc phạm vi hoạt động của Bảo tàng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành lập trong giai đoạn hiện nay để có những nhận thức đúng, đủ, biện chứng và khoa học về tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay; về di sản văn hóa Việt Nam cả trên cạn và dưới nước; vừa là điểm đến du lịch cho công chúng trong nước và quốc tế; đồng thời là ngân hàng dữ liệu và quản lý di sản văn hóa của Việt Nam. Đây cũng là nơi nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị các di sản văn hóa Việt Nam một cách tích cực nhất.

Trong hơn 50 năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (tiền thân là hai Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử VN) đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, với những thay đổi không ngừng về nhận thức, quan niệm, lý luận, vai trò, ý nghĩa và chức năng, nhiệm vụ. Sưu tập gần 20 vạn tài liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau, với những bộ sưu tập hiện vật phong phú, quý hiếm so với nhiều bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như sưu tập về nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, sưu tập văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo, Champa, sưu tập đồ gốm men cổ Việt Nam... hàng chục sưu tập hiện vật quí hiếm, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các phong trào yêu nước, các sưu tập hiện vật về hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới của đất nước trong thế kỷ XX. Từ các sưu tập hiện vật trên cùng với các hoạt động chuyên môn của mình, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa và thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước anh hùng cho toàn thể nhân dân.

Trong quá trình hoạt động và ngày càng trưởng thành, bảo tàng luôn lấy nhiệm vụ phục vụ công chúng, phục vụ và đáp ứng các nhiệm vụ chính trị của đất nước làm thước đo và là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra đời không phải là mục đích tự thân, mà do nhu cầu thật sự cần thiết của xã hội. Rồi chính những hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đem lại những lợi ích về chính trị, về tinh thần, về ngoại giao, về kinh tế và niềm tin vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc; quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam với quốc tế thông qua các hoạt động bảo tàng. Đương nhiên, những lợi ích to lớn ấy khó có thể cân, đo chính xác, đầy đủ được.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đó. Hơn một năm qua, mọi hoạt động của Bảo tàng đều chú trọng theo hướng nghiên cứu khoa học đi đôi với ứng dụng trong trưng bày, bảo quản, phát huy, để phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Là một trong các thiết chế văn hóa của đất nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hơn một năm qua, khoảng hai chục cuộc trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện đã gây được tiếng vang lớn. Nhất là những cuộc trưng bày tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Indonexia, Bỉ và đặc biệt tại Trung Quốc. Cùng với trưng bày là việc giới thiệu các ấn phẩm của Bảo tàng như: Cổ vật Việt Nam, Báu vật phương Đông, Trống đồng Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển... đã thu hút hàng vạn, thậm chí hàng triệu lượt du khách các nước. Ở trong nước, các cuộc trưng bày chuyên đề lớn như: Báu vật Hoàng Cung (nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội); Di sản văn hóa biển... và đặc biệt là việc giới thiệu trưng bày bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn đời Vua Quang Tự, Thời Thanh (1904) đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô và khách quốc tế. Trong hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khắc phục những hạn chế, bất cập của không gian trưng bày hiện nay; chỉnh trang, sắp xếp, kết nối hợp lý giữa 2 cơ sở trưng bày tại số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải, bước đầu phát huy hiệu quả. Công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm hiện vật và đặc biệt là lĩnh vực khảo cổ học vẫn luôn được ưu tiên vì đây là thế mạnh hàng đầu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hơn một năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành hàng chục các chương trình nghiên cứu lớn gồm: khảo sát di tích hang động Thời Tiền sử (phối hợp với Bảo tàng Lạng Sơn); khai quật di tích Bãi Cọi (phối hợp với Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc); khảo sát thành cổ Luy Lâu-Bắc Ninh (phối hợp với Trường Đại học Đông Á và Saitama (Nhật Bản); khai quật phế tích kiến trúc Thời Lý trên núi Phương Nhi-Ý Yên- Nam Định; khai quật tàu cổ đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi); khảo sát hệ thống thương cảng cổ (phối hợp với Sở VHTTDL Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Bình Định…); khảo sát, khai quật một số di tích Chăm Pa ở Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng; khảo sát di tích văn hóa Óc Eo tại Đồng Tháp và Long An… Những kết quả nghiên cứu và khảo cổ học đó mang lại nhiều thông tin khoa học mới về các vấn đề khảo cổ học thời kỳ Tiền sơ sử như: văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Óc Eo cũng như các thời kỳ của văn hóa Đại Việt. Hơn thế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện là cơ quan duy nhất trong nước tham gia hoạt động khảo cổ học dưới nước. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang tích cực khai thác thế mạnh này bằng cách mở rộng hợp tác quốc tế, cử cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài. Mặt khác, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước. Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu diễn ra trong tháng 6-2013 với sự tham gia tích cực của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cuộc khai quật con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa gốm sứ trên biển Đông trong nhiều thế kỷ trước đây. Các loại hình hiện vật trên tàu hứa hẹn mang lại nhiều nhận thức mới về đồ gốm sứ thế kỷ 13 ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là những tài liệu hiện vật cổ đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Hiện trạng con tàu còn khá nguyên vẹn và có cấu trúc độc đáo hiếm thấy, là một hiện vật cổ quan trọng rất có giá trị đóng góp vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới. Đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc tìm kiếm, phát hiện, làm sáng tỏ và khẳng định những giá trị khoa học về lịch sử và văn hóa của quốc gia- dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Những giá trị đó sẽ phục vụ thiết thực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam hiện nay và mai sau.

Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu khoa học và khảo cổ học trên, công tác nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật bảo quản, kỹ thuật phục chế hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Hoạt động này góp phần giải quyết được thách thức rất lớn đối với việc bảo quản, phục chế hiện vật của bảo tàng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới có độ nóng và độ ẩm cao như ở nước ta. Không chỉ đáp ứng nhiệm vụ công việc tại Bảo tàng, mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và luôn sẵn sàng giúp đỡ bảo tàng các địa phương trong công tác bảo quản, phục chế hiện vật. Các lĩnh vực công tác khác cũng đem lại những kết quả khả quan. Đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia hôm nay, sau khi đi thăm hệ thống trưng bày trong nhà và các trưng bày chuyên đề, du khách có thể dừng chân, thư giãn tại sân vườn Bảo tàng. Đây là một không gian trưng bày ngoài trời tuy nhỏ nhưng khá đẹp, hấp dẫn. Tại khuôn viên này (số1 Tràng Tiền) trưng bày hàng trăm hiện vật quý, gồm hai khu trưng bày Đại Việt (có 66 hiện vật gốc, 12 hiện vật phục chế); khu trưng bày Chăm Pa (có 13 hiện vật gốc, 1 hiện vật thể khối). Toàn bộ khuôn viên được bố trí xen kẽ giữa hiện vật với nhiều cây xanh, cây cảnh tạo cho du khách cảm giác được gần gũi với thiên nhiên. Ở đây cũng bố trí ghế ngồi cho du khách nghỉ chân.

Tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, du khách thấy được sự phong phú, kỳ vĩ, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam đa sắc màu văn hóa, với những thời kỳ phát triển rực rỡ, độc đáo; khâm phục tài năng, ý chí kiên cường của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển của quốc gia, dân tộc từ Tiền sử đến nay. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang có nhiều cố gắng để khẳng định vai trò một bảo tàng đứng đầu hệ thống bằng việc nghiên cứu, phát hiện, sưu tầm, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của quốc gia –dân tộc trong quá khứ để phục vụ con người hôm nay và công cuộc chấn hưng, phát triển đất nước; góp phần tích cực khẳng định vị thế, sự cần thiết và uy tín của bảo tàng đối với xã hội hiện đại.

Minh Vượng

 

Top