Phố cổ Tam Bạc

Chạy dài ven hữu ngạn sông Tam Bạc, được hình thành từ lâu đời trong quá trình phát triển đô thị Hải Phòng, phố cổ Tam Bạc gồm cả hai phố cũ dưới thời Pháp thuộc là Ma- rê- san Pốc và Gô- đơ-luy gộp lại. Gọi là phố nhưng thực ra không hoàn toàn đúng như vậy, bởi vì một phía là sông, phía còn lại chủ yếu là mặt sau của các ngôi nhà thuộc các dãy phố Lý Thường Kiệt và Tôn Đản. Chỉ từ khu vực ngã ba chợ Sắt tới ngã ba Ký Con mới có số nhà và đây cũng là đặc trưng riêng của phố cổ Tam Bạc trong lòng đô thị Hải Phòng.

Có thể nói, Tam Bạc chính là một trong những con phố làm nên cái nét riêng của Hải Phòng. Đặc biệt là những gì gắn với lịch sử của một con đường xưa cũ ấy. Nằm vắt qua hai thế kỷ, phố Tam Bạc chạy dọc theo sông Tam Bạc thuộc quận Hồng Bàng dài 1.415m, bắt đầu từ cầu Lạc Long, vòng phía sau chợ Sắt, giáp với phố Quang Trung ở ngã ba đập Tam Kỳ thuộc đất xã An Biên cũ. Phố có vị trí đặc biệt trong quá trình hình thành đô thị Hải Phòng từ trước và sau khi thành phố được hoàn toàn giải phóng.

Phố Tam Bạc được mở từ thời Pháp thuộc, ban đầu gồm hai đoạn phố với tên gọi Marésanne Proc và Gaull de Luis. Đến thế kỷ 19, diện mạo của phố được định hình, khi giới kinh doanh người Pháp và người đến định cư kiến tạo. Cũng vì vậy, phố Tam Bạc trước còn gọi là phố người Hoa. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi, tên một nhà tư sản lớn người Việt, quê gốc ở Hà Đông, xuất thân thư ký cho một hãng buôn của người Pháp quản lý. Sau khi đi dự đấu xảo ở Boóc- đô về , ông xoay sang kinh doanh buôn bán tại Hải Phòng. Khi chính quyền cách mạng tiếp quản thành phố năm 1955 đổi tên phố thành Tam Bạc. Có tên gọi này đơn giản vì tuyến phố chạy dọc theo dòng sông Tam Bạc.

Thực ra khi người ta xây dựng đô thị theo quy củ của thời bấy giờ, không tùy tiện như thuở ban đầu, thì mặt trước của phố Tam Bạc là phố Lý Thường Kiệt. Vì là mặt phố sau, người ta chỉ bố trí công trình phụ, cửa hậu,  cửa sổ nhìn ra phía sông Tam Bạc. Đa số mặt phố Tam Bạc chỉ dành cho công việc phụ, đưa hàng lên, xuống phục vụ cho những chủ buôn, chủ nhà ở cửa chính phía trước. Do vậy, “mặt phố” Tam Bạc cứ nhấp nhô, cao thấp, không giống bất kỳ hình thù của một tuyến phố nào chung quanh đó. Thế nhưng, như một sự bù trừ, chính sự thiệt thòi về mỹ quan kiến trúc ấy lại làm nên nét độc đáo cho mặt phố Tam Bạc, mà chẳng phải những vòm cuốn chuẩn mực, những công - sôn, những lan can ban công hoa văn đắp nổi cầu kỳ, những đầu cột quý phái, những mái lợp đá uy nghiêm... theo nhiều trường phái kiến trúc. Những ô cửa sổ có hình dạng kích thước và vị trí tùy tiện bất quy tắc trên các bức tường cùng với sự biến đổi bất ưng của những khối nhà lại gợi đến những tác phẩm hội họa theo trường phái bố cục tùy hứng như tranh của Picátxo, Mi - rô. Cái vẻ rêu phong xưa cũ ẩn hiện bên hình thù nhấp nhô tạo cho Tam Bạc có gì đó cổ kính, cao sang lẩn khuất trong khối hình tưởng như xấu xí. Do đó, các cửa sổ, cửa đi ở mặt phố sông Tam Bạc được trổ tự do về vị trí và kích thước theo nhu cầu sử dụng, chẳng cần chú ý đến mỹ quan kiến trúc. Mọi trang trí kiến trúc đặc trưng cho các công trình xây dựng ở thời kỳ đó đã không hề được sử dụng cho mặt phố Tam Bạc. Các ông chủ xây nhà không đầu tư cho việc áo gấm đi đêm, dù có thừa tiền. Thêm nữa, các nhà thầu khoán và những ông thợ nề dù có mê nghề đến mấy cũng chẳng ai hoài công tô điểm cho cái mặt sau ấy.

Không chỉ cổ kính về kiến trúc, nếp sống ở phố Tam Bạc vẫn còn mang đậm hơi thở nhẹ nhàng của một phố chợ bình dị và yên ả ven sông, chưa bị lấn át bởi sự sôi động của nhịp sống hiện đại. Những bến đò nhỏ đưa hành khách qua sông vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, mặc dù đã có những cây cầu mới khang trang bắc qua sông Tam Bạc.

Từ thế kỷ thứ 17, việc buôn bán và đánh cá ở sông Tam Bạc đã khá phát triển và là mầm mống của quá trình hình thành cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, diện mạo của phố chỉ bắt đầu được định hình khi có sự hiện diện của giới kinh doanh người Pháp và người Hoa từ thế kỷ 19 trở lại. Phố Tam Bạc đã có thời được gọi là phố người Hoa, do sự tập trung đông đúc và vai trò nổi bật của họ trong các hoạt động thương mại. Ngày nay, dấu ấn của người Hoa dường như vẫn còn phảng phất ở nơi đây.

Khi chưa làm cầu xi- măng, cầu Lạc Long và đặc biệt khi chưa đắp đập Lạc Long, thuyền bè hoạt động tấp nập trên đoạn sông này. Có thể khẳng định một điều, khu vực ngã ba sông Cấm- Tam Bạc là mầm mống đầu tiên của quá trình xây dựng và phát triển Cảng Hải Phòng vì từ thế kỷ thứ 17, việc buôn bán và đánh cá ở khúc sông này khá phồn thịnh.

Ngày nay, phố Tam Bạc trở thành con phố cổ nằm ở khu vực trung tâm thành phố với vẻ đẹp đi vào những tác phẩm nghệ thuật và ghi dấu sâu đậm vào lòng mỗi người dân Hải Phòng. Ai đến thành phố Cảng mà chưa thăm phố Tam Bạc có lẽ chưa thể gọi là đã đặt chân đến đất này.

Gìn giữ nét xưa trong lòng đô thị đang từng bước hiện đại hóa, thành phố đã đầu tư nâng cấp đường Tam Bạc, tu bổ và kè đá hai bên bờ sông, dựng hệ thống lan can với các họa tiết phù hợp với không gian cùng hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ tạo sự lung linh huyền ảo cho cả tuyến đường mỗi khi đêm về. Trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, trước sức ép của kinh tế thị trường với lợi thế của phố cổ thuộc khu vực trung tâm, việc quy hoạch nâng cấp đường Tam Bạc vẫn giữ lại những nét cổ xưa. Đó là mặt sau của các khu nhà của các phố Lý Thường Kiệt, Tôn Đản kết hợp hài hòa với một số công trình kiến trúc mới mọc lên tôn thêm vẻ đẹp vốn có của phố cổ Tam Bạc đã in đậm dấu ấn trong lòng người Hải Phòng. Một số biệt thự mới đối diện với đường Tam Bạc như một  gam màu mới làm tăng giá trị của phố cổ Tam Bạc hôm nay, thể hiện sự tôn trọng với truyền thống cũng như giữ gìn bản sắc không gian đô thị cổ của Hải Phòng.

Với người Hải Phòng, sông Tam Bạc không chỉ đơn thuần là dòng chảy mang đi những con sóng, mà ở đó chứa đựng những ký ức riêng của một thời, trở thành một trong những biểu tượng rất riêng của thành phố. Đó là nơi du khách khi đến Hải Phòng được dịp dạo bộ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông đôi bờ uốn lượn như một bức tranh trữ tình đầy sắc màu, nghe kể lại những điều chưa biết về nơi đây.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng phố Tam Bạc ngày nay vẫn giữ được sự cổ kính. Thành phố đang đầu tư cho công tác bảo tồn nhằm lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa, thiết thực phát triển du lịch Hải Phòng. Phía bên kia sông, đối diện với phố Tam Bạc, những biệt thự mới được xây dựng tạo nên nét tương phản trẻ trung và hiện đại với sự trầm mặc, rêu phong của phố cổ và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của thành phố. Việc bảo tồn phố cổ Tam Bạc không chỉ có ý nghĩa về phương diện lịch sử - văn hóa mà còn góp phần quan trọng cho việc phát triển ngành du lịch của thành phố cảng.

Thành phố cảng Hải Phòng đang vươn lên theo thế bay lên của rồng biển, khẳng định vị trí vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ quan trọng của đất nước và vùng duyên hải Bắc Bộ. Và đô thị Hải Phòng đang từng ngày đổi mới, song trong tiến độ phát triển ấy, người ta vẫn nhớ tới một Tam Bạc phố xưa gắn với nét riêng của Hải Phòng. Dù đi đâu, về đâu, người ta vẫn nhớ rằng, Hải Phòng có một phố xưa Tam Bạc và một bến sông lặng lờ trôi in bóng những nóc nhà rêu xanh.

Thanh Lương

Top