Làng rèn Trung Lương

Trung Lương ngày nay vừa là tên gọi của làng rèn Trung Lương những cũng là tên một phường thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Làng rèn Trung Lương có từ khoảng thế kỷ XIII. Trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển, nghề rèn ở đây nói riêng và làng Trung Lương nói chung đã có những đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay chưa ai xác định được nghề rèn ở đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại trên mảnh đất Trung Lương này từ  rất lâu rồi. Những nghệ nhân Trung Lương truyền nhau câu chuyện rằng, Tổ sư nghề rèn ở đây là ông Đùng. Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có dụng cụ  sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà. Từ đó nhiều người trong vùng đến xin học nghề. Ông vui vẻ truyền nghề  lại cho dân làng. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ  tại Rú Tiên, nằm ngay giữ làng và gọi là đền thờ ông Thánh Thợ. Cũng có một cách giải thích khác về  sự hình thành của làng nghề qua lời kể của những người dân Trung Lương. Truyện kể  rằng, ngày xưa có hai anh em thợ rèn người họ Trương đến đây lập nghiệp. Ít lâu sau, người anh Trương Như ở  lại truyền nghề cho dân làng Trung Lương. Người em vào tận Cố đô Huế  lập nên làng rèn Hiền Lương.

Thợ rèn Trung Lương thời nào cũng tài hoa. Khi quốc gia hữu sự, họ đem tay nghề  của mình giúp nước, cứu dân. Thời Cần Vương, thầy trò cố Đường  đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng. Cố Đường cùng với ông Cao Thắng chế thành công súng cho nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, dưới tác động của kinh tế thị trường và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trong khi rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống bị mai một, thậm chí bị thất truyền, nhưng nghề rèn ở Trung Lương vẫn vững vàng đi lên, bởi mỗi người thợ ở đây luôn lấy chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất, để giữ lấy thương hiệu cho gia đình mình cũng như cho cả làng.

Hiện nay, toàn xã có gần 350 lò rèn, 3 lò đúc, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.500 lao động. Đó là chưa tính đến những người làm nghề phục vụ cho nghề rèn và tiêu thụ sản phẩm rèn. Hiện tại hơn 60% gia đình ở Trung Lương liên quan đến nghề rèn. Mỗi năm xã thu về  từ nghề rèn hơn 20 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng số thu nhập của toàn xã.

Cũng giống như bao nghề khác, nghề rèn cũng có sự đòi hỏi tinh tế riêng. Để có một sản phẩm tốt, người thợ rèn không chỉ biết chẻ sắt ra, bỏ thép vào trong rồi rèn. Yếu tố quan trọng nhất là phải biết nhìn vào lửa mà phân biệt được khi nào khối sắt - thép đã đủ hồng thì lấy ra dùng búa đập dính sắt và thép với nhau. Muốn làm được điều này, người thợ không chỉ yêu nghề, mà phải thực sự có năng khiếu về nghề nghiệp. Một khâu nữa không kém phần quan trọng đó là tôi sản phẩm. Đây là công đoạn cuối cùng quyết định chất lượng sản phẩm tốt hay xấu. Cũng chỉ là tôi bằng nước lã như nhau, nhưng tôi già hay non một chút sản phẩm sẽ kém chất lượng, giá trị sẽ không cao. Để có được nước tôi vừa đủ, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của thợ. Để đạt được trình độ thợ như trên ngay từ khi mới vào nghề, thợ học việc đã được các lớp đàn anh đi trước hướng dẫn tỉ mỉ. Người nào nhanh cũng phải mất tới vài ba năm.

Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống do ông cha để lại, đến nay, ngoài nghề rèn tiếp tục được duy trì và phát triển, tại Trung Lương, chính quyền địa phương đã quy hoạch một cụm công nghiệp làng nghề tách khỏi khu dân cư, gần Quốc lộ 1A với hơn 160 lò rèn, trên 100 búa máy, 4 xưởng đúc, 38 hộ gia công cơ khí... Hầu hết các hoạt động của nghề rèn, nghề đúc, nghề gia công cơ khí đều được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm của nghề đúc và nghề cơ khí mang tính công nghiệp cao. Một số cơ sở sản xuất đã phát triển thành doanh nghiệp lớn, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Các cơ sở rèn trong vùng đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động trên địa bàn với thu nhập ổn định.

Trung Lương đang không ngừng phát triển nhờ luôn sẵn sàng đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng, đâu đó những con người với tâm huyết, lòng yêu nghề, họ vẫn giữ cho mình nét truyền thống của nghề rèn xưa. Trong mắt họ làng rèn truyền thống không bao giờ bị mai một, nó như nét cao quý cần được lưu giữ đến mai sau. Về với Trung Lương hôm nay, chắc hẳn bạn sẽ thấy rất vui bởi từ cán bộ địa phương đến từng người làm nghề đều có ý thức vươn lên để hàng của mình cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đồng thời cũng để bảo lưu nghề truyền thống mà ông cha đã để lại. Trung Lương trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế bên núi Hồng - sông Lam.

Mạnh Cường

 

Top