Thêm một đề cử Bảo vật quốc gia của Thủ đô Hà Nội

Đề cử thứ hai và cũng là đề cử cuối cùng trong năm nay của Thủ đô Hà Nội: hai pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Thiền sư Vũ Khắc Trường, hiện đang được thờ tại Chùa Đậu - Pháp Vũ tự, thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57 cm (đo trong tư thế ngồi) và Thiền sư Vũ Khắc Trường là 75cm. Trọng lượng trước lúc tu sửa, bảo quản của cụ Vũ Khắc Minh là 7kg, sau tu sửa, bảo quản là 7,5 kg. Cụ Vũ Khắc Trường không xác định được trọng lượng trước tu sửa, bảo quản do hư hại quá nặng, còn sau bảo quản, tu sửa, trọng lượng lên tới 31 kg.

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh

Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi trong tư thế đầu hơi cúi, lưng cong gập, mình gấp nhô về phía trước, hai tay đặt trước bụng so le nhau, tay trái ở phía trong, tay phải ở phía ngoài. Lòng bàn tay trái ngửa lên phía trên, lòng bàn tay phải hướng về phía bụng, trong động tác lần tràng hạt. Xương ngực hằn rõ, xương sống lộ rõ từng đốt, chân ngồi theo lối Thiền, hai chân vắt chéo nhau, ống chân trái đè lên ống chân phải. Bàn chân trái ngửa, vắt lên đùi phải, bàn chân phải ngửa, vắt lên đùi trái (Thế kiết già phu tọa). Đầu tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh tròn, hộp sọ lớn, biểu hiện sự thông tuệ, vẻ mặt đăm chiêu như đang tụng niệm, khuôn mặt mang nét riêng của cá thể. Trong sự giống thực, tượng không mang vẻ người đã chết mà vẫn giữ được sự sống động, linh hoạt.

Thiền sư Vũ Khắc Trường cũng có thế ngồi tương tự, theo thế Thiền – Kiết già phu tọa, nhưng khuôn mặt đầy đặn hơn, lưng thẳng, xương ngực hằn lên, tay dầy, chân xếp vòng tròn. Toàn thân được quét một lớp sơn trắng.

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường

Hai pho tượng nêu trên đã bị hư hỏng nhiều do thời gian, thiên tai và lũ lụt, do đó, đã được phục hồi, tu sửa năm 2003. Công tác tu sửa, phục hồi được thực hiện từ các chuyên gia nhân học, họa sĩ, kỹ sư bảo quản có uy tín, theo đó, đảm bảo được yêu cầu của khoa học tu sửa, bảo quản đã đề ra.

Theo văn bia đặt trong chùa “Tu tạo Pháp Vũ tự bi ký” dựng năm Dương Hòa thứ 5 (1639), có nội dung nói tới ba vị Thiền sư trụ trì tại chùa là Thiền tăng Nguyễn Đặng Dung, Sa di Vũ Khắc Minh và Tăng Vũ Khắc Trường. Hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là những người thay nhau trụ trì ở chùa trong những năm đầu thế kỷ 17. Do vậy, hai pho tượng cũng có niên đại tương đối đồng nhất với nội dung đã ghi trong văn bia, muộn nhất là vào giữa thế kỷ 17.

Hồ sơ của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội phân tích, đây là hai pho tượng gốc, độc bản, minh chứng cho kỹ thuật ướp xác độc đáo của người Việt.

Khoa học thế giới đã khẳng định rằng, muốn ướp xác thì phải thực hiện đầy đủ các điều kiện: phải dùng thuốc ướp, bỏ nội tạng, hút óc và phải để thi hài trong quan, quách… Hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường được sử dụng một cách ướp xác mang đậm chất Phật giáo và độc đáo trong kỹ thuật ướp xác. Các nhà khoa học đã kiểm tra rằng, toàn thân hai vị sư không có vết đẽo đục, không có hiện tượng rút ruột, hút óc, chứng tỏ thi hài được để nguyên khi ướp, song thân thể của các vị vẫn không bị hủy hoại, mặc dù đã trải qua 400 năm tồn tại.

Hồ sơ cũng khẳng định rằng,  đây là hai vị Thiền sư mang trong đó những giá trị tiêu biểu cho loại hình “tượng táng” ở Việt Nam. Ở nước ta, cho đến nay đã tìm thấy 4 tượng nhục thân (2 ở chùa Đậu, 1 ở chùa Tiêu, Tiên Sơn, Bắc Ninh  và 1 ở Phật Tích, Bắc Ninh). Cả 4 nhục thân đều có niên đại Lê Trung hưng, thế kỷ 17, nhưng 2 tượng ở chùa Đậu là nguyên vẹn nhất. Và, đó cũng là sự còn lại vẹn toàn nhất, tiêu biểu nhất cho một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi của tục “tượng táng”. Trước và sau đó chưa từng thấy hiện tượng này ở Việt Nam.

Một góc chùa Đậu - nơi giữ tượng hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.

Trên thế giới có nhiều phương thức táng người đã mất: Địa táng hay thổ táng (chôn người dưới đất); Hỏa táng – Đốt thi hài; Hải táng hay thủy táng – Thả xuống nước; Thiên táng hay điểu táng – Treo lên cây cho chim ăn; Huyền táng – táng treo… Hai Thiền sư ở chùa Đậu đều không thuộc phương thức táng nêu trên. PGS.TS Nguyễn Lân Cường đưa ra thuật ngữ Thiền táng (theo tư thế ngồi Thiền) hay Tượng táng (làm thành tượng để táng) cho hai vị Thiền sư này. Theo chúng tôi, đây là hiện tượng hóa thân thành Phật.

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viết: “Di hài nhục thân của các Thiền sư là một dạng xá lợi (hay xá lị), là kết quả của quá trình dùng năng lượng đạt đến đỉnh cao của Thiền định mà có được sau khi đã tự thiêu đốt đi tất cả. Là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của Tâm và đạt đến sự giác ngộ viên mãn.

Với di sản quý giá, nhục thân của các vị Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (Hà Nội)… đã thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng của các vị Thiền sư Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt để lại trong lòng văn hóa dân tộc.”

Hồ sơ của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đặt/ gắn hai pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường với Di tích chùa Đậu.

Như ta đã biết, chùa Đậu là nơi thờ Tứ Pháp, một tín ngưỡng đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, mang đậm màu sắc của nền văn minh trồng lúa nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo tấm bia dựng năm 1639, niên hiệu Dương Hòa, chùa Đậu xây vào thời Lý, tiếp tục được tu bổ mở mang vào thời Trần, thời Lê, thời Mạc. Những cổ vật hiện còn lưu giữ tại chùa là đôi rồng đá mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Đôi rồng đặt ở bậc lên xuống tòa Tiền đường. Các viên gạch thời Mạc với những đặc trưng như vẽ hình voi, thú, cá… cùng tấm bia dựng năm 1565 có viết về số ruộng khoảng 100 mẫu của chùa, cho thấy, vào thời Mạc, chùa Đậu có quy mô khá lớn. Trong thời Lê – Trịnh, chùa Đậu được cung tần Ngô Thị Ngọc Quyên cùng các công tôn là Trịnh Căn, Trịnh Quế và Trịnh Thụ đã hưng công tu bổ khang trang. Thời Lê Trung hưng, Vua Lê Thần Tông (1649 - 1662) ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam”.

Ngày nay, ngôi chùa có quy mô kiến trúc lớn với kết cấu “nội công, ngoại quốc” gồm nhiều đơn nguyên, chứng tỏ đây là Quốc tự – nơi trước đây chỉ dành riêng cho vua chúa, vương công, quý tộc vào lễ Phật.

Hai tượng nhục thân các vị Thiền sư được đặt ở tòa Hậu đường chùa Đậu là hai báu vật đã thu hút hàng vạn khách trong và ngoài nước đến chiêm bái. Giờ đây, dòng họ Vũ ở thôn Gia Phúc vẫn làm giỗ hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Trong bài khấn còn có hai câu “Hòa thượng, tăng tục ti tăng thống Vũ Khắc Minh hóa thân bồ tát”. Rõ ràng cụ đã hóa Phật từ nhiều đời nay.

Với tất cả những lý do trên, tôi thấy hai pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu xứng đáng là Bảo vật quốc gia, để cùng với giá trị di tích cấp Quốc gia của ngôi chùa này và những cổ vật quý hiếm đang được lưu giữ trong đo có điều kiện phát huy tốt nhất tới cộng đồng người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

TS Phạm Quốc Quân

 

Top