Về một ngôi chùa cổ thờ Tam giáo ở Hà Nội

Xứ Đoài nổi tiếng là vùng có nhiều di tích cổ, đặc biệt là các di tích thờ thần, Phật, đã được nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi. Nằm trong số đó, hệ thống di tích xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cũng được đông đảo học giả và nhân dân cả nước biết tới, đặc biệt là ngôi đình làng Đại Phùng, quán làng Đoài Khê, đình, chùa làng Đông Khê. Song, có một di tích cũng hiện diện ở địa phương này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng lại chưa được nghiên cứu, tìm hiểu sâu là chùa Đại Phùng.

Chùa Đại Phùng là một trong số ít những ngôi chùa trong vùng thờ Tam giáo, tức Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Hiện nay, trong chùa không chỉ có các tượng Phật mà còn có tượng thờ Khổng Tử và Lão Tử. Tên chữ của chùa từ xưa đến nay là Tam Giáo tự (三教寺) - chùa Tam Giáo.

Tên gọi Tam Giáo tự được ghi nhận trên văn bia thời Mạc (niên đại Hồng Ninh nguyên  niên - 1591) cùng các di vật khác như: Chuông đồng (Chính Hòa bát niên - 1687), khánh đá thời Lê (Vĩnh Thịnh tam niên - 1707); khánh đồng (Gia Long 14 - 1815), bia đá thời Nguyễn (Bảo Đại Canh thìn -  1940), hoành phi thời Nguyễn (các niên đại thời Tự Đức, Duy Tân). Không chỉ vậy, trên văn bia thời Mạc hiện dựng tại chùa còn ghi, chùa có tên là Tam Giáo từ lâu, đến năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) đã tiến hành trùng tu, theo đó, tên chữ của chùa là Tam Giáo tự hẳn có từ lúc khởi dựng chùa đến nay. Rất hiển nhiên, ngay từ giai đoạn sớm, chùa này đã thờ Tam giáo, điều đó phân biệt với nhiều di tích vốn dĩ là đạo quán, sau đó bị “tự hóa”, hay các di tích ban đầu là chùa Phật về sau mới dung hội thêm nội dung Đạo giáo và Nho giáo. Hiện nay, trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ tương ứng với các chức năng thờ tự vốn có, gồm: Hệ thống tượng Phật, tượng Khổng Tử và Lão Tử.

Nho, Phật, Đạo vốn là ba “giáo” riêng, có chỗ thờ tự chuyên biệt. Theo tư liệu hiện còn, dạng chùa Tam giáo vốn ít gặp, dưới Triều Mạc, dường như chỉ có chùa Tam Giáo ở Đại Phùng và chùa thờ Tam giáo ở xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (tên là Cao Dương tự). Bia chùa Tam Giáo tại Đại Phùng dựng năm Hồng Ninh thứ nhất (15910 cho rằng “Danh lam trong thiên hạ, đâu đâu cũng có, song lập chùa đặt tên là Tam Giáo thì chưa từng có vậy”, cách nói ấy có điểm hợp lí, không hoàn toàn chỉ là khoa trương. Sự kiện tu sửa chùa vào năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) như ghi trên văn bia cũng cho thấy ngôi chùa này vốn đã có trước năm 1574. Bia chùa thờ Tam giáo ở Cao Dương do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578) thời Chúa Mạc Mậu Hợp (1562 -1592, nguyên bia tên là Tam giáo tượng bi minh – Bài băn bia ghi việc tạc tượng Tam giáo). Hai văn bia quan trọng ghi nhận sự xuất hiện của chùa thờ Tam giáo dưới triều Mạc hiện vẫn còn. Về sau, thời Lê Trung Hưng, Ngô Thì Sĩ (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là Thanh Trì, Hà Nội) khi làm Trấn thủ tại Lạng Sơn đã lập chùa Tam Giáo tại động Nhị Thanh. Tuy nhiên, về tính chất, chùa Tam Giáo thời Mạc lấy thờ Phật là trục chính, còn chùa Tam Giáo do Ngô Thì Sĩ lập lại là chùa do nhà Nho dựng nên, lấy thờ Khổng Tử làm trung tâm.

Văn bia thời Mạc tại chùa Tam Giáo ở Đại Phùng còn ghi việc một số quý tộc nhà Mạc phát tâm tín thí cho nhà chùa như Mạc Nhân Túc, Công chúa Mạc Ngọc Lâm, đặc biệt là Mạc Ngọc Liễn. Bản thân Mạc Ngọc Liễn  là người có công đức cho việc tu sửa quán Linh Tiên và chùa Ngô Sơn (tức chùa Ngo, Phúc Thọ). Bên cạnh đó là một số quan chức của phủ Quốc Oai. Điều đó cho thấy chí ít đến nửa sau thế kỉ XVI đây đã là một di tích khá quan trọng. Tuy nhiên, di văn Hán Nôm tại di tích cũng như các thư tịch cổ hiện còn không cho phép xác quyết về thời điểm khởi dựng chùa. Đến nay, chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng ngôi chùa này có trước năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) Triều Mạc, và ngay từ đầu nó đã được định danh là chùa Tam Giáo, cùng chùa thờ Tam giáo ở Cao Dương, Thái Thụy, Thái Bình, là hai ngôi chùa thờ Tam giáo hiếm hoi được biết đến dưới triều nhà Mạc. Tuy nhiên, chùa thờ Tam giáo ở Thái Bình vốn tên là chùa Cao Dương (Cao Dương tự), theo đó, đến nay chùa Đại Phùng là ngôi chùa duy nhất được định danh là chùa Tam Giáo (Tam Giáo tự) dưới Triều Mạc.

Tại Việt Nam, dưới thời quân chủ, Phật giáo là một trong ba học thuyết lớn (bên cạnh Nho giáo và Đạo giáo), có tầm ảnh hưởng hết sức sâu rộng. Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, đến thời Tiền Lê đã có vị trí đặc biệt từ phương diện nhà nước (các vị thiền sư nổi tiếng như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu… được Triều đình đề cao, tham gia trực tiếp vào các sự kiện trọng đại của quốc gia). Sang thời Lý - Trần, Phật giáo được coi như quốc giáo. Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần trên cơ sở của Phật giáo để dung hòa các học thuyết khác, đặc biệt là Nho giáo và Đạo giáo, tạo ra một thời kì hỗn dung tôn giáo, được học giới quen gọi là thời kì tam giáo đồng nguyên. Từ thời Lê sơ trở về sau, tuy về phương diện Nhà nước, Nho giáo được đề cao, nhưng về phương diện tín ngưỡng, nhất là ở dân gian, Phật giáo và Đạo giáo vẫn có ảnh hưởng hết sức sâu sắc. Ngay cả một số nhà nho đỗ đạt cao trong khoa cử vẫn có ý hướng về việc dung hòa Tam giáo, chỉ khác là trục chủ đạo được chuyển đổi từ Phật giáo sang Nho giáo, tiêu biểu như trường hợp Ngô Thì Sĩ lập chùa Tam Giáo tại động Nhị Thanh, Lạng Sơn. Khổng phu tử, bậc Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư, người sáng lập Nho gia, cùng các bậc thánh hiền khác của đạo này được thờ ở Văn miếu, văn chỉ; Lão Tử hay sau Thái Thượng Lão Quân, vị Cốc Thần bất tử cùng các vị thần khác của Đạo giáo được thờ tại các Đạo quán. Tuy nhiên, do truyền thống khoan dung tư tưởng của người Việt, các vị thần tối cao của ba học thuyết này có khi được thờ chung tại một di tích. Chùa Đại Phùng chính là một trong những trường hợp đó. Do vậy, chùa Tam giáo hiện tính kế thừa truyền thống khoan dung Tam giáo vốn đã thịnh hành từ thời Lý - Trần, đồng thời cũng thể hiện sự khoan dung tư tưởng nói chung, một đặc tính tinh thần quan trọng của các thế hệ người Việt.

Phật giáo ở Việt Nam bao gồm nhiều tông phái khác nhau, có lịch sử phát triển khá phức tạp. Do vậy, nói đến Phật giáo ứng với mỗi ngôi chùa nhất định không thể không tìm hiểu về “tông” của chùa đó. Chùa Đại Phùng (Tam Giáo tự) từ khi xây dựng đến nay đã trải qua nhiều thế hệ trụ trì song hiện tại chùa không lưu giữ được các văn bản liên quan để truy nguyên được đầy đủ các thế hệ trụ trì tại chùa cũng như tông phái của các vị thiền sư đó. Riêng văn bia Trùng tu Tam Giáo tự bi kí (Bia ghi việc trùng tu chùa Tam Giáo), dựng năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại (1940) còn ghi được tên một vị sư đương thời pháp hiệu là Thanh Thái, ngoài ra không cho biết thêm thông tin nào khác về vị sư này. Còn hiện nay, ni sư trụ trì tại chùa là người theo tông Lâm Tế.

Phái Lâm Tế do Thiền sư Chuyết Chuyết (sinh năm 1590, người Phúc Kiến) truyền vào Việt Nam. Khoảng năm 1630, Chuyết Chuyết cùng đệ tử Minh Hành và một số Nho sĩ người Hoa đáp thuyền buôn sang Cao Miên, không lâu sau thì vượt Chiêm Thành sang Đại Việt (Đàng Trong) rồi ra Đàng Ngoài. Năm 1633, thầy trò ông ra đến Đông Đô, được Thần Tông, Thanh vương nhiệt thành đón tiếp và mời ra trụ trì chùa Khán, rồi về chùa Phật Tích (Kinh Bắc). Năm 1642, dựng chùa Bút Tháp. Năm sau chùa dựng xong, Thiền sư Chuyết Chuyết từ Phật Tích dời sang làm Thuỷ tổ chùa Bút Tháp thì đệ tử Minh Hành trở thành Viện chủ chùa Phật Tích. Dưới sự ủng hộ của Triều đình và nhiều quan chức, quý tộc đương thời, phái Lâm Tế không ngừng phát triển manh mẽ, từ một vài trung tâm ban đầu, sau đó lan tỏa với một biên độ ảnh hưởng rất rộng, và phả hệ truyền thừa có tính chính mạch nhưng cũng phân chi lập nhánh phức tạp kéo dài cho đến cuối thời Nguyễn. Việc nhà sư chùa Đại Phùng tu theo phái Lâm Tế hiện nay cũng là minh chứng sống động cho sự phát triển đó.

Đại Phùng là vùng đất gần Kinh đô nên Phật giáo ảnh hưởng vào vùng này rất sớm. Bên vùng này, thế kỷ thứ VI đã có Pháp tổ Thiền sư về trụ trì chùa Linh Bảo tự (làng Giang Xá – Hoài Đức) và Lý Bí, 13 tuổi (sau là người dựng nước Vạn Xuân) đã là chú tiểu ở chùa này. Thế kỷ XII có Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu ở chùa Thầy (Quốc Oai). Cách đấy không xa, vào thời này có Thiền sư Nguyễn Trí Bảo là cậu của danh nhân Tô Hiến Thành – người làng Hạ Mỗ. Nhiều ông hoàng, bà chúa thời Lê – Trịnh cũng về các vùng Đan Phượng, Hoài Đức hưng công tu bổ chùa chiền. Thời phong kiến, Nho học ở vùng này cũng phát triển, cả huyện có 13 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ), làng lập văn chỉ ghi tên các vị đỗ đạt của làng, xã để nêu gương sáng cho hậu thế.

Di tích Đạo giáo hiện còn trên địa bàn Đan Phượng không phong phú nhưng xét trong bối cảnh văn hóa vùng, địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng và Phúc Thọ so với nhiều nơi khác vẫn là vùng có mật độ di tích Đạo giáo khá dày và lâu đời (tiêu biểu như di tích Đạo giáo quán Linh Tiên ở làng Cao Xá - Hoài Đức, cách làng Đại Phùng không xa, tương truyền được khởi dựng từ thế kỷ thứ II, hiện còn văn bia dựng dưới triều nhà Mạc), chỉ tiếc là đến nay nhiều di tích Đạo giáo đã bị phá hủy (như quán Thiên Tôn tại thôn Hương Vĩnh, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) nên khó có thể mường tượng một cách đầy đủ về diện mạo vốn có của chúng.

Trải qua thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt, chùa Đại Phùng đến nay đã qua nhiều lần tu sửa. Các di văn Hán Nôm còn lại tại di tích cho thấy rõ các lần trùng tu lớn trong quá khứ:

Theo ghi chép trên văn bia Tam Giáo tự tam bảo vật (Của Tam bảo chùa Tam Giáo) dựng vào năm đầu niên hiệu Hồng Ninh Triều Mạc (1591): Ngôi chùa này đã có từ lâu, trải thời gian lâu dài, nhiều hạng mục công trình đã bị hư hại nặng. Do đó nhân dân địa phương đã tiến hành tu sửa. Công việc tu sửa diễn ra liên tục trong một tháng: “Hưng công vào tháng 11 năm Sùng Khang thứ 9 (1574), đến tháng 12 thì hoàn thành. Quy mô to lớn, chế tác mới mẻ. Nọ cột nọ rường, đủ chống trời cao; mái ngói che mưa, ánh dương người chiếu. Thềm ngọc đón quý khách, hiên đỏ ngạo gió sương. Đầu đinh mảnh mảnh, tựa như thóc gạo trong kho; mái ngói chồng chồng, khác nào khắp mình the lụa”. Kế đó, “Lại vào ngày 22 tháng 5 năm Hưng Trị thứ 3 (1590), người có tâm đem 70 quan tiền, mua 1 sào 5 thước ao của Tạ Quỳnh ở bản xã cúng dường làm của Tam bảo”. Có lẽ việc cúng ao này nhằm mở rộng diện tích của chùa.

Theo ghi chép trên bia Trùng tu Tam Giáo tự bi kí (Bia ghi việc trùng tu chùa Tam Giáo) do Cựu tiên chỉ Tạ Phát Lượng soạn vào năm thứ 15 niên hiệu Bảo Đại (1940): Chùa được trùng tu một đợt vào năm Canh Tuất niên hiệu Duy Tân (1910). Kế đó, vào năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại (1940), nhân dân địa phương tiến hành trùng tu chùa với quy mô lớn, kéo dài trong 5 tháng “Khởi công vào tháng Hai, đến tháng Bảy thì hoàn tất”, tổng chi lên tới 1574 đồng (trong khi đó, tiền dựng một văn bia chỉ tốn 10 đồng).

Theo văn bia Trùng tu tự tỉnh bi kí (Văn bia ghi việc trùng tu giếng chùa), đến năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (1943), nhân dân ba giáp Nguyên Dân, Phùng Xuân, Đại Đồng góp 600 đồng tu, xây sửa giếng chùa.

Về kiến trúc hiện tại: Chùa Đại Phùng được toạ lạc trên một thế đất đẹp đầu làng, khuôn viên chùa đã được quy hoạch khá tốt, diện tích rộng, địa thế thông thoáng, có nhiều cây cối và một giếng nước rộng phía trước để tạo cảnh quan. Đây chính là lối kiến trúc mang tính chất mở để gắn với lễ hội cầu mưa.

Ngôi chùa nhìn theo hướng chính Tây. Công trình chính gồm có Tam quan; Tiền đường; Thượng điện; nhà Tổ; nhà Mẫu; nhà khách. Ngoài ra còn có sân gạch, giếng nước, ao và vườn cây xung quanh di tích. Cũng như nhiều di tích khác, nằm trong vùng khí hậu “mưa nhiều, nắng lắm, khí hậu ẩm thấp của xứ nhiệt đới cùng với năm tháng hủy hoại”  nên di tích hiện trong tình trạng đang xuống cấp, nhiều cấu kiện gỗ đã mối mọt, tường gạch bị bong tróc vôi vữa...

Đơn nguyên kiến trúc đầu tiên của di tích là một tam quan khá đồ sộ với ba gian, hai tầng, bốn mái, mái lợp ngói ri cổ, tường hổi bít đốc, tay ngai. Tầng dưới là ba lối đi, tầng trên được sử dụng như chức năng của gác chuông, khánh. Tại đây có treo quả chuông có niên đại Chính Hòa 8 (1687), khánh đá thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh 3 (1707), cùng một khánh đồng niên đại Gia Long 14 (1815). Tam quan chùa với ba cổng: Không quan, giả quan, trung quan với kiểu xây hai tầng, tầng trên treo chuông, khánh, hạng mục này cũng không còn dấu tích kiến trúc thời Lê như niên đại khắc trên quả chuông đồng, khánh đá. Tuy vậy, tam quan chùa Đại Phùng vẫn còn giữ được hệ thống cột quân bằng đá xẻ to, do năm tháng thời gian mấy trăm năm nên đã xuất hiện những vết mòn tự nhiên. Một số cột gỗ được thay thế khoảng những năm giữa thế kỷ XX do các nhà hảo tâm vốn là người gốc địa phương công đức, trên đầu các cột còn ghi rõ tên người công đức bằng chữ Hán.

Các bộ vì tại đây được làm theo các kiểu thức khác nhau. Vì mái tầng trên làm theo kiểu: Thượng giá chiêng, kẻ ngồi, hạ kẻ, bẩy ở gian giữa và thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ, bẩy gian bên. Tầng trên và tầng dưới tam quan ngăn cách nhau bằng sàn ván gỗ. Bộ vì tầng mái dưới được làm khá đơn giản với hệ thống cột cái bằng bê tông, cột quân bằng đá xanh. Các cột cái được nối bởi các xà ngang, dọc, tác dụng đỡ ván sàn tầng trên. Phần vì hạ kết cấu kiểu chồng rường. Các cấu kiện gỗ không có chạm khắc.

Chùa chính được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tòa bái đường 7 gian bằng gỗ với kiểu thức 5 hàng chân gỗ và vì nóc kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ chồng rường, kẻ, bẩy hiên”. Tiếp đó là ba gian dọc nối liền từ gian giữa Tiền đường vào để tạo thành hạng mục Thượng điện mà dân gian quen gọi là kiểu “chuôi vồ”. Các bộ vì tại đây cũng có kết cấu tương tự như vì thượng, vì hạ tại Tiền đường, kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường”.

Đáng chú ý, ở Thượng điện chùa Đại Phùng có 5 lớp tượng. Các tượng này, theo PGS.TS Trần Lâm Biền, gọi chung là “đồ thờ nhân cách” (tr47 – “Đồ thờ trong di tích của người Việt”).

Trên chính điện, ở vị trí cao và sâu nhất là ba pho Tam thế, riêng tượng Tam thế ở giữa có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII. Hai tượng tam thế hai bên được làm muộn hơn, cùng ngồi trên đài sen 3 lớp cánh úp, các cánh sen đã mỏng hơn. Đài sen không có bệ đỡ như pho Tam thế ngồi giữa. Tiếp theo là các lớp tượng: Cửu long và Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (nhân dân địa phương còn gọi là hai pho Diệu Âm và Diệu Thanh) (Vốn trước đây tòa Cửu long này được đặt ở cuối, phía trước bộ tượng Ngọc Hoàng, song gần đây đã chuyển lên vị trí hiện nay); tượng Di Đà được tạo tác ngồi trên đài sen với kích thước lớn, hai bên là tượng Văn Thù (cưỡi sư tử xanh) và Phổ Hiền (cưỡi voi trắng); tượng Quan Âm chuẩn đề được tạo tác khá đặc biệt với hình tượng qủy biển đội tượng bên dưới, hai bên là nhị vị Kim Đồng, Ngọc Nữ có phong cách tạo tác nửa sau thế kỷ XVIII; tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào – Bắc Đẩu, có cùng niên đại tạo tác đầu TK XIX và cuối cùng là tòa Cửu Long mới được tạo gần đây.

 Đặc biệt ở Thượng điện có hai pho tượng Khổng Tử và Lão Tử, được tạo tác bằng chất liệu thổ, phong cách thế kỷ XIX. Tượng đức Khổng Tử đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm sách, ngồi trên bệ. Tượng đức Lão Tử với hình tượng ông già râu tóc bạc trắng, ngồi trên bệ. So với sự xuất  hiện của  ngôi chùa, hai pho tượng này được tạo tác muộn về sau này, hình tượng có  nhiều nét giống với tượng Thổ Địa và Đức Ông, song nhân dân địa phương đã thờ làm tượng Khổng Tử và Lão Tử. Điều chắc chắn có thể khẳng định là cho dù hai pho tượng hiện tồn này là sản phẩm của thế kỷ gần đây thì chùa Đại Phùng vẫn tất yếu là ngôi chùa thờ Tam giáo – chùa mang tên Tam Giáo tự, đã được khẳng định rõ ràng trong các di vật quý hiện còn tại chùa (bia đá, chuông đồng...).

Tại Tiền đường có đặt tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác bằng chất liệu thổ, niên đại TK XIX, có kích thước đồ sộ. Phía trên tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện treo bức hoành phi chữ Hán: Túc khởi tường vân - 足 起祥雲- nghĩa là: Chân dấy mây lành (gót chân đi đến đâu, mây lành theo tới đó); và hoành phi: Nhãn vô tục chướng -眼無俗障- nghĩa là: Tầm mắt không bị thói tục che khuất. Các hoành phi đều được viết bằng lối chữ Khải pha một chút bút ý của Hành thư, kết thể chặt chẽ, nét chữ già giặn. Hai bên là bộ tượng Đức Ông và Già Lam – Chân Tể; Thánh Tăng và Diệm Nhiên – Đại Sỹ, có cùng niên đại với tượng Hộ pháp.

Cũng tại Tiền đường và Thượng điện chùa Đại Phùng có rất nhiều các đôi câu đối và hoành phi gỗ cổ có niên đại các thời Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, nội dung ca ngợi cảnh chùa, cảnh Phật, nhiều bài trà châm gỗ được chạm khắc các đồ vật quý và những bài thơ chữ Hán. Đây là những di vật quý góp phần tạo nên giá trị của ngôi chùa.

Cho đến thời điểm này, chùa Đại Phùng (Tam Giáo tự) là ngôi chùa duy nhất mang tên chùa Tam Giáo dưới thời Mạc được ghi nhận trong thư tịch cổ, được học giới biết đến. Xét trong phạm vi toàn quốc, đây cũng là một trong số rất ít các ngôi chùa được định danh là chùa Tam Giáo. Đó là điểm đặc biệt so với hàng loạt các ngôi chùa thông thường khác vốn chủ yếu là thờ Phật, thảng hoặc có thờ Đạo giáo và Nho giáo thì cũng chỉ là các yếu tố phụ trợ, thứ yếu.

Chùa Đại Phùng là minh chứng, biểu tượng cho sự dung hòa Tam giáo, mà rộng hơn là dung hòa tư tưởng, khoan dung tư tưởng của người Việt nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Không chỉ vậy, nó còn là minh chứng cho sự cố kết cộng đồng dân cư trên địa bàn này.

Đây là ngôi chùa cổ, có niên đại sớm, từ khi khởi dựng đến nay đã thực sự trở thành trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân Đại Phùng. Sự hiện tồn của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của cả ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đối với nhân dân nơi đây.

Ngôi chùa Đại Phùng – Tam giáo tự cần được tìm hiểu sâu hơn và có các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị.

Nguyễn Thị Dung

Top