Rạng danh làng trống Bình An

Hơn một thế kỷ qua, trống Bình An đã vang vọng trong những sinh hoạt lễ hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trống Bình An còn theo các đoàn lân sư rồng đi khắp thôn làng ngõ xóm, lưu giữ những âm thanh rất riêng cho nhiều sinh hoạt quan, hôn, tang, tế và đình đám… góp một phần nhỏ bé để tô đậm thêm bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc sắc của dân gian Nam Bộ…

Làng Bình An có khoảng 20 cơ sở làm trống chuyên nghiệp theo dạng “cha truyền con nối”, hầu hết nghệ nhân đều là những người trong dòng họ Nguyễn. Các nghệ nhân trống Bình An kể, nghề trống ra đời cách đây khoảng 150 năm, do ông Nguyễn Văn Ty khởi xướng. Chuyện khởi đầu về nghề làm trống của làng cũng có nhiều giai thoại. Song, tương truyền mà đến nay cả làng trống Bình An “tin” nhất đó là việc cụ Ty, lúc đó làm nghề thương hồ, chuyên nghề buôn nước mắm, lênh đênh khắp miệt sông nước của vùng đất Nam Bộ. Một ngày kia, khi đến vùng Rạch Gầm, Gò Công, cụ Ty may mắn được một thầy chùa truyền cho nghề bịt trống. Vốn là người khéo léo, nhanh nhạy, cụ Ty nhanh chóng học hết những tinh túy của nghề. Khi trở về, cụ bỏ hẳn nghề đi buôn rồi mở một lò làm trống ngay tại quê nhà. Và từ đó đến nay, với bao nỗi thăng trầm, xóm làm trống của ấp đã tồn tại và phát triển đến tận hôm nay.

(Ảnh: internet)

Nối gót cụ Ty, những thế hệ tiếp theo như ông Tịnh, ông Phùng, ông Dương… cũng được nhiều người biết đến. Trải qua năm thế hệ nối nghiệp tổ, đến nay những nghệ nhân như Năm Mến, Út Lương, Hai Phú… cũng đã dành cả cuộc đời để giữ lại nghề truyền thống. Nếu như trước đây làm trống nhằm mục đích giải trí cho vui, thì những đời sau này bắt đầu tính chuyện làm trống để “bán”. Hiện nay, sản phẩm của làng đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã từ các loại trống đại, trống chầu đến các loại trống sấm, trống cơm… Tất cả đều tạo âm vang thiêng liêng cho các lễ hội văn hóa dân tộc. Thương hiệu trống Bình An đã có mặt ở hầu hết miền lục tỉnh Nam Bộ, tiếng trống của làng còn đi xa ra vùng cố đô Huế, đến tận các tỉnh phía Bắc xa xôi, lên vùng cao nguyên đại ngàn… Không dừng lại ở thị trường trong nước, các cơ sở Bình An còn mang trống đi “xuất ngoại”.

(Ảnh: internet)

Danh tiếng trống Bình An nhờ những bí quyết riêng mà không phải người làm trống ở nơi nào cũng có được. Theo những nghệ nhân trong làng Bình An, để có được tiếng trống ấm, vang xa, dùng được bền, tất cả đều phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản, đó là da trâu bịt trống và gỗ làm thân trống. Để cho ra “lò” một sản phẩm, người thợ phải trải qua 10 công đoạn từ chuyện căng da trâu, phơi gổ, đốt than để uốn cong thành gỗ, đẽo chuốt dăm trống, đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, đóng mây. Da dùng căng mặt trống, người làng Bình An chỉ sử dụng da trâu tươi của những con trâu có tuổi trên mười năm vừa lấy ra từ lò mổ, tuyệt đối không dùng da trâu đã ngâm muối.

(Ảnh: internet)

Khâu xử lý da trâu để cho ra thành phẩm là cả một công đoạn phức tạp và công phu, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm. Trong các lò trống, công đoạn này đều được những người thợ có tay nghề lão luyện đảm trách. Theo nhiều chủ lò trống, trước ngày đi mua da, những người thợ “kỳ cựu” phải biết đoán thời tiết. Chỉ ngày nắng tốt mới đi mua, bởi khi đem về là phải phơi ngay. Trong hai tuần, dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, da trâu sẽ được hong khô, lấy cỡ mặt trống, cắt da tròn rồi mới bịt… Việc bào da cũng phải hết sức thận trọng khi tính mức dày mỏng khác nhau giữa mặt trống, vòng ngoài và vòng mép trống, mỗi phần chênh lệch khoảng 3mm. Khi bào da, người thợ phải ở trong tâm thế thanh tịnh, để hết tâm trí vào công việc, chỉ cần sai sót một chút, nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn theo “tiêu chuẩn” là tiếng trống sẽ không theo ý muốn. Đây là một khâu rất “đặc trưng” của nghề  làm trống. Sau đó, tùy theo từng loại trống mà có cách làm da và bịt khác nhau, như trống lân thì làm da dày và bịt thẳng để kêu bong tiếng; trống nhạc lễ thiết kế khi đánh lên nghe tiếng âm dương, cao thấp. Ngoài tiếng kêu thanh và bong, thì độ bền của trống Bình An kéo dài từ 20-30 năm mởi lủng, sau đó bịt lại mặt và tiếp tục sử dụng.

Một bí quyết của nghề làm trống Bình An đó là thùng trống được khép khít chặt bởi các thanh gỗ bào mịn không dùng bất cứ một loại keo dán nào, trong mỗi chiếc trống mới, những người thợ lại gắn vào trong thùng một vài sợi lò xo thép, một “linh vật” làm cho tiếng trống thêm phần hào hùng, lắng đọng.

Yêu nghề và quyết sống chết với nghề, những nông dân chân đất ở Bình An đã tạo nên làng trống độc đáo. Hầu hết những nghệ nhân trong làng trống Bình An đều có chung một suy nghĩ, làm trống không phải để làm giàu mà hình như có một cái gì “rất thiêng liêng huyền bí” đã níu họ lại với nghề và cũng trong tâm niệm, họ chỉ “nguyện cầu”, làm sao để tiếng trống của làng mãi mãi vang  trên mọi miền đất nước, trong những ngày lễ hội, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc…

Nguyễn Minh

Top