Làng cổ Phù Lưu

Có một ngôi làng, có niên đại từ thời Hùng Vương mà những người dân nơi đây vẫn chăm chút giữ gìn từng nét văn hóa riêng của nó: Làng cổ Phù Lưu ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Làng có tên nôm là làng Giầu, vào buổi sơ khai làng nguyên là một vùng trồng trầu. Làng Phù Lưu cách Thủ đô Hà Nội 16 km về phía Bắc, nằm bên Quốc lộ 1A, gần kề với thị trấn Từ Sơn. Nơi đây có đầm Phù Lưu, được coi là nơi khởi đầu sông Tiêu Tương, con sông truyền thuyết đã gắn liền với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương cũng như trong văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc. Do thuận lợi về vị trí, cũng như phong thủy, Phù Lưu đã sớm hình thành nghề buôn bán từ xa xưa.

Làng Phù Lưu ngày nay.

Trong những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã từng là một chợ mang tên Thị Thôn. Cuối thế kỷ XV, chợ chùa Phù Lưu trở thành là một chợ nổi tiếng, thu hút nhiều thương khách đến buôn bán. Chợ ngày càng phát triển sầm uất mở rộng cả vào khu đình làng. Chợ Giàu đã trở thành trung tâm buôn bán không những của huyện Đông Ngàn xưa mà là của cả tỉnh Bắc Ninh trước kia. Chợ buôn bán mặt hàng chính là trầu cau, cùng nhiều loại khác: hàng xén, tơ lụa, vải vóc, gốm sứ, hàng quà và hàng hoá phục vụ nhà nông...

Từ năm 1937, phố Phủ Từ Sơn được thành lập, trung tâm văn hóa nơi đây được chuyển dần ra thị trấn. Năm 1958, chính quyền địa phương quyết định chuyển chợ trong thôn Phù Lưu ra vị trí mới, đặt tên là chợ Bách hoá Từ Sơn. Đến tận năm 2000, chợ mới được đầu tư, xây dựng lại, lấy tên cũ là Chợ Giầu (Chợ Giàu).

Trải qua nhiều năm tháng, những người dân Phù Lưu vẫn giữ được truyền thống buôn bán xưa. Dân Phù Lưu thường tự hào rằng ở đâu có chợ, ở đó có người Phù Lưu.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bước chân về ngôi làng cổ này. Bởi bên ngoài cái vẻ ồn ào của phố thị, làng Phù Lưu vẫn giữ được những vẻ trầm mặc cổ kính của nó.

Cổng làng cổ Phù Lưu với hai câu đối.

Trong văn bia còn lưu lại ở đình làng Phù Lưu viết rằng, Phù Lưu phát triển kinh tế từ rất sớm, khoảng thế kỷ XVI -XVII đã có những dòng họ lớn có đóng góp cho địa phương 400 quan tiền và 1, 2 gánh gạo. Cũng từ ngôi làng này sinh ra rất nhiều người con nổi tiếng, khiến dân làng Phù Lưu đi đâu cũng có quyền tự hào.

Có về Phù Lưu, nói chuyện với những người dân nơi đây, mới hiểu vì sao, trong khi một số nơi về cơ bản đã xóa xong làng cổ thì vẫn còn một Phù Lưu trầm mặc và cổ kính đến thế. Phù Lưu có rất nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, điển hình là cụm di tích đình - đền - chùa.

Qua bao lần tôn tạo trùng tu, đình Phù Lưu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ. Đó là những tòa nhà mái rộng mà các đầu đao của nó được uốn cong vút lên, có tác dụng làm cho không gian nội thất của đình có phần sáng sủa, vừa tạo cho toàn bộ kiến trúc có cảm giác nhẹ nhõm. Hệ thống cột với những bộ khung sườn chắc chắn có sức bền vững với năm tháng dài. Những gian đình cao rộng, thoáng mát, sáng sủa tiện lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Đằng sau màu vàng sắc gụ, những họa tiết hoa văn chạm khắc vẫn giữ được dấu tích của mấy trăm năm lịch sử. Tại đình còn lưu giữ hai di vật cổ: 1 là bức hoành phi có 5 chữ “Thánh cung vạn vạn tuế”, bên trong có chữ “Trung hòa thả bình” được sơn son thiếp vàng với lối chữ cổ ngày nay ít người biết được.

Ngay bên phải đình là ngôi chùa Pháp Quang, có lẽ được xây dựng từ trước khi có đình. Chùa có kiến trúc đơn giản, quy mô vừa phải song lại rất hài hòa với cảnh quan chung của làng.

Hương hiền từ là nét đặc trưng về giáo dục Nho học cấp làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, vốn là nơi có truyền thống hiếu học và khoa bảng của cả nước. Hương hiền từ coi trọng người có tài, người có công và không nằm ngoài mục đích khuyến khích nhân tài. Đây vừa là nơi thờ người có công với làng, vừa là nơi thờ người đỗ khoa trường. Đó là nét riêng của một làng quê có truyền thống hiếu học. Trong nhà có ba ban thờ, ban giữa có bia Hương hiền từ thờ các vị có công với làng và những vị đỗ đại khoa. Hai bên là 2 bài vị.

Đình làng Phù Lưu.

Từ xa xưa, làng đã có cụ Chu Tam Dị đậu Tiến sĩ năm 1529. Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, nhiều thế hệ người Phù Lưu đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực như nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sỹ Hoàng Tích Chù, nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng; nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sỹ Hồ Bắc... giúp cho văn hóa, nếp sống Phù Lưu in đậm vào thơ ca, lưu truyền cho nhiều thế hệ.

Không chỉ giữ được những nét cổ từ đường làng, nhà cổ, hệ thống đình, đền chùa, Phù Lưu còn có một đặc điểm mà không làng nào có đó là nằm trong vùng có những làn điệu dân ca Quan họ nổi tiếng (làng Lim) nhưng nghệ thuật tuồng cổ đã có một thời hưng thịnh với nhiều kép hát tài ba, tiếng hát làm rung động nơi thôn quê dân dã Kinh Bắc xưa.

Hội làng Phù Lưu được tổ chức vào mồng 8 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Hội thờ Phật và Thành hoàng. Thành hoàng của làng là một vị thần Mẫu, vốn là mụ ả tu đắc đạo có phép hô phong hoán vũ. Khi hạn hán dân thường cầu Bà hóa phép làm mưa nên tôn Bà là Thành hoàng. Ngày tổ chức hội là ngày hóa của Bà. Trong những ngày chuẩn bị lễ hội, đình, đền, chùa được lau dọn sạch sẽ, khánh tiết trang trọng, đường làng ngõ xóm phong quang. Mọi người trở nên vui vẻ, thân mật, cởi mở, xoá bỏ mọi bất hòa trong đời thường để “cầu phúc”. Những người tham gia ban tế còn phải chay tịnh, phải sạch sẽ. Lễ hội làng Phù Lưu thể hiện lối sinh hoạt văn hóa mang tàn dư việc thờ nữ thần của các cư dân nông nghiệp nói chung và người Kinh Bắc nói riêng.

Đi qua dâu bể của thời gian, Phù Lưu vẫn còn đó vẹn nguyên trong niềm luyến nhớ một làng quê vinh hiển, chốn đi về của biết bao văn nhân, chính khách. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bước chân về Phù Lưu hôm nay, bởi bên ngoài cái vẻ ồn ào của phố thị, làng Phù Lưu vẫn giữ được những vẻ trầm mặc cổ kính. Ai đã đặt chân đến Phù Lưu một lần, chắc chắn sẽ có những tình cảm đậm đà khó quên.

Trần Hoàng (tổng hợp)

Top