Nghề gốm Quyết Thành
Nghề gốm trước kia nổi tiếng khắp nơi, với nhiều sản phẩm mỹ nghệ. Khi chiến tranh nổ ra, nghề gốm bắt đầu sa sút, các lò nung gốm nguội lửa dần do thanh niên lên đường nhập ngũ. Năm 1959, Hợp tác xã gốm Quyết Thành được thành lập với mục đích khôi phục và phát triển nghề gốm của làng. Tuy được bao cấp sản phẩm đầu ra nhưng lúc này, nghề gốm chỉ còn tập trung được ở khu vực làng Hạ, người làng Thượng không nổi lửa lò nung nữa mà sang làm thuê cho làng Hạ. Năm 1989, khi thị trấn Quế được thành lập, Đinh Xá Thượng được tách ra thành Đanh Xá, thuộc đơn vị hành chính xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng), còn làng Hạ được đổi tên là làng Quyết Thành theo tên Hợp tác xã và được tách ra thành một thôn của thị trấn Quế. Năm 1999, làng Quyết Thành được công nhận là Làng Văn hoá cấp tỉnh. Năm 2004, Quyết Thành được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.
Mặc dù chưa có bất kỳ một tài liệu khoa học nào nghiên cứu ở đây nhưng theo lời những người cao tuổi trong làng truyền lại thì nghề gốm xuất hiện ở Đinh Xá khoảng 600 năm trước, do một người từ Thanh Hoá mang ra truyền lại cho làng. Sau đó cả làng gọi là tổ sư nghề gốm, tôn làm Thành hoàng làng, thờ tại đình làng và hàng năm đều mở hội làng vào ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ đến ông tổ nghề.
(Ảnh: TL)
Gốm Quyết Thành được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Người làm nghề đào đất từ ngoài đồng mang về nhà rồi ngâm trong bể nước khoảng 24 giờ đồng hồ, tuỳ theo từng loại đất cụ thể. Sau đó, nước được rút hết và làm nhuyễn đất bằng việc giẫm chân, hoặc máy nghiền. Kế tiếp dùng máy nhào bùn làm đất để cho nó có độ dẻo. Đất nhuyễn được đặt lên bàn xoay tạo sản phẩm, sau đó được phơi ráo, thường là phơi nắng tự nhiên sẽ tốt và khô đều, sản phẩm không bị nứt, tách nẻ, nếu không có nắng thì sấy khô, rồi đắp hoạ tiết, đánh giấy ráp lau chùi sạch sẽ. Sau đó phơi khô hẳn sản phẩm, một số mặt hàng được tráng thêm lớp men theo đơn đặt hàng riêng, còn thường là để mộc và cho vào lò nung. Sản phẩm từ lúc bắt đầu nhào đất đến lúc đưa vào nung thường phải mất từ hai, ba đến năm ngày. Những người thợ gốm ở đây luôn thận trọng trong từng khâu khai thác và xử lý đất, tạo dáng, hoa văn cũng như dành từ 12-15 ngày cho công đoạn nung mới hy vọng có được một sản phẩm hoàn thiện. Đặc biệt trong quá trình nung, người làm nghề phải theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với từng giai đoạn.
Làng gốm nơi đây phân lao động ra thành những nhóm người chuyên trách ở các công đoạn. Có những người chuyên đào đất, người lại chuyên nhào bùn, rồi người chuyên quay, chuyên tạo mẫu, chuyên vẽ hình trang trí… Hiện nay sản phẩm gốm Quyết Thành được chia làm ba loại. Loại thứ nhất là gốm dân dụng hay còn gọi là hàng sành gồm: chum, vại, tiểu, dần giã cua, máng lợn... Loại thứ hai là gốm mỹ nghệ trang trí hoặc là đồ sinh hoạt trong nhà như: ấm trà, chén, đĩa... Loại thứ ba cũng thuộc hàng đắt tiền nhất là gốm đất đỏ, nhiệt độ nung thấp, thường làm để xuất sang thị trường Á-Âu. Riêng dòng sản phẩm này người làm nghề phải làm theo mẫu mã mà phía khách hàng yêu cầu. Chỉ cần có mẫu vẽ trong tay, rồi những nghệ nhân gốm trong làng sẽ khắc những hình thù theo yêu cầu. Năm 2004, làng nghề xứng đáng được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành và 04 thợ giỏi được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề.
Các sản phẩm gốm của làng nghề hiện nay gồm: Gốm sành, gốm đỏ, gốm son với hàng trăm sản phẩm khác nhau, đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ nguyên liệu là đất sét, những người thợ của làng nghề làm ra những vật dụng bình thường người dân sử dụng hàng ngày đến những sản phẩm chất lượng cao được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các nơi như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ... Vào son là khâu tạo nên nét độc đáo của gốm Quyết Thành với các loại gốm khác. Trên núi ở vùng này có một lại đất đỏ như son người thợ lấy về nghiền nhỏ pha với nước để nhúng các sản phẩm. Khi nung có màu đỏ tươi. Các nghệ nhân nơi đây cho biết, theo quan niệm của người phương Đông thì trong gốm hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành, đất là thổ, trong thổ có kim, nước để nhào nặn là thủy, củi đốt là mộc và dùng lửa để nung chín là hỏa. Chính vì thế, ngoài việc phục vụ con người, đồ gốm còn là sản phẩm tâm linh mà từ bao đời nay ông cha ta đã sử dụng vào những việc ý nghĩa như làm đồ thờ cúng, tế lễ tổ tiên...
(Ảnh: TL)
Tuy nhiên, trước năm 2008, khi kinh tế thế giới chưa lâm vào khủng hoảng, gốm Quyết Thành còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Cộng hoà Séc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng mấy năm nay chỉ loanh quanh bán trong khu vực cho các đại lí, các dịch vụ thu mua đi bán dạo khắp nơi. Vì thế, sản phẩm không nhiều, công nghệ không có ai dám đầu tư thay đổi. Cả làng Quyết Thành có 650 khẩu và 212 hộ gia đình thì hiện tại chỉ có khoảng 70 hộ, với mỗi hộ một lao động chính còn tham gia làm nghề thường xuyên. Vào những lúc rỗi rãi, những khi bán được hàng hoặc một số thời gian có các hội chợ, các gian hàng trưng bày triển lãm cần đến gốm ở đây thì số lao động được bổ sung, thường là khoảng trên 100 người làm nghề. Hiện cả làng chỉ còn lại 4 lò nung gốm do 4 thợ giỏi được tỉnh công nhận, mỗi người phụ trách một lò. Mỗi lò có khoảng 10 đến 15 thợ chính.
Dù những người làng gốm vẫn truyền dạy cho nhau theo hình thức truyền tay trong gia đình nhưng lứa thanh niên hầu như chỉ biết nghề, thậm chí nhiều người giỏi nghề nhưng không mặn mà với nghề mà đều tìm cách thoát li làm nghề khác. Làng cũng đã tổ chức được 2 lớp dạy làm nghề gốm cho con em trong làng học tập trung, mỗi lớp được khoảng 20 đến 30 thanh thiếu niên đang là học sinh các cấp nhưng cũng chỉ giúp các em làm được những công việc vặt giúp đỡ cha mẹ khi không phải đến trường, còn lại thì hầu như rất khó thuyết phục được lao động trẻ gắn bó với nghề.
Mong ước của những người thợ gốm của làng là gốm Quyết Thành sớm tạo được thương hiệu, có đơn đặt hàng hoặc sản xuất uỷ thác để có thể đầu tư thay đổi công nghệ, phát triển làng nghề; hoặc là được các cấp tổ chức giao lưu, học hỏi giữa các làng nghề, các nghệ nhân làng nghề trong tỉnh để có cơ hội kết hợp giữa các sản phẩm làng nghề thủ công trong tỉnh với nhau như làng nghề rượu kết hợp với làm bình gốm, kết hợp mây tre đan với gốm của làng, kết hợp giữa nghề làm sừng với đồ gốm… Hy vọng rằng, bằng tình yêu thiết tha với nghề và với quyết tâm chung tay vì một nghề truyền thống cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, “lửa nghề” ở Quyết Thành không chỉ giữ gìn mà còn phát huy được vốn quý độc đáo của cha ông đã dày công gây dựng, vun đắp hàng trăm năm nay.
Nguyễn Chính