Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường với sự tích trống đồng

Đây là bản sử thi nổi tiếng của dân tộc Mường mà các thầy Mo dùng để cúng đưa tiễn hồn người chết về thế giới bên kia trong những đám tang ma của quý tộc nhà Lang. Trong bản sử thi có một khúc nói về sự tích trống đồng, có thể tóm lược như sau: “Vua Dịt Dàng thấy một cái vật đen đen giống cái bô, có hoa giống cái sọt, có hình hoa, hình lá, có con nhái hóng gió, nhưng không biết là vật gì. Vua hỏi bố Mo cho biết là trống Lạc mình đồng.”

Vua Dịt Dàng giàu có quyền thế nhưng lại chưa có trống đồng bèn sai người xuống vua nước mượn trống về. Vua sai thợ lấy trống đó làm mẫu đúc nhưng không được. Vua phải cho đi đón thợ từ nơi khác về vẫn không xong. Cuối cùng thợ phải niệm chú vào củ gừng, nhai vào mồm rồi phun vào nước đồng mới đúc được trống tốt. Vua Dịt Dàng vui mừng, cho chọn trống tốt cho vào kho, còn lại đem đi chợ bán cho kẻ sang người cả”.

Khúc ca nói về trống đồng trên đây trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường Bi – Mường Vang – Mường Thàng – Mường Động lan tỏa, rồi ở một số địa phương của Mường Hòa Bình xuất hiện truyền thuyết, dựa trên sử thi này, có đôi chút dị bản, được nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jean Cusinier ghi lại vào những năm 50 của thế kỷ trước: “Ngày xửa ngày xưa, Vua Dịt Dàng vì ở Kinh đô, nơi ngài có một cung điện lớn và nhiều cung nhỏ. Ngài có nhiều quân, bởi ngài có nhiều quyền thế. Ngài cho gọi thợ đến cưa cây đẽo gỗ dựng kho chứa thóc, gạo, trầu, cau, vàng, bạc, đồng, cất kiệu, lọng, làm chuồng trâu, bò, voi ngựa, dựng trại cho quân tướng hùng hậu của ngài.

Nàng Ngà và nàng Ngân, hai em gái của ngài, một hôm ra suối gội đầu, khi chải đầu nhìn về phía Đông, bỗng thấy một chiếc trống đồng trên mặt biển và dạt vào bờ cát.

Vua Dịt Dàng sai người vớt chiếc trống đồng lên mang tới chỗ mình rồi lệnh cho gọi thợ khéo bốn phương đến đúc 1960 chiếc trống, ban phát cho các nhà Lang, mỗi nhà một chiếc.”

Khu mộ đá Đống Thếch ở Kim Bôi, Hòa Bình, tương truyền là nơi chôn cất các quan lang người Mường. Ảnh: wikiwand.com

Như vậy, dựa trên sử thi và truyền thuyết, nhiều người nghĩ rằng, trống đồng nói chung và trống đồng Đông Sơn nói riêng, chủ nhân đúc ra chúng là người Mường. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại như thế mà còn đi xa hơn nữa, do truyền thuyết và sử thi nêu trên ảnh xạ một cốt lõi lịch sử cổ xưa hơn. Đó là lịch sử của Vua An Dương Vương, trị vì đất nước Âu Lạc vào những năm 207-179 Trước Công nguyên. Ông chính là người đã cho đúc trống và ban phát trống đồng. Người lo đúc trống và sau trở thành thần trống của người Lạc Việt là Cao Lỗ, vị tướng phụ trách Bộ Công của nước Âu Lạc.

Sự logic để gắn kết sử thi, truyền thuyết với kết luận trên còn là một quãng cách khá dài, với những suy luận bắc cầu và viện dẫn nhiều tài liệu ngôn ngữ, lịch sử, khảo cổ học và dân tộc học, theo đó, khó có thể trình bày trong một bài viết ngắn. Ở đây, tôi vẫn chỉ dựa vào truyền thuyết và sử thi để triển khai quan điểm và suy nghĩ của mình, xem có hay không chủ nhân đúc trống đồng là người Mường?

Trong rất nhiều các bài viết trước đây về trống đồng và gốm sứ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến người Mường có kỹ thuật luyện kim và đúc đồng. Cộng đồng này cũng không biết làm gốm và kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp làm rẫy và trồng lúa nước ở những thung lũng hẹp với dệt vải và làm thổ cẩm, để trợ giúp cho kinh tế nông nghiệp vốn hay thất bát bởi khí hậu khắt nghiệt. Khai quật những ngôi mộ của các Lang Cun, Lang Đạo Mường ở Bi – Vang – Thàng – Động, đồ tùy táng gốm sứ chủ yếu của họ đều được mua từ người Kinh dưới xuôi và nhập khẩu từ các lò gốm Nam Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Thái Lan... Các Lang Cun giàu có, mộ của họ cũng có chôn theo trống đồng và truyền thuyết rằng, đám ma của quý tộc Mường có đánh trống, theo đó, việc cất giữ trống đồng trong các nhà Lang để truyền đời đã từng xảy ra trong xã hội Mường cổ xưa và kéo dài cho tới tận trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là trống loại II, theo phân loại của F.Heger – một học giả Áo đầu thế kỷ 19. Những trống đồng ấy có niên đại thiên niên kỷ I Sau Công nguyên và kéo dài tới tận thời Lý, Trần, Lê, với rất nhiều họa tiết hoa văn có trên đồ đồng, đồ gốm, đồ đá của người Việt (Kinh) cùng thời.

Một số vật gia dụng và đồ tế lễ trưng bày trong Lễ hội Văn hóa Mường tại Hòa Bình. Ảnh: vi.wikipedia.org

Như vậy, người Mường không đúc trống nhưng cộng đồng này có sử dụng trống đồng là hoàn toàn sự thật. Tuy nhiên, việc sở hữu và sử dụng trống đồng chỉ có trong tầng lớp quý tộc nhà Lang – Những người có quyền thế, giàu có và được chiều chuộng từ chính quyền phong kiến Trung ương, đặc biệt là Triều Lê sơ và Lê - Trung hưng. Trống đồng đến với họ từ hai nguồn, đó là phong tặng của Triều đình và của hồi môn của Công chúa gả bán cho các Lang Cun, nhằm ràng buộc họ với Triều đình để giữ yên biên viễn. Nguồn thứ hai là mua từ các thương nhân, mà Mo “Klong đông” (Mo trống đồng) đã phản ánh, với thương nhân thằng Lồi – chú khóa đem bán trống đồng ở các bản Mường.

Vậy thì, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” với đoạn kể về sự tích trống đồng cùng những truyền thuyết về nó, rõ ràng không liên quan gì tới chủ nhân đúc trống là dân tộc Mường, kể từ khi dân tộc này tách ra khỏi Việt - Mường chung. Tôi cho rằng, sử thi, huyền tích, huyền thoại, truyện kể dân gian... đều được bao phủ bằng nhiều lớp mây mù và trong đó, có đôi phần cốt lõi lịch sử. Với sử thi Mường, với truyền thuyết Mường về trống đồng nói riêng và văn hóa, lịch sử nói chung, chắc chắn được bàn tay và khối óc của những thầy Mo – trí thức của cộng đồng sắp xếp, nên tính logic và cốt lõi lịch sử ảnh xạ qua đó tương đối đậm đặc. Đấy là chưa kể, dân tộc này sống liền kề với dân tộc Kinh, anh em gần gũi với nhau, nên những nhà Nho người Kinh hẳn cũng tham gia vào quá trình hoàn thiện sử thi, nên tính chặt chẽ, tính lịch sử không có mấy độ chênh. Đó là lưu ý của tác giả bài này đối với những người viết lịch sử, văn hóa và di sản.

TS Phạm Quốc Quân

 

 

Top