Trở lại với Lam Kinh

Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - Kinh đô thứ hai, sau Đông Kinh cùa nhà Lê sơ - Di tích quốc gia đặc biệt của nước ta, dường như bất cứ ai là người dân đất Việt đều biết đến. Đặc biệt là mấy năm trở lại đây, khi đã thực sự trở thành điểm đến của du khách bốn phương và những người hành hương cả nước.

Với tôi, Lam Kinh, được các đồng nghiệp Thanh Hóa bảo rằng, đó là quê hương thứ hai, với nhiều đợt điều tra, điền dã, nghiên cứu khai quật ở mấy thập niên trước, lúc mà Lam Kinh còn hoang tàn cô quạnh cùng rừng cây, cỏ rậm và những hệ thống nước khô cạn, ruộng nước lún thụt, khiến cho chẳng mấy ai nghĩ đến Kinh đô này đã một thời vang bóng, đất khởi nghiệp và bản bộ của Triều Lê, nơi dấy binh khởi nghĩa của người nông dân áo vải chống giặc Minh cùng với vị quân sư tài ba lỗi lạc Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh tài giỏi của mình. Nơi này cũng chẳng còn gì để hương khói, dẫu sử sách ghi chép rằng, Lam Kinh thời các vị Vua Lê dùng làm nơi thờ cúng và chôn cất các bậc Quân vương và Hoàng hậu lúc băng hà, theo đó, hàng năm, Vua và Triều đình thường về đây để “bái yết sơn lăng, tấu đại nhạc”. Lam Kinh thời hoàng kim không phải là kinh kì sầm uất nhưng linh thiêng và rộng lớn, qua những đơn nguyên cung điện, lầu các, lăng tẩm được các nhà khảo cổ học làm phát lộ, quả là xứng đáng với những gì sử xưa ghi chép và tài liệu trong lòng đất cung cấp.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng ấy, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa hơn hai mươi năm trước đã có dự án trùng tu tôn tạo Khu Di tích này để phần nào trả lại cảnh quan nơi xưa cũ, đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng và tưởng niệm môt triều đại lâu dài và vĩ đại trong lịch sử phong kiến quân chủ Việt Nam. Nó sẽ trở thành một điểm nhấn trong cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc, giúp ích cho sự phát triển của mảnh đất xứ Thanh, đang hướng tới một ngành công nghiệp không khói, nhiều tiềm năng, đang ẩn tàng trong mỗi làng quê của mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” này.

Quả là Lam Kinh đã có sự thay da đổi thịt đáng kể. Đó là một chặng đường dài hồi sinh với sự đắn đo, cân nhắc của những người làm công tác di sản từ Trung ương đến tỉnh, để làm sao cho Lam Kinh không phải là một di tích mới, để cho Lam Kinh gần đúng với giá trị vốn có của nó và để cho Lam Kinh trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: internet)

Chính vì lẽ đó, hàng loạt những dự án nghiên cứu, những cuộc hội thảo về di tích này đã được thực hiện để đạt được những nguyên tắc tôn tạo bài bản và khoa học về cảnh quan, môi trường và kiến trúc v.v.

Giờ đây, hệ thống rừng Lam Kinh đã được căn bản hoàn thành, với cây đặc trưng, được ghi danh trong chính sử là loại lim già. Đi trong rừng hôm nay như đi trong rừng già, cây xanh mướt mắt với nhiều tán lợp, làm vơi muộn ưu phiền với khí hậu nhẹ tênh mát rượi. Hàng năm, cây lim non vẫn được trồng bổ sung, theo chủ trương của tỉnh, làm cho rừng ngày thêm xanh tươi. Đó là khu rừng làm cân bằng sinh thái và giữ nước cho Hồ Tây - sông Ngọc - nguồn nước thiêng của Lam Kinh thời khởi dựng.

Hồ Tây - khu ruộng lúa lún thụt vài chục năm trước, rộng vài chục hécta nay là một hồ mênh mông, được cung cấp nước từ đập thời Lê sáu trăm năm trước, nay cải tạo lại cho phù hợp. Nước ở đây được bao bọc và che phủ bởi rừng nên không bao giờ cạn kiệt. Nước từ Hồ Tây, chảy vào sông Ngọc - chi huyền thủy của Lam Kinh - đường nước thiêng của Kinh đô, giờ đây trong vắt, nhìn được tới tận đáy, cá bơi lội tung tăng. Các đồng nghiệp Ban Quản lý di tích cho tôi thưởng thức cá Hồ Tây - Sông Ngọc, rất ngon và sạch.

Khu chính điện đã được tôn tạo bằng gỗ lim, to lớn và đồ sộ. Những cột gỗ lớn hơn một vòng ôm, được khai thác một số ở rừng lim Lam Kinh, khiến cho câu chuyện càng thêm hấp dẫn. Công trình vẫn còn đang tiếp tục, nhưng hình hài đã hiện lên với đúng cốt cách của kiến trúc thời Lê sơ. Ở một góc nền điện, còn chừa lại một mảng lớn chưa lát gạch  nền, vị Trưởng Ban Quản lý Di tích bảo rằng, sẽ có một hố khai quật khảo cổ học tại chỗ sẽ được trưng bày để tạo sự liên tưởng đối với du khách giữa xưa và nay.

(Ảnh: internet)

Cửa tẩm, nay đã làm được năm tòa, bốn tòa sẽ được thực hiện tiếp trong tương lai gần. Đồ thờ tự, nhang án được làm công phu, tỉ mỉ, nay đã xuống nước sơn do hương khói và thời gian, khiến cho không gian thâm nghiêm và cổ kính đối với du khách và người chiêm bái.

Cầu Bạch, hồ Bán Nguyệt, Nghi môn, sân điện, tay vin thềm rồng… đã hoàn tất tôn tạo nhiều năm trước, nay đã lên màu thời gian, lại được điểm xuyết bằng những cây hoa dại chồi ra từ các kẽ đá, khiến cho sự cổ kính của Khu Di tích tăng lên gấp bội phần. Rồi đây, Tả vu, Hữu vu, Đông trù (bếp phía Đông), Tây thất (nhà ở phía Tây), tường thành sẽ được tôn tạo, chắc chắn diện mạo Lam Kinh sẽ hiện lên đầy khí sắc.

Các lăng tẩm của các vị vua, đường dẫn lên các lăng tẩm gọn gàng, sạch sẽ và dường như lúc nào cũng có hương nhang của khách thập phương về đây tưởng niệm. Nó hoàn toàn khác cảnh khói lạnh, hương tàn vài thập niên trước.

Lễ hội Lam Kinh hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách, đã được Viện Văn hóa làm kịch bản có nội dung hấp dẫn và được tỉnh tổ chức quy mô, bài bản, lành mạnh cũng là một điểm nhấn đặc biệt so với nhiều lễ hội hiện nay đang được tổ chức ở một số địa phương.

Nhà trưng bầy bổ sung cho di tích mở cửa hoạt động hàng ngày, tuy còn đơn sơ, chưa xứng tầm với di tích và hiện vật tàng trữ trong đó, nhưng cũng đã phát huy được với vị trí đắc địa nằm ở nơi đón và đưa khách tham quan. Vị Trưởng Ban Quản lý Di tích nói với tôi rằng, định hướng sưu tầm và trưng bầy của nhà trưng bầy này là những vấn đề liên quan tới Lam Kinh và Vương triều Lê. Đó là một định hướng đúng và có trọng tâm.

Quanh Lam Kinh có một số di tích vệ tinh và cả một vùng không gian văn hóa Lam Sơn đã và đang được đánh thức với các dự liệu du lịch trải nghiệm ở các làng bản, thiết nghĩ là một ý tưởng hay và khả thi, khi mà môi trường, cảnh quan, cấu trúc bản làng nơi đây chưa bị phá vỡ bởi đô thị hóa.

Lễ hội Lam Kinh (Ảnh: internet)

Lam Kinh đã tái sinh nhưng xem ra chưa thật nhanh và đồng bộ. Tôi cứ nghĩ đến một không gian văn hóa Lam Sơn nếu được làm bài bản, một nhà trưng bầy bổ sung được cải tạo với nội dung hấp dẫn hơn, một khu Hồ Tây và rừng được đưa vào khai thác vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng…, chắc chắn Lam Kinh nói riêng và Lam Sơn nói chung sẽ là một điểm lưu lại nhiều ngày đối với du khách. Lẽ đương nhiên, đó là câu chuyện của tương lai với những ý tưởng quy hoạch tốt và với phương thức công - tư kết hợp mà một số mô hình di sản hiện nay ở Việt Nam đang có những bước đi thành công ban đầu.

Còn với thực tại, tôi thấy tập thể Ban Quản lý đoàn kết, tất cả đều tâm huyết với di tích và trên gương mặt mỗi người, tôi đọc được ở họ một sự mãn nguyện, khi chính những con người ấy, hơn hai mươi năm trước đã “nằm gai, nếm mật” để có một Lam Kinh hôm nay. Một Lam Kinh thay da đổi thịt và có thể tự nuôi sống được mình và giúp ích cho cộng đồng phần nào hưởng lợi, để họ ngày càng có trách nhiệm hơn với di sản của cha ông để lại.

Phạm Quốc

Có thể bạn quan tâm

Top