Làng nghề dệt chiếu Tiên kiều

Từ thủa xa xưa, đến truyền thuyết cũng không đủ sức vượt thời gian để nói với hôm nay buổi đầu dựng nghiệp, chỉ biết nghề dệt chiếu bắt đầu từ Tiên Kiều, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, rồi lan dần ra cả tổng, cả khu, đến nay trở thành vùng trọng điểm cói và chiếu của Hải Dương.

Làng Tiên Kiều chọn giống cói tròn, óng dài, sợi dẻo, dai, gọi là cói cơm trồng từng ruộng thay cho cói ba cạnh mọc hoang tuy thân to nhưng ngắn và dòn. Cói cấy dịp cuối năm. Đất cấy cói phải làm kỹ như đất gieo mạ. Chọn những chân ruông triều bãi, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, san cho phẳng, rồi tách mầm cói ra trồng. Cấy xong giữ nước xấp xảnh cho ruộng liền bùn, để hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho cói phát triển nhanh. Một tháng sau cói mọc cao, từ đó cho nước thuỷ triều ra vào bình thường, hàng tháng làm cỏ bón phân. cói sẽ mọc đều và tốt. Mỗi lần cấy cói có khả năng thu hoạch liên tục 10 - 12 năm, chân ruộng tốt có thể để lâu hơn mới phải cấy lại. Một năm thu hoạch cói hai lần, cói chiêm thu vào tháng 5-6, sau vụ gặt, trước mùa mưa bão; cói mùa thu vào tháng 10 - 11, thời kỳ khô hanh, chất lượng tốt hơn cói chiếm. Theo kinh nghiệm dân gian thì ruộng có từ màu xanh chuyển sang màu vàng, loáng thoáng khô lá mác là cói chiếm đã chín, bắt đầu thu hoạch, cói mùa khi thân cây vàng óng, một phần ba số cây trổ hoa thì thu hoạch là vừa. Khi thu hoạch dùng liềm cắt sát gốc, cắt đến đâu gọn sạch đến đấy để lứa sau cói mọc đều.

Trước khi chẻ phơi, cắt ngọn cói thành từng cỡ bằng nhau, dùng dao con chẻ từ gốc thành 2-3 hoặc sợi đều nhau tuỳ theo cói to hay nhỏ và mục đích sử dụng. Chẻ cói bằng dao, mỗi lần được 3-4 cây, chẻ thành thạo được 6-7 cây. Gần đây cải tiến cách chẻ bằng bàn chẻ. Bàn chẻ rất đơn giản làm bằng tấm gỗ con (30x20cm) đóng hai đinh sắt, căng một sợi dây nhỏ hoặc hai trục lăn với một lưỡi dao mỏng ở giữa, khi chẻ lao gốc vào dây thép rút mạnh, cói được chẻ đều và nhanh. Loại cói già xấu không chẻ để dệt loại chiếu dót. Cói chẻ phơi qua 7 nắng mới khô kiệt, 1kg cói phơi khô chỉ còn 250gam. Cói khô thu lại bó gọn thành từng bó 20-25kg để ở nơi khô ráo làm nguyên liệu dự trữ quanh năm.

Nghề truyền thống dệt chiếu cói ở Tiên Kiều (Ảnh: minh họa)

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chiếu ni-lông, chiếu cỏ, chiếu tre, chiếu gỗ của Trung Quốc nhập lậu, tràn ngập thị trường, bán với giá thấp, khiến chiếu cói Tiên Kiều đứng trước sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, sản phẩm chiếu cói không những tiêu thụ khó mà còn bị mất giá. Nhiều hộ dệt chiếu thủ công trong làng buộc phải tạm gác go, tìm công việc khác. Diện tích trồng cói thu hẹp chỉ còn chừng 30 ha.

Trong bối cảnh ấy, khoảng 200 hộ tâm huyết với nghề chiếu cói vẫn bền bỉ mắc go, dệt chiếu và không quên nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Chiếu cói Tiên Kiều đã khẳng định được ưu thế về chất lượng, độ bền và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Liên tục trong các năm từ 2006 đến nay, sản phẩm chiếu cói Tiên Kiều sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Tình trạng ế chiếu cói đã chấm dứt.

Nắm cơ hội này, nông dân trong xã và 5 xã khác thuộc khu Hà Đông (Thanh Hà) mạnh dạn chọn cây cói làm cây chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay vì độc canh cây vải thiều. Diện tích trồng cói tại đây hiện đạt hơn 150 ha; riêng xã Thanh Hồng có 65 ha, tăng gấp đôi so với diện tích cói năm 2003. Các hộ tạm gác go đi làm công việc khác đã trở lại với nghề truyền thống. Sản phẩm chiếu cói Tiên Kiều ngày một nâng dần thị phần trên thị trường chiếu trải giường nội địa.

(Ảnh: minh họa)

Tuy nhiên, làng nghề chiếu cói này tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Thời kỳ bao cấp, phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở khu Hà Đông được dành để trồng cói. Nhờ trồng tập trung, đất màu mỡ, cây cói cho năng suất bình quân 6 tạ/ sào/ năm và ít bị nhiễm bệnh. Nay, do đất tốt chuyển sang trồng vải, đất xấu dành cho trồng cói và trồng đan xen với các vườn chuyển đổi nên cây cói bị nhiễm rầy, bị chuột phá, năng suất chỉ còn bình quân 4 tạ/ sào/ năm. Điều này khiến cho nguyên liệu không đủ cung ứng cho nhu cầu phát triển nghề. Mặc dù sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nhưng thu nhập của người làm nghề vẫn đạt thấp.

Tháo gỡ khó khăn này, cách tốt nhất là hợp tác, liên kết làm ăn để cùng duy trì, phát triển nghề. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến thành lập HTX Chiếu cói Tiên Kiều vào tháng 9-2009. Cùng với lo thủ tục hành chính thành lập HTX, 8 xã viên đầu tiên đã cùng nhau góp gần 2 tỷ đồng vốn kinh doanh. Có vốn, HTX dành ra 200 triệu đồng mua 3 giàn máy dệt chiếu cói.

Giá nguyên liệu của chiếu dệt máy tương đương giá nguyên liệu dùng cho dệt chiếu bằng phương pháp thủ công. Song cứ 45 phút mỗi máy dệt được 2 lá chiếu, tương đương năng suất của 1 lao động thủ công làm việc trong 8 giờ. Vì vậy, giá thành sản phẩm của chiếu dệt bằng máy hạ hơn rất nhiều so với dệt bằng phương pháp thủ công.

Tiên Kiều hiện có hơn 500 hộ duy trì nghề dệt chiếu cói thủ công, sản lượng chiếu đạt hơn 400 nghìn lá/năm. Trong đó chỉ có khoảng 5.000 lá bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng tại chợ Bầu nằm trên địa bàn xã; số còn lại được các tư thương mua gom, mang đi tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương... Hơn 10 năm nay, chiếu cói Tiên Kiều, được công nhận là làng nghề và sản phẩm chiếu cói Tiên Kiều ngày một nâng dần thị phần trên thị trường chiếu trải giường nội địa.

                                                                                                Văn Phô (Tổng hợp)

Top