Làng nghề dệt thổ cẩm Na Sang II
Tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền và phát triển, đã trở thành cơ sở để hình thành một hợp tác xã có vai trò gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, cũng như quảng bá văn hóa dân tộc.
Bản Na Sang II có lịch sử lâu đời về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người dân dệt thổ cẩm chủ yếu cho nhu cầu sử dụng bản thân. Giá trị sản phẩm của họ đã được phân tích bởi nghiên cứu qui hoạch tổng thể về nghề thủ công năm 2004 của JICA. Thổ cẩm Na Sang II nay trở thành một trong những hợp tác xã điển hình nhất của tỉnh Điện Biên.
Nghề dệt thổ cẩm đã theo bước chân du cư của các tộc Lào đi khắp nơi. Thổ cẩm của người dân tộc Lào được dệt từ sợi bông. Qua bàn tay cần cù, khéo léo của người phụ nữ loại sợi tự nhiên này như được biến hóa, trở thành những tấm vải nhiều màu với những hoa văn hết sức đặc trưng. Các hoa văn hình chữ vạn, hình voi, hình rắn hay hình chùa tháp trên trang phục thổ cẩm, khiến người ta nhận ra ngay người dân tộc Lào dù họ ở đâu. Những phụ nữ dân tộc Lào ở bản Na Sang II rất tự hào về nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Niềm tự hào ấy đã giúp cho nghề truyền thống này được duy trì, mặc dù nhu cầu về vải vóc ngày nay dễ dàng được đáp ứng bởi thị trường vải sợi hóa học đủ loại màu sắc, hoa văn. Thổ cẩm họ làm ra để phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính, số sản phẩm được đem bán hoặc trao đổi rất hạn chế.
Loại hoa văn đặc trưng trên thổ cẩm Lào (Ảnh: TL)
Bản Na Sang II có tới 20 nghệ nhân dệt thổ cẩm, nhưng một điều mà hầu hết nghệ nhân phải thừa nhận rằng: Mẫu mã của các sản phẩm làm ra đơn điệu, hoa văn còn nghèo nàn; đường kim mũi chỉ ở nhiều sản phẩm chưa tinh xảo nên chưa đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Phát hiện thấy tiềm năng của một làng nghề với sảm phẩm thủ công truyền thống đặc trưng, năm 2004 Tổ chức JICA của Nhật Bản đã nghiên cứu và xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II. Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Na Sang II ra đời từ đây. Đến nay HTX đã tập hợp được trên 30 thành viên. Tình yêu, niềm tự hào đối với nghề dệt thổ cẩm và sự gắn bó của những thành viên HTX, đã trở thành yếu tố quan trọng giúp cho sự khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, năm 2010 dự án của JICA kết thúc. Vì thụ động trong sản xuất và kinh doanh nên đến thời điểm này HTX gặp khá nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Thực tế trong suốt 5 năm có JICA hỗ trợ, HTX chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng từ một vài địa chỉ do tổ chức này giới thiệu. Vì sản xuất theo mẫu mã do khách hàng đặt trước, nên sản phẩm của HTX không thể hiện được bản sắc dân tộc. Thị trường tiêu thụ bó hẹp; sản xuất thủ công theo thời vụ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa; nguyên liệu nhập, giá thành cao, không đủ sức cạnh tranh. Do những hạn chế trên nên đến nay thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm Na Sang II hầu như vẫn chưa có mặt tại các chợ đầu mối trong tỉnh.
Trên thực tế, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào tuy đã được du khách trong và ngoài nước biết đến qua các cuộc triển lãm, trưng bày ở trong và ngoài tỉnh, nhưng để làm nên thương hiệu thổ cẩm Lào Na Sang vẫn là bài toán khó. Hiện nay, thổ cẩm Lào ở Na Sang II rất dễ bị lẫn chìm trong muôn vàn sản phẩm dệt thổ cẩm khác. HTX dệt thổ cẩm Lào Na Sang tuy được thành lập nhưng trên thực tế, hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm vào những dịp hội chợ thương mại, còn mạnh gia đình nào thì gia đình đó làm.
Phụ nữ dân tộc Lào tranh thủ dệt những lúc nông nhàn (Ảnh: TL)
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào ở Na Sang II là tạo ra một làng nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Không những thế, củng cố làng nghề truyền thống ở đây còn có ý nghĩa là phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được thêu dệt, mỗi nét hoa văn đặc trưng, chứa đựng một quan điểm thẩm mĩ của dân tộc, đó là niềm tự hào và cũng là giá trị những phụ nữ cần cù, khéo léo ở Na Sang II muốn lưu giữ.
Duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên nói chung và ở Núa Ngam nói riêng không chỉ là sự nỗ lực của các nghệ nhân mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm... tạo giá thành sản phẩm cạnh tranh. Và điều quan trọng là phải tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân có thể sống được với nghề và bảo tồn được nghề truyền thống này.
PV (Tổng hợp)