Truyền thống Văn hóa - Khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng, Trung Cần ở Nghệ An

Dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần (xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vốn quê gốc ở thôn Bến Nễ (tên Nôm là Kẻ Sía, nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Tính từ vị thủy tổ đầu tiên là cụ Nguyễn Trọng Quyên, dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần đã phát tích thành 10 chi họ là Trung Cần, Nam Phúc (huyện Nam Đàn), Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc), Đô Yên (xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên), Hưng Long (huyện Hưng Nguyên), Thanh An, Thanh Văn (huyện Thanh Chương), huyện Anh Sơn của tỉnh Nghệ An; Đức La (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Cát Đằng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Cho đến nay, các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Trọng không những phát triển đông đảo về số lượng, mở rộng địa bàn sinh sống tại khắp các vùng miền trong cả nước mà còn sản sinh ra những nhân vật có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Để đánh giá khách quan và có cái nhìn bao quát, toàn diện về truyền thống lịch sử, văn hóa và khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng ở Nghệ An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học về Truyền thống văn hóa - khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng ở Nghệ An. Tham gia cuộc Hội thảo khoa học này có các nhà khoa học đến từ các cơ quan ở Trung ương như Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu của tỉnh Nghệ An như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn; Hội Sử học; Bảo tàng tỉnh; Câu lạc bộ Hán-Nôm Nghệ An; Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An; Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh... Tham gia hội thảo khoa học này còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu ở các tỉnh thành khác như Nam Định, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, cho đến hôm nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 37 báo cáo tham luận rất có chất lượng từ các nơi gửi về. Nội dung các báo cáo tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề:

Tượng ba Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

1. Truyền thống văn hóa - khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng

Đây là chủ đề quan trọng nhất của cuộc Hội thảo nên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu. Với 20 tham luận của các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu đến từ Thủ đô Hà Nội như: PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ, PGS. TS Chương Thâu, PGS. TS Nguyễn Minh Tường, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS. TS Hà Mạnh Khoa, TS Nguyễn Hữu Tâm, ThS Lê Thùy Linh, NCV Lê Quang Chắn của Viện Sử học; TS Đỗ Thị Bích Tuyển, ThS Vũ Xuân Hiển, Nguyễn Minh Tuân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Nhà nghiên cứu Bùi Thiết, Đinh Văn Niêm. Bên cạnh các tác giả từ Thủ đô Hà Nội, về phía các tác giả đến từ tỉnh Nghệ An như Đào Tam Tỉnh, Bùi Văn Chất, Nguyễn Thế Đạt, Nguyễn Trọng Thanh Tùng, Trương Quế Phương, Trọng Nghĩa và các địa phương khác như Nguyễn Quốc Tế, Đại tá Nguyễn Khắc Thuần, Trọng Hạnh…

Nội dung của các báo cáo tham luận đã góp phần làm sáng rõ về những truyền thống quý báu của “dòng họ hào hoa làng Trung Cần”. Trước hết, đó là truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần - “một hiện tượng điển hình trong làng khoa bảng xứ Nghệ”, với 3 người “kế thế đăng khoa” đó là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương/Đang, Nguyễn Trọng Đường và nhiều người đỗ Hương cống/Cử nhân.

Thứ hai là truyền thống văn hóa của dòng họ Nguyễn Trọng với những nhân vật tiêu biểu như Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương/Đang, Nguyễn Trọng Đường, Nguyễn Trọng Khang, Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Trọng Cảnh… đã có nhiều đóng góp nổi bật trên lĩnh vực chính trị, thể hiện qua các hệ thống quan chức, phẩm trật đã từng nắm giữ; trên lĩnh vực văn học được thể hiện rõ nét qua những tác phẩm thơ văn. Đặc biệt là trên lĩnh vực bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời trung đại, dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần đã có 4 người tham gia đoàn sứ, với 5 lần đi sứ sang nhà Thanh, trong đó Nguyễn Trọng Vũ là nhân vật duy nhất của dòng họ đi sứ hai lần. Có thể khẳng định rằng, dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần và các nhân vật tiêu biểu của dòng họ này đã có nhiều “đóng góp về văn hóa, lịch sử của nước nhà”. Tên tuổi và sự nghiệp của họ không chỉ được sử sách, bia đá ghi chép, lưu danh mà còn được hậu thế luôn tưởng nhớ, tôn vinh.

Ngoài ra, thông qua các báo cáo tham luận của chủ đề này đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị, góp phần làm sáng rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của một số nhân vật trong dòng họ như Nguyễn Trọng Thường đi sứ năm nào và ông đã đi sứ mấy lần; Nguyễn Trọng Vũ có đỗ Hương cống không và ông đi sứ mấy lần? Hoặc Nguyễn Trọng Lượng có đỗ Tiến sĩ dưới Triều Nguyễn không? Về vấn đề “tam thế y quan, tam thế sứ”, “ba đời đi sứ”, “tam thế ngũ hoàng hoa” hay chính xác là “4 thế hệ mà đi sứ 5 lần”… Đó là những vấn đề khoa học chưa có sự thống nhất, vẫn còn có những ý kiến trái chiều cần được làm sáng tỏ. Tại cuộc hội thảo khoa học này, Ban Tổ chức Hội thảo xin được lắng nghe và tiếp thu các ý kiến thảo luận của các nhà khoa học và  các quý vị đại biểu.

2. Giá trị lịch sử - văn hóa của đình Trung Cần và Nhà thờ họ Nguyễn Trọng

Về chủ đề này có 7 bài tham luận của ThS Nguyễn Quốc Sinh, ThS Nguyễn Văn Bảo, ThS Phan Đăng Thuận (Viện Sử học), ThS Hồ Mạnh Hà (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An), Phan Văn Hùng (Bảo tàng Nghệ An), Nguyễn Đình Vân (Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An), Nguyễn Văn Thanh (nguyên Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An) và Thu Vân ( Bảo tàng tỉnh Nghệ An). Nội dung các báo cáo tham luận đi sâu phân tích, đánh giá và nêu bật những giá trị về văn hoá vật thể qua các sắc phong, hoành phi, câu đối, bia ký, kiến trúc, hoa văn và văn hoá phi vật thể như tế lễ, lễ hội của đình Trung Cần và Nhà thờ họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, các tác giả đề xuất nguyện vọng phục dựng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của hai di tích có “dấu ấn” và gắn bó mật thiết với 3 vị đại khoa của dòng họ Nguyễn Trọng ở Nghệ An là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương/Đang và Nguyễn Trọng Đường.

Nhà thờ Nguyễn Trọng - Trung Cần ở Nam Đàn.

3. Truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất Nam Trung, Nam Đàn

Đây là chủ đề đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của các tác giả ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đó là các báo cáo tham luận của GS. VS Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy), TS Phan Xuân Thành (Hội Sử học Nghệ An), Nguyễn Quốc Hồng (Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An), Hoàng Anh Tài và Thái Huy Bích (Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An), ThS Trần Thị Thúy (Đại học Hà Tĩnh); Nguyễn Trọng Thanh Tùng, Nguyễn Quang Hồng, Trần Quốc Bảo, Nguyễn Thị Thu Thủy (Nghệ An) đã khẳng định làng Kẻ Sía, xã Ước Lễ (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là quê tổ của dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần, xã Nam Trung. Nhiều tư liệu được nêu trong các tham luận đã cho thấy mối quan hệ mật thiết với những nhân vật của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự. Vùng đất “địa linh nhân kiệt” Trung Cần vốn chịu ảnh hưởng của “không gian văn hóa của quê hương Nam Đàn” vừa là những “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, có tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của các danh nhân trong dòng họ Nguyễn Trọng vừa tạo nên truyền thống khoa bảng rực rỡ, nơi con cháu nối đời dựng nghiệp, xứng đáng với câu ngạn ngữ nổi danh trong vùng: “Quan Trung Cần, dân Dương Liễu. Các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần hiện nay vẫn luôn cố gắng để duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Ban Tổ chức Hội thảo cũng đáng giá rất cao sự công phu, nghiêm túc của tác giả Đào Tam Tỉnh (nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An) trong việc sưu tầm, tập hợp các nguồn tài liệu, cả ở các kho lưu trữ Trung ương và tư liệu địa phương, thông qua bài viết “Sách, tài liệu viết về và liên quan đến dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Nam Đàn, Nghệ An”. Nguồn tài liệu phong phú, đa dạng này là cơ sở tư liệu rất quan trọng và có giá trị để các tác giả hoàn thành bài tham luận phục vụ cho Hội thảo khoa học ngày hôm nay.

Để hội thảo đạt được những yêu cầu đề ra, tôi xin phép thay mặt Ban Tổ chức nêu lên một số vấn đề đã khá thống nhất và còn một số vấn đề vẫn còn có những ý kiến khác nhau để hội thảo của chúng ta hôm nay tập trung trao đổi thảo luận nhằm đi đến những kết luận thoả đáng, đảm bảo tính khách quan khoa học. Trên cơ sở chủ đề của hội thảo, đề nghị các nhà khoa học và quý vị đại biểu tập trung làm sáng tỏ ba nội dung chủ yếu:

Một là, truyền thống văn hóa - khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng.

Hai là, giá trị lịch sử - văn hóa của đình Trung Cần và Nhà thờ họ Nguyễn Trọng.

Ba là, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất Nam Trung, Nam Đàn.

Trên đây là ba vấn đề đặt ra được chắt lọc từ chính các báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận để làm sáng rõ và sâu sắc hơn, cụ thể hơn về  truyền thống văn hoá - khoa bảng của dòng họ Nguyễn Trọng ở Nghệ An. Điểm qua một số vấn đề chính yếu mà các báo cáo tham luận khoa học đề cập tới, với tinh thần khoa học, Ban Tổ chức Hội thảo xin lắng nghe mọi ý kiến phát biểu thảo luận và trân trọng với từng đóng góp dù là nhỏ của mỗi đại biểu. Hy vọng rằng, trong nỗ lực chung của tất cả chúng ta, Hội thảo khoa học hôm nay sẽ đi tới sự đánh giá có tính thống nhất cao về Truyền thống văn hóa - khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng ở Nghệ An.

 

Top