Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: tâm thức nguồn cội của người Việt
1. Thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng “tộc bái” của người Việt
Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, từ bao đời nay Hùng Vương là vị vua Thuỷ tổ dựng nước, là tổ tiên của cộng đồng người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tôn là tín ngưỡng phổ quát trong hệ chuẩn văn hoá Vịêt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không những chỉ có mặt ở hầu khắp các địa phương trên toàn cõi Việt Nam mà còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và tụ cư.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng thuộc dòng bản địa có sự giao thoa, hoà đồng của văn hoá Phật giáo và Nho giáo. Thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại gia hoặc tại nhà thờ họ; cúng bái trong ngày tết hoặc ngày sóc, ngày vọng. Thông qua việc thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ giữa người sống với người chết”, giữa con người hiện tại với những người ở thế giới tâm linh. Hầu khắp các gia đình người Việt đều lập bàn thờ cúng tổ tiên với quan niệm người chết chưa phải là đã hết, mà chết là về thế giới bên kia, nơi chín suối; ở cõi Tây phương cực lạc, song vẫn thường xuyên đi về, thăm nom, phù hộ cho con cháu.
Thờ cúng tổ tiên là công việc đặc biệt hệ trọng của người Việt Nam. Thông qua thờ cúng tổ tiên, người Việt gửi lòng mình vào sự tri ân công đức tổ tiên, biết ơn lớp tiền nhân theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Người Việt gắn thờ cúng tổ tiên với việc thờ cúng các Vua Hùng - những người đã có công mở nước, sinh dân, hun đúc nghĩa “đồng bào”.
Hùng Vương là vị Thánh Thuỷ tổ của người Việt. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ; không phân chia địa lý, vùng miền, quốc gia, dân tộc. Chỉ cần là người Việt Nam hay các dân tộc khác có cùng nguồn gốc, cùng bản sắc văn hoá cội nguồn của cư dân nông nghiệp... đều công nhận Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc mình, dòng tộc mình, chi họ mình.
Rước kiệu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)
Vua Hùng là tổ tiên chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc và ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày Giỗ tổ chung của đồng bào Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, nơi có kiều bào Việt Nam sinh sống. Đến năm 2005, theo kiểm kê bước đầu của Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan thời Hùng Vương dựng nước. Người Việt lập làng ở đâu thì lập đền thờ Vua Hùng ở đấy với quan niệm con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó.
Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng “tộc bái” của 1 dân tộc có cùng nguồn gốc. Đó thực sự là một tín ngưỡng bản địa có sức sống mãnh liệt, có sức lan toả rộng, sâu, lâu bền trong cộng đồng người Việt.
2. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là “Quốc giáo” của Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hoà trộn với tín ngưỡng tâm linh và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, thờ cúng Hùng Vương đã trở thành lễ tục chính thống, được nhà nước Việt Nam qua các thời đại công nhận và trực tiếp tham gia thực thi tín ngưỡng.
Cộng đồng dân tộc Việt Nam có truyền thống tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Giỗ tổ Hùng Vương là ngày giỗ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Đây không chỉ là ngày giỗ của một gia tộc, một dòng họ, một làng, một xã, một vùng, một địa phương mà là ngày giỗ cụ Tổ chung của cả nước.
Theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay trên 2000 năm có lẻ. Bắt đầu từ việc An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề “nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”.
Tới Thời Hồng Đức Hậu Lê, khi Vua Lê Thánh Tông khẳng định: Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của Quốc gia Đại Việt thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chính thức hoá bằng pháp luật. Vua sai Hàn lâm viện - Trực Học sỹ Nguyễn Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất. Cũng chính nhờ tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện làm lễ “tế giao”như các Vua phương Bắc.
Rước kiệu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)
Năm 1479 trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ và tư duy của Nho giáo Việt Nam. Từ đây về sau Vua Hùng được tôn là Thánh Tổ và được chính quyền Trung ương công nhận; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Đền Hùng - Phú Thọ được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt; dân xã Hy Cương được ban phong là dân “tạo lệ” thừa hưởng hương hoả ngàn thu.
Năm 1917 Triều đình Nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 - 3 Âm lịch hàng năm.
Năm 1946 cụ Hồ Chí Minh- Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.
Năm 1995 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng vương.
Năm 1999 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW (ngày 28/7/1999) về việc tổ chức các ngày lễ lớn - trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP (ngày 6/11/2001) về nghi lễ nhà nước - trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
Năm 2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 33 - NQ / TW (ngày 9 - 2 - 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005; trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt từ thế kỷ XV đến ngày nay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn cội từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành tín ngưỡng chính thống của người Việt, được Nhà nước công nhận và trở thành Quốc giáo Việt Nam.
Lễ vật dâng lên Hùng Vương trong Lễ Giỗ Tổ (Ảnh: TL)
3. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Tâm thức nguồn cội của người Việt
Thờ cúng tổ tiên là một phong tục lâu đời của người Việt. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn được đặt ở vị trí tâm điểm cho sự cố kết cộng đồng, đoàn kết và toàn vẹn của gia đình, dòng họ và cả dân tộc. Người Việt Nam thờ tổ tiên trong gia đình; thờ tổ họ trong dòng họ; thờ thần Thành hoàng ở làng; thờ Tổ của nước ở Đền Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng tinh thần để quy tụ lòng người, quy tụ sự đoàn kết toàn dân tộc. Đó là biểu tượng văn hoá / văn hoá chính trị đồng thời trở thành nhu cầu văn hoá tinh thần của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Trong các luận giải nghiên cứu của mình, cụ Đào Duy Anh cho rằng: “Việc tế tự tổ tiên không phải chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhớ ơn tổ tiên và lưu truyền nòi giống mãi về sau; cho nên ta có thể cho rằng tế tự tổ tiên là lấy duy trì chủng tộc làm mục đích”. (Đào Duy Anh - Văn hoá sử cương - Nhà xuất bản VHTT, H2000 – tr. 250).
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Nhà nước tôn vinh làm Quốc giáo nhằm mục đích cố kết cộng đồng, thông qua các sinh hoạt văn hoá để giáo dục truyền thống lịch sử và ý thức đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất vì sự tồn vong của đất nước. Ý thức ấy được thấm vào máu thịt từng con người thông qua hoạt động văn hoá tâm linh. Biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Khi tâm thức nguồn cội của người Việt được nâng cao thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lan toả và trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người - niềm tin vào tổ tiên và sức mạnh thiêng liêng tiềm ẩn của các Vua Hùng.
Tên gọi Hùng Vương đã đi vào thế giới tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành hiện tượng xã hội, là nội dung tinh thần quan trọng gắn với đời sống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng Hùng Vương được khẳng định là ông Tổ chung và duy nhất của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt, Vua Hùng là ông Vua mở nước, sinh dân, tạo ý nghĩa đồng bào. Vua Hùng đã thực sự thấm sâu vào ý thức tự tôn dân tộc của người Việt.
Lễ vật dâng lên Hùng Vương trong Lễ Giỗ Tổ (Ảnh: TL)
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã vượt qua mối quan hệ huyết thống, biên giới địa lý, tôn giáo, dân tộc và ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã vượt ra khỏi tín ngưỡng dân gian để trở thành Quốc tế. Hùng Vương đã trở thành Quốc Thánh, là vị thần chung cho tất cả mọi người đang cùng sống trên đất Việt.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ - Vua Hùng. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc.
Phạm Bá Khiêm