Nghề điêu khắc ở Mỹ Xuyên

Nằm bên dòng Ô Lâu, làng Mỹ Xuyên thuộc xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế là làng truyền thống của nghề mộc, chạm khắc mỹ nghệ. Nơi đây tập trung những người thợ chạm tài hoa đã chạm trổ nhiều công trình nổi tiếng cho Triều đình và nhân dân, những sản phẩm mỹ nghệ của họ làm cho nhiều công trình kiến trúc và đồ dùng cao cấp đạt tới giá trị tuyệt phẩm. Trước kia làm ăn cá thể, những người thợ điêu khắc với đồ nghề gọn nhẹ để trong cái tráp nhỏ, họ xách theo đến những nơi mời mọc để hóa thân cho những đoạn ngà voi và gỗ qúy, thành những đồ vật bền và có cuộc sống vượt cả thời gian. Nghề điêu khắc ở đây không có trường dạy. Những người thành thạo trực tiếp kèm cặp người học nghề qua thực hành.

Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Mỹ Xuyên và lời truyền kể của các thợ điêu khắc trong làng, Tổ sư của nghề điêu khắc ở đây là ông Nguyễn Văn Thọ, người quê gốc Thanh Hóa, con trai của Thượng quan cao thỉ tố Nguyễn Văn Cao. Ông là thợ mộc, biết cả nghề bịt trống và điêu khắc. Ông vào làm việc ở Kinh đô Huế theo chế độ trưng tập của Nhà nước phong kiến. Nghề chạm khắc có mặt ở Mỹ Xuyên vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Sau khi hết hạn phục vụ trong Kinh thành, ông Thọ trở về quê vợ ở làng Mỹ Xuyên để sinh sống, truyền nghề lại cho người trong làng dưới thời Vua Tự Đức (18471883) và từ đó nghề được lưu truyền cho đến nay. Đến nay, nghề mộc mỹ nghệ điêu khắc Mỹ Xuyên đã trải qua 5 đời và ngày càng phát triển. Hiện nay, độ ngũ thợ điêu khắc Mỹ Xuyên có khoảng hơn 500 người và họ đã toả đi làm ăn khắp nơi như TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng...

Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc và sự phối hợp thuần thục với cảm quan thẩm mỹ được thông qua đôi tay người thợ bằng những chiếc đục tạo nên trên các chất liệu bằng gỗ. Nhiều sản phẩm của Mỹ Xuyên đã giành Huy chương Vàng, Bạc tại các triển lãm trong tỉnh và toàn quốc.

(Ảnh: TL)

Xưa kia vật liệu chính là ngà voi, ngày nay thường là gỗ rất hiếm quí. Từ thớ gỗ vô tri họ đã làm ra những rồng, phượng, ngựa, voi, mèo... những thuyền rồng, anh hùng tương ngộ... về những ông Di Lạc, tiên đánh cờ, người đi câu, người úp nơm, người cầm chùi... cả những anh hùng như Phù Ðổng Thiên Vương... Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên chiếm vị trí và có giá trị khá cao về trang trí nên có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm chấm phá, chạm cạn, chạm sâu, nét trầm phù, chạm khảm. Nó đã điểm tô, tạo nét thẩm mỹ, thượng lưu hóa, trang trọng hóa sản phẩm của nghề chạm khắc. Ở đây không chỉ phổ biến dạng điêu khắc tượng tròn mà còn chạm khắc gỗ dưới dạng phù điêu rất phong phú thể hiện trong các công trình kiến trúc nổi tiếng trong các điện của Kinh thành Huế, trên các tường, vách đố bảng, kèo, đòn tay của ngôi nhà rường và trên những đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, giường... theo phong cách thể hiện tính độc đáo, đặc thù của văn hóa Huế.

Nói đến làng mộc Mỹ Xuyên, sẽ rất nhiều người đề cập đến nhà thờ họ Lê Văn. Đây là dòng họ lớn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lập làng Mỹ Xuyên. Cùng với sự ra đời của hàng loạt kiến trúc đình, chùa, miếu mạo ở thế kỷ XIX trên đất Thuận Hoá, nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng vào năm 1881- đời Tự Đức thứ 34. Nhà thờ họ Lê Văn nằm ở vị trí trung tâm của làng, mặt quay về hướng Nam, trên một gò đất cao, bằng phẳng. Kết cấu xây dựng gồm 3 gian, 2 chái, diện tích 160m2 với 4 bộ vì kéo được gắn kết trên 48 cột lớn chia làm 3 hàng. Tất cả hệ thống cột, kèo, đòn tay đều bằng gỗ, được các nghệ nhân là những con dân trong dòng họ chạm khắc một cách công phu. Tuy đã trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1928 và 1961 nhưng điều đáng quý là cho đến nay những giá trị về mặt kiến trúc ban đầu vẫn gần như được giữ nguyên.

(Ảnh: TL)

Có thể nói nhà thờ họ Lê Văn là nơi hội tụ và bảo lưu những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc của làng Mỹ Xuyên vào cuối thế kỷ 19. Mái của nhà thờ họ Lê Văn hơi ngang, tạo thành một hình khối nhẹ nhàng, phía trước và hai bên lợp ngói liệt, dùng kiểu đắp bờ nóc phụ ở lưng chừng mái. Ở mái trước được trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu bằng vật liệu xi măng, sành sứ. Với chức năng là nơi để tưởng niệm và thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, công trình kiến trúc này mang phong cách nhà rường dân gian xứ Huế. Toàn bộ kết cấu bên trong của ngôi nhà là một khung gỗ mộng mẹo một cách sít sao. Các cột cái, cột quân, cột hiên trong cùng một vì kèo được nối với nhau từng đôi một. Tất cả các vì kèo trong ngôi nhà được nối với nhau tạo thành mối liên kết ngang , gồm thượng lương, xà và hoành tử. Nhìn một cách tổng thể, các đề tài chạm khắc, trang trí trong nội thất của nhà thờ họ Lê Văn có phần hơi khiêm nhường và không đi vào các đề tài sinh hoạt về con người như ở một số di tích kiến trúc nghệ thuật khác. Với kiểu dáng, kỹ năng mỹ thuật, các đồ trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng của thời nhà Nguyễn, nhà thờ họ Lê Văn đã phản ánh được tính chất của một dòng họ ở một làng quê có bề dày truyền thống văn hoá cũng như truyền thống ngành nghề.

Nhà thờ họ Lê Văn còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý giá mà đặc biệt là văn bản chữ Nôm thời Lê Sơ- Lê Nhân Tông thứ 9 - 1451. Các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc trên gỗ, trang trí bên trong nội thất của ngôi nhà đã phản ánh được sự phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống của vùng đất này. Đây cũng là một di sản dân gian quý báu cùng với hệ thống làng cổ Phước Tích, làng đệm bàng Phò Trạch để tạo nên một hệ thống di sản bên dòng Ô Lâu...

(Ảnh: TL)

Về làng nghề điêu khắc mộc Mỹ Xuyên, du khách có thể cảm nhận không khí sản xuất khá rộn ràng. Tại đây, có hơn 20 cơ sở sản xuất với hơn 150 lao động đang tất bật công việc vì lượng hàng đang được tiêu thụ khá tốt.  Hàng năm, Hội tế Tổ nghề điêu khắc Mỹ Xuyên ở Phong Điền được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng, thu hút đông đảo nghệ nhân làng nghề tham gia.

Mạnh Cường

Top