Trang trí kiến trúc Nhà cổ Cái Muối - Một nét riêng Nam Bộ

Tiền nhân xây dựng là ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ xứ “miệt vườn” ở vùng đất cù lao xưa này. Ông còn được người dân vùng gọi với tên khác là ông Cai Cường hay nhà Cai Cường.

Ngôi nhà vị trí mặt tiền nằm bên phải con đường liên xã hướng xuống bờ rạch Cái Muối, thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Nhà cổ Cái Muối hay còn gọi là Cai Cường ở Vĩnh Long được xây từ năm 1885.

Nhà xây năm 1885 (Ất Dậu), hướng Bắc, kiểu chữ Đinh đòn dông (đông) nhà chính và nhà phụ vuông góc nhau, ảnh hưởng nhà Rường nên rộng lồng căn, hàng cột cái gỗ lim cao đến 6m. Ngôi nhà là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Việt và Pháp. Bên ngoài kiến trúc phương Tây, bên trong kết cấu gỗ truyền thống. Đây là dạng thiết kế “nội ứng ngoại hợp”, tức là nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất kiến trúc bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.

Phong cách Pháp thể hiện rõ phần mái chóp, mặt tiền và sàn lót gạch bông Pháp. Trang trí hoa văn và motif mặt ngoài công trình theo kiến trúc phương Tây. Đầu cột dạng phức hợp Compozit kiểu thức Hy - La. Các cột hành lang tạo kiểu truyền thống “tam quan tứ trụ” mỗi gian nhưng kết hợp với vòm vòng cung, lan can con tiện “lục bình” kiểu phương Tây như dinh thự Pháp. Trang trí đầu cột và vòm dùng hoa lá Ô Rô (Acanthus), phù điêu chùm Nho kiểu thức phương Tây trang trí trên tường và mảng tròn tường đầu hồi bên ngoài nhà. Phần hiên lộ thiên là chiếu nghỉ của hai bậc thang đối xứng hình cánh cung để lên nhà, đây là kiểu dinh thự kiến trúc phương Tây, ở giữa có một bàn thờ thông thiên như ngôi miếu nhỏ, từ cổng đi vào nhìn thấy phần này giống bức bình phong che chắn giữa mặt tiền nhà ảnh hưởng quan niệm phong thủy nhà vườn Huế. Nhà chính ba gian chiều ngang khoảng 15m, chiều sâu lòng nhà khoảng 13m, hiên rộng 2m (chưa tính phần lộ thiên).

Đặc biệt chất liệu trang trí mặt tiền và hiên nhà cổ lạ và độc đáo. Phần tường trên đầu cửa lá sách ốp gạch bông trang trí tạo thành từng đồ án hoa văn hài hòa không nặng nề, đó cũng là sự sáng tạo rất cá tính của họ Phạm, gạch bông dùng để lót sàn, nhưng kỳ công ốp trang trí lên tường tạo nên thẩm mỹ rất riêng. Hiên được đóng trần gỗ che mái ngói là điểm khác biệt so với nhà truyền thống. Tường mặt tiền trang trí đường diềm hoa văn zic zắc màu nâu đất nung và vàng đất. Phía dưới đường diềm lại có thêm dãy đường diềm bằng gạch bông trang trí màu xanh ngọc. Trên bờ nóc hai mái nhà vẫn còn những chi tiết trang trí tinh xảo kiểu dinh thự Pháp.

Ngôi nhà mang hai nét kiến trúc Á - Âu.

Ngôi nhà làm bằng gỗ quý, phân chia phần trước, giữa và sau. Phần trước và phần giữa là nơi gia chủ đặt bàn ghế tiếp khách và thờ tự. Phần sau là buồng ngủ. Khám thờ trên cao là kiểu thờ rất xưa của người Nam Bộ, khác biệt so với nhà rường Huế. Vách ngăn với không gian buồng ngủ phía sau gian thờ cao đến mái. Nghệ nhân trang trí theo kiểu thức ô học phần trên, phần dưới để trống chỉ chạm khắc đường viền khung bao, khoảng trống này làm cho gian thờ trở nên tĩnh lặng và linh thiêng.

Các ô hộc dùng kỹ thuật chạm nổi sơn son thếp vàng và cưa lọng vớiđề tài  Sóc và Nho, chim và hoa lá, số lượng vừa phải. Giữa nhà treo tấm hoành phi chữ Hán “Phạm Phủ Đường”, hai gian còn lại cũng có treo bảng đại tự cả hai sơn son thếp vàng. Chân cột cái gian giữa có đôi rồng chạm khắc bằng gỗ cao khoảng 0,9m, đối xứng giống như đang chầu theo kiểu thức “lưỡng Long triều Nhật - Nguyệt“ làm đế đỡ cho phần bao lam bên trên, hai gian hai bên cũng có phần đế đỡ giống như vậy nhưng hình tượng là đôi Lân với đồng tiền theo kiểu thức «Lân hí cầu» trông thật sinh động, tất cả đều thể hiện sự ước vọng của gia chủ.

Ngôi nhà có hệ bao lam, hoành phi và khám thờ đều được sơn son thếp vàng tinh xảo và rực rỡ. Gian giữa ở hàng cột nhất tiền, bao lam chạm nổi các đề tài động vật và thực vật trên nền hoa văn đồng tiền sơn son. Từ dưới lên mỗi bên một cặp Hổ, phần trên có Khỉ, giữa bao lam có cặp Phượng Hoàng đang xòe rộng cánh với tâm là hoa Mẫu đơn. Bao lam này có bố cục đối xứng với cảnh vật sinh động từng chi tiết.

Trên bao lam là các ô hộc được chạm khắc trang trí với các đề tài về cây hoa lá, chim, nai, cá, cọp..., xen kẽ là các ô hộc cẩn xà cừ cùng chất liệu với khung bao của bao lam, làm cho bố cục có sự đan xen phong phú, cân bằng thị giác với màu đỏ son và chất vàng sáng chói. Bao lam gian bên trái và bên phải cũng chạm khắc sơn son thếp vàng trên nền hoa văn chữ Vạn chữ Công.

Bên trái thể hiện đề tài trang trí cây lá hoa phát triển từ gốc lên ngọn uốn lượn tạo thành khung bao tự nhiên không đối xứng tuyệt đối, phía dưới có con vật vừa giống nai vừa giống ngựa với tư thế nằm ngửa như đang đùa giỡn một mình (con thứ 2 đã bị gãy mất). Kiểu thức “Liễu - Mã” thường được trang trí khá phổ biến ở Huế. Phong cách tạo hình con vật này rất khác phong cách tạo hình truyền thống, giống xu hướng nghệ thuật tạo hình phương Tây. Trên có đôi chim nhỏ và đôi chim lớn tư thế ngược nhưng nhìn về nhau. Trên cùng phần tâm bao lam là đóa hoa Sen cùng với đôi chim mỏ quặp như chim vẹt, chim két, cánh rộng hơi xòe, chân to, lông dầy, giống loài chim ưng, đại bàng, tư thế đối xứng qua tâm.

Kiểu thức truyền thống thường thấy là “Liên - Áp” hay “ Liên - Điểu (chim Yểng)” nhưng đây không phải là con Vịt hay con Yểng. Xu hướng nghệ thuật tạo hình phương Tây được các đại địa chủ giàu có, thức thời tiếp thu chọn lọc, đan xen kết hợp với kiểu thức truyền thống dân tộc làm nên những kiểu thức nghệ thuật trang trí mới ở thời đại bấy giờ. Bao lam gian phải có một con Nai bên gốc Tùng (Bách) thành kiểu thức Tùng – Lộc, đối diện lại có hai con Nai, trên có đôi chim nhỏ đuôi dài. Giữa tâm bao lam là đóa hoa Mẫu Đơn to và đôi chim Trĩ uốn mình mỗi con nhìn về một hướng thành kiểu thức Mẫu Đơn - Trĩ.

Phía trong căn nhà là không khí đậm chất Việt.

Đồ đạc nội thất gồm có ba tủ thờ cẩn xà cừ với các điển tích xưa. Bộ ghế trường kỷ dài gần 2m, chân nai, có lưng tựa và gác tay, 48 con tiện trang trí chịu lực cho lưng và tay ghế, đan xen là chi tiết chạm khắc quả đào, quả lựu, quả phật thủ, hoa cúc và chim..., tạo nên chiếc ghế trường kỷ hết sức thanh thoát nhẹ nhàng mà rất chắc chắn. Bàn không đồng bộ với ghế trường kỷ, dài khoảng 1m8, rộng khoảng 0,5m cao khoảng 0,8m, hình tượng trang trí xung quanh làm đố chịu lực mặt bàn là những tấm vải lụa mềm mại được tạo hình kiểu buộc lại phần trên khoảng một phần ba, có các tua uốn lượn liên két với nhau tạo thành mảng trang trí độc đáo. Bên phải là bộ ván (bộ ngựa) gỗ dầy.

Ba tủ gỗ trên đầu trang trí kiểu thức phương Tây. Bên trái có bàn tròn đường kính mặt khoảng 1m1, có ba chân chạm khắc đầu rồng, trụ kiểu con tiện to chắc. Nhà sau là buồng ngủ, có cửa thông ra sau vườn, hai buồng ngủ hai bên đối xứng nhau với vách bao toàn bộ bằng gỗ lim, khung cửa phòng chạm khắc tỉ mỉ theo thức phương Tây, cửa ốp gương lớn giống như hai cửa buồng.

Điều đặc biệt với nhà cổ này chính là những hình tượng chạm khắc trên các bao lam và các vách gỗ quen thuộc nhưng độc đáo, không theo chuẩn mực kinh điển về hình tượng tứ linh, tứ quý như thường thấy. Các nghệ nhân khắc lên đây những con vật rất quen thuộc đối với vùng đất sông nước phương Nam buổi đầu như Khỉ, Ngựa, Chim, Nai, Hổ..., với những tư thế khác biệt, phải chăng  mỗi con người mỗi tính cách nhận thức thế giới quan khác nhau nên họ đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức cá tính mang dấu ấn và tâm nguyện của họ gửi gắm vào trên từng chi tiết trang trí. Từ việc dùng những hình ảnh liên quan đến môi trường sống như vậy, cư dân miền Tây đã làm nên một nét văn hóa sông nước rất riêng trong trang trí kiến trúc. Cho dù là nhà theo kiểu thức “thuần Việt” hay “Pháp - Việt”, tất cả làm nên giá trị đặc sắc riêng biệt của người Việt hội tụ trên vùng sông nước phương Nam này.

Hiện nay, nhà cổ Cai Cường do ông Võ Huỳnh Long (64 tuổi), cháu đời thứ tư của dòng họ Phạm kế thừa. Nhà cổ đang có những phục vụ hoạt động du lịch như tham quan, biểu diễn Đờn ca Tài tử, hái trái cây tại vườn... Đặc biệt, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ xưa của gia đình ông Cai Cường. Ngồi trên bộ trường kỷ trăm năm, hàn thuyên chuyện Đông chuyện Tây, ăn trái cây miệt vườn là những trải nghiệm thú vị trong gian nhà cổ trên đất cù lao Nam Bộ.

Lê Long Vĩnh

Top