Trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Kim sách Triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, thường được làm bằng vàng, bạc hoặc bạc mạ vàng để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ Vua ban về các việc chính sự, lễ nghi Triều đình. Đó là sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập Hoàng Thái tử, tấn phong Hoàng hậu, Vương phi hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, thụy hiệu cho hoàng thân, quốc thích... Việc chế tạo kim sách giao cho Hữu ty thuộc Bộ Lễ thực hiện. Lời sách do đích thân các hoàng đế tự biên soạn hoặc sai các danh nho, đại thần đương thời chấp bút.
Triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm (1802 - 1945) với 13 triều vua, đã cho đúc số lượng kim sách vô cùng lớn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép đầy đủ trong các thư tịch cổ đương thời như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”... Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ số kim sách này đã bị thất lạc hết hoặc không rõ số phận chúng ra sao. May mắn thay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang lưu giữ một sưu tập gồm những kim sách quí, quan trọng và linh thiêng nhất của Vương triều Nguyễn. Đặc biệt, trong sưu tập có nhiều quyển kèm theo kim bảo (ấn vàng, ấn bạc) được ban phong trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.
Với 22 cuốn kim sách tiêu biểu của Triều Nguyễn cùng 10 bảo vật liên quan lần đầu tiên được giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ đến công chúng trong trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)”, được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc vào ngày 31-03-2016, tại Phòng Trưng bày chuyên đề số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và sẽ kéo dài đến đầu tháng 8-2016.
Phát biểu trong Lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: "Trong kho tàng các di sản đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các hiện vật Triều Nguyễn chiếm tỉ lệ khá lớn, trong đó có một phần không nhỏ là kim sách, ngân sách được bảo quản, nghiên cứu hơn 50 năm nay và đây là lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi. Ông hy vọng, trưng bày lần này sẽ mang đến cho công chúng hiểu biết sâu sắc hơn về những cổ vật quý hiếm của nền quân chủ cuối cùng, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam".
TS Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu khai mạc Trưng bày chuyên đề
Quy cách kim sách được điển chế vương triều quy định rất nghiêm cẩn. Tùy theo tước hiệu được tôn phong cao thấp khác nhau mà chất liệu, kích thước, trọng lượng và số tờ kim sách khác nhau. Mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá.
Bố cục sách văn thường gồm 3 phần: Mở đầu ghi niên hiệu và tên người dâng, ban kim sách; chính văn nêu lý do, ca ngợi phẩm hạnh, công đức người được dâng, ban kim sách và cuối cùng là tước hiệu được tôn, phong cùng những lời chúc tụng, những điều răn bảo cho được xứng với tước hiệu mới. Nội dung kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều mà còn phản ảnh chân thực chân dung cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách. Nội dung kim sách có thể chia theo các nhóm chủ đề sau:
- Hoàng đế Gia Long truy tôn thụy hiệu, miếu hiệu cho các chúa Nguyễn và hoàng hậu thời chúa Nguyễn. Nhóm kim sách này gồm 18 quyển được đúc vào năm Gia Long 5 (1806).
Tháng 5 năm Bính Dần (1806), Vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa, Kinh đô Huế. Bá quan văn võ dâng kim sách ca tụng công đức của ông.
- Các hoàng đế đời sau truy tôn thụy hiệu, miếu hiệu cho hoàng đế đời trước.
- Các hoàng đế lên ngôi.
- Các hoàng đế phong lập Hoàng Thái tử và phong tước cho các hoàng tử. Triều Nguyễn chỉ có 3 lần lập Hoàng Thái tử là Hoàng đế Gia Long lập Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức Hoàng đế kế vị Minh Mệnh). Hoàng đế Minh Mệnh sau khi lên ngôi kế vị đã ra Hoàng đế Khải Định lập Đông Cung Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy (tức Hoàng đế kế vị Bảo Đại) và Hoàng đế Bảo Đại lập Hoàng Thái tử Bảo Long.
- Các hoàng đế tấn phong hoàng hậu và các phi tần. Trong 13 vua triều Nguyễn chỉ có hai lần lập Hoàng hậu khi còn sống. Đó là Hoàng đế Gia Long lập chính thất là Vương hậu Tống Thị Ngọc Lan làm Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại lập Nam Phương Hoàng hậu. Nguyên do cũng do Hoàng đế Minh Mệnh sau khi nối ngôi đã đặt ra lệ bất lập Hoàng hậu. Tước vị cao nhất chỉ là Hoàng Quý phi hoặc Nhất Giai quý phi. Sau khi họ qua đời thì mới truy tôn làm Hoàng hậu.
- Các hoàng đế tấn tôn Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu, Thái Thái Hoàng Thái hậu.
Ấn bạc mạ vàng "Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu chi bảo" Hoàng đế Hàm Nghi cho đúc cùng kim sách năm 1885 tôn Từ Dụ Hoàng thái hậu làm Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu
- Kim sách về việc giáng chức: có duy nhất một quyển hoàng đế Tự Đức giáng Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên (tức Trang Ý Thuận hiếu Thái Hoàng Thái hậu sau này) xuống làm Trung phi.
- Kim sách “Đế hệ thi” của Hoàng đế Minh Mệnh và các kim sách nối tiếp “Đế hệ thi” của Hoàng đế Thiệu Trị và Hoàng đế Tự Đức, dùng để đặt tên cho hoàng đế nối ngôi, đặt tên lót và phân biệt thế thứ, thân sơ giữa dòng đế và các dòng phiên.
Kim sách “Đế hệ thi" năm 1823, Vua Minh Mệnh định ra 20 chữ bộ nhật là Truyền, Thời, Thăng, Hạo (Hiệu), Minh, Biền, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Điển, Trí, Huyên, Lan, Hoàn, Cách, Chí, Triết, Yến, Di để người kế nghiệp khi nối ngôi, có thể lấy một chữ làm tên, lấy nhật làm nghĩa tượng trưng ngôi vua. Dòng đế (Đế hệ) và dòng thân (Phiên hệ) phiên đều 20 chữ.
Trưng bày về Kim sách Triều Nguyễn lần này đã cho công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng kỹ thuật tạo tác điêu luyện của ông cha. Công đoạn chế tạo được tiến hành rất khắt khe ngay từ khâu tuyển chọn nghệ nhân. Những bậc thầy giỏi nhất trên toàn quốc được tuyển chọn về xưởng chế tác của Triều đình. Những xưởng này nằm ngay trong Hoàng cung Triều Nguyễn, phía Đông của Tử Cấm Thành, ở khu của Phủ Nội vụ - kho tàng lưu trữ những kho báu của triều đại. Do vậy, quy trình chế tác rất kỳ công và được kiểm soát nghiêm ngặt. Ví dụ, vàng để chế tạo kim sách không phải vàng 10 tuổi mà là vàng non hơn để dễ chế tác, nhưng được tinh luyện và được giám định rất tỉ mỉ. Người thể hiện thư pháp cũng đều là bậc đại bút trong Hàn Lâm Viện. Sau đó, thợ thủ công mới khắc chữ đó lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Nếu có sai phạm dù chỉ một chút cũng bị phạt nặng. Do đó, các tác phẩm khi hoàn thiện gần như đạt mức hoàn hảo vì được chế tác và giám sát công phu. Các kim sách, kim ấn mang tính tượng trưng cao, vì bản thân kim sách và kim ấn được đúc ra để sử dụng như một vật thờ, trưng bày như là một sự tôn vinh (theo TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).
Ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" do Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời Vua Gia Long (1802 - 1820) được chọn làm báu vật truyền ngôi của Vương triều Nguyễn.
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” không chỉ phản ánh giá trị lịch sử mà nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm với tổ tiên, ứng xử với những người có công với triều đại nhà Nguyễn. Số lượng kim sách được ban ra, truy tôn, truy phong, dành cho bậc tổ tiên rất lớn. Điều này cho thấy nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng chữ Hiếu. Đó là một truyền thống đạo đức mà đối với triều đại nào cũng đáng tôn vinh.
Ths Tô Thị Thủy Lâm