Thắng tích ChùaTrầm

Truyền thuyết, thuở xa xưa, ngôi sao Tử vi từ trên trời bỗng nhiên rơi xuống giữa vùng đất bằng phẳng, hóa thành năm ngọn núi đá, người đời đặt tên Ngũ Nhạc Sơn, ngày nay là danh thắng Tử Trầm, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Trong núi Trầm có động lớn, còn thấp thoáng dấu tích của người nguyên thủy và người Việt cổ thuở từ hang động bước ra dựng cõi. Bức đại tự trên cửa khắc nổi lên đá ba chữ: “Long Tiên động“. Án ngữ cửa hang là con rùa đá to lớn, trên mai khắc một bài thơ cổ. Trong lòng hang Trầm lưu trữ một kho cổ vật, bốn mươi tám pho tượng đá thời Lê được chạm khắc tinh xảo công phu từ chính những tảng đá thiên nhiên sẵn có trong hang động, mỗi pho tượng mang một vẻ đẹp tâm linh của các Đức Phật, La hán, Thập điện Diêm vương và các võ sĩ thời cổ. Cây hương đá trước bàn thờ Phật được tạc trổ tinh vi vào năm 1696, niên đại năm Chính Hòa thứ 17. Trên vòm hang là muôn hình thù kỳ lạ của nhũ thạch triệu năm, được tưới tắm bởi ánh sáng từ trên đỉnh núi dội xuống, khiến cho cảnh vật huyền ảo như chốn bồng lai. Cổ vật quý báu trong hang còn là 15 bài thơ Nôm của các danh sĩ từ cổ chí kim khắc vào vách đá ngợi ca thán phục.

Chùa Trầm (Ảnh: TL)

Chính tại động Long Tiên này đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Mùa đông năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán về chùa Trầm, đặt trụ sở phát sóng tại đây. Chủ tịch Hồ Chí Minh về làng Vạn Phúc, Bác đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến“, để rồi Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh bản “hịch“ hào hùng từ đỉnh núi Trầm đến với đồng bào cả nước vào ngày 19-12-1946. Cũng tại nơi này, Tết Nguyên Đán năm Đinh Hợi 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai bút bằng đôi câu đối:

“Kháng chiến tất thắng

Kiến quốc tất thành”

Năm 1966, Người trở lại thăm núi Trầm, tặng thắng tích Tử Trầm đôi câu đối:

“Cao sơn hữu ý thiên niên bút/Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”

Tổ hợp danh thắng Tử Trầm, bên cạnh núi non, hang động, không thể bỏ sót quần thể cổ tự. Thời Tiền Lê, một tướng lĩnh nhà Đinh đã về trí sĩ và dựng chùa dưới chân núi Trạo. Đến thời Trần, chùa Trai Linh được dựng ngang lưng núi Vô Vi, cách núi Trầm 200m. Năm 1514 (Hồng Thuận thời Lê), nhân dân xây dựng chùa Vô Vi trên đỉnh núi, bên ngách đá có gác nghênh phong, từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn bốn phương. Trên đường từ núi Trầm sang chùa Vô Vi, ta ghé Quan Âm viện nằm kề ven đường, áp sát chân núi, đây là am do Chúa Trịnh cho xây dựng thời Vua Lê Hy Tông (1676-1705) để cho các bà Phi học kinh Phật trước khi vào lễ chùa.

Động Long Tiên (Ảnh: TL)

Vượt qua gần trăm bậc đá, du khách lên đến đỉnh núi cao thứ hai, chiêm bái chùa Trầm Vô Vi (Ảnh: TL)

 Dưới chân núi Trầm, về phía bên trái cửa động có chùa Long Tiên, hiện nay đang được xây dựng lại, mở rộng quy mô kiến trúc. Cheo leo lưng chừng núi Trầm là đền thờ Mẫu Thượng, đây xưa kia được Chúa Trịnh cho xây dựng để làm nơi nghỉ ngơi, và Phi tần ở. Trên đường lên núi còn nhiều tháp cổ, án thờ trơ gan cùng tuế nguyệt. Am Phổ Minh ngự trên đỉnh núi viết lên ráng mây trời. Suối Mộng mơ róc rách chảy xuống hồ bán nguyệt, nơi Phi tần của Vua Lê - Chúa Trịnh xuống tắm. Còn nữa, hang Sư, hang Bảy Cửa, hang Nước trời cho, thung lũng Tình yêu, đỉnh Thập tự, miếu Long châu, hang Xuyên núi, suối Trường sinh, núi Bút, núi Cung, hòn Âm, hòn Dương... cùng điểm xuyết quyến rũ du khách quanh năm, thật là danh bất hư truyền.

Khôi Minh

Top