Tháng 5 đến An Giang dự Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam

Được Bộ VHTTDL công nhận là Lễ hội cấp quốc gia từ năm 2001, Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội được tổ chức quy mô và thu hút du khách và là điểm đến tiêu biểu trong tháng 5.

Nằm cách thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chỉ khoảng 5 km, Quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa cổ Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu…chính là nơi nơi diễn ra Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm.  

Miếu Bà Chúa Xứ có từ khi nào cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Tương truyền, lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá miểng và lợp ngói. Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy Đông lang, Tây lang, chánh điện, nhà khách…theo đồ án của Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại. Tương truyền, dưới Triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, Chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 Âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà.          

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam gồm 5 lễ chính: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu và lễ Chánh tế. 

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức quy mô và thu hút du khách và là điểm đến tiêu biểu trong tháng 5. (Ảnh: internet)

Lễ được quan tâm nhất và mang nhiều màu sắc thần bí nhất là Lễ tắm Bà (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc), bởi lễ tắm Bằ được tổ chức vào đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24, trong không gian đêm tối, dưới ánh nến tất cả dường như mang màu sắc bí ẩn hơn. Theo thông lệ hàng năm, trước giờ tắm Bà, Ban Tổ chức tạm cắt phần lễ bái tự do, thay vào đó là phần lễ bái của các đoàn khách mời, hoặc tập thể có đăng ký trước, chủ yếu là các Ban Tế tự các đình, đền, chùa, miếu trong khu vực, hoặc đại diện Mặt trận, các đoàn thể quần chúng… Để đảm bảo không khí trang nghiêm cho các đoàn hành lễ và lễ Tắm Bà sau đó, Ban Tổ chức buộc phải đóng chặt hết các cửa, kể cả cửa sổ, chỉ chừa lại một lối đi chính thông với phòng Tiếp tân. Tại đây, các đoàn sẽ lần lượt được hướng dẫn đến chánh điện làm lễ. Đoàn nào cũng khệ nệ những mâm lễ vật hương đèn, hoa quả, không ít đoàn cúng cả heo quay (năm ba chục ký, hoặc cả tạ, tùy phát tâm vái nguyện!). Tất cả đều khăn áo chỉnh tề, dâng hương quỳ khấn thì thầm rất mực thành kính. Do thời gian khống chế nghiêm ngặt nên mỗi đoàn chỉ lễ bái khoảng 4, 5 phút. 

Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão, Ban Quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà. Bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng. Những cô gái được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần. Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Phần Lễ tắm Bà kết thúc…Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam gồm 5 lễ chính: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu và lễ Chánh tế. (Ảnh: internet)

Lễ Thỉnh sắc cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25. Một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.

Lễ Túc yết được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-4 Âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con lợn trắng, một đĩa huyết lợn có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông Chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.

Lễ hội bà chúa xứ núi Sam hằng năm thu hút rất đông khách thập phương, đến với lễ hội hội họ vừa được tham dự lễ hội dân gian phong phú, vừa để cầu tài cầu lộc. (Ảnh: internet)

Thông thường vào khoảng 4 giờ sáng ngày 26-4 lễ Chánh tế được tiến hành (lễ nghi được tiến hành giống lễ Túc yết). 

Lễ Hồi sắc cử hành vào chiều ngày 27-4, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về lăng. Chương trình hát Bội cũng chấm dứt. Đây cũng là lễ cuối cùng kết thúc Lễ hội bà chúa xứ núi Sam hàng năm. 

Lễ hội bà chúa xứ núi Sam hằng năm thu hút rất đông khách thập phương, đến với lễ hội hội họ vừa được tham dự lễ hội dân gian phong phú, vừa để cầu tài cầu lộc. Theo tín ngưỡng của người dân, nơi đây vẫn còn có những tục như xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh bùa Bà... Đây là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ, thực sự đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.

Trần Hoàng

Top