Nghề làm đèn lồng Trung thu ở Hội An

Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu.

Đèn lồng không chỉ ở Hội An mới có, mà nhiều nước khác như Thái Lan, Trung Quốc... cũng rất nhiều. Nhưng đèn lồng các nước khác chủ yếu được bọc bằng giấy, hoặc bằng vải ni-lon nên dễ bị cháy khi gặp phải nhiệt độ cao. Đèn lồng Hội An bọc bằng vải vừa bảo đảm độ bền cũng như thẩm mỹ. Đây là yếu tố nổi trội, bảo đảm thương hiệu đèn lồng Hội An được các du khách nước ngoài yêu thích.

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ XVI khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi.

Người có công đầu tiên trong việc làm sống lại chiếc đèn lồng là Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông là người đầu tiên phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng, đó là chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã được người Nhật để ý đến, và chính ông là nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên của Hội An được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn.

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ XVI khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. (Ảnh: TL)

Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên bởi chúng đơn giản, dễ làm, chỉ cần chịu khó. Trước đây, khi chưa tổ chức "Ðêm phố cổ", trên bàn thờ mỗi nhà ở Hội An đều có treo 2 chiếc đèn lồng lớn được viết chữ Tàu rất dẹp, đó là tên dòng họ cả mỗi tộc. Có người cho rằng đèn lồng có mặt ở Hội An là do những dòng họ Châu, La, Thái… xuất phát từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông bên Trung Hoa sang sinh cơ lập nghiệp ở Hội An đã mang theo những chiếc đèn lồng treo trước nhà cho đỡ nhớ quê hương xa xôi cách trở. Theo những người trong nghề cho biết "Ông tổ" nghề làm đèn lồng ở Hội An có tên là Xã Ðường, chuyên làm đầu lân, lồng đèn trong những đêm hội hay trong các cuộc thị đấu xảo, thi đèn kéo quân. Phải qua vài thế hệ chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng quyến rũ vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo, trước là làm để trang trí trong gia đình, sau đó để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng to dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.

Ðèn lồng ở Hội An có nhiều kích cỡ, nhiều hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi giản đơn đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu…

Ðèn lồng ở Hội An có nhiều kích cỡ, nhiều hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu… (Ảnh: TL)

Để làm được một chiếc đèn lồng cũng rất công phu. Quy trình làm đèn lồng được chia làm 2 công đoạn chính: làm khung tre và bọc vải. Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm kĩ 10 ngày bằng nước muối để tránh mối mọt, sau đó phơi khô, được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu sau đó được kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai dể khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi xong 2 chiếc đèn lồng cộng với 3 công vẽ, trang trí. Đèn lồng Hội An hiện nay đa dạng về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Các nghệ nhân đã nghiên cứu và sản xuất những loại lồng đèn khi mang đi xa có thể xếp nhỏ, gọn.

Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Ngày 1-12-1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khách du lịch đến Hội An ngày một nhiều hơn. Lồng đèn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phải làm nhanh, xếp lại được để du khách mang đi tiện lợi. Các lồng đèn cổ thường làm to căng bằng lụa tốt vẽ công phu mang ý nghĩa triết lý hoặc những rung động tâm hồn, cảm xúc của người vẽ nay đã được vẽ đơn giản hơn hoặc thêu bằng máy, thậm chí chỉ dùng vải lụa dệt các loại hoa chìm hoa nổi của làng Vạn Phúc (Hà Đông) rực rỡ kiêu sa đủ màu sắc thay cho nét hoa.

Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. (Ảnh: TL)

Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.

Người dân ở đây tự hào nói rằng đi giữa phố cổ bốn mùa đều thấy có đèn lồng giăng mắc khắp nơi. Trước kia, đèn lồng loại không xếp lại được chỉ thấy có trong các nơi thờ cúng: đình, chùa, bàn thờ dòng họ, gia đình, nay lại thấy chúng có mặt trong các khách sạn, lễ hội, các cuộc thi đèn lồng. Các nghệ nhân tài hoa vẫn có dịp được phô diễn tài năng sáng tạo và đôi bàn tay vàng của họ. Phố cổ ngày một thêm cổ và được tỏa sáng, thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng. 

Nguyễn Hải (tổng hợp)

Top