Quá trình bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ từ CMT8 đến nay
1. Đặt vấn đề
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là một trong những quan điểm cơ bản xuyên suốt của Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) đến nay. Điều đó cũng đã được khẳng định ngay từ những ngày đầu lập nước. Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1945 chưa đầy ba tháng, ngày 23-11-1945, Bác Hồ đã ra Sắc lệnh 65 về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ về bảo tồn tất cả cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam như đình, chùa, đền, miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ, bia ký, chiếu sắc, văn bằng… Riêng đối với nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc, Bác từng căn dặn văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải “phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của dân tộc... Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên...”. Dù xa quê đã lâu, nhưng Bác không thể quên dân ca của quê hương, đất nước, trong đó chắc chắn có Hò, Ví, Giặm của quê hương xứ Nghệ.
Thực tế cho thấy, lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn liền với quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc. Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ cũng nằm trong quy luật tồn tại và phát triển chung đó.
Hàng trăm năm nay, Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ được nhân dân nơi đây coi như một tài sản vô giá của mình, luôn có ý thức bảo lưu, giữ gìn và phát huy một cách tốt đẹp nhất. Có thể nói, việc kế thừa và phát huy vốn cổ quý báu đó đã được thực hiện như một tất yếu lịch sử và là bổn phận thiêng liêng của các thế hệ người dân xứ Nghệ đối với di sản văn hóa của cha ông để lại.
2. Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ từ Cách mạng tháng Tám đến nay
Cách mạng tháng Tám thành công, lịch sử đất nước chuyển sang một trang mới. Đất nước độc lập, nhân dân được làm chủ cuộc đời, làm chủ vận mạng của mình. Tuy nhiên đất nước lại phải đối mặt với nhiều thử thách, cam go: hai cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; xây dựng cuộc sống mới Xã hội chủ nghĩa; hội nhập kinh tế toàn cầu; cơ cấu kinh tế, xã hội thay đổi;... hình thức sinh hoạt văn nghệ cũng vì thế mà thay đổi, phong phú hơn, linh hoạt hơn, thích hợp hơn với tinh thần cách mạng. Tuy có lúc thăng lúc trầm, song việc chăm lo đến đời sống văn hóa, bảo lưu những giá trị truyền thống vẫn luôn được chú trọng.
2.1. Tình hình bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ trong đời sống dân gian
Dưới hình thức ca hát dân gian thuần túy, Hò, Ví, Giặm luôn tồn tại và phát triển trong đời sống văn hóa của nhân dân. Những năm từ 1945 đến 1960, trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân chủ yếu vẫn là những câu Hò, Vè, Ví, Giặm được hát trên đồng ruộng, lúc quay tơ, dệt cửi, khi kéo gỗ đẩy thuyền, khi cùng đoàn dân công hỏa tuyến hoặc thanh niên xung phong tiếp vận ra chiến trường... Đặc biệt, khi hợp tác xã nông nghiệp ra đời, hát đối đáp giao duyên giữa nam – nữ càng được phát triển. Thường xuyên trên các sân đình làng, sân kho hợp tác xã, nam nữ làng quê “chia phe” để hát đối đáp với nhau. Các vùng quê ven sông như Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên,... xuất hiện nhiều tốp hát Đò dọc (hát Đò đưa Nghệ Tĩnh)... Hát dân ca trở thành một phong trào sinh hoạt văn hóa sôi nổi, được nhiều người yêu thích, tham gia. Một điều kỳ diệu là trong cuộc sống lao động, chiến đấu gian khổ những năm kháng chiến đó, tiếng hát dân ca trong đời sống càng được phát huy mạnh mẽ. Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại đã từng ghi lại trong niềm xúc động về câu hát của quê hương: Khói súng truyền kì của quân Đề Trạch thuộc tướng của Phan Đình Phùng chưa tan thì khói bom Mỹ đã trùm lên làng năm tôi mười tuổi. Và đó là lúc, tiếng hò tiếng hát lại vụt cất lên... Sức sống kỳ diệu của làng lúc đó là gì, nếu chỉ giải thích hai chữ cách mạng e còn chưa đủ. (Nguyễn Sĩ Đại, Tôi, Làng và những câu hát phường Vải).
Cùng với nếp sinh hoạt, dân ca được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền, giáo dục nhân dân một cách hữu ích. Nhiều bài hát Ví, Giặm ra đời có nội dung phổ biến khoa học thường thức về nông nghiệp như: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống hoặc động viên, khích lệ tăng gia sản xuất: Một yêu em cố tăng gia / Hai yêu em có đàn gà đầy sân... và kể cả những thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có thể được diễn đạt dưới hình thức dân ca để đưa vào đời sống một cách dễ nhớ, dễ thuộc.
Đến những năm 60, dân ca bắt đầu có sự chuyển hóa từ diễn xướng dân gian đến trình diễn nghệ thuật theo các hình thức kể vè, đối ca, hoạt ca trong phong trào văn nghệ quần chúng với các hoạt cảnh: Chiếc xê đầu, Ngô khoai tranh đấu, Hỏi ai quan trọng, Giặt áo phà Bến Thủy, Áo nâu càng thắm áo xanh càng ròn, Thần sấm ngã, Trước lúc lên đường... và phát triển mạnh vào nửa cuối những năm 60 với những vở kịch ngắn dân ca Nghệ Tĩnh như: Chiếc cày ông Tư. Sau đó là một loạt các vở kịch: Con mương thủy lợi của Thế Phiệt, Cà phê phẫn nộ của Văn Huệ, Quyết không trở về, Bảo vệ nông, Không phải tôi của Nguyễn Trung Giáp, Khi ban đội đi vắng của Nguyễn Trung Phong.
Tuy nhiên, khi cơ cấu kinh tế thay đổi, nhịp sống hiện đại, quá trình toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ đã làm thay đổi đời sống văn hóa của nhân dân. Người thích nghe hát dân ca ngày càng ít đi, đặc biệt là thế hệ trẻ; người biết hát dân ca cũng ngày một ít đi; những tục hát phường, hát hội đối đáp giao duyên... không còn nữa, giặm vè của các ông xẩm xưa kia cũng không còn. Cái nguyên sơ của truyền thống hát dân ca của cha ông xưa kia đang dần mất. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tiến hành nhiều biện pháp tích cực nhằm đưa dân ca trở lại đời sống văn hóa cộng đồng.
2.2. Bảo tồn và phát huy bằng con đường sân khấu hóa
Nhận thấy khả năng tái tạo, cải biên để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của dân ca xứ Nghệ; ý thức được giá trị của dân ca trong đời sống văn hóa cộng đồng, năm 1972, theo Quyết định của UBND tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Dân ca Nghệ Tĩnh ra đời vừa thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn, vừa thể nghiệm đưa dân ca xứ Nghệ trở thành một bộ môn ca kịch sân khấu. Đây là một bước phát triển cao về chất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ.
Từ đó đến nay, Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ không ngừng phát triển, hàng trăm vở diễn trên sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp ra đời, hàng trăm làn điệu cổ được sưu tầm, hàng chục làn điệu mới được ra đời trong quá trình sáng tạo và chuyển thể các vở diễn. Kịch hát dân ca xứ Nghệ, qua bao sóng gió của sự thay đổi thị hiếu âm nhạc trong công chúng, của cơ chế thị trường, đến hôm nay đã vững vàng khẳng định được vị thế của mình với tư cách là một kịch chủng sân khấu trong làng sân khấu chuyên nghiệp với hàng chục Giải thưởng và Huy chương:
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970 với vở diễn Không phải tôi của Nguyễn Trung Giáp.
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 với vở Mai Thúc Loan.
- Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 với vở diễn Chuyện tình ông vua trẻ.
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền Duyên hải năm 1996 với vở Vết chân tròn trong bão tố.
- Giải xuất sắc Liên hoan Sân khấu dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 với vở Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví Giặm.
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 với vở Soi vào quá khứ.
- Giải thưởng Tác phẩm Sân khấu xuất sắc do Ban Tuyên giáo Trung ương tặng năm 2009 với vở Lời người lời của nước non.
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc với vở Một cây làm chẳng nên non năm 2010.
- Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân năm 2010 với vở Người thi hành án tử …
Có thể coi đây là một thành công lớn trong quá trình bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ.
2.3. Bảo tồn và phát huy bằng chương trình đưa dân ca vào trường học - Dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình
Quảng bá và tuyên truyền, phổ biến các giá trị dân ca trong thế hệ trẻ là một trong những yêu cầu hàng đầu của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca cổ truyền. Ý thức được điều đó, từ nhiều năm nay, các ban ngành trên toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động phổ biến dân ca trong các trường học cũng như trên sóng Phát thanh Truyền hình:
- Năm 1985, Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An khởi xướng biên soạn giáo trình giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh và một số làn điệu dân ca các miền. Dân ca trở thành bộ môn bắt buộc cho mỗi sinh viên thanh nhạc.
- Năm 1996, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin mở chuyên mục “Dạy hát dân ca” trên sóng Phát thanh - Truyền hình hàng tháng với sự tham gia giảng dạy của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ: Thanh Lưu, Phan Thành, Danh Cách, Đình Bảo, Lệ Thanh, Tiến Dũng,...
- Ngày 27 tháng 2 năm 1999, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình đã phối hợp ra Văn bản liên tịch số 137/CV-LT về tổ chức phong trào hát dân ca trong trường học.
- Ngày 20 tháng 5 năm 1999, UBND tỉnh đồng ý chủ trương và ra Công văn số 1435/UB-VX về phát động phong trào hát dân ca trong trường học.
- Đầu năm học 1999 - 2000, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An tổ chức thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học. Bốn trường tham gia cuộc thi là THCS Lê Mao, THCS Cửa Nam (Thành phố Vinh), THCS Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), THCS Thị trấn Thái Lão (Hưng Nguyên). Cuộc thi đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Nghệ An và khán giả cả nước qua màn ảnh nhỏ, có tác dụng to lớn trong việc giới thiệu, quảng bá về dân ca xứ Nghệ.
- Năm 1999 - 2000, Sở Văn hóa - Thông tin phát hành 2 tập sách “Dân ca đặt lời mới” và chương trình “Đưa dân ca vào trường học” tạo thêm điều kiện để thúc đẩy phong trào Dạy - Hát dân ca đi vào chiều sâu.
- Tháng 4 năm 2001, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An tiếp tục phối hợp tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca trong trường học Nghệ An - 2001”. Cuộc thi có 22 đơn vị tham gia, trong đó có 17 huyện - thành - thị, 5 trường chuyên nghiệp với trên 500 thí sinh dự thi, diễn viên nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, cao nhất là 52 tuổi.
Cùng với các hoạt động phong trào, công tác đào tạo và mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho dạy – học hát dân ca cũng đặc biệt được chú trọng. Năm 1999, Sở Văn hóa - Thông tin cung cấp trên 1.000 bản sách; năm 2000, cung cấp 2.500 bản sách; phát hành và cung cấp các băng đĩa hát dân ca. Tổ chức tập huấn hát dân ca – dạy hát dân ca cho hơn 100 giáo viên các trường của các huyện. Với những nỗ lực đó, phong trào dạy và học hát dân ca đã được phổ biến trong toàn tỉnh từ năm 1999 đến nay.
2.4. Bảo tồn và phát huy bằng việc xây dựng các mô hình Câu lạc bộ đàn hát dân ca trên địa bàn dân cư
Tiền thân của CLB đàn hát dân ca trong cộng đồng vốn là các phường hát, hội hát xưa. Qua thời gian, với sự ra đi của các làng nghề, những hội hát không còn. Việc thành lập CLB trong nhân dân chính là hình thức đưa sinh hoạt dân ca trở về với nguồn gốc ban đầu của nó và tục hát truyền thống của cha ông.
Có thể nói, với hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, từ lâu Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình, trong đó có lồng ghép hình thức sinh hoạt dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ. Tuy nhiên, các câu lạc bộ thực sự được chú trọng với nội dung đàn hát Dân ca mới chính thức được triển khai và hoạt động có hiệu quả trên diện rộng từ khi thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ.
Năm 2010, Trung tâm đã thành lập được 32 CLB đàn hát dân ca trong tỉnh. Tiêu biểu là các CLB: CLB Hồng Sơn (Quỳnh Lưu), CLB Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương, CLB Ngọc Sơn (Thanh Chương), CLB xã Bảo Thành, CLB xã Phúc Thành (Yên Thành), CLB Hoa Sơn (Anh Sơn), CLB Trung tâm huyện Nam Đàn, CLB Hoàng Trù, CLB Hoàng Thị An (Nam Đàn), CLB Nghi Trung (Nghi Lộc)... Đặc biệt có CLB Hồng Sơn – một CLB có hẳn một dàn nhạc dân tộc gồm 10 người; có hội viên tới 60 tuổi mới tập đàn bầu như chị Thu Mệnh, CLB của cụ Trọng Đổng, cụ Duyên, (Nghi Trung)…các nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu vẫn tham gia sinh hoạt, truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ. Các CLB hầu hết đều hoạt động có hiệu quả và tham gia biểu diễn phục vụ đàn hát dân ca cho các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn dân cư.
Cũng trong năm 2010, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ đã triển khai tập huấn đàn và hát dân ca cho các đơn vị trong toàn tỉnh. Tham dự lớp tập huấn có 16 đơn vị huyện thành trong toàn tỉnh (trừ các huyện miền núi Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kì Sơn) với 217 học viên, bao gồm các đồng chí Trưởng, Phó phòng Văn hóa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện - thành - thị, các cán bộ chuyên môn và Ủy viên văn hóa tham dự, 32 ban chủ nhiệm CLB đàn hát dân ca trong tỉnh; có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Sở VHTTDL, đại diện Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình, các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu có tâm huyết và các nghệ nhân dân gian từ các câu lạc bộ. Trong đó có những nghệ nhân đã 80 tuổi là cụ Trọng Đổng ở Thanh Chương, cụ Duyên ở Nghi Trung, ông Tựu, bà Tuệ ở Nam Đàn…
Đợt tập huấn là một dịp để các CLB, các đơn vị có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần định hướng, giúp các đơn vị cơ sở xây dựng môi trường văn hóa cho các CLB đàn hát dân ca ở xóm, xã, các đơn vị trường học; góp phần khơi dậy sức sống bền bỉ và mãnh liệt của dân ca trong đời sống và ý thức gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản truyền thống của cha ông trong nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 60 câu lạc bộ, hầu hết các huyện – thành – thị trên địa bàn tỉnh đều đã có Câu lạc bộ đàn hát dân ca đi vào hoạt động.
2.5. Bảo tồn và phát huy bằng lồng ghép hình thức dân ca vào các chương trình liên hoan, các hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm
Song song cùng với việc bảo tồn và phát huy trên sân khấu chuyên nghiệp, trên sân khấu nghệ thuật quần chúng, dân ca xứ Nghệ vẫn luôn được chú trọng ưu tiên cả về lượng và về chất. Năm 1977, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Nghệ Tĩnh có 161 tiết mục ca múa nhạc kịch các loại thì đã có 43 tiết mục dân ca (hoạt ca, cảnh ca, kịch dân ca). Năm 1980, toàn tỉnh tổ chức 3 cuộc Hội diễn chuyên đề với tổng số 342 tiết mục thì đã có 129 tiết mục dân ca. Năm 1983, Hội diễn văn nghệ ở huyện Diễn Châu có 260 tiết mục thì có tới 142 tiết mục dân ca. Với những con số như trên, đủ để thấy bề rộng của phong trào đàn hát dân ca trong quần chúng nhân dân được chú trọng lưu giữ và bảo tồn như thế nào.
Từ đó đến nay, dân ca luôn được chú trọng trong các cuộc hội diễn văn nghệ, liên hoan, hội thi,... với nhiều chủ đề Những khúc hát dân ca dâng Bác, Câu hát dâng Người,... Dân ca được lồng ghép trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen hàng năm, trong các hình thức hội diễn: Tiếng hát công nhân, Tiếng hát nông dân, Tiếng hát khúc quân hành, Tiếng hát ngành Bưu điện, Tiếng hát ngành Ngân hàng, Tiếng hát ngành Y, Tiếng hát ngành Giáo dục... Mỗi cuộc liên hoan hay hội diễn nghệ thuật quần chúng tuy khác nhau về đề tài, chủ đề nhưng đều giống nhau ở tỉ lệ hát dân ca trong mỗi chương trình. Hát dân ca được xem như một tiêu chí bắt buộc, đặc biệt chú ý đến dân ca xứ Nghệ.
Với nhiều hình thức đưa dân ca vào chương trình như giữ nguyên làn điệu cổ, cải biên lời mới trên cơ sở làn điệu cổ, phát triển chất liệu dân ca trong các ca khúc mới,... Dân ca xứ Nghệ thực sự vẫn là “món ăn tinh thần” trong đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ của xứ Nghệ.
2.6. Bảo tồn và phát huy trên phương diện sưu tầm, nghiên cứu
Một trong những yêu cầu của công tác bảo tồn và phát huy là phải lưu giữ được vốn cổ của cha ông về mặt thư tịch, hình ảnh, hiện vật; phải làm cho mọi người dân hiểu được giá trị độc đáo của di sản truyền thống của quê hương; từ đó bồi dưỡng niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy trong thời đại của mình. Điều đó không chỉ bằng hành động của việc dạy hát – biểu diễn đàn hát dân ca mà cần phải lưu giữ ở mức cao hơn về mặt lí luận. Đây là một công việc cần nhiều công sức, sự lao động thầm lặng nhưng vô cùng gian khổ, đòi hỏi phải có tâm huyết.
Ý thức được giá trị vốn cổ của cha ông, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhạc sĩ, diễn viên không chỉ biểu diễn, sáng tác mà còn tham gia sưu tầm, nghiên cứu. Cho đến nay, nhiều công trình đồ sộ về dân ca xứ Nghệ đã ra đời với tên tuổi của nhiều tác giả.
Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, các tác giả Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Đổng Chi, GS Hoàng Xuân Hãn đã công bố nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ. Đặc biệt phải kể đến là PGS Ninh Viết Giao (Nghệ An), Thái Kim Đỉnh (Hà Tĩnh) với nhiều công trình tiêu biểu: Hát phường Vải, (Nxb Văn học, Hà Nội, 1961), Hát Giặm Nghệ Tĩnh (2 tập, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1962; tập 2: Nxb Sử học, Hà Nội, 1963), Kho tàng Vè xứ Nghệ (9 tập, Nxb Nghệ An, 1999 - 2000), Kho tàng Ca dao xứ Nghệ (2 tập, Nxb Nghệ An, 1996), Thơ văn nhà nho xứ Nghệ (Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995), Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh (Tuyển tập những bài nghiên cứu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982).
Nghiên cứu và sưu tầm về âm nhạc có công trình của các nhạc sĩ Thanh Lưu, Lê Hàm, Vi Phong: Âm nhạc dân gian xứ Nghệ (Thanh Lưu - Lê Hàm - Vi Phong), Các làn điệu dân ca xứ Nghệ (Thanh Lưu - Lê Hàm - Vi Phong), Dân ca Nghệ Tĩnh (Vi Phong),... và một số bài viết của các tác giả Lê Văn Hảo, Đào Việt Hưng, Bích Lộc, Nguyễn Mỹ Hạnh... đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương.
Một số công trình nghiên cứu mang tính tập thể như Thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hội Văn nghệ Nghệ An xuất bản, 1971) và nhiều công trình nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, trong đó các tác giả dành nhiều trang viết về dân ca xứ Nghệ như GS. TS Nguyễn Nhã Bản, PGS.TS Phan Mậu Cảnh, PGS.TS Hoàng Trọng Canh, TS Nguyễn Hoài Nguyên...
Song song với công tác sưu tầm, nghiên cứu của các tác giả, UBND tỉnh, Sở VHTT thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về dân ca xứ Nghệ.
- Năm 1976, Hội thảo khoa học về định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu dân ca theo hướng kịch hát truyền thống của dân tộc.
- Năm 1984, lần thứ 2 tổ chức Hội thảo khoa học về dân ca xứ Nghệ, xác định phương hướng phát triển cho bộ môn Kịch hát dân ca xứ Nghệ.
- Năm 1987, Hội thảo lần thứ ba, tiếp tục công tác nghiên cứu để định hướng cho phát triển dân ca với tư cách là một bộ môn kịch hát.
- Năm 2002, Hội thảo khoa học 30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh được Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An phối hợp với Viện Sân khấu tổ chức, tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển - xây dựng một hình thức sân khấu mới mang đậm bản sắc Nghệ An.
- Năm 2011, Hội thảo khoa học về Bảo tồn và Phát huy giá trị Dân ca Ví Giặm và Hò nhằm nhìn nhận, khẳng định những giá trị tốt đẹp, vốn có của dân ca xứ Nghệ để làm báo cáo đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ cho lập Hồ sơ trình UNESCO ghi danh Ví, Giặm xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, các cuộc hội thảo chủ yếu tập trung vào biện pháp bảo tồn và phát huy bằng con đường sân khấu hóa, thời gian tổ chức hội thảo còn ít và thưa.
3. Đôi lời kết luận
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống là một việc làm tất yếu phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu của lịch sử. Thực tế cho thấy, bảo tồn không phải là hoạt động cản trở sự phát triển, mà trong một chừng mực nào đó còn là cơ sở cho sự phát triển văn hóa theo đúng hướng. Bản thân quá trình phát triển, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Tuy nhiên, có những yếu tố dù đã xưa cũ theo thời gian nhưng lại làm nên giá trị vĩnh hằng cho văn hóa truyền thống. Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ là một hiện tượng như vậy. Trách nhiệm của chúng ta là phải lưu giữ nó lại với cuộc sống đương đại, phát triển nó phù hợp với xu thế của xã hội, làm cho nó tỏa sáng và phát huy tác dụng của mình trong đời sống cộng đồng hôm nay và cả mai sau.
Hai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Hò, Ví, Giặm phải được thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy nhau; bảo tồn giữ vai trò là cơ sở góp phần thúc đẩy phát huy. Bên cạnh đó, thông qua phát huy giá trị của Hò, Ví, Giặm, mọi người nhận thức được và thực hiện hoạt động bảo tồn nhằm thể hiện bản sắc riêng của mình.
Nghị quyết Hội nghị TW5 (khoá VIII) đã khẳng định: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian) văn hoá cách mạng bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể”. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Hò, Ví, Giặm đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng ta trong quá trình xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mong rằng, trong thời gian tới, chúng ta tập trung hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm trong đời sống văn hóa cộng đồng.
NSUT Nguyễn Ngọc Ái