Lễ hội Đền Hùng trong tâm thức người dân đất Việt

Vào mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, hàng chục, hàng chục vạn đồng bào cả nước kiều bào nước ngoài nô nức hành hương về Đền Hùng thắp nén hương thơm, dâng lên Vua Hùng những sản vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống, đó là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu...để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên cộng đồng các dân tộc Việt.

Lễ hội Đền Hùng là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một hình thức tín ngưỡng chỉ có ở Việt Nam với tầm ảnh hưởng rộng lớn, lâu bền và và có nhiều người thực hành nhất  ở một quốc gia. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là cơ sở để cấu kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta hàng năm đều dành thời gian lên thăm viếng Đền Hùng và dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng của những người con hướng về nguồn cội. Hiện nay, trên trang sổ vàng truyền thống Đền Hùng vẫn còn lưu lại bút tích của các đồng chí. Năm 1971, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Đời Vua Hùng đã mở đầu cho lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc có truyền thống cần cù lao động và anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Uống nước nhớ nguồn, chúng ta phải luôn phát huy tinh thần tự lập tự cường của dân tộc Việt Nam…”

Bút tích đồng chí Phạm Văn Đồng - Nguyên Thủ tướng Chính phủ: “… Bây giờ nước nhà đã được độc lập tự do, con cháu các vua Hùng, con cháu Bác Hồ phải phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam “Mười lần to đẹp hơn xưa” trước hết là Vĩnh Phú, nơi quê cha Đất Tổ”.

Đoàn dâng lễ thành phố Hà Nội, tỉnh Phú Thọ dâng lễ lên Quốc Tổ trong Lễ hội Đền Hùng 2013

Năm 1986 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm Đền Hùng và đã ghi lên những dòng cảm tưởng: “…Hôm nay, nhân dịp Giỗ Tổ, đến thăm Đền Hùng, thăm đồng bào và chiến sĩ huyện Phong Châu, xã Hy Cương đại diện cho những xã lân cận, tôi muốn nói lên ước vọng là toàn thể các cụ, các anh chị, các cháu ở đây cần thấy hết vinh dự lớn và trách nhiệm lớn của mình, đem hết tinh thần và nghị lực gìn giữ và tô thắm di tích thiêng liêng, đồng thời xây dựng huyện nhà, xã nhà thành huyện gương mẫu, xã gương mẫu toàn diện của quê hương Đất Tổ”.

Ðã có nhiều kiều bào ta ở nước ngoài tìm về Ðền Hùng dâng hương, xin chân nhang và đất Tổ đem theo để thờ. Họ nói: Ðến thăm Ðền Hùng, chúng tôi như những giọt máu trở về tim và trong sâu thẳm trái tim mỗi người luôn khắc sâu gốc tích, cội nguồn. Trong sổ vàng lưu niệm tại Đền Hùng, ông Lý Thừa Vĩnh, Tổng Thư ký dòng họ Lý tại Hàn Quốc viết: “Kính thưa Vua Hùng vô cũng vĩ đại của nước Đại Việt vô cùng vĩ đại. Con là hậu duệ của Vua Lý Thái Tổ đang sống ở Hàn Quốc, được về thăm đền Tổ lần này con vô cùng cảm kích và xúc động. Con vô cùng tự hào là người con Đất Việt, con mong muốn đất nước sẽ mãi mãi phát triển và ngày càng giàu đẹp”.

Ông Hà Thuỷ Nguyên (kiều bào New Zealand) xúc động: “Tôi cảm thấy hàng năm đất nước ta tổ chức ngày Quốc Giỗ này lại càng làm cho tất cả kiều bào ở nước ngoài nhớ về cội nguồn, nhớ về Tổ quốc hơn. Với riêng cá nhân tôi cũng vậy, với lòng quyết tâm của mình sẽ cùng với tất cả kiều bào ta đóng góp một phần nhỏ bé của mình để cùng xây dựng quê hương, đất nước”.

Các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ tổ chức rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng 2013

Hàng vạn du khách từ mọi miền Tổ quốc không phân biệt tuổi tác, tôn giáo đã tụ họp về  Đền Hùng với tấm lòng thành kính. Cụ Nguyễn Văn Sáu 84 tuổi (ở Tam Dương- Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Tuy tuổi già đường xa rất mệt mỏi, nhưng khi thắp nén hương trên bàn thờ Tổ, nhìn bà con mình đi trảy hội, tôi vô cùng tự hào vì mình là con dân Đất Việt”.

Chị Cao Thị Hải Yến (ở Đoan Hùng - Phú Thọ) tâm sự: “Mấy năm gần đây, năm nào tôi cũng về Đền Hùng vào dịp đầu năm để cầu bình an cho cả gia đình. Tuy nhiên, đến ngày Giỗ Tổ, tôi lại về Đền Hùng bởi mỗi lần về, tôi lại có một tình cảm bâng khuâng, mới lạ …”.

Với mỗi con người Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu lắng trong trái tim. Dù ở đâu, miền Bắc hay Nam, miền xuôi hay miền ngược đều hướng về quê hương Đất Tổ bằng lòng thành kính, tri ân sâu sắc. Cụ Nguyễn Phương (88 tuổi, trú ở Đồng Nai), lần này cụ đưa các cháu nhỏ đi cùng để giáo dục thêm cho các cháu truyền thống của dân tộc, nhớ về cội nguồn của con dân Đất Việt: “mấy cháu nhỏ của tôi, cháu nào cũng vui vì được tới tham quan di tích ở đây cũng như được tận mắt chứng kiến các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương”.

Được về Vĩnh Phú kính viếng các Vua Hùng, chúng tôi hết sức xúc động, vui mừng, biết ơn Tổ tiên đã có công dựng nước... Chúng tôi về Nam nguyện làm đúng lời Bác Hồ dạy: ”Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấynước”.(Đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre - 1975).

Lễ hội Đền Hùng 2015

Những năm gần đây, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, địa phương đã tích cực, đầu tư, tu bổ, tôn tạo Khu Di tích Ðền Hùng và tổ chức Lễ hội Ðền Hùng hàng năm linh thiêng, trang trọng, thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Đền Hùng đã trở thành Khu Di tích lịch sử văn hoá tầm cỡ quốc gia. Các lễ hội hàng năm cũng được tổ chức với quy mô lớn hơn, mang tầm thời đại cao hơn nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và quê hương Đất Tổ.

Văn Thanh Hải

Top