Làng nghề tạc tượng Bảo Hà

Được khôi phục và phát triển trong vài năm gần đây, nghề điêu khắc làng Bảo Hà đang hứa hẹn trở lại thời kỳ hoàng kim đầy tự hào của ông tổ Nguyễn Công Huệ, Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng, Cục phó nam tước Hoàng Đình Úc…

Làng Bảo Hà xưa gọi là làng Linh Động, thuộc địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Các vị cao niên trong làng kể lại, nghề điêu khắc gỗ và sơn mài ở Bảo Hà có từ lâu đời và được coi là cái nôi của nghề tạc tượng cả nước. Khoảng thế kỷ XV, cụ Nguyễn Công Huệ đã khai sinh ra nghề tạc tượng nơi đây và tên tuổi của cụ cũng gắn liền với lịch sử phát triển của nghề. Tương truyền, trong thời gian phục dịch cho nhà Minh, cụ đã học được nhiều từ các bạn thợ của mình. Sau ngày nước ta thoát khỏi ách đô hộ cụ về làng, nghề tạc tượng Linh Động được phục hồi và phát triển. Người dân nơi này nhớ ơn cụ đã phục hồi và phát huy nghề tạc tượng của làng nên thờ cụ cùng miếu với thành hoàng làng.

Tiếp thu, duy trì và phát huy những tinh hoa mà ông tổ Nguyễn Công Huệ để lại, hậu duệ của ông cũng chẳng phụ công thầy. Dưới các vương triều phong kiến, các nghệ nhân như Tô Phú Vượng được phong danh hiệu “Hoàng tín đại phu kỳ tài hầu”; nghệ nhân Tô Phú Luật được sắc phong “Diệu Nghệ Bá”; Hoàng Đình Úc được ban chức “Phụng thi tạc tượng cục, chuyên lưu ứng vụ, cục phó nam tước” tiếp tục làm rạng danh tên tuổi làng nghề Bảo Hà. Hiện nay, truyền thuyết và các sắc phong đang được lưu giữ trong nhà thờ các dòng họ Tô, họ Hoàng để ghi nhận tài năng, tầm vóc quốc gia của những nghệ nhân Bảo Hà. Nhắc đến Bảo Hà là nhắc đến những “bàn tay khắc gỗ nên vàng”, nghề điêu khắc của Bảo Hà đã trở nên nổi tiếng khắp nơi và trở thành nghề cổ truyền độc đáo trên quê hương Vĩnh Bảo - Hải Phòng.

Một trong những làng nghề truyền thống trên vùng đất cổ của Hải Phòng là làng nghề điêu khắc, sơn mài Bảo Hà (làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). (Ảnh: TL)

Những người thợ ở Bảo Hà đã làm ra nhiều sản phẩm điêu khắc, chạm trổ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 1976 - 1980 là thời kỳ thịnh vượng của sản phẩm tranh, tượng Bảo Hà. Chỉ 40 thợ chạm khắc trong số 100 người ở Hợp tác xã thủ công - mỹ nghệ Đồng Tiến (xã Đồng Minh) đã có thu nhập bằng cả đội sản xuất nông nghiệp với 70 mẫu ruộng. Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế khó khăn, những người thợ điêu khắc, sơn mài thường bôn ba khắp nơi kiếm sống. Năm 2000, thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển làng nghề, Hợp tác xã Thủ công nghiệp Đồng Minh được thành lập với sự hỗ trợ kinh phí của UBND TP. Hải Phòng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất... Không những vậy, từ năm 2005, làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của Chương trình du khảo đồng quê.

Ở làng nghề Bảo Hà, chúng ta được chứng kiến tận mắt các nghệ nhân chế tác những sản phẩm nổi tiếng như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cuốn thư, đại tự, nhang án… Người làng Bảo Hà có những nhát đục tài hoa, dù chỉ được truyền dạy bằng "khẩu thủ" nhưng mang đậm tính nghệ thuật, nhất là tài năng xuất chúng của nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng với những bức tượng truyền thần.

Trải qua bao thăng trầm, tới nay, các nghệ nhân của làng vẫn nỗ lực duy trì và phát triển nghề. (Ảnh: TL)

Những nét đặc trưng của các pho tượng ở đình Bảo Hà là dấu ấn rõ nét nhất về tài hoa của các nghệ nhân nơi đây. Các pho tượng được phủ màu và vẽ trang trí đạt tới trình độ hoàn hảo trong nghệ thuật tạo hình, tính hiện thực ở mỗi pho tượng đều thể hiện trình độ rất điêu luyện, xứng danh là quê hương của vị tổ sư có tài về tạc tượng. Theo các nghệ nhân của làng, tạc tượng không thể làm ẩu được mà phải bỏ ra nhiều công sức. Từ khúc gỗ mít, sau khi đã vạt đi phần vỏ để lấy lõi, người thợ phải đục đi đục lại, chỉnh sửa mất rất nhiều thời gian mới tạc thành tượng.

Nghề tạc tượng của Bảo Hà đã vượt ra khỏi biên giới của một làng, Các nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều nơi trong và ngoài vùng như: Ninh Giang (Hải Dương), Tiên Lãng ( Hải Phòng), làng Nguyễn (Đông Hưng - Thái Bình)… để làm tượng chùa, làm quân rối cho các phường rối… Những tác phẩm tạc tượng do những nghệ nhân làng Bảo Hà làm ra mang phong cách nghệ thuật riêng và rất độc đáo, có uy tín, chiếm được cảm tình của nhiều nơi.

Những nét đặc trưng của các pho tượng ở đình Bảo Hà là dấu ấn rõ nét nhất về tài hoa của các nghệ nhân nơi đây.(Ảnh: TL)

Gần đây, để góp phần duy trì làng nghề, đồng thời quảng bá hình ảnh làng nghề tạc tượng với bạn bè quốc tế, Bảo Hà còn tạc tượng lưu niệm, mở shop bán tượng, đồ gỗ mỹ nghệ, tranh sơn mài... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Thanh Huyền

Top