Lễ hội Nhúng nước lưới ở Sa Huỳnh

Nhúng nước lưới là tên gọi được truyền tụng từ đời này sang đời kia ở Sa Huỳnh. Bên cạnh đó, lễ hội còn có các tên gọi lễ hạ nghệ (xuống nghề), lễ cúng nghề, lễ ra nghề, lễ khai lạch. Tất cả các tên gọi này đều mang chung ý nghĩa biểu trưng cho việc bắt đầu vào nghề trong năm mới mà nội dung chính bao gồm 2 phần là nghi lễ và vui hội. Nếu nghi lễ là cách thức ứng xử của con người trần thế với thế giới tâm linh, thì phần vui hội là sự thể hiện con người trong mối quan hệ với cộng đồng và thiên nhiên đang chung sống.

Thực tế, mùa đánh bắt cá (cá cơm, cá chuồn, cá nục...) ở các ngư trường miền Trung chỉ bắt đầu sớm nhất vào khoảng trung tuần tháng Hai âm lịch. Cuối tháng Chạp qua đầu tháng Giêng, mặc dù gió Đông Nam đã xuất hiện, nhưng tiết trời chưa thật ấm áp, phiêu sinh vật chưa nhiều, các đàn cá chưa quây tụ đông đúc. Thời gian từ đầu năm (sau Tết Nguyên đán) đến giữa tháng Hai âm lịch, ngư dân lo việc mua sắm, sửa chữa ngư cụ, tàu thuyền, chuẩn bị lương thực, thưc phẩm và các vật dụng thiết yếu khác cho chuyến ra khơi dài ngày.

Lễ nghinh thần ngoài biển

Vì vậy, trong Lễ hội Nhúng nước lưới Sa Huỳnh, ngày xuống nghề, ra nghề chỉ mang tính tượng trưng (nhúng nước lưới) mà chưa phải là ngày thực sự bắt đầu giong buồm ra khơi đánh cá. Nói rõ hơn, lễ Nhúng nước lưới ở Sa Huỳnh chính là lễ cúng đầu năm, xuống lưới lấy ngày của cư dân ven biển làm nghề đánh bắt cá mà không phải là lễ Cúng mùa.

Cũng vì đây là một lễ tiết cúng vào dịp đầu năm, cho nên trong lễ Tiên thường (tiến hành vào canh ba đêm mùng 2, sáng ngày mùng 3 Tết), người ta tiến hành nghi thức “cáo” ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và trước bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình ngư dân để bẩm báo thần linh, tiên linh việc khai lạch đầu năm, chuẩn bị ra khơi bắt cá và cầu xin ơn trên gia hộ, độ trì.

Tinh mơ ngày mùng 3 Tết, tất cả thuyền làm nghề đánh cá của các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bàn soạn hương đăng, lễ vật cùng các loại ngư cụ ngay trên thuyền. Ngư dân đứng ở mũi thuyền, ăn mặc đẹp, chít khăn màu đỏ trên đầu, mặt người sáng tươi như hoa sớm... Sau một vài nghi thức đơn giản của đại diện chức sắc làng xã, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ Nhúng nước lưới bắt đầu. Đoàn thuyền tiến ra khơi, dẫn đầu là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn từ hôm trước. Đó là con thuyền gặp nhiều may mắn trong năm đánh bắt đã qua, gia đình chủ thuyền trên thuận, dưới hoà.... Tiếp sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp hướng về biển lớn phía trời Đông. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, đoàn thuyền dừng lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, xin thần linh đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên, các thuyền quay đầu lại, nối đuôi nhau vào bờ trong tiếng hò reo của những người dự lễ đứng trên bờ và trên những chiếc thuyền con, thuyền thúng. Chứng kiến cảnh tượng vừa thiêng liêng, vừa sinh động này, những người dự lễ vừa ngỡ ngàng xúc động với vẻ đẹp của biển cả quê hương, vừa dâng trào một niềm tin về ngày mai ấm no, hạnh phúc.

Hát múa Bả trạo (Thạch Bi, Sa Huỳnh)

Khi tất cả các thuyền đã vào bờ cũng là lúc các trò diễn như đua thuyền, thi bơi bộ, thi lắc thúng bắt đầu. Kết thúc các trò chơi trên biển lại chuyển qua phần hát múa. Gánh hát Bội được mời cùng các nhóm múa hát hát múa Sắc bùa, Bả trạo từ nhiều nơi trong tỉnh (Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa) và ngoài tỉnh (Tam Quan, Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định) cùng nhau phô diễn tài năng để phục vụ bà con. Trong khi gánh hát Bội nổi trống vào tuồng ở sân khấu tại chỗ thì các nhóm Sắc bùa lại đến từng nhà theo lời mời của gia chủ, mang theo giọng hát, câu hò chúc mừng năm mới.

Diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán nên khách thập phương, người quê gốc ở Sa Huỳnh, Đức Phổ đi làm ăn nơi xa về dự lễ Nhúng nước lưới khá đông, tạo nên không khí hân hoan, sôi nổi khắp một vùng quê ven biển.

Nhóm Sắc bùa từ xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) tham gia lễ hội

Trong quá trình phát triển chung của đất nước, đời sống người dân dần dần được cải thiện, công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, Lễ hội Nhúng nước lưới được chuẩn bị khá chu đáo, có sự tác động tích cực của chính quyền địa phương, tàu thuyền dự hội trang trí công phu, người dự hội ăn mặc đẹp, nghi thức tiến hành khá chu đáo trên cơ sở duy trì tập quán cổ truyền của cha ông và có những biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đời sống mới.

“Di phong hoán tục”, âu cũng là việc cần làm, cốt là phải giữ cho được thần thái của lễ hội và nhất là giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của người dân miền duyên hải.

Bài và ảnh: LÊ HỒNG KHÁNH

 

Top