Nghề dệt thổ cẩm làng Teng
Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là nơi duy nhất của người H’re ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề truyền thống độc đáo này. So với các dân tộc thiểu số khác ở Quảng Ngãi thì đời sống văn hóa tinh thần của người Hre rất phong phú và đa dạng. Làng Teng có hơn 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc H’rê. Khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng Teng người H’rê.
Những nghệ nhân thôn Làng Teng đang truyền nghề dệt thổ cẩm lại cho thế hệ trẻ. Ảnh: bato.quangngai.gov
Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở những bộ trang phục của người H’rê là thường có hai màu đen và đỏ. Người H’rê quan niệm, màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính, còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới. Trên tấm thổ cẩm có những hoa văn miêu tả thiên nhiên, công cụ của người H’rê như ba đường dích dắc (mà tiếng H’rê gọi là Kế’r vênh, tức dòng nước xoáy), những đoạn thẳng song song và vuông góc với nhau từng đôi một (tiếng H’rê gọi tanh, tức đan lát) hoặc có hoa văn hình cái nơm chụp cá (người H’rê gọi là K’giúp).
Trước kia, nguyên liệu để dệt thổ cẩm người ta lấy từ cây bông đem về phơi nắng cho cánh nở bung, sau đó đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Hoa văn được thể hiện trên những tấm thổ cẩm của người H’rê rất đa dạng phong phú. Đó là hoa văn biểu hiện sự gần gũi với con người như mây trời, sông suối, núi rừng, nương rẫy, hàng rào... Ở những tấm choàng, tấm địu trẻ nhỏ, váy phụ nữ... hoa văn có mô típ hình học như hình thoi, hình quả trám, hình chữ nhật, hình vuông... là những hoa văn đặc trưng tạo thành những ô nối tiếp nhau hoặc hoa văn đường thẳng, đường lượn tạo nên hình dáng cách điệu như con sông, con suối, hay hoa văn có hình giống các loài vật như mỏ gà, mũi tên, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây...
Sắc màu thổ cẩm làng Teng. Ảnh: Báo Biên phòng
Nghệ thuật dệt hoa văn độc đáo ở phương pháp kỹ thuật dệt cài hoa văn chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như một số tộc người anh em khác. Các họa tiết hoa văn của người H’rê rất khiêm nhường, lặng lẽ, các gam màu hòa sắc chung với các màu khác, không rực rỡ phô trương.
Trong ký ức của những người có tuổi ở làng, đã có thời, cả làng trồng cây bông trên sườn đồi và dọc ven suối. Sau tết ngã rạ mừng lúa mới, khi con đường vào bản hoa gạo nở đỏ rực thì trên rẫy và dọc ven suối, cây bông cũng nở trắng xóa. Sớm sớm, con gái H’rê trong làng đầu chít khăn, lưng mang gùi lên rẫy hái bông rồi đem về phơi trên những chiếc nong cho bông nở bung. Sau đó, chị em dùng cái quay kéo thành sợi, còn cánh đàn ông thì mang gùi vào rừng hái lá cây ghin gu đem về giã rồi nấu với bột gạo làm phẩm màu để nhuộm cho sợi bông có màu đen. Nếu muốn có màu đỏ thì phải vạt vỏ cây pắh-đếch đem về bỏ vào nồi đồng lớn nấu với một ít vôi, sau đó mới đem nhuộm sợi. Cách nhuộm này giúp sợi bông có màu đẹp và khó phai so với chỉ màu công nghiệp. Trong những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới của người H’rê, ngoài cồng chiêng, rượu cần thì không thể thiếu những trang phục truyền thống được làm tại đây.
Thiếu nữ diện trang phục thổ cẩm Làng Teng trong một lễ hội văn hóa. Ảnh: baoquangngai
Những năm gần đây, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược mở ra, người H’rê bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi. Hơn nữa, để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ thủ công phải tốn thời gian khoảng nửa tháng, có khi lâu hơn tùy theo kích thước của tấm thổ cẩm, nhưng giá trị về kinh tế không cao, tiền công còn thấp. Nhiều người vì thế đã bỏ nghề nghề truyền thống cha ông. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng từ đó mà mai một dần.
Huyện Ba Tơ đang chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống. Mục tiêu của các chương trình quảng bá trên là nghề dệt thổ cẩm của làng Teng tiếp tục duy trì và phát triển, phấn đấu tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Thêm nữa, chính quyền địa phương phối hợp với nhà tài trợ đang khẩn trương mở thêm các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này. Để làm được điều này, quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế, làm ra nhiều loại sản phẩm đẹp, tiện lợi hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Hy vọng trong tương lai không xa, làng Teng trở thành điểm du lịch nằm trong tour du lịch phía Nam của tỉnh. Sau khi rời trung tâm thành phố Quảng Ngãi thăm Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bãi biển Sa Huỳnh thơ mộng thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ngược lên miền sơn cước thăm Bảo tàng Ba Tơ, du khách không thể không dừng chân ở làng Teng để xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Lúc đó, sản phẩm thổ cẩm của làng trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa. Vì vậy việc khôi phục làng nghề là việc làm dù muộn nhưng còn hơn không.
Trần Hoàng