Rừng già Y Tý và cách giữ rừng của người Hà Nhì
Vùng núi xã Ý Tý nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lào Cai với độ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển nên khí hậu nơi này tương đương như vùng du lịch nổi tiếng Sa Pa. Tới thăm Ý Tý, du khách sẽ có cơ hội leo rừng già còn nhiều nét hoang sơ là nơi có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm của vùng khí hậu á nhiệt đới gió mùa như cây pơ mu ngàn tuổi, hoa đỗ quyên đại thụ, hoa hồng nở cả một góc rừng và có dịp tìm hiểu cách giữ rừng thật hiệu quả của người Hà Nhì.
Một góc rừng Ý Tý.
Thiên đường rừng già
Cách trung tâm huyện Bát Xát khoảng 60km, tuyến đường Bản Vược - Mường Hum qua trung tâm xã Dền Sáng theo con đường này gần 10 cây số, du khách sẽ đến khu rừng già Ý Tý.
Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, rộng 8.000 ha, trải dài trên ba xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực - động vật đặc hữu, như bách xanh, thông tre, cây vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng, kỳ đà vân, sóc bay; có rất nhiều loài thực vật và động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, đang được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt.
Do đặc trưng địa hình núi cao, khu rừng già Ý Tý được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu trong lành, mát và cảnh sắc nên thơ, dừng chân ở đây không ai không có những phút giây thư thái, những cảm giác sảng khoái và chỉ khi đó, cảm nhận về thiên nhiên mới chân thật và thuần túy, bởi thế dẫu khách quen hay lạ khi đến đây không thể bỏ qua những phút nghỉ ngơi bên cạnh khu rừng già Ý Tý để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, kỳ bí của rừng Ý Tý.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Ý Tý khiến ai đó nếu đã một lần đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời sẽ không thể quên được cái cảm xúc tuyệt vời này. Vẻ đẹp ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Có lúc, bất chợt từ phía ngọn núi xa xa gió lại đem mây tới, duềnh lên nối đất vào với trời xanh, xóa nhòa mọi ranh giới.
Ðiều kỳ lạ là cây nào cũng có tán lá tròn úp trên đầu như những chiếc mũ khổng lồ, trên cành thi nhau lòa xòa, vấn vương đủ loại phong lan rực rỡ sắc màu. Vào mùa xuân, hoa đỗ quyên nở rộ ngay giữa rừng già Ý Tý, đây là một trong 30 loài đỗ quyên chỉ có ở trên dãy Hoàng Liên. Điều thú vị hơn ở rừng già Ý Tý, không chỉ tìm thấy hoa đỗ quyên đỏ mà còn có rất nhiều cây hoa đỗ quyên loại lá to, hoa trắng mọc rất xen kẽ những cây đỗ quyên đỏ. Ở đây còn có bạt ngàn thảo quả xanh mướt dưới tán rừng cổ thụ, loài cây này không những tô điểm thêm cho khung cảnh của rừng già Ý Tý thêm phong phú và thơ mộng mà trở thành nguồn "vàng nâu" không thể thiếu đối với người dân nơi đây.
Nơi đây, do nhiệt độ thường dưới 20 độ C, có những dòng suối với nguồn nước trong lành quanh năm nên còn là “địa chỉ đỏ” trong việc phát triển nuôi các giống cá nước lạnh từ xứ sở châu Âu như: cá hồi vân, cá tầm… đã và đang trở thành đặc sản của vùng cao Bát Xát.
Coi rừng là tổ tiên - Cách giữ rừng của người Hà Nhì
Dừng chân ở chốn này đứng ngắm khu rừng nguyên sinh tươi tốt giữa trùng điệp đồi cỏ tranh và đá tai mèo, bao bọc chung quanh là những khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẻ hoang sơ, mới thấy cách giữ rừng của người Hà Nhì thật hiệu quả.
Người Hà Nhì chỉ có 8 thôn (bản), chiếm 54,2% dân số của cả xã Y Tý, nhưng bản nào cũng có một khu rừng thiêng để thờ thần rừng - vị thần bảo hộ cho cả làng. Người Hà Nhì quan niệm rằng: Rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người; trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng, một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ.
Lệ làng đã định, cứ vào dịp đầu xuân, các bản, làng lân cận lại hội họp về rừng để cùng tổ chức “lễ cúng thần rừng”. Người Hà Nhì ý thức được rừng là tài sản chung và không vô tận nên việc khai phá đất rừng canh tác cũng nằm trong giới hạn.
Không quá phức tạp như các điều luật khác, luật tục của cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tý đơn giản nhưng rất hiệu lực, mang lại hiệu quả cao và để lại hàng trăm đời sau. Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Mỗi năm, các khu rừng chỉ mở cửa đúng 3 ngày trước khi làm lễ cúng rừng để mọi người vào dọn dẹp và cũng chỉ trong những ngày này người dân mới được phép lấy củi khô về tích trữ để dùng cho cả năm. Gia đình nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt đều phải trình bày bằng văn bản với kiểm lâm viên của thôn. Luật tục của người Hà Nhì cũng quy định kiểm lâm viên phải có trách nhiệm báo cáo già làng, trưởng thôn. Ngay cả khi đơn khai thác cây rừng được duyệt, nếu hộ gia đình khai thác sai số lượng, chủng loại và sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn - không được vào rừng khai thác nữa.
Thiếu nữ người Hà Nhì.
Luật tục người Hà Nhì còn quy định: Người nào thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho mọi người biết cũng sẽ bị phạt rất nặng. Là nơi cúng thần nên các khu rừng ở đây tuyệt đối thanh tịnh, nếu ai làm ô uế cũng sẽ bị phạt.
Vùng đất Ý Tý huyền thoại và thơ mộng của mây núi đã cuốn hút biết bao nhà báo, văn nghệ sỹ và du khách thập phương. Trong tiết trời oi nồng giữa hè nhưng khi ngồi dưới bóng cây rừng già Ý Tý thì mọi mệt mỏi như tan biến, nhường chỗ cho cảm giác khoan khoái, dễ chịu đến mơ màng. Ở Ý Tý, bên cạnh những nét độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, không chỉ có diện tích rừng già lớn nhất của huyện Bát Xát mà còn là các thôn, bản là nơi định cư của đồng bào Mông, Hà Nhì luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... tất cả đã làm nên một Ý Tý có sức hấp dẫn du khách nhiều hơn.
Trần Hoàng (T/h)