Trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội

Được xem là Bảo tàng Khảo cổ học đầu tiên tại Việt Nam, Trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" sẽ mở cửa vào ngày 19-5 tới.

Dự án đặc biệt trưng bày di tích và hiện vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2012 với tên gọi “Những khám phá Khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”. Mục tiêu của trưng bày nhằm tạo nên biểu trưng độc đáo kết nối giữa truyền thống và hiện đại, để tòa Nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực đất nước trong lịch sử dân tộc.

Hiện vật khảo cổ thời Lý - Trần được trưng bày. Ảnh: vov.vn

Sâu dưới mặt đất từ 7 đến 13 m, với tổng diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m², có hơn 400 di vật và gần 10 di tích được phát hiện trong quá trình khai quật tại khu vực Nhà Quốc hội trong hai năm 2008 - 2009 được lựa chọn trưng bày. Đó là một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn di vật và 140 di tích đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, lưu giữ từ nền móng của mảnh đất linh thiêng này. Với cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian, dẫn dắt người xem hợp lý, tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, những chủ đề, câu chuyện của gần 1.300 năm lịch sử được kể một cách sinh động.

Tầng hầm hai giới thiệu các di tích và hiện vật thời tiền Thăng Long, từ thế kỷ VII đến thế kỷ X. Tầng hầm một là những hình ảnh, hiện vật kiến trúc và đời sống của hoàng cung kinh thành thời kỳ Thăng Long trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Phương pháp được thực hiện thống nhất là lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là “hồn cốt”; di vật được xem là các “hạt nhân” được trưng bày ngay trong lòng di tích để kể sinh động những câu chuyện của kinh đô Thăng Long xưa với phong cách trình diễn kết hợp đồ họa, hệ thống sa bàn, hình ảnh, media và ánh sáng hiện đại.

Khu trưng bày được lồng ghép, xen cài những di tích, di vật làm cho mọi người cảm nhận sâu hơn về những phát hiện khảo cổ học. Công chúng có thể hình dung được qua các bản vẽ, các hình ảnh bằng media cũng như đọc thuyết minh. Các phương tiện này được hòa trộn lại để làm sao đưa đến nhiều thông điệp nhất cho mọi người, làm cho họ cảm thấy sống dậy với quá khứ, đặc biệt với các cung điện thời Lý ở Việt Nam, tìm ra được bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam.

Sử dụng những thủ pháp trưng bày bảo tàng hiện đại, tiên tiến với kỹ thuật mới nhất, Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã làm những hiện vật vô tri trở nên hấp dẫn và “biết nói

Bảo tàng góp phần mang lại một nét mới đặc sắc cho Nhà Quốc hội, thể hiện những sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam với các đoàn khách trong nước, quần chúng nhân dân và du khách quốc tế thời gian tới.

P.V

Top