Văn chỉ Tự nhiên
Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa rất nổi tiếng như bãi cát chỗ Tiên Dung tắm rồi trồi lên chàng Chử Đồng Tử ở trần đang vùi mình ở đó; cây gạo già vài trăm tuổi dấu tích thuyền rồng ngự dội; hai ngôi đình cổ (đình Thượng, đình Hạ) thờ Công chúa Tiên Dung, Công chúa Hồng Vân và Thánh; cửa sông Hàm Tử chiến trận của nhà Trần đánh thắng quân Nguyên; Chợ Mới Ông Già chỗ cha con Chử Cù Vân ngồi bán cá thuở hàn vi, để rồi từ đó khi có được sự đạt thành tu luyện khổ đạo thành công, Chử Đồng Tử mở mang buôn bán, giao thương với các nước láng giềng và nghiễm nhiên ông được coi như là Tổ sư của ngành thương mại nước ta. Làng Tự Nhiên còn có một di tích minh chứng cho nền văn hiến, truyền thống hiếu học của người Việt Nam nói chung và của cộng đồng dân cư các thế hệ nối tiếp trong làng nói riêng, đó là Di tích Văn Chỉ thờ Khổng Tử.
Căn cứ vào tấm bia đá “Từ Vũ Bi Ký” hiện đang được lưu giữ tại tòa thiêu hương, bia nói về việc lập dựng và tái tạo Văn Chỉ. Vào năm Canh Thìn (1700), có một người bát nhã đã tự nguyện đo đất mở vườn tư gia, dựng đền tạc tượng, xuân thu thờ phụng, lễ tiết sắm sanh. 37 năm sau, do mưa nắng dãi dầu và có thể bởi ban đầu vật liệu dựng đền chỉ là tre, lá… nên dễ bị hỏng nát. Ngày 20 tháng 11 năm Bính Thìn (1736) nhân dân trong làng di dời đền đến chỗ hiện nay và xây dựng lại với quy mô ba gian bằng gỗ lim, xây thêm sảnh đường, quy mô thứ tự. Tòa thánh vương ngay ngắn mặt nhìn về hướng Tây, lưng tựa vào sông Nhĩ Hà(sông Hồng), trong đó có đặt thờ pho tượng Thánh Khổng Tử được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Lễ hội đền Chử Đồng Tử
Năm tháng qua đi, biến thiên lịch sử cùng với khí hậu khắc nghiệt, Văn Chỉ bị đổ nát không được gìn giữ trùng tu. Năm 1975, di tích bị tháo bỏ hoàn toàn, đất đai nội ngoại tự cũng trở thành điền thổ cá nhân. Văn chỉ từ đó không còn chỗ thờ phụng cho những người sùng kính và mến mộ nền Nho học truyền thống của cha ông ta nữa. Sự tổn thất ấy không chỉ là nỗi lo âu của những người trí thức mà đối với cả dân làng Tự Nhiên, nhất là các bậc cao niên đã từng có nhiều năm cứ đến ngày húy kỵ của Thánh lại đến tế lễ hương đăng.
Cũng xét đọc từ trong văn bia còn có đoạn “xã Tự Nhiên thế long mạch xuyên suốt, tượng cấm hình tạo thành, tinh hoa lắng trong, bắt nguồn từ Nhĩ Hà bốn mùa nước chảy, thần khí thâm viễn tỏa ra từ Dạ Trạch, thế xuất song ngư. Đó là do tự nhiên tạo nên danh châu vậy. Nên con người sinh ra ở đất này đĩnh đạc, thông minh, giỏi giang nho nhã, kẻ sĩ đều theo đường ngay, sự học chẳng xa vào ngả khác, học lễ nhạc, học thi thư, tạo nên cửa hiền uyên thâm, kính đạo đức, thuận nhân nghĩa, tất cả đều bước vào vực thánh mô phạm. Thanh danh đã tỏ trong gia đình, việc làm càng nổi nơi thôn xóm. Một đoàn rạng rỡ y quan văn vật, nghìn năm sáng ngời mô phạm điển chương. Từng suy tư nhiều về công lao thánh học là để bồi đắp luân thường duy trì thế giáo, thực sự không thể một ngày thiếu vắng…” Ấy thế mà bao nhiêu năm Văn Chỉ không còn hiện hữu. Hỏi lòng người lặng yên sao được. Năm 2003 nhân dân trong làng hợp sức lại cùng nhau, góp của chung công phục dựng lại đền Thánh với quy mô thứ tự đúng như Bi Ký Từ Vũ đã ghi. Phía trước là tam quan, trụ biểu đắp vẽ rất tinh xảo, tòa hữu vu nhìn về hướng Nam làm nơi sinh hoạt của Hội Phụng Thánh và treo bảng vàng ghi danh những người con của làng đỗ đạt trong các kỳ khoa cử, thành đạt công danh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tòa tiền đường năm gian cao rộng, xây cất bằng betong cốt thép vĩnh cửu nhưng cũng có đắp vẽ các họa tiết mô phỏng lại các hoa văn xưa. Trong nhà thiêu hương dựng hai tấm bia đá cổ, trong đó có tấm “Từ Vũ Bi Ký”. Đây là tấm bia có niên đại tới gần 300 năm(1736 - 2014), kích thước bia không lớn nhưng nóc bia khắc họa tinh tế và đăng đối, trán bia chạm dòng chữ nổi “Từ Vũ Bi Ký”. Bài bia khắc bằng chữ Hán với nét chữ tài hoa. Đặc biệt là bài văn bia ghi chép rất đầy đủ lịch sử lập dựng Văn Chỉ, mô tả cảnh quan, phong thủy, tự sự truyền thống thi thư của làng Tự Nhiên và cả việc lý do dựng tòa Văn Chỉ. Tiếp nối thiêu hương là hậu cung. Bức tượng thánh tạc bằng đá còn nguyên vẹn đặt thờ trong cung rất uy nghi. Với bức tượng quý hiếm này, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật… đều khẳng định đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc rất có giá trị ở cả hai lĩnh vực là lịch sử phát triển và lịch sử nghệ thuật dân tộc. Đặc biệt là với truyền thống lập làng giữ nước, học hành của người dân tạo dựng lên Văn Chỉ, thì đây còn là những minh chứng về nhân cách, nhân văn và hồn cốt tổ tiên.
Lễ hội trên sông
Cùng với việc phục dựng lại nơi thờ thánh, Hội Phụng Thánh cũng được ra đời và thành lập từ năm 2004. Hội Phụng Thánh không chỉ có sự tham gia của các thầy cô giáo, các nhà văn hóa, trí thức chuyên nghiệp mà còn có cả nhân dân, bao gồm đủ mọi lứa tuổi nghề nghiệp… Mỗi người dù đang sinh sống ở quê nhà hay đi làm ăn nơi xa, cũng về nhập hội. Hàng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng 3 Âm lịch là ngày mất của Thánh Khổng Tử thì hội lại tổ chức lễ giỗ rất long trọng, xuân thu nhị kỳ thờ phụng, thành tín, cảm cách kính cẩn, nghi thức đúng như xưa. Ai về đây cũng muốn biểu hiện tấm lòng thành thực tôn sùng, mong muốn lưu truyền vĩnh viễn phép tắc lớn lao, để khiến cho trăm năm chẳng đổi dời, vạn đời vẫn như thấy.
Lại một lần nữa, xin được trích lời văn trong bia để cảm tác về Văn Chỉ và tấm lòng, tinh thần trách nhiệm, truyền thống của người làng Tự Nhiên. “Từ nay về sau, đứng ở đất này, lễ ở đền này, nhìn tấm bia này, đọc bài văn này không có ai lại không sợ hãi kính nể, bùi ngùi suy nghĩ để mà thâm nhập vào vực thánh, du chơi nơi đạo ngạn. Mong sao bằng văn chương các đời, khoa mục chính thống, lấy đó để mà điểm tô cho mưu lớn, trang hoàng cho nghiệp vương, triển khai cái học kinh luân, làm sống cái văn sự nghiệp mà khơi dậy tấm lòng cố gắng vươn lên, há chẳng phải do bản thân mình sao? Đó chính là để chấn hưng Nho phong làm thịnh văn học thì còn gì bằng được như vậy nữa”.
Nguyễn Nguyên Hoài