Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn

Chúng tôi xin điểm qua sự hình thành, bảo tồn, tôn tạo di tích này, để bàn đến một vấn đề bao quát hơn là bảo tồn, khai thác, phát huy, tôn tạo những di sản văn hoá phi vật thể của Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế.

1. Hồ Hoàn Kiếm như một gương nước xinh xắn, một không gian thiêng, lung linh bóng dáng lịch sử chen lẫn huyền thoại  giữa lòng Hà Nội. Thật hiếm có một Thủ đô nào trên thế giới có ở Trung tâm thành phố một không gian thiêng liêng thấm đẫm chất lịch sử và huyền thoại như thế!

Chính vì thế mà chúng tôi nghĩ Hà Nội nên tiếp tục nghiên cứu bảo vệ, tôn tạo, phát huy để Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn càng thêm đậm chất lịch sử và huyền thoại. Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ đô Hà Nội nên trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Chính phủ cho phép lập hồ sơ khoa học để đệ trình UNESCO công nhận Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn là Di sản Văn hoá Thế giới.

Từ khi Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội quản lý trực tiếp Di tích hồ Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn, công tác bảo vệ, tu bổ di tích, phục vụ khách tham quan đã được làm có bài bản hơn nhiều so với trước kia. Các đường vỉa hè, vành đai xung quanh Hồ đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp hơn. Tất nhiên, tồn tại của Di tích Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn còn có vấn đề nghiên cứu lại cách bài trí các ban thờ cho nghiêm túc, chính xác. Tiếp tục bàn về việc nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy Di tích Lịch sử - Văn hoá Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn là một việc thật cần thiết về mặt khoa học.

2. Nghiên cứu quá trình hình thành Hồ cho thấy tiền thân của hồ Hoàn Kiếm là hồ Lục Thuỷ trước kia rộng hơn bây giờ nhiều. Tương truyền, sau đại thắng quân Nguyên, Triều đình Nhà Trần đã cho dựng một ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận mạc trên đảo Ngọc. Chúng tôi nghiêng về quan điểm này của tác giả Doãn Kế Thiện1.

Tương truyền, sau chiến thắng Đông Đô 1428, Lê Thái Tổ trả gươm thần cho Rùa vàng thể hiện ước vọng hoà bình của dân tộc ta. Văn thơ nước ta đọng lại nhiều bài thơ đẹp nói đến biểu tượng Trả gươm trên hồ Hoàn Kiếm: “Khí thiêng gươm báu, ngút ngang trời/ Nền cũ đài câu bạn lưới chài/ Đây đất phồn hoa Trần, Lý trước/ Bên hồ nhuộm cả nét thu rồi!” (Vũ Tông Phan). “Nước trong chưa vẩn tăm thần kiếm...Nghìn thu suy thịnh gương còn đó/ Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn” (Khuyết danh)2.

(Ảnh: TL)

- Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn/ Dịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non/ Nước trong chưa vẩn tăm thần kiếm/ Đường rộng còn trơ dấu pháp môn/ Kim cổ treo chung tranh thuỷ mạc/ Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn./ Nghìn thu suy thịnh gương còn đó,/ Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn. Khuyết danh (LS Thủ đô Hà Nội. Nxb. Sử học, 1960, tr.388).

Đền Ngọc Sơn: Linh uy nổi tiếng thật là đây/ Nước chắn, hoa rào, một khoá mây./ Xanh biếc nước soi hồ lượn bóng;/ Tím bầm rêu mọc, đá tròn xoay./ Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng,/ Khách vắng khi đưa xạ ngát bay./ Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng: Rành rành nọ bút với nghiên này. Khuyết danh (LS Thủ đô Hà Nội. tr.389).

Thơ văn và huyền thoại đã thiêng hoá một ước nguyện hoà bình, cũng có thể hiểu là sự hội tụ sức mạnh âm duơng hoà hợp, tạo thiên lập địa theo thuyết phong thuỷ của ông cha chúng ta xưa để tạo dựng nên chất thiêng cho một hồ nước đẹp giữa lòng Kinh thành Thăng Long - một chất thiêng lành mạnh của văn hoá cổ truyền Việt Nam. Đương nhiên, không gian thiêng đó phải tôn vinh các anh hùng dân tộc dựng nước, nhất là giữ nước. Đó là Trần Hưng Đạo và Lê Thái Tổ.

Nhiều tư liệu cho biết, vào thời Vua Lê - Chúa Trịnh đã cho luyện tập thuỷ quân trên Hồ này. Cũng trên hồ Tả Vọng, Chúa Trịnh đã cho dựng nguyệt đài, thuỷ tạ...làm nơi vui chơi. Về sau, các chúa xây nhiều lâu đài, cung điện dọc theo bờ hồ và đặt tên hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Trên Gò Rùa vào thời Chúa Trịnh đã dựng Tả Vọng đình. Sau này Bá Kim đã thay vào vị trí ngôi đình đổ nát là Tháp Rùa ngày nay.

Vào đầu thế kỷ XIX, trên đảo Ngọc đã có miếu thờ Quan Đế, theo tài liệu “nhân kỷ niệm 160 năm thành lập Hội Hướng thiện liên quan đến đền Ngọc Sơn” (1841-2001) và có thể miếu này được “xây trong khoảng mươi năm đầu thế kỷ XIX, cùng thời với việc người Hoa xây lại Việt Đông hội quán và 1813 trùng tu đền Hà Khẩu ở phố Hàng Buồm bây giờ”. Cũng thời gian này, Ông Tín Trai, quê ở Nhị Khê, Thường Tín đã hưng công xây dựng thêm chùa thờ Phật trên đảo Ngọc, đem lại sự tĩnh tâm cho con người.

Tiếp đó vào giữa thế kỷ XIX, các trí thức Nho học của Hà Nội, nặng lòng với đất Thăng Long như TS Vũ Tông Phan; Phó Bảng Nguyễn Văn Siêu và CN Đặng Huy Tá, TS Nguyễn Văn Lý và các bậc túc nho như Phạm Hội, Bùi Huy Tông...đã tâm huyết sửa lại đền Ngọc Sơn để đề cao Nho học đương thời. Từ đó đền Ngọc Sơn vốn là nơi thờ Trần Hưng Đạo, thờ Phật, còn thờ thêm Văn Xương Đế quân, theo văn hoá Trung Hoa là vị thần coi việc khoa cử chốn trần gian. Các di tích được tôn tạo thêm như tháp Bút Tả Thanh Thiên, cầu Thê Húc...làm cho Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn đậm chất Nho học, khoa cử. Vào năm 1896 đời Thành Thái dựng thêm tượng Lê Thái Tổ soi bóng xuống hồ Hoàn Kiếm.

Từ một dòng cũ của sông Hồng, từ hồ Lục Thuỷ đến hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã mang thêm ngữ nghĩa mới là Hồ và Ngôi đền của trí tuệ, ước vọng và hoà hiếu, tĩnh tâm và lòng hiếu học của dân tộc ta.

(Ảnh: TL)

3. Chúng tôi chỉ xin điểm qua sự hình thành, bảo tồn, tôn tạo di tích này, để bàn đến một vấn đề bao quát hơn là bảo tồn, khai thác, phát huy, tôn tạo những di sản văn hoá phi vật thể của Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế.

Mọi dân tộc trên thế giới, nhất là trong văn hoá dân gian, dường như cùng có một quy luật phổ biến: lịch sử luôn luôn được huyền thoại hoá và huyền thoại lung linh chất lịch sử. Huyền thoại, truyền thuyết, thần thoại là ước mơ, khát vọng của con người thông qua trí tưởng tượng chân chất, hồn nhiên của con người. Trả Gươm thần đại định để mong đất nước bình an “thái bình muôn thuở” là biểu tượng đọng lại ở hồ Hoàn Kiếm, thể hiện khát vọng ngàn đời của mọi người dân Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, mà nhiều năm, nhiều lần dạo chơi quanh hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi thường nghĩ và nay xin được đề xuất một ý tưởng là làm thế nào để những di sản văn hoá phi vật thể về sự tích Lê Thái Tổ, sau khi đánh đuổi xong giặc Minh xâm lược “mở nền thái bình muôn thuở” cho đất nước, đã trả Gươm thần, được hiện lên trên mặt hồ. Nên chăng tạo dựng một tượng đài Lê Thái Tổ trên thuyền rồng cùng Nguyễn Trãi và quần thần văn võ làm lễ trả gươm thiêng cứu nước cho Rùa thần trên hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Tôi hình dung đến nhóm tượng đài lịch sử huyền thoại hoá ấy trên một chiếc thuyền rồng lớn bằng đồng trên mặt hồ phía phố Hàng Khay. PGS.TS Hà Đình Đức, nhà rùa học đã không ít lần nói đến trong hồ Hoàn Kiếm chỉ còn duy nhất một “cụ rùa” đầu có một đốm bạc?! Về hình tượng và vị trí, hy vọng các nhà quy hoạch, điêu khắc có tiếng nói riêng trong không gian huyền thoại - lịch sử hoà quyện ấy.

4. Một vấn đề khác của di sản văn hoá phi vật thể thuộc Không gian Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn cần được khai thác để phát huy là truyền thống hiếu học. Biết bao nhân tài nổi tiếng đất nước ta xưa đều xuất thân từ Nho học. Như trên đã nói, các bậc túc Nho Hà Nội, đồng thời với truyền thuyết Trả gươm thần; đã dày công nâng Khu Di tích Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn lên thành biểu tượng của Nho học cổ truyền Việt Nam với tháp Bút, đài Nghiên, Văn Xương...

Thời Nho học còn thịnh hành (trước 1919), các thầy khoá, thầy đồ thường đến đền Ngọc Sơn cúng lễ mong được đỗ đạt, cống hiến cho đất nước, cũng để được thành danh “vẻ vang mày mặt, rõ ràng mẹ cha”. Thiết nghĩ, có thể nghĩ đến việc tạo dựng thêm một số tượng (cỡ bằng người thật hoặc lớn hơn kích thước một ít) các thầy đồ áo the, khăn xếp với bút lông, nghiên mực, kể cả lều chõng đi thi bên vai...đang thấp thoáng đứng ngồi ven hồ, trên cầu Thê Húc và trong đền Ngọc Sơn, bên Trấn Ba Đình. Những tượng Nho sinh đó sẽ gợi rất nhiều về một thời khoa cử, sôi kinh nấu sử ngày xưa của đất Thăng Long - Hà Nội và cả nước. Nếu có thêm những bóng dáng tượng các nho sinh thời xưa bên hồ Gươm sẽ làm sáng nghĩa hơn các di tích tháp Bút, đài Nghiên, bảng Rồng, bảng Hổ ở cổng ngoài đi vào đền (biểu tượng bảng vàng chiếm tên, thi đỗ); tượng thờ Văn Xương đế quân bên bờ và trong nội thất đền Ngọc Sơn.

Đền Ngọc Sơn (Ảnh: TL)

Cũng có thể nghĩ đến việc đề cao ý thức rèn luyện để “thành đức - đạt tài” của người học trò đi thi chính là sự hướng thiện, trừ ác trong tâm trí học trò. Doãn Kế Thiện kể: việc tôn kính tưởng như đến mê tín các mẩu giấy viết chữ Nho, như các cụ ta xưa thường kể cho con cháu, ngày xưa trong đền Ngọc Sơn có một cí đình nhỏ (gian nhà nhỏ) được gọi là “kính tích tự chỉ đình” để thiêu hoá những giấy có chữ Nho bỏ đi. Nếu ta dựng thêm vài tượng (có chú thích câu chuyện cho rõ nghĩa) những bà thương nhân giàu có đất Hà Nội đã có chữ “Phú”, còn thiếu chữ “Quý”, đang đích thân, dốc lòng hàng ngày gánh đôi bồ bên ngoài có ghi 4 chữ “kính tích tự chỉ” (kính tiếc giấy chữ Nho), thong thả ven hồ, nhìn xuống thấy có mảnh giấy chữ Nho, hai tay kính cẩn nhặt lấy, bỏ vào bồ, mang về đền Ngọc Sơn làm lễ “thiêu hoá” để mong việc âm đức để mong con cháu tên chiếm bảng vàng; một vinh dự thiêng liêng thời Nho học thịnh hành3.

Một di tích lịch sử văn hoá do tiền nhân để lại, đã định hình, ổn định, thêm vào một nét gì mới cũng phải rất thận trọng, một ngàn lần nghiêm túc, thận trọng, không thể tôn tạo tuỳ tiện, ngẫu hứng. Nhưng lịch sử và cuộc sống không bao giờ dừng lại, mà luôn phát triển, tiến tới. “Dĩ cổ vi kim” (lấy cái cổ vì cái ngày nay) và không chỉ là “tòng cổ” (tuân theo nhất mực cái cổ). Ngày xưa, các cụ thận trọng thêm vào di tích xưa một kiến trúc, tháp, ban thờ, hoành phi, câu đối, bia đá, gác chuông, kể cả Khuê Văn Các của Triều Nguyễn đặt vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám khá thành công cũng là phương pháp tôn tạo bổ sung thận trọng như vậy. Từ hồ Lục Thuỷ đến hồ Hoàn Kiếm với tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc... cũng là phương pháp tôn tạo hợp lý, mà ngày nay chúng ta chấp nhận. Tại các nước châu Âu như Ba Lan, Đan Mạch câu chuyện huyền thoại Nàng tiên cá (đầu tiên mình cá) cũng đã được sáng tạo thành tượng đài lớn, đẹp bên các dòng sông huyền thoại của châu Âu.

Trên đây là một số ý tưởng ban đầu về bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hoá phi vật thể của Không gian thiêng Hoàn Kiếm - Ngọc Sơn để góp phần làm đậm thêm chất lịch sử và huyền thoại cho di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng này. Chúng tôi mong có dịp sẽ đề cập sâu hơn về những ý tưởng này. Đương nhiên, đây là một việc lớn, cần được tham khảo, trưng cầu ý kiến công khai, rộng rãi nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Mong các các đồng nghiệp bổ khuyết thêm.

PGS.TS Phan Khanh

Top