Nghề đóng ghe xuồng Long Hậu

Các làng đóng ghe, xuồng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng vào mùa cao điểm sản xuất để phục vụ bà con vùng lũ. Đây cũng là làng nghề vào mùa lũ sớm nhất cùng với các nghề sản xuất ngư cụ đánh bắt cá, tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến làng đóng ghe xuồng ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp mới thấy hết cảnh nhộn nhịp ở đây. Vừa đến đầu con rạch đã nghe ồn ào tiếng máy cưa, máy đục.

Từ trung tâm TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), xuôi theo Tỉnh lộ 849, đi khoảng 25km đến rạch Bà Đài (ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung). Từ đầu rạch, đã âm vang những âm thanh chát chúa tiếng búa, máy cưa, máy bào… phát ra từ những trại đóng ghe, xuồng nằm san sát hai bên bờ rạch. Từng tốp thợ, đang tất bật với công việc của mình để “xuất xưởng” những chiếc xuồng mới, phục vụ người dân vào mùa lũ.

Xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng khắp vùng sông nước Nam Bộ với nghề đóng ghe, xuồng. Vào mùa lũ, ghe xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam Bộ. Đây cũng là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ, thế nên nhu cầu về ghe xuồng rất lớn. Điều đó đã khiến cho nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu có điều kiện phát triển mạnh và trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy hơn trăm năm qua đối với thương lái khắp các tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…

Ông tổ của nghề đóng ghe xuồng Long Hậu là ông Phạm Văn Thuông, dân trong vùng gọi là ông Sáu Xuồng Cui, bởi ông khởi nghiệp bằng nghề đóng xuồng cui, loại xuồng nhỏ dùng để đi giăng câu, thả lưới trên kênh rạch. Chiếc xuồng cui ra đời cả trăm năm nay và vang danh khắp các tỉnh miền Tây. Ông sinh ra ở đâu thì không ai biết nhưng ông lấy vợ ở rạch Bà Đài này và lập nghiệp ở đây. Ông là người giỏi nghề mộc và đã nghiên cứu để đóng những chiếc xuồng cui, ghe tam bản ở địa phương. Ban đầu, chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân trong vùng. Nhưng sau đó, ghe, xuồng rạch Bà Đài được tiêu thụ đi nhiều nơi, và trở thành “thương hiệu” có tiếng ở vùng ĐBSCL… Dần dần, nghề đóng ghe xuồng phát triển rộng ra cả vùng này. Từ chiếc xuồng cui, người dân ở đây dần dần đóng thêm nhiều loại khác nữa. Cũng từ rạch Bà Đài thuộc ấp Long Hòa, làng nghề đã mở rộng sang các địa phương khác thuộc ấp Long Hưng và Long Thuận.

Nghề đóng ghe, xuồng truyền thống ở đây được sản xuất quanh năm với nhiều chủng loại, nhưng đến mùa nước lũ đổ về thì không khí làm việc tại đây càng khẩn trương hơn, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 Âm lịch cho đến cuối tháng 8 Âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. Xuồng được đóng thành nhiều kiểu dáng như: Xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Trong đó, các loại xuồng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m - 6,5m (giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán hơn 2 triệu đồng/chiếc). Mỗi năm, xã Long Hậu cho “xuất xưởng” khoảng 20.000 chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương. Trung bình, mỗi ngày xã Long Hậu xuất xưởng hàng trăm chiếc ghe, xuồng bán cho người dân mưu sinh mùa nước nổi. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng. Vào mùa nước lũ, không chỉ người dân ở Đồng Tháp, mà các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.. đều đến đặt mua xuồng ở Long Hậu. Nhiều thương lái, mỗi lần đặt hàng trăm chiếc xuồng, để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia. Hiện nay, xã Long Hậu có khoảng 150 cơ sở đóng ghe xuồng, thu hút hơn 1.200 lao động làm việc. Bình quân, một thợ đóng ghe xuồng thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận nghề đóng ghe, xuồng ở xã Long Hậu là làng nghề truyền thống để có chính sách mở rộng, phát triển làng nghề. Ban đầu từ khoảng 200 hộ theo nghề đóng ghe, xuồng, đến nay đã tăng lên 400 hộ, chủ yếu tập trung ở rạch Bà Đài thuộc ấp Long Hòa. Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống, nghề đóng ghe, xuồng ở Long Hậu không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Vào mùa nước nổi người dân tập trung đóng xuồng nhỏ, các mùa khác đóng vỏ lãi, trẹt, ghe hàng có trọng tải lớn… ”Chỉ tính riêng ấp Long Hòa, xã Long Hậu, có trên 550 hộ dân, thì hầu hết đều có tham gia vào nghề đóng ghe, xuồng tại địa phương.

Những năm gần đây, người dân đã sử dụng nhiều loại máy móc để sản xuất nên sản phẩm làm ra cũng nhanh hơn, nhiều hơn. Ghe xuồng ở Long Hậu được đóng thành nhiều kiểu dáng khác nhau như xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc. Loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn thì phải đóng đến 40 ngày mới xong và giá dao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4.000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam Bộ.

Khó khăn đối với những người đóng ghe, xuồng hiện tại là việc thiếu nhân công, hiện tại, nghề đóng ghe, xuồng đang vào mùa nên khó tìm nhân công, mặc dù giá rất cao do nhu cầu các cơ sở sản xuất cần nhiều nhân công, nhưng số lượng thợ lành nghề lại khá khiêm tốn.

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng những người thợ cả đời gắn bó với nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu vẫn luôn tin rằng, thế hệ con cháu họ sẽ vẫn tiếp nối cái nghề đáng tự hào của ông cha để lại.

Nhìn những thanh niên trai trẻ của làng nghề cần mẫn và tỉ mỉ với công việc mới thấy lòng yêu nghề trong họ lớn như thế nào. Họ đang cố gắng để có thể học hỏi thật nhiều điều từ những người đi trước, để có thể đóng được những chiếc xuồng đẹp hơn, tốt hơn cho những người dân sống ở miền sông nước Cửu Long.

Nguyễn Thị Huệ

Top