Mùa xếp chữ làng Cát Sơn

Cát Sơn là ngôi làng nằm cạnh Cửa Tùng, nơi dòng Bến Hải hòa mình vào biển cả bao la, thuộc địa phận xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Đây là làng quê vốn có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều nghi thức tế tự, nhiều lễ hội dân gian hết sức đặc sắc, hấp dẫn và không kém phần trang nghiêm. Khi làng xã được hình thành thì đồng thời các lễ tế cũng ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân. Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ khi qua đời bằng các nghi thức long trọng, trang nghiêm cũng được hình thành và phát triển. Múa xếp chữ của làng Cát Sơn cũng sớm được hình thành và phát triển trong hoàn cảnh như vậy.

Theo những người lớn tuổi trong làng, múa xếp chữ (người địa phương gọi là điện kẻ chữ) của làng xuất hiện từ lâu trong cộng đồng. Người dân làng Cát Sơn vẫn còn truyền tụng câu chuyện về lòng hiếu thảo của một người con như sau: ngày xưa, cách đây đã lâu lắm rồi, khi làng Cát Sơn mới hình thành, trong một gia đình nọ có 2 người con trai, một người anh cả thì tốt tính, lo làm ăn; anh thứ là một người ngang bướng, hay phá phách làng xóm, gây gổ đánh nhau suốt ngày. Tức giận người con thứ, người cha la mắng. Giận cha, người con thứ đã bỏ làng ra đi lên rừng làm cướp, tập hợp và đứng đầu băng nhóm khét tiếng một vùng. Tuy nhiên, anh luôn nhớ về người cha già, nhớ về gia đình, nhưng anh không thể trở về làng vì mang tội bị quan binh truy lùng ráo riết. Ðến một ngày kia, khi người cha già lâm bệnh nặng và qua đời, day dứt vì không được báo hiếu công sinh thành giáo dục của người cha, anh đã sai thuộc hạ về dò la tin tức và tổ chức cướp quan tài cha về với mình để được lo hương khói, mồ mã. Khi về cướp quan tài, anh và đám thuộc hạ mang theo gậy gộc, giáo mác vũ khí để phòng vệ tránh bị quan binh bắt, vừa cướp vừa la hét để uy hiếp mọi người. Khi đã cướp được quan tài, anh đem về chôn ở đầu giường và ngày ngày hương khói để báo hiếu cho cha. Từ đó về sau, cũng không ai thấy hay nghe thông tin gì về anh con thứ nữa.

Biết được đó là nghĩa cử cao đẹp, vì báo hiếu cho cha mà bất chấp nguy hiểm, dân làng ai cũng tôn trọng anh và từ việc cướp quan tài với nhiều người cầm gậy gộc, vũ khí nhảy múa, la hét... múa xếp chữ ra đời thể hiện cho việc con cháu báo hiếu với bậc sinh thành khi qua đời. Múa xếp chữ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng và là một thành tố cấu thành lên nét văn hóa độc đáo của làng Cát Sơn.

Theo những người lớn tuổi trong làng, múa xếp chữ (người địa phương gọi là điện kẻ chữ) của làng xuất hiện từ lâu trong cộng đồng. Ảnh: internet

Múa xếp chữ được diễn ra khi gia đình nào có người chết từ 60 tuổi trở lên, có yêu cầu, xin phép làng thì tổ chức múa… Trong những năm từ 1946 - 1972, do hoàn cảnh chiến tranh nên múa xếp chữ bị gián đoạn. Từ sau ngày đất nước giải phóng trở đi, múa xếp chữ được khôi phục lại và duy trì cho đến nay.

Múa xếp chữ/điện kẻ chữ là  loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính đặc trưng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc tang ma nhằm tăng thêm phần long trọng, tính trang nghiêm và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ của con cháu.

Thông qua các động tác nhảy, các thành viên trong đội phối hợp cách nhịp nhàng để trình diễn các bài nhảy sao cho thành các chữ Hán có ý nghĩa: Thiên hạ thái bình, Thập nhị tứ hiếu, Tứ đại đồng đường.

+ Số lượng người múa: Ðội múa xếp chữ trước đây có 24 người gồm 1 ông cai (ông đội trưởng) điều khiển, 22 quân chia làm 2 hàng và 1 người chấm phẩy (dấu chấm, phẩy trong chữ Hán).

Ngày nay, đội nhảy chữ chỉ còn 21 người, 1 ông cai (ông đội trưởng) điều khiển, 20 quân chia làm 2 hàng và người cuối cùng làm nhiệm vụ của người chấm phẩy (dấu chấm, phẩy trong chữ Hán).

+ Trang phục trình diễn:

Ông cai: Chân đi hia, mặc quần xanh quấn xà cạp. Mình mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ như quan tướng. Khi trình diễn, ông đội trưởng trên tay cầm 2 cây đùi gỗ dài chừng 30 - 40 cm gọi là sanh.

Quân: có 20 người chân đi hia, mặc quần xanh quấn xà cạp đỏ. Mình mặc áo dài màu xanh, đỏ (10 người mặc áo đỏ, 10 người mặc áo xanh). Lưng thắt dây lụa đỏ, đầu mũ giống như mũ calô màu xanh. Khi trình diễn các ông này cầm trên tay 2 ngọn đèn (ban đêm) và hương (ban ngày).

Múa xếp chữ/điện kẻ chữ là  loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính đặc trưng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc tang ma. Ảnh: internet

Quy trình thực hành:

Ðội xếp chữ sẽ múa làm 2 lần:

Lần thứ 1: là đêm trước ngày đưa tang trong lễ điện, sau khi gia chủ phục vụ cơm nước cho đội, đến giờ đã định thì tiến hành nhảy xếp chữ. Khi nhảy xếp chữ thì kết hợp với đội nhạc cổ.

Sau khi đội hình múa chuẩn bị xong mọi thứ ở bên ngoài. Ông cai xin nhảy và bắt đầu các bài nhảy, các ông quân nghe theo lệnh ông cai tạo thành đội hình đi vào. Sau mỗi lần khi hô hiệu lệnh, ông cai sẽ đánh cặp sanh với nhau 3 lần, dứt tiếng thứ 3 thì các ông quân tiến hành di chuyển.

Khi ông cai đi vào sẽ hô lớn: Truyền đội (các ông quân theo đội hình đi vào), sau đó tiếp tục hô tam xà (các ông quân xếp thành 3 hàng ngang), cài chữ (quân xếp thành chữ theo bàn bạc từ trước), tứ trụ (các ông quân xếp thành 4 hàng dọc), ra (lạy tạ và đi ra thành 2 hàng dọc).

Lần thứ 2: là khi động quan đưa quan tài ra khỏi nhà. Sau khi đội hình múa chuẩn bị xong mọi thứ ở bên ngoài, ông cai xin nhảy và bắt đầu các bài nhảy. Khi ông cai đi vào sẽ hô lớn: Truyền đội (các ông quân theo đội hình đi vào), sau đó tiếp tục hô tam xà (các ông quân xếp thành 3 hàng ngang), cài chữ (quân xếp thành chữ theo bàn bạc từ trước), tứ trụ (các ông quân xếp thành 4 hàng dọc), động quan (quân chia làm hai hàng mỗi bên 10 người dọc theo 2 bên quan tài, lúc này các ông quân sẽ đặt các cây đèn lên phía trên quan tài rồi sau đó nhẹ nhàng nâng quan tài lên), ra (khiêng quan tài đi ra), lúc này ông cai gỏ sanh liên tục và đi giật lùi phía trước quan tài. Ðến lúc này, đội nhảy xếp chữ sẽ thực hiện luôn nhiệm vụ của đội âm công tiễn đưa linh cửu người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Múa xếp chữ làng Cát Sơn là  hình thức sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển từ trong lịch sử. Ðó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần cố kết cộng đồng, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Vì vậy cần có sự chung tay giữa người dân với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ và bảo tồn tập tục tốt đẹp này.

Hoàng Ngọc Thiệp

Top