Tìm hiểu một số lớp văn hóa qua Truyền thuyết và Lễ hội Thánh Gióng

Bài viết này bước đầu đi sâu tìm hiểu một số lớp lang văn hóa vốn đã và đang “ẩn náu” trong hệ thống truyền thuyết dân gian và lễ hội về nhân vật được cộng đồng suy tôn bất tử là Thánh Gióng, trong không gian văn hóa Đồng bằng Châu thổ Bắc Bộ.

Trên tiến trình lịch sử phát triển của cộng đồng, trải qua các giai đoạn lịch sử tiếp theo, nguồn tư liệu này càng ngày càng được bồi đắp thêm nhiều lớp lang văn hóa khác nhau, hòa trộn với nhau sinh động, đa dạng và phức tạp, tùy theo cách cảm, cách đánh giá và quan niệm thẩm mỹ từ người “bảo lưu”, khi truyền tải một nguồn kể nhất định cùng cách thức diễn xướng, minh giải cho nội dung lưu truyền trong đó bằng một kiểu lễ hội dân gian, sao cho hợp lý và được cộng đồng chấp nhận. Bài viết này bước đầu đi sâu tìm hiểu một số lớp lang văn hóa vốn đã và đang “ẩn náu” trong hệ thống truyền thuyết dân gian và lễ hội về nhân vật được cộng đồng suy tôn bất tử là Thánh Gióng, trong không gian văn hóa Đồng bằng Châu thổ Bắc Bộ.

1. Lớp văn hóa nguyên thủy

Trước hết phải khẳng định rằng, nhân vật Thánh Gióng trước khi “bước” vào chính sử, nguyên là nhân vật huyền thoại. Về sự xuất thân của nhân vật Thánh Gióng, dễ dàng nhận thấy lớp văn hóa nguyên thủy, gắn với tín ngưỡng cổ xưa trong cộng đồng thời dựng nước của dân tộc. Xuất thân của vị Thánh bất tử này được nhắc nhiều trong sử sách, nhưng tựu chung lại, tất cả các công trình nghiên cứu công phu đó đều nhìn nhận về lai lịch của Ngài theo nguồn truyền thuyết vốn được lưu truyền qua hàng nghìn năm, được thu lại định hình trong các bản thần tích, ngọc phả tại các di tích liên quan đến hành trạng của nhân vật trung tâm, như các nguồn cứ liệu: Thần tích về Phù Đổng Thiên Vương (được lưu giữ tại đền Thượng Phù Đổng và đình Đổng Xuyên), Thần tích Đổng Sóc Thiên Vương tại đền Sóc, Ngọc phả Cổ lục Đức Đổng Sóc Xung Thiên Đại Thánh Thần Vương (Thần tích xã Đông Bộ Đầu, tổng Chương Dương, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông - nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).

Theo nguồn cứ liệu thứ nhất, Thánh Gióng không có lai lịch rõ ràng, cha là người khổng lồ (ông Đổng), mẹ là người đàn bà lỡ thì, sau khi dẫm phải dấu chân khổng lồ rồi về thụ thai, bị dân làng xua đuổi với lí do không chồng mà chửa. Khi bà sinh ra Gióng, dân làng lấy liềm đá cắt rốn, cho Gióng vào thống đá để tắm, sau đặt lên chõng đá để nằm hàng ngày… Như vậy là, thoạt kỳ thủy, Thánh Gióng sinh ra đã gắn với đá (vết chân đá, liềm đá cắt rốn, được tắm trong thống đá, nằm chõng đá). Trong quan niệm của người dân, đá là một trong những loại vật chất mang yếu tố linh thiêng, người anh hùng của dân vì thế tất phải được xuất thân từ sự linh thiêng. Tín ngưỡng thờ đá thuở sơ khai cùng ý thức thẩm mỹ của dân gian đã gửi gắm vào nhân vật thiêng, tạo cơ sở logic cho sức mạnh thần thánh sau này của nhân vật được người đời tôn sùng và kính trọng.

Truyền thuyết Thánh Gióng được lưu giữ trong tranh Đông Hồ (Ảnh: TL)

Trong Lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng, lớp văn hóa nguyên thủy không hiện ra tách bạch ở một biểu tượng nào đó, mà nó được đan xen, thậm chí hòa đồng vào các lớp văn hóa khác, tạo nên một biểu tượng chung vừa sống động, vừa bí ẩn, nhiều khi khó bóc tách hoặc được cảm nhận theo những mức độ và cấp độ khác nhau. Trải qua diễn trình của toàn bộ cuộc hội, vai diễn ông Hiệu Cờ là nhân vật trung tâm giữa cả hệ thống biểu tượng các vai diễn khác. Ông Hiệu Cờ được hiểu là hiện thân cho nhân vật Gióng, mang hồn cốt và sức mạnh của người anh hùng. Quan sát quá trình “đánh cờ” của ông Hiệu này, điều cảm nhận chung nhất dễ được người dân hiểu là, Thánh Gióng đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Hình ảnh ông Hiệu múa cờ từ nghịch sang thuận, nhảy qua nhảy lại giữa 3 chiếc bát úp trên từng tờ giấy trắng trên 3 chiếc chiếu như là hiện thân của sức mạnh thần thánh bạt núi san đồi, lướt mây về gió đánh tan quân giặc. Tuy vậy, ẩn sau những động tác múa cờ đó còn là sự gửi gắm nhận thức và niềm ước mong của người dân vùng nông nghiệp lúa nước thông qua tín ngưỡng cầu mưa, cầu làm ăn thuận hòa thành đạt. Hình ảnh cây cờ được múa xoay vòng như mô phỏng sự vần xoay của vũ trụ - đất trời, của sấm chớp, mưa gió. Bao nhiêu tinh túy sinh lực của trời đất theo cán cờ - biểu tượng của sợi dây nối vũ trụ với trần thế - thấm xuống đất đai, núi sông để tăng sinh lực cho mùa màng tươi tốt, tạo ra mối giao cảm đất trời, mang lại cuộc sống no đủ cho con người. Đây chính là dấu vết hiện hữu của một thứ tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân nông nghiệp lúa nước. Kèm theo đó là cách mô phỏng chân dung và tầm vóc của người anh hùng khai phá, tạo dựng đất nước thuở sơ khai. Và như vậy, mong ước chinh phục tự nhiên đã đi kèm với tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa cùng bóng dáng của việc thể hiện sức mạnh xác lập xã hội nhân thế, chống giặc ngoại xâm bảo vệ cộng đồng chính là tín ngưỡng văn hóa của cư dân người Việt trong buổi đầu dựng nước.

2. Lớp văn hóa mang tính giai cấp của Nhà nước phong kiến

Nguồn cứ liệu thành văn do Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược và Tiến sĩ Lương Văn Kế đã công bố lại mang dấu ấn của thứ lớp lang văn hóa đậm màu sắc giai cấp trong xã hội phong kiến, có nhiều điểm khác với truyền thuyết vẫn lưu truyền trong dân gian về Thánh Gióng. Tài liệu này được tìm thấy trong kho thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là bản thần phả của đền Đông Bộ Đầu do Hàn Lâm viện, Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bằng Hán văn vào năm thứ I Niên hiệu Hồng Phúc, Triều Lê Anh Tông (1572), và được Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Quản giám Bách thần Tri Điện Nguyễn Hiền sao y bản chính vào năm thứ V Niên hiệu Vĩnh Hựu, Triều Lê Y Tông  (1739). Nội dung bản thần phả cho biết Thánh Gióng có xuất thân rõ ràng, việc mẹ Ngài thụ thai và sinh nở cũng khác với truyền thuyết trước đây…

Lễ hội Thánh Gióng (Ảnh: TL)

Theo truyền thuyết, mẹ Thánh Gióng có tên họ và xuất xứ rõ ràng. Người không phải là một bà già luống tuổi xấu xí như huyền thoại dân gian lưu kể, mà là người con gái có nhan sắc của thánh thần.

Người phụ nữ này sau thành vợ yêu của Đại quan lang họ Đổng tên Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá. Tuy nhiên, hồng nhan bạc mệnh, chỉ một năm sau chồng bà qua đời, bà vào tu tại chùa Hoàng Nham, do được “thiên thụ” mà có thai. Sau ba năm bốn tháng sinh ra một bọc hình như đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương đưa và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen còn chưa nở. Chỉ khi Vua Hùng đưa về Cung ngày đêm chăm sóc, dần dần đóa sen mới nở hình hài nhi. Hài nhi đó chính là vị anh hùng lẫm liệt mang tên Thánh Gióng mà dân gian vẫn nhắc tới với sự thụ thai kỳ lạ mang tên “vết chân to” . Sự khác biệt trong câu chuyện về Thánh Gióng trong thần phả và truyền thuyết không chỉ thể hiện ở dòng họ và sự thụ thai, mà còn khác biệt ở chiến công của ngài Phù Đổng Thiên Vương. Người Anh hùng làng Gióng giờ đây không chỉ là hiện thân của sức mạnh chống giặc ngoại xâm, mà còn là hiện thân cao cả của người anh hùng chống lũ lụt, của nhân cách hiếu tử, biểu tượng cho một thứ khuôn mẫu đạo đức mang tính truyền thống lâu nay của người Việt.

Thánh Gióng là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và lý tưởng hóa toàn bộ quá trình sinh ra, lớn lên, chiến đấu và chiến thắng của đội quân chống xâm lược đầu tiên của Việt Nam ở thời kỳ Văn Lang. Với truyền thuyết Thánh Gióng, vai trò, tác dụng của vũ khí và phương tiện chiến đấu được phản ánh khá sâu sắc và sinh động. Việc đề cao, ca ngợi và thần thánh hóa các loại phương tiện và vũ khí bằng kim loại (ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt) chẳng những không hạ thấp hoặc làm lu mờ vai trò, tác dụng của các loại vũ khí thô sơ thông thường, mà trái lại còn khẳng định và nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng thời sử dụng cả hai loại vũ khí ấy. Đội quân chống xâm lược và sức mạnh phi thường của nó ở trong truyện Thánh Gióng không phải tự nhiên có và cũng không phải là nhất thành bất biến mà đó là một đội quân thể hiện sức mạnh có tổ chức, được nuôi dưỡng, chuẩn bị công phu, có quá trình hình thành, phát triển rõ rệt, cụ thể và hợp lý. Đó là bóng dáng của lớp văn hóa gắn với nền Văn minh Đông Sơn, được chảy trôi và thẩm thấu qua ý thức hệ phong kiến, thoát thai và tô đậm dần từ các triều đại Lý, Trần, Lê, để rồi đọng lại trong sử sách và truyền lại cho đời sau.

Lễ hội Thánh Gióng (Ảnh: TL)

Dấu vết văn hóa đậm chất Vương triều thể hiện qua việc Gióng được nhân dân tôn xưng là “Thánh”, được Nhà Vua phong là “Phù Đổng Thiên Vương” căn bản và trước hết, thể hiện Gióng vẫn là một con người - một người con của làng Phù Đổng, thuộc bộ Vũ Ninh, nước Văn Lang, đời Hùng Vương thứ Sáu. Theo truyền thuyết, Gióng thầm lặng như cái bản nhiên của người lao động, chỉ nói một câu “xin đi đánh giặc”. Cái vươn vai “lớn 10 trượng” cũng là để nhận nhiệm vụ đánh giặc cao cả khi đất nước lâm nguy. Sự xuất hiện của bàn chân khổng lồ trên đồng ruộng không phải hướng đến mục đích xác lập cái ngôi thiên tử cho Gióng mà chỉ là một biểu tượng cho sự hoà hợp giữa đất và trời, giữa thần linh và người mẹ nông dân đã cho ra đời một anh hùng quần chúng. Những chi tiết về sự thụ thai của bà mẹ Gióng (ướm thử bàn chân mình vào vết chân người khổng lồ in trên đồng, mang thai 12 tháng…), đều chỉ là sự thần thánh hóa để đề cao người anh hùng, làm cho người anh hùng có nguồn gốc khởi thủy là siêu nhiên, thần thánh khác thường, sau đó được lịch sử hóa để gắn với các mối quan hệ xã hội phức tạp khác. Chính vì vậy, dù khoác lên nhiều yếu tố kỳ diệu, khác thường, Thánh Gióng vẫn không thể lấn át và thay thế được cái bình thường của con người trần thế. Dẫu có siêu nhiên kỳ ảo, Gióng vẫn phải “nằm trong bụng mẹ″ (dù là 12 tháng); vẫn phải “uống nước, ăn ba nong cơm, bảy nong cà” với bao công sức gom góp từ quần chúng (dù là mấy nong); vẫn phải mặc quần áo bằng vải của dân làng Phù Đổng (dù là rộng đến đâu); đánh giặc xong không về triều mà bay về trời, về với cõi bất tử, với cõi hư không cho thấy ý chí phục vụ đất nước vô tư thật là gương mẫu nhưng vẫn không quên cúi đầu chào đất Mẹ; và ngay cả ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt, nón sắt của Gióng cũng là do Vua Hùng tập hợp những người thợ rèn tài giỏi ở trong nước đúc nên…

Có thể nói, truyền thuyết Thánh Gióng đã có sự kết hợp giữa Nhà nước (tiêu biểu là Vua Hùng) và nhân dân (tiêu biểu là Gióng và nhân dân làng Phù Đổng), giữa sức mạnh của con người và sức mạnh của vũ khí mà lòng yêu nước đã trở thành một truyền thống quý báu.

Tượng đài Thánh Gióng được dựng trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh cao nhất của dãy núi Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: TL)

Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương là anh hùng văn hóa vốn được dân gian gắn với thời cổ đại, tiền sử. Trong quá trình phát triển của cư dân Việt, vị anh hùng văn hóa ấy đã được khoác lên mình những lớp lang văn hóa hậu thời, thậm chí được gắn với các sự kiện lớn, được lịch sử hóa và bất tử trong tâm thức người Việt. Các lớp văn hóa luôn được hòa quyện, truyền tải một cách tự nhiên thông qua các hình thức truyền ngôn và diễn xướng, góp phần cơ bản tạo nên giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, tường minh cho sức sống của một dân tộc, cho những truyền thống lâu bền trong cộng đồng từ xưa đến nay.

Vũ Hoa Ngọc

Top