Huyền thoại núi Cấm

Núi Cấm hay còn gọi là núi Ông Cấm có tên chữ là Thiên Cấm Sơn (nghĩa là một ngọn núi đẹp), nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Với độ cao 705m, chu vi 28.600m2, núi Cấm không chỉ được biết đến với tư cách là ngọn núi cao nhất, lớn nhất.. mà còn được tương truyền là ngọn núi ẩn chứa nhiều điều kỳ bí nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí của An Giang. Bởi không chỉ kỳ bí về danh xưng mà ngọn núi được mệnh danh là Ðà Lạt của ÐBSCL còn  là nơi hội tụ của những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí của thế giới tâm linh: núi Cấm là chốn linh thiêng, là nơi dành riêng cho các bậc chân tu hoặc thần tiên hội tụ mỗi khi giáng thế...

Theo sử sách, vào đời Gia Long, hai chữ “Bảy Núi” chưa xuất hiện. Một số sách đáng tin cậy đã ghi về Thất Sơn như sau: Sách Gia Ðịnh thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Ðức ghi 19 ngọn núi ở An Giang mà không thấy nói đến khái niệm Thất Sơn; Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí ra đời năm 1882, ghi bảy ngọn núi nằm trong Thất Sơn gồm: núi Tượng Sơn, núi Tô Sơn, núi Cấm Sơn, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa; Sách Thất Sơn huyền bí (theo Nguyễn Văn Hầu) cụ Hồ Biểu Chánh ghi Thất Sơn gồm núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Ðội Om, núi Tô và núi Cấm; Sách Tự vị Tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển ghi: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tà Béc.

Núi Cấm được xem là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn. Ảnh: internet

Còn theo các bô lão và các tín đồ của Ðức Phật Thầy Tây An thì “Bảy Núi” đó là: Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Thiên Cẩm Sơn, Liên Hoa Sơn, Thủy Ðài Sơn; Ngọa Long Sơn, Phụng Hoàng Sơn.

Gần đây nhất, trong cuốn “Những trang sử về An Giang”, nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương ghi Thất Sơn gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Nước (Thủy Ðài Sơn) giống như tên gọi trong dân gian hiện nay.

Còn theo Ðịa chí An Giang, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có tới 37 ngọn núi có tên. Nhà biên khảo Sơn Nam thì lại cho rằng “Bảy Núi linh thiêng có lẽ xuất phát từ thời Ðoàn Minh Huyên với thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” nhằm khuyên tín đồ qui dân lập ấp, rồi lần hồi bị ảnh hưởng quá nặng của mê tín cổ sơ, tô điểm thêm chi tiết”.

Núi Cấm quanh năm có khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp nên thơ cuốn hút du khách. Ảnh: internet

Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.

Mới đây, một cuộc hội thảo núi Cấm đã tạm chấp nhận 2 giả thuyết hợp lý nhất về nguồn gốc của núi Cấm. Một là lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An - Ðoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm. Hai là núi Gấm, vì đây là một ngọn núi tuy hoang sơ nhưng phong cảnh “thủy tú sơn kỳ” bốn mùa đẹp như hoa như gấm, nên mới có tên là núi Gấm - Thiên Cẩm Sơn.

Ngày nay, núi Cấm đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng nhờ có địa thế và các điểm du lịch đẹp. Theo sách của các nhà phong thủy, do vùng Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ - nơi có khí âm dương hội tụ nên núi Cấm là một Long huyệt; thêm vào đó, nơi đây bao giờ cũng được che phủ bởi một lượng lớn cây rừng (theo số liệu thống kê, rừng ở Bảy Núi có khoảng 815 loài thực vật, điển hình như: thạch tùng, tuế, dương xỉ, thông, ngọc lan…), cho nên khí hậu ở núi Cấm mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm trong khoảng từ 18 đến 24ºC.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: internet

Ngoài môi trường thiên nhiên lý tưởng, núi Cấm còn nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp. Dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Ðông là Khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh, đặc biệt  cáp treo núi Cấm đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch từ ngày 14 tháng 02 năm 2015.

Khi lên núi Cấm bằng cáp treo, du khách có những giây phút lướt trên đại ngàn, thỏa sức ngắm những cánh đồng lúa xanh mát dưới chân núi. Ðặc biệt, cáp treo còn giúp bạn “bay” qua hồ chứa nước Thanh Long được “treo” lưng chừng núi Cấm rất thơ mộng… Cho dù với cách lý giải nào thì thực tế, núi Cấm là một thực thể do thiên nhiên tạo nên, qua ngần ấy thời gian tồn tại, đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ bằng sự kết nối những giai thoại truyền thuyết dân gian và niềm tin tôn giáo. Núi Cấm tồn tại từ xưa đến nay như một biểu tượng tâm linh, theo thời gian hình thành nên nhiều yếu tố văn hóa tâm linh khác không kém phần đa dạng, phong phú.

Trần Hoàng (Tổng hợp)

Top