Ngã ba Cò Nòi - Sơn La, địa danh Lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Để chuẩn bị mọi điều kiện cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hàng vạn bộ đội, hàng vạn dân công ở khắp cả nước đã được huy động lên chiến trường để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong chiến dịch lịch sử này, Sơn La có một vị trí rất quan trọng. Là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, Sơn La cũng là một hậu phương lớn, gần chiến trường nên việc tiếp tế sức người, sức của cho chiến dịch thuận lợi hơn. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rằng: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”.
Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa Quốc lộ 41 (Quốc lộ 6) với Quốc lộ 13 (quốc lộ 37) là một thung lũng hẹp và sâu, 2 bên là đồi đất, nằm ở toạ độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này.
Thực dân Pháp triệt để lợi dụng yếu điểm của Ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt ngã ba này nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, qui mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Na Pan, bom bướm, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ. Không chỉ tập trung đánh phá Ngã ba Cò Nòi, không quân Pháp còn đánh phá rộng ra xung quanh nhằm phá hủy kho tàng vũ khí, lương thực, lán trại trú quân và sát hại bộ đội, dân công, lực lượng Thanh niên xung phong của ta làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại trọng điểm này.
Với tinh thần cả nước phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng đội Thanh niên xung phong Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Đội Thanh niên xung phong 40 trực tiếp bám trụ phục vụ tuyến đường từ Yên Bái đến Ngã ba Cò Nòi.
Đội Thanh niên xung phong số 40 gồm 10 đại đội với tổng quân số khoảng 1.500 người trực tiếp làm nhiệm vụ tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi là các đại đội 300, 301, 303 và 403. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như lực lượng thanh niên xung phong ở các cung đường, tuyến đường, trọng điểm nối miền xuôi, Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng Thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi luôn phải hứng chịu những trận bom ác liệt dai dẳng và cường độ ngày một tăng. Mặt đường khu vực này luôn bị bom đạn địch cày nát, những trận mưa đổ xuống liên tục làm cho mặt đường nhão nhoét, trơn lầy gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc sửa chữa, giải phóng mặt đường cho người và phương tiện giao thông đi lại qua trọng điểm này.
Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu làm nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho. Chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc ta kết thúc thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng Thanh niên xung phong. Máu của 100 liệt sỹ Thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại ngã ba lịch sử này đã tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.
Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi lịch sử, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngã ba Cò Nòi được chọn qui hoạch trở thành một địa danh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 21-4-2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong; Ngày 7-5-2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm.
Nếu Tượng đài di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là dấu ấn chiến công đậm nét của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại (1965- 1975 ), thì Tượng đài di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi khắc ghi lại mốc son lịch sử hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
TS Lưu Minh Trị