Nét đặc trưng riêng biệt về tổ chức và nghệ thuật trình diễn Hát Xoan Phú Thọ

Hát Xoan là lối hát dân gian được bắt nguồn từ tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Thần linh, Thành hoàng và các Vua Hùng gắn với không gian thiêng là các ngôi miếu cổ và đình làng, nên Hát Xoan còn được gọi là “Hát cửa đình, Khúc môn đình, ca môn đình”.

Trong Hát Xoan, nghệ thuật múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau tạo thành thể thống nhất, dùng điệu múa minh họa nội dung lời ca. Các tiết mục múa hát thường sắp xếp theo trình tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng trung du Phú Thọ “rừng cọ đồi chè”, với nội dung khấn nguyện, cầu mong trời đất phù hộ cho “mưa thuận, gió hòa” để được mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau đó là các lời ca, điệu múa mô tả cảnh lao động sản xuất “tứ dân chi nghiệp” (sỹ, nông, công, thương: Dạy học, trồng lúa, đánh cá, trồng bông dệt vải, săn bắt...). Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự nghi thức tín ngưỡng thờ cúng truyền thống (có thể xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong Hát Xoan là những áng thơ khuyết danh do nhân dân sáng tác và được lưu truyền trong các phường Xoan gốc với các đề tài khác nhau như: mô tả cảnh lao động, sinh hoạt ở nông thôn vùng trung du, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên vùng trung du với những nét đặc trưng của địa hình đồi gò, kể các tích chuyện xưa liên quan đến các Vua Hùng dựng nước. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất nghệ thuật dân gian với nội dung mang đậm yếu tố trữ tình, mang âm hưởng của những bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân đặc trưng của vùng Đất Tổ. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như một liên khúc: hát bợm gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài (cài) huê, Hát đúm, mó (giã) cá... Sức sống của Hát Xoan chính là bởi Hát Xoan là loại hình hát nghi lễ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương kết hợp với hát giao duyên nam, nữ (hát hội), vì vậy nó được tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ trong các phường Xoan yêu thích truyền dạy và cùng bảo tồn đến ngày nay bởi một số nét đặc trưng riêng biệt sau đây của Hát Xoan Phú Thọ:

Trình diễn Hát Xoan (Ảnh: TL)

1- Tổ chức các phường Hát Xoan

 Các phường Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ và theo nguyên tắc dựa vào liên kết dòng họ, gia đình và khu vực cư trú. Những người Hát Xoan thường là cùng chung sống trong một gia đình hay có mối quan hệ họ hàng “phi nội tắc ngoại”, sống cùng làng xóm và tổ chức thành phường truyền dạy nhau theo tính chất, hình thức văn nghệ dân gian và khép kín trong những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Đây là nguyên nhân để tạo sự khác biệt, đặc trưng bí truyền của mỗi phường Xoan. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) phải là người cao tuổi và là đàn ông, có uy tín về đạo đức và chuyên môn gọi là ông Trùm (chính vì gắn với tín ngưỡng phồn thực nên trùm phường Xoan nhất thiết phải là đàn ông). Ông Trùm là một người có kinh nghiệm và nắm chắc về nghề nghiệp, biết giao tiếp và chữ Hán - Nôm để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các phường viên trong phường thì gọi con trai là Kép, con gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng từ 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng, guốc mộc; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích, đi guốc mộc. Những làng có người đi Hát Xoan kết nước nghĩa với các phường Xoan và các phường Xoan cũng kết nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào, kép trong các phường Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng kết nước nghĩa.

2- Trình tự trình diễn Hát Xoan

Trình diễn một cuộc Hát Xoan nhất thiết phải theo trình tự đã quy định thống nhất trong các phường (theo 3 chặng hát), tuyệt đối không được phép thay đổi. Một cuộc Hát Xoan bao giờ cũng có ba phần chính: Phần hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian; phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.

+ Chặng hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian: Phần này chủ yếu là hát nghi thức với các bài: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám với những lời cầu nguyện, cầu chúc, cầu mong các bậc Vua, Thần linh, Thành hoàng phù hộ cho dân làng được mọi sự bình an, mạnh khỏe, “phong đăng, hòa cốc”; “nhân khang vật thịnh”... thể hiện ước nguyện của người nông dân được quanh năm no đủ, nhà nhà, người người yên vui. Phần hát nghi lễ được trình diễn theo đúng nghi thức dân gian trước cửa võng ở trong nội đình (nên gọi Hát Xoan là hát cửa đình). Những lời ca này được sao chép cẩn thận và do ông trùm lưu giữ. Đào và kép hát xen kẽ nhau, lúc phụ họa lúc đuổi nhau, múa hát rộn ràng, động tác dứt khoát, khỏe mạnh tạo không khí linh thiêng, tôn kính trước khi vào cuộc Hát Xoan trong ngày hội.

+ Chặng hát trình diễn 14 quả cách (quả là bài, cách là hình thức thể hiện): Kiều Giang Cách; Nhàn Ngâm Cách; Tràng Mai Cách; Ngư Tiều Canh Mục Cách; Đối rẫy Cách; Xuân Thời Cách; Hồi Liên Cách; Hạ Thời Cách; Thu thời Cách; Đông thời Cách; Tứ Mùa Cách; Thuyền Chèo Cách; Tứ Dân Cách; Chơi Dâu Cách.

Nội dung các quả cách bao gồm các lời ca mô tả đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời ở nông thôn hoặc ca ngợi 4 mùa xuân - hạ - thu - đông cùng với sự biến đổi của cảnh vật thiên nhiên qua một năm canh tác, trồng cấy của nhà nông, hoặc kể các cốt truyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc ba phần rõ rệt: giáo cách (mở đầu) - đưa cách (phần giữa) - kết cách (phần cuối).

Nối tiếp các quả cách thường có láy câu chuyển tiếp: “Các bạn họ ta lấy qua làn dậm là hỡi dậm nào dậm ấy cho qua” hoặc “Cách ấy cho qua, hỡi bạn chèo ta, giờ sang cách khác, giã tiệc này, ta là Đại Vương.”

Trình diễn Hát Xoan (Ảnh: TL)

+ Chặng hát hội (hát phú lý): Phần hát này mang tính chất trữ tình, giao duyên nam nữ phản ánh những tình cảm quan hệ yêu đương trai gái với hình thức đối đáp thể hiện sự ứng tác, đối đáp linh hoạt mang tính chất đua tài, thi ứng phó nhanh giống như hát ví, hát trống quân bao gồm các tiết mục múa, hát, dựng các hoạt cảnh, các trò chơi. Đây cũng là phần hứng thú và sinh động và hấp dẫn nhất trong cuộc Hát Xoan nói chung. Nghệ thuật của Hát Xoan độc đáo và đặc trưng là ở chặng hát này.

Chặng hát này thường được tiến hành theo các thứ tự: hát ghẹo - giao duyên, xin hoa đố chữ, hát đúm và giã (mó) cá mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực: âm - dương; Trai - gái; sinh sôi nảy nở giống nòi. Giã cá hoặc mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của Hát Xoan, có tiết tấu nhịp nhàng, khỏe khoắn, sôi động, thể hiện rõ nét đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực qua mối quan hệ giữa trai (dương) và gái (âm) với ước nguyện sinh sôi, nảy nở phát triển giống nòi để có thêm nhiều nhân lực, của cải trong lao động sản xuất. Điệu múa gồm mười hai đào Xoan và bốn chàng trai làng tượng trưng cho cá bị bắt dâng lên thờ Vua. Chặng hát này được múa hát vào lúc nửa đêm hay gần sáng trước bàn thờ Thánh trong nội đình.

3- Âm nhạc trong Hát Xoan 

Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm (quãng 3 hoặc quãng 4). Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, cách hát gần gũi với giọng nói. Hiện tại, các phường Xoan trên địa bàn Phú Thọ còn bảo tồn được 31 bài Xoan ở 4 phường Xoan gốc: An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái, đều thuộc thành phố Việt Trì. Đứng đầu phường Xoan là ông Trùm. Trong Hát Xoan, Kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa... Ngoài ra, khi phường Xoan được mời đến trình diễn ở nơi khác, trong phần Hát Hội còn có sự tham gia của trai, gái đại diện cho cộng đồng của cửa đình sở tại...

 4- Đạo cụ và nhạc cụ trong Hát Xoan

Đạo cụ và nhạc cụ dùng cho Hát Xoan rất đơn giản, không đòi hỏi cầu kỳ thể hiện tính nghiêm trang trong thực hành tín ngưỡng thờ cúng và tính phổ thông quần chúng để các đào kép dễ thể hiện trình diễn Hát Xoan. Chỉ dùng một chiếc trống nhỏ đường kính mặt trống 20 cm, chiều cao 25 đến 30 cm, hai mặt bịt da và tang trống bằng gỗ mít cùng với đôi, ba cặp phách bằng tre đực già. Tuy vậy, kép trống lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ nhịp cho các kép và đào hát trong toàn bộ cuộc hát. Nếu kép trống mà không thuần thục giữ nhịp trống thì ảnh hưởng rất nhiều đến không khí và chất lượng của cuộc hát. Trước khi vào cuộc hát, kép trống sẽ đánh một hồi như lời mời và ra hiệu bắt đầu cuộc hát, sau đó là giữ nhịp cho cuộc hát. Khi chuyển các chặng hát thì bao giờ kép trống cũng phải co hồi trống chuyển tiếp.

(Ảnh: TL)

5- Lời của các bài bản Hát Xoan Vì là lối hát thờ Thần linh, Thành hoàng làng và các Vua Hùng trước cửa đình nên nghệ thuật trình diễn của Hát Xoan ất đơn giản, mộc mạc với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, thơ, vè và giọng điệu mang đậm dấu ấn thổ ngữ của địa phương vùng trung du Phú Thọ (dân ca). Lời ca trong Hát Xoan còn có sự kết hợp với các điệu múa đơn giản chủ yếu bằng đôi tay của các đào, kép đưa ra, thu vào, ngửa bàn tay, úp bàn tay, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu... Di chuyển trong Hát Xoan bằng đôi chân chủ yếu theo hàng dọc hoặc hàng ngang và vòng tròn (mó, giã cá) cũng đơn giản không phức tạp. Lời Xoan thường được thể hiện dưới dạng thể thơ song thất lục bát ( 2 câu 7, một câu 6, một câu 8), thất ngôn (7 từ), lục bát, lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ đơn giản dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát.

Hát Xoan hội đủ các yếu tố của văn nghệ dân gian bao gồm về tổ chức Phường (họ); trình diễn theo hình thức đơn giản hát kết hợp với múa gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đó là hình thức âm nhạc cổ truyền, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này, ngày 24 tháng 11 năm 2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Hát Xoan sẽ góp phần tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và duy trì tính đa dạng của văn hóa nhân loại và có căn cứ để lập hồ sơ tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặng Đình Thuận

Top