Long Sơn Tự - Danh thắng xứ trầm hương

Du khách đến Nha Trang, Khánh Hòa muốn viếng thăm di tích và danh lam thắng cảnh, không thể không đến ngôi chùa này vì đó là một đại danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất của Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Long Sơn tự còn có tên là chùa Đăng Long, hay dân gian gọi đây là chùa Phật trắng với một bức tượng Kim Thân Phật Tổ màu trắng, uy nghiêm, sừng sững tọa lạc trên đỉnh núi, giữa biển trời mây nước của vịnh Nha Trang, được xếp hạng là một trong những vịnh hiếm hoi đẹp nhất trên thế giới. Có lẽ cũng vì thế, cùng với chùa Phật Trắng, Tháp Bà và nhiều địa danh nổi tiếng khác, Nha Trang giờ đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất trong những điểm hấp dẫn ở Việt Nam.

Long Sơn tự được xây dựng ở chân một ngọn núi nhỏ, có tên là Trại Thủy, nay là số nhà 22, đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang. Ngôi chùa có lịch sử hơn một trăm năm, nhưng đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng, nên giờ đây, quy mô của nó khoảng trên 10.000m2 với cảnh quan vừa uy nghi, vừa ẩn mình, tĩnh lặng trong cây lá, giữ được nét truyền thống trong các ngôi chùa Việt nói chung và Nam Trung Bộ nói riêng.

Chùa Long Sơn được nhà sư Ngô Chí, pháp danh là Phổ Trí, danh xưng là Nguyễn Tám Văn Nhi xây dựng. Ông theo dòng Lâm tế - một dòng Thiền phổ biến và quan trọng của Phật giáo Việt Nam.

Toàn cảnh Chùa Long Sơn

Năm 1886, khi mới khởi dựng, chùa chỉ là một am nhỏ bằng tranh, tre, nứa, lá như bao những ngôi nhà dân dụng khác ở mỗi làng quê đất Việt. Ngôi chùa khi ấy nằm ở đỉnh núi nhỏ Trại Thủy với tên Đằng Long tự, đến năm 1900 chùa bị tốc mái và sập đổ sau một cơn bão lớn, nên sư tổ đã chuyển xuống chân núi và đổi tên là Long Sơn tự. Ngày nay, Long Sơn tự, cùng với chùa Hải Đức ở phía trên và chùa Bửu Phong ở phía Nam, tạo nên một trung tâm Phật giáo có sức cuốn hút du khách đến vãng cảnh và lễ Phật.

Năm 1936, theo di nguyện của nhà sư Ngộ Chí, chùa được tiến cúng cho Hội An Nam Phật học làm trụ sở chấn hưng Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Suốt từ đó đến nay, đây vẫn là trụ sở của Giáo hội Phật Giáo địa phương.

Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn

Năm 1941, Hội trưởng An Nam Phật học Tôn Thất Quyền và phật tử Võ Đình Thụy đã đứng ra quyên góp các thiện nam, tín nữ trong vùng, cùng với thiện tâm công đức của hai vị, đã trùng tu ngôi chùa này trên quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, cho đến năm 1975, việc mở mang, xây dựng, tôn tạo vẫn mới chỉ được quá nửa so với những gì kiến trúc sư Võ Đình Diệp thiết kế.

Kiến trúc hiện nay của ngôi chùa không có gì cổ kính. Tuy nhiên, sự hoành tráng trong quy mô xây dựng, sự to lớn của những pho tượng thờ ở nội và ngoại thất, cùng với cảnh quan thiên nhiên đậm chất phong thủy đã tạo nên sự nổi tiếng và hấp dẫn của ngôi chùa.

Mặt tiền Chùa Long Sơn

Chính điện chùa rộng gần hai nghìn mét vuông, thờ Phật tổ. Đây là pho tượng bằng đồng cao 1,6m, nặng 700kg, với tư thế ngồi thuyết pháp, uy nghi và đường bệ. Từ chùa, lên đỉnh núi nhỏ phải qua 153 bậc với một bức phù điêu làm nền, diễn tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm Phật. Mặc dù tổ hợp này mới được xây dựng năm 2003, nhưng sự hoành tráng và hài hòa với tự nhiên, đã tạo nên một điểm đến nữa của du khách trong phức hợp Long Sơn tự nói riêng và ba ngôi chùa ở đây nói chung. Cách tượng Phật nằm 5m là tháp chuông với Đại hồng chung cao 2,2m, nặng 1500kg do phật tử đất thần kinh cung tiến năm 2002, cũng là một điểm nhấn nữa của kiến trúc tổng thể ngôi chùa. Chặng cuối cùng của 153 bậc cấp, trên đỉnh núi nhỏ Trại Thủy là bức tượng Kim Thân Phật tổ, ngồi thuyết pháp, cao 24m, bệ sen cao 7m trong một không gian thoáng đãng, rộng tầm nhìn, do vậy sự uy nghi, hoành tráng của tổ hợp này càng làm cho du khách muốn lên đây để chiêm bái, thưởng ngoạn và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng và biển cả. Tượng Kim Thân Phật tổ được xây dựng năm 1963, từ sự quyên góp của tăng ni, phật tử, không chỉ của Nha Trang, mà rộng ra vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung bẩy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1963. Như vậy, đây có thể coi là khu tưởng niệm của những người đã quá cố, tử vì đạo để bảo vệ tôn giáo của mình trước mọi thế lực, kể cả thế lực cầm quyền. Dưới chân đài sen là bức tượng được phân thành những khám nhỏ để lưu giữ các di hài của những gia đình phật tử, thể nguyện lòng mong mỏi của cộng đồng, muốn siêu thoát nơi cửa Phật, sau khi đã về với thế giới bên kia.

Tượng Thích Ca Phật đài

Như vậy, Long Sơn tự không chỉ là một ngôi chùa bình thường như bao ngôi chùa khác. Nó là một trụ sở của Hội Phật giáo tỉnh. Nó là một nơi đào tạo Phật học với một trường trung cấp ở kế bên. Nó là tượng đài tưởng niệm các vị sư đã hy sinh vì đạo. Nó là một danh thắng với cảnh quan hấp dẫn của Khánh Hòa -  xứ Trầm hương. Tất cả những điều ấy, Long Sơn tự xứng đáng được giới thiệu và quảng bá như một di sản văn hóa, dẫu có người vẫn nghĩ rằng, chùa mới được tạo dựng gần đây.

Phạm Hồng Hải

Top