Lễ hội Kinh Dương Vương

Ngày 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lại nô nức khai hội Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ. Lễ hội tái hiện nhiều phong tục và nghi thức truyền thống đặc sắc mà lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ở Lễ hội Kinh Dương Vương ngoài mục đích rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.

Theo truyền thuyết và các tài liệu, thư tịch cổ, năm 2879 Trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập lên Nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (tên húy là Sùng Lãm). Sau đó, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng. Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, dân thờ phụng trang trọng.

Hằng năm, vào ngày 18 tháng Giêng, xã Đại Đồng Thành mở hội nghênh tế cả ba vị: cha, con trai và con dâu. Hội có lễ phục ruộc (từ cổ có nghĩa là rước nước), có tế nữ quan (nữ quan đi theo kiệu của Âu Cơ). Tại thôn Á Lữ, nhân dân thờ cả Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ được xây dựng từ lâu đời, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề: “Nam bang thuỷ tổ”. Năm 1993, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử để các thế hệ con Lạc cháu Hồng tri ân công đức của Tổ tiên. Những năm qua, Khu Di tích lịch sử Kinh Dương Vương - Thủy tổ Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư tôn tạo khang trang, sạch đẹp, xứng đáng với tầm vóc lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống quý giá cho các thế hệ.

Theo ‘’Truyền thuyết Hùng Vương’’, Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, là bậc thánh trí có tư chất thông minh, tài đức hơn người, sức khoẻ phi thường. Kinh Dương Vương lập nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đặt Quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của vua hồ Động Đình là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân (tên huý là Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con. Người con trưởng được cha phong là Vua Hùng (Hùng Vương), với tổng cộng 18 đời Vua Hùng tiếp nối, kéo dài hơn 2000 năm. Vua đặt Quốc hiệu cho nhà nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (cũ) nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ hội tái hiện nhiều phong tục và nghi thức truyền thống đặc sắc mà lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ở Lễ hội Kinh Dương Vương ngoài mục đích rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.

Lễ phục ruộc xuất phát từ truyền thuyết về Thủy tổ Kinh Dương Vương và cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ. Chuyện kể rằng, con trai Kinh Dương Vương là Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Sùng Lãm tuấn tú khôi ngô lạ thường, có sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ, cầu gì được nấy. Thuở hồng hoang ấy, vùng đất Lạc Việt có nhiều loại yêu quái làm hại dân lành. Lạc Long Quân giúp dân diệt trừ các loài thủy quái hung dữ như: ngư tinh dưới biển, hồ tinh nơi đầm lầy, mộc tinh chốn núi rừng sâu thẳm…; rồi chữa bệnh giúp người, dạy dân biết cách làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở, may mặc, dạy đạo làm người... công đức ấy của Lạc Long Quân được nhân dân ghi tạc. Cũng từ đó, đất nước mới có tôn ti trật tự, có luân thường đạo lý, cha con, chồng vợ quy củ. Sau mỗi lần cứu giúp người dân, Lạc Long Quân lại lui về thủy phủ. Cứ thế, mỗi khi trần gian có việc, nhân dân lại cùng nhau cất tiếng gọi cha Lạc Long Quân: “Bố ơi, bố ở nơi nào hãy về cứu chúng con” và ngay lập tức cha Lạc Long Quân lại xuất hiện. Chính sự cảm ứng oai linh đó được dân gian truyền tụng là biểu hiện của tình phụ tử, rằng cha Lạc Long Quân luôn ở bên che chở cho con dân đất Việt.

Xuân Thu nhị kỳ, mỗi năm hai lần vào ngày 14-8 Âm lịch và trước ngày chính hội 18 tháng Giêng, người dân làng Á Lữ lại tổ chức đi thuyền ra giữa sông (trước kia là sông Dâu, nay là sông Đuống) để tế lễ xin nước, rước vong linh cha về thờ phụng và cầu mong cha cứu giúp dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Mỗi năm, dân làng cử một ông trùm là người từ 60 tuổi trở lên, có đủ vợ chồng, con cháu vẹn toàn được dân tin tưởng giao trọng trách làm lễ khấn xin nước. Trong bài khấn xin nước của ông trùm đọc có gọi ba tiếng: ô hô, ô hô, ô hô (nghĩa là bố ơi, bố ơi, bố ở nơi nào về cứu chúng con).

Thời xưa, lễ hội kéo dài hơn 10 ngày nên lễ rước nước được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng. Nhưng ngày nay, thực hiện nếp sống mới, lễ hội tổ chức gọn trong ba ngày từ 16-18 tháng Giêng Âm lịch nên lễ rước nước thường được diễn ra vào chiều ngày 16 tháng Giêng.

Từ xưa đến nay, lễ rước nước được cử hành tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống với đủ các thành phần: hai hàng cờ ngũ sắc, kiệu long đình, kèn, chiêng, trống, nhạc, lọng, tàn... và các lão ông, lão bà cùng toàn thể dân làng đi sau cầu khẩn. Sau khi dâng chóe nước vào trong đền, các bậc cao niên trong làng tập trung để tế thần, làm lễ nhập tịch. Đến chiều ngày giã hội 18 tháng Giêng, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hồi nước trả về sông với ý nghĩa, sau khi cha về chứng kiến lòng thành của dân thì lại rước cha về lại thủy phủ. Một phần nước được đem tưới cho cây cối xung quanh đền, cầu cho dân chúng trong làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Rước nước là một lễ thức có ở rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống trong cả nước. Đó là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh sống động, đặc sắc của cộng đồng cư dân nông nghiệp được trao truyền từ đời này sang đời khác với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu nước, cầu mùa màng tươi tốt... Nhưng lễ phục ruộc ở hội Kinh Dương Vương làng Á Lữ ngoài mục đích trên còn mang ý nghĩa độc đáo, đặc sắc hơn bởi sự gợi nhớ những truyền thuyết dân gian về Thủy tổ Kinh Dương Vương-cội nguồn dân tộc, về tình phụ tử, mẫu tử giữa mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân với con dân muôn đời.

Nghi lễ phục ruộc và lễ hội truyền thống Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ hàng năm ở làng Á Lữ  là sự truyền nối tâm thức lịch sử, bao hàm cả mối quan hệ mật thiết, hữu cơ của tình cha con, đồng thời kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất nước - Thủy tổ Kinh Dương Vương với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc, đồng thời giới thiệu, tuyên truyền giáo dục các thế hệ người Việt gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn, nêu cao ý thức tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, hướng tới hình thành tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng ở Thuận Thành như chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu; Chùa Bút Tháp và Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; Làng tranh Đông Hồ và nhiều làng nghề thủ công truyền thống.

Thu Thủy

Top